Sự trở lại huy hoàng của Đức Phaolô-VI

744

Sự trở lại huy hoàng của Đức Phaolô-VI

Đức Phaolô-VI đến Đất Thánh tháng 1 năm 1964. 

lavie.fr, Philippe Clanché, 2018-10-03

Ngày 14 tháng 10, Đức Phanxicô sẽ phong thánh Đức Phaolô-VI, giáo hoàng đã đưa Công đồng Vatican II đi đến nơi về đến chốn. Chúng ta cùng nhìn lại các đức tính của một con người mà tầm nhìn và lối sống đã thấm đượm trong nhiều trụ chính của giáo hoàng hiện nay.

Bị kẹt giữa hai ngôi sao hùng vỹ, nhà hiền triết Gioan XXIII và cơn lốc Gioan-Phaolô II, giáo hoàng cuối cùng của thế kỷ trước gần như biến mất trên đài ra-đa. Trước hết nhờ vào niên lịch, chứ không phải chỉ nhờ vào nhân vật mà ngày 14 tháng 10 Đức Phanxicô sẽ phong thánh ở Rôma. Đức Phanxicô là một trong những người ngưỡng mộ nhiệt thành Đức Giovanni Battista Montini, giáo hoàng Phaolô VI, người qua đời cách đây 40 năm, ngày 6 tháng 8 – 1978 ở tuổi 81. Năm nay cũng là năm kỷ niệm 50 năm Thông điệp Sự sống con người Humanæ vitæ và cũng là kỷ niệm sự hiện diện của Đức Phaolô-VI trong buổi gặp gỡ với hội đồng giám mục Châu Mỹ La Tinh ở Medellín (Colombia), người đã bật đèn xanh cho quyết định ưu tiên lo cho người nghèo. Tuy nhiên hai kỷ niệm này nói lên hai khía cạnh của một giáo hoàng thường không được thấu hiểu mà rồi đây sẽ được tôn kính trên các bàn thờ.

Phanxicô, Phaolô VI: dù hai người sống ở hai bối cảnh không thể so sánh được, nhưng hai giáo hoàng cùng chia sẻ nhiều thực tại giống nhau. Rất nhiều sự đổi mới về phong cách của giáo hoàng cuối cùng người Ý (nếu chúng ta đi tắt triều giáo hoàng ngắn ngũi của Đức Gioan-Phaolô I) trùng với giáo hoàng hiện nay. Đức Phaolô-VI không đội mũ miện tượng trưng cho hoàng triều và ngài chỉ dùng ghế khiêng (gesta sedatoria) khi bị đau cột sống. Chắc chắn ngài sẽ thích xe giáo hoàng bây giờ.

Nhà khảo luận và nhà xuất bản Michel Cool giải thích: “Đức Phaolô-VI quan tâm đến hình ảnh của một Giáo hội cho”. Tác giả vừa xuất bản quyển sách Ngôn sứ Phaolô VI, mười hành vi đánh dấu Lịch sử (Paul VI prophète, dix gestes qui ont marqué l’Histoire, nxb. Salvator). Thời điểm chưa đến để xem thường các căn hộ của dinh tông tòa. Tuy vậy, ngày nay nhiều người xem Đức Phaolô-VI là giáo hoàng hiện đại đầu tiên. Tác giả Michel Cool ghi nhận: “Ngài nhìn thế giới với cặp mắt nhân hậu, với tinh thần hiếu kỳ ngưỡng mộ nhưng sáng suốt. Chính trong tinh thần này mà ngài đọc các tiểu thuyết của nhà văn Pháp Françoise Sagan để hiểu xã hội mới, một xã hội đích thực là nó chứ không phải xã hội như mình mong muốn. Tuy nhiên ngài cũng không tán thưởng tất cả.”

Đối thoại và đại kết

Xuất thân từ một gia đình dấn thân, Montini cũng là một giáo hoàng chính trị. Thân phụ của ngài là luật sư  và là nhà báo, ông đi tìm một con đường thứ ba giữa chế độ phát-xít sẽ áp đặt lên xã hội trong những năm 1920 và chủ nghĩa vô thần. Là cha tuyên úy của Liên hội sinh viên công giáo, cha xứ trẻ Montini tiếp tục công việc của gia đình bằng cách đào tạo các thành phần ưu tú hậu-phát xít. Các môn đồ của ngài sẽ thành lập các trụ cột cho đảng Dân chủ kitô giáo cai trị nước Ý trong nhiều thập niên. Dựa trên đối thoại nhiều hơn là lời cảnh cáo, hành động ngoại giao của Đức Phaolô-VI biến Vatican thành nơi gặp gỡ của tất cả các lãnh đạo trên thế giới. Bây giờ họ không còn đến quỳ gối để nhận phép lành, nhưng đến để thảo luận sự tiến bộ của thế giới. 

Trong tất cả lãnh vực hành động của mình, đối thoại là một trong các chữ chính của triều giáo hoàng của ngài. Tu sĩ Dòng Đa Minh Thierry-Marie Courau viết trong quyển Cứu rỗi là đối thoại, từ Đức Phaolô-VI đến Đức Phanxicô (Le Salut comme dialogue, de saint Paul VI à François, nxb. Cerf) viết: “Xác tín thiết thân của ngài là duy chỉ có con đường đối thoại mới xây dựng văn minh của tình yêu, chương trình hoạch định mà Chúa đã lập nên cho con người.” Đức Phaolô-VI thức khuya để trả lời, ngài viết tay cho các linh mục ở khắp nơi trên thế giới. Còn giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh thì không ngần ngại cầm điện thoại lên để gọi… thời đã thay đổi! Và có dịp là ngài hô hào trên máy vi âm: “Đối thoại, đối thoại” (Il dialogo, il dialogo). Cũng không phải tình cờ mà dấn thân cho đại kết lại là sợi dây nối kết hai giáo hoàng.

Năm 1964, tại Vườn Ô-liu, vòng ôm với Athénagoras, thượng phụ chính thống giáo Constantinople đánh dấu hồi cuối của các vụ dứt phép thông công như tham vọng của Vatican mang lại các con chiên đi lạc về ràng. Trở thành bạn bè, Athénagoras và Đức Phaolô-VI mơ có thể cử hành thánh lễ chung với nhau, nhưng giấc mơ chưa thành. Tác giả Michel Cool viết: “Đức Phaolô-VI tin vào các cử chỉ, vì thời gian làm việc của các nhà thần học thì quá lâu.” Năm 2016 ở La Havana, Cuba, với thượng phụ Kyril của Maxcơva, Đức Phanxicô cũng có chọn lựa như vậy. 

“Nhà cải cách lớn”

Trong nội bộ, Đức Gioan XXIII vẫn là người cha của công đồng, nhưng Đức Phaolô VI mới đúng đích thực là giáo hoàng của công đồng. Rất gần với vị tiền nhiệm của mình, ngài tiếp tục công đồng đã khởi xướng từ năm 1963 ngược với ý kiến của phần lớn giáo triều. Nhà báo Christophe Henning, tác giả quyển sách Đời sống nhỏ bé của Đức Phaolô-VI, (Une Petite vie de Paul VI, Desclée de Brouwer, 2014) khẳng định: “Ngài đã làm cho Công đồng Vatican II được áp dụng và có thể áp dụng được. Ngài biết tạo các hành vi mạnh, cũng giống như cách Đức Phanxicô làm.” Tác giả Michel Cool ghi nhận: “Trong khi công đồng đầy cả xáo trộn, Đức Phaolô-VI biết làm cho mọi người đồng ý với nhau, là quay về nguồn, là theo bước chân của Chúa Kitô”, tác giả đưa ra bằng chứng qua chuyến đi Đất Thánh lịch sử của ngài vào tháng 1 năm 1964. 

Vào thời đó, trên chuyến bay từ Đất Thánh về, tuần báo Paris Match đã thuê chiếc máy bay Caravelle cùng với 60 ký giả để tường trình chuyến đi của Đức Phaolô-VI đến Đất Thánh tháng 1 năm 1964, biến chiếc máy bay thành phòng biên tập và phòng rửa ảnh để Paris Match là tờ báo đầu tiên tường trình sự kiện được bày bán đầu tiên! Như thế báo chí biến giáo hoàng người hành hương thành ngôi sao báo chí.Tác giả Christophe Henning nói thêm: “Và khi Đức Phaolô-VI muốn nói về hòa bình, ngài đến Liên Hiệp Quốc ở New York để nói.” Trên thực tế, ngược với ý tưởng được lan truyền, Đức Gioan-Phaolô II không phải là giáo hoàng đầu tiên đi vòng quanh thế giới. Trong các điều kiện vật chất không thuận lợi bằng, Đức Phaolô-VI đã có chín chuyến đi nước ngoài, viếng thăm tất cả các châu lục. Chỉ một ngày ở Hồng Kông đã làm cho ngài đến giờ phút này là giáo hoàng đầu tiên chạm đất Trung Hoa.

Chúng ta không thể hình dung cải cách, bản đồ đi đường của Đức Phanxicô, mà không nghiên cứu công trình của Đức Phaolô-VI. Ông Michel Cool viết: “Ngài là nhà cải cách lớn, được hỗ trợ bởi kiến thức uyên thâm về guồng máy.” Dưới thời giáo hoàng uy tín Montini, có thể kể đến thượng hội đồng các giám mục và Ban Thư ký cho những người không tin… Về các đổi mới, phải kể đến việc bổ nhiệm giáo dân nam nữ vào làm việc trong các văn phòng giáo triều, phục hồi chức vị phó tế vĩnh viễn, bỏ vạ tuyệt thông các linh mục-thợ hay bỏ án tử hình ở Vatican (1969).

Không một thần học gia nào, ngay cả thần học gia sôi sục Hans Küng cũng không bị phạt dưới triều giáo hoàng của ngài. Lần đầu tiên, Jacques Loew, tu sĩ Dòng Đa Minh công nhân bến cảng người Pháp, linh mục Maurice Zundel người Thụy Sĩ, người không được mến chuộng tại nước mình, đến giảng tĩnh tâm ở Vatican. Và dĩ nhiên là cải cách phụng vụ và thánh lễ mang tên ngài, cũng như đưa phần dẫn nhập Cựu Ước vào phụng vụ. Tuy nhiên chương trình tốt đẹp này vẫn chưa được hoàn thành, tác giả Michel Cool bình luận: “Phanxicô phải tiếp tục công việc được để nguyên trạng từ năm 1978.” 

Văn hóa thảo luận nội bộ

Mỗi triều giáo hoàng có cơn khủng hoảng của nó. Ngoài các cẩn thận hậu công đồng, Đức Phaolô-VI còn phải đương đầu với tình trạng ra đi của rất nhiều linh mục. Tác giả Christophe Henning ghi nhận: “Ngài có cái nhìn của một Giáo hội đang sập. Nhờ công đồng, ngài hiểu Giáo hội sẽ trở nên một cái gì khác hơn là một thứ trật, là tập thể các linh mục. Công đồng Vatican II cung cấp tất cả để loại trừ chủ nghĩa giáo quyền.” Tác giả Michel Cool bổ túc: “Ngài kêu gọi đừng làm hoang vắng Giáo hội. Đừng phán xét Giáo hội như người đứng ngoài xem, nhưng phải giúp Giáo hội bằng sự phê phán khoan dung và có các đề nghị.” Ở đây xuất hiện ý tưởng thảo luận nội bộ mà Đức Phanxicô thường yêu cầu trong các thảo luận giữa các giáo sĩ ở thời buổi này.

Còn về sự thiếu hiểu biết gây ra do sự thận trọng về Thông điệp Sự sống con người, Humanæ vitæ, thông điệp này đưa ra một lập luận bằng vàng cho vị giáo hoàng hiện nay trong ước muốn giải tập trung của mình. Vì bằng cách ‘nói không’ với các cách tránh thai khác ngoài cách tự nhiên, Đức Phaolô-VI muốn, trên tất cả, trong số các động cơ khác, là chống một chính sách làm vô sinh hàng loạt ở các nước gọi là các nước thứ ba. Và vì thế thông điệp được đón nhận ở Phi châu và Châu Mỹ La Tinh, nhưng bị chỉ trích ở các nước phát triển, bằng chứng cho sự khó khăn tế nhị để có một lời áp dụng cho toàn thế giới trong lãnh vực tế nhị này.

Vì thế nếu không có một ‘thế hệ Phaolô VI’ thì ngày nay Đức Phaolô-VI vẫn là nguồn cảm hứng. Tác giả Michel Cool tóm tắt: “Sứ điệp của ngài mời gọi chúng ta, tín hữu kitô trong thế giới không còn là thế giới kitô nữa, và thế giới này như thế nào thì phải yêu nó như thế đó. Trước khi thay đổi thế giới – ngài thích dùng chữ ‘biến đổi khuôn mặt’ hơn là ‘trở lại’ -, Đức Phaolô-VI mời gọi chúng ta thay đổi chính mình. Ngài đi trước Đức Phanxicô trong xác tín của mình, rằng không có gì có thể thực hiện được với chủ nghĩa giáo quyền, với chủ nghĩa cộng đồng riêng của mình và đối với một số người còn là sự khinh miệt thế giới.” Bao nhiêu là dấu hiệu, vượt ra ngoài gương mẫu cá nhân, là cả một giá trị lớn.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Đức Phaolô-VI trên trang bìa số báo Paris Match 770 ngày 11 tháng 1-1964

Chuẩn bị cho lễ phong thánh Đức Phaolô-VI ở quảng trường Thánh Phêrô

Xin đọc: Đức Phaolô VI, Giáo hoàng của Công đồng

Di sản đích thực của Đức Giáo hoàng Phaolô VI

Tông huấn “Sự sống Con người” có là sứ ngôn không?

Xem lại Tông huấn Sự sống Con người