Charles-Éric de Saint Germain: “Khoảng trống thiêng liêng hiện nay làm nảy sinh ra nhu cầu triết lý”

297

Charles-Éric de Saint Germain: “Khoảng trống thiêng liêng hiện nay làm nảy sinh ra nhu cầu triết lý”

Triết gia Socrate

fr.aleteia.org, Ban biên tập Aleteia, 2018-10-29

Giáo sư triết lý lớp dự bị, ông Charles-Éric de Saint Germain giải thích cho chúng ta hiểu vì sao triết lý vẫn còn có một tương lai. Với thời kỹ thuật hóa tư tưởng, triết lý được xem là bộ môn của minh triết, vẫn là bộ môn duy nhất đặt câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống và mang lại được câu trả lời.

Aleteia: Ở thời buổi Facebook và các trang mạng xã hội, các sinh viên có còn đọc sách triết lý không?

Charles-Éric de Saint-Germain: Càng ngày càng ít. Đúng thật bây giờ chúng ta đang chứng kiến “cuộc cách mạng văn hóa” mà chúng ta chưa lượng định hết tất cả các hệ quả, một cuộc cách mạng có thể so sánh như sáng kiến máy in đầu tiên của thế kỷ thứ 15. Việc xóa sách thật sự là một nguy hiểm: nguy hiểm của một sự nghèo đi đáng kể về mặt tư tưởng, vì nếu các trao đổi và các đối thoại trên các trang mạng xã hội khai mở tinh thần ra để thảo luận, để đối diện với các quan điểm khác nhau, nhưng ngược lại chúng lại không giúp thiết lập một hệ thống tư tưởng. 

Ông khuyên các sinh viên như thế nào?

Để hình thành một cách suy nghĩ thì phải cần một bước “rút lui” nào đó với thế giới, độ lùi suy tư này là điều kiện để có thể suy nghĩ. Trong khi các cuộc tranh luận và thảo luận trên Facebook (đôi khi tôi cũng xem đây như một trò chơi!) lại đặt lên hàng đầu về tốc độ nhanh của câu trả lời và phản kháng lại ngay lập tức, sợ một khi đăng lên mạng, không ai trả lời sẽ thành lỗi thời, trong khi suy nghĩ thì cần phải có thì giờ. Điều này không làm dễ dàng cho công việc suy nghĩ, cái mà chúng ta gọi là “kiên nhẫn của khái niệm”, (ở đây tôi dùng lại tựa một tác phẩm của Gérald Lebrun viết về triết lý của Hegel) cần quay về bằng các trung gian suy nghĩ đôi khi có thể lâu và phải cần cù, những yếu tố cần thiết để đào sâu một suy nghĩ.

Chắc chắn đọc các sách triết lý là cả một thách thức cho các bạn trẻ ngày nay, khi mà các cố gắng tri thức không được khuyến khích và vì lười và thích dễ, các bạn trẻ bằng lòng với các tóm tắt ngắn gọn,  nhưng cũng thú vị khi thấy các bạn trẻ tạm ngưng điện thoại cầm tay trong giây lát để khám phá, trong thinh lặng của trầm tư, ngẫm nghĩ một bài học triết lý! Những người làm được cố gắng này, họ được nâng lên, khi đó họ có thể cho mình đã có được một loại “văn hóa” đích thực (cẩn thận để đừng lầm với loại văn hóa… dởm) trong nghĩa cao cả mà triết gia Cicéron thời cổ đại định nghĩa chữ “văn hóa” này, (cultura animi trong tiếng la-tinh) là gieo hạt vào tâm hồn, và làm cho tâm hồn được nuôi dưỡng, được tỉnh thức với một khao khát cho sự thật mà văn hóa là tác nhân chuyên chở. 

Như thế ngày nay suy nghĩ có nguy cơ với sự khống chế của kỹ thuật số?

Đó là điều tôi sợ nhất, ngày nay chúng ta chứng kiến một loại “kỹ thuật hóa tư tưởng” vì tư tưởng bị đặt dưới các mệnh lệnh của kỹ thuật số và của truyền thông mà các phương tiện này đòi hỏi. Đó cũng hơi giống chiến thắng mà triết gia Heidegger gọi là tư tưởng “tính toán”, loại tư tưởng hoàn toàn có tính năng thực hành, đặc nét qua tốc độ và sự nhanh chóng khi thực hành, để cuối cùng chỉ lượng định vào hiệu năng và các kết quả biểu hiện hơn là quan tâm được bám rễ trong sự thật của bản thể – mà bản thể là nguồn hệ tại của ý nghĩa.

Ngược lại, một tư tưởng đích thực “ngẫm nghĩ” (đó luôn là trường hợp của suy nghĩ  siêu hình), tư tưởng không đi tìm hiệu năng và năng suất, nhưng quan tâm đến việc giữ nguyên vẹn khả năng ngạc nhiên mà triết gia Platon đã từng nói trong tác phẩm Théétète, ông đã thiết lập bước khởi đầu cho triết học. Ngắn gọn, phải coi chừng để tư tưởng không bị lệ thuộc bởi các mệnh lệnh tối thượng của kỹ thuật và thao tác, những điều mà khổ thay lại thường gặp khi giảng dạy, khi cho rằng bây giờ giáo sư phải thích ứng với các kỹ thuật mới, nhưng trước hết kỹ thuật phải được xem là dụng cụ dùng để làm dễ dàng cho việc truyền hiểu biết của mình.

Các “hoang tưởng” chung quanh trí thông minh nhân tạo mà cuối cùng sẽ thay thế trí thông minh con người chia sẻ cùng một lô-gic: chính vì trước hết người ta giảm thiểu tư tưởng con người, dưới ảnh hưởng của kỹ thuật, chỉ cần “tính toán” mà người ta hình dung một ngày nào đó thông minh nhân tạo sẽ thay thế trí thông minh con người. Nhưng nếu máy khi nào cũng tính nhanh hơn con người thì máy sẽ không bao giờ làm được gì ngoài lãnh vực thuần túy máy móc của nó: sáng tạo và trực giác là đặc điểm của trí thông minh và suy nghĩ của con người, đó là điều chúng ta phải luôn nhắc lại.

Như thế ông lạc quan cho tương lai của triết lý… Ông nghĩ triết lý có thể phục vụ gì cho ngày hôm nay?

Một cách nghịch lý, sức mạnh của triết học là cái gì đó có tính cách “phục vụ” cho một cái gì khác không có cùng một cùng đích trong tự bản thân nó, và do đó tự nội tại nó không biện minh được, cũng không có phẩm chất riêng. Triết gia Heidegger đã nói, đó chỉ là một công cụ hay một phương tiện, trong khi “phục vụ của tư tưởng là đã đủ cho sự suy nghĩ”. Chúng ta có thể nói rằng triết học, là minh triết thì tự thân nó đã có một cùng đích, nó không theo đuổi một mục đích bên ngoài, nhưng nó đặt ra (và chỉ một mình nó mới đặt được!) câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống và ý nghĩa của cuộc sống tốt đẹp, các câu hỏi mà chỉ một mình nó có thể mang đến câu trả lời (mặc dù các câu trả lời nó mang lại đôi khi rất nhiều và ngược nhau theo bối cảnh thích ứng).

Xin đọc thêm: Các triết gia không ích gì, chính vì vậy mà họ hữu ích

Minh triết triết học này lại chưa hẳn là minh triết thiêng liêng của do thái giáo-kitô giáo, vì thế tôi muốn nhân lên trong Các Bài học mà tôi xuất bản, các “khai mở thần học” để cho thấy lý do, khi triết học không tự khép kín lại, nó có thể dẫn đến đức tin một cách tự nhiên.

Xin đọc thêm: Arendt: Chính trong cái trống rỗng của tư duy mà nảy sinh ra sự dữ

Cho nên dù triết học có vẻ như không còn tính cách thời sự đối với người ít học, sự việc các đòi hỏi của nó trở nên hoàn toàn ngược với các đòi hỏi của xã hội tiêu thụ và của thế giới công nghệ chúng ta đang sống, thì “khoảng trống thiêng liêng” trong đó xã hội và thế giới này để lại, sẽ đồng thời làm nảy sinh một “nhu cầu triết học” mà may mắn thay nó chưa dễ dàng biến mất.

Xin đọc thêm: Patrick Olive: “Triết lý là nền tảng thiết yếu cho cả một đời sống con người” 

Các bài học đặc biệt của triết học, Charles-Éric de Saint-Germain, Ellipses, 2018.

Tác giả là cựu sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm (École Normale Supérieure), giáo sư tiến sĩ triết học và là tác giả của nhiều tác phẩm triết học.

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch