Đức Phaolô VI, Giáo hoàng của Công đồng

1258

Đức Phaolô VI, Giáo hoàng của Công đồng

Aleteia, Elisabeth de Beaudoüin, 8-10-2014

Đức Phaolô VI bị chỉ trích nhiều khi còn sống, và nhanh chóng bị lãng quên sau khi qua đời. Nhưng giáo hoàng này đã đảm nhận nhiệm vụ khó khăn là dẫn dắt Công đồng Vatican II mà Đức Gioan XXIII đã khai mạc, cho Giáo hội diện mạo ngày hôm nay, đồng thời truyền lại cho các vị kế nhiệm tất cả những công cụ điều hành. Ngài chính là người tạo ra Thượng hội đồng Giám mục. Cha Francois Marie Léthel, OCD, chuyên ngành thần học thánh nhân, và là cố vấn của Bộ Phong thánh, sẽ làm rõ về tri thức và các nhân đức anh hùng của Đức Phaolô VI, từ khi ngài sinh ở Brescia, Bắc Ý ngày 26, tháng 9, 1897, cho đến khi qua đời tại Castel Gandolfo, 06 tháng 8, năm 1978.

Hãy nói cho chúng tôi biết về tuổi thơ và gia đình của Đức Phaolô VI: những điều này đã hình này nên vị giáo hoàng tương lai và chân phước như thế nào?

Jean Baptise Montini được rửa tội ngày 30 tháng 9, 1897, ngày mất của thánh Teresa, và ngài yêu mến đặc biệt điều này. Điểm nhấn này có vị trí quan trọng trong đời ngài. Cha mẹ ngài, là luật sư và chính trị gia George Montini và vợ, Judith, là một phần của phong trào các thánh thế tục nở rộ ở Ý quốc thời quân phiệt bài giáo sỹ. Nhờ họ, Đức Phaolô VI được nuôi nấng trong môi trường Kitô giáo và tinh thần khoáng đạt đáng kinh ngạc. Gắn bó với nền văn hóa Pháp, mẹ ngài tạo cho ngài một mối liên hệ đặc biệt với Pháp quốc.

Cha có thể nói thêm đôi điều về liên hệ này?

Đức Phaolô VI thông thạo tiếng Pháp và suy tư Pháp. Chúng ta có thể nói rằng nước Pháp phản ánh nơi ngài. Tình yêu lớn dành cho Pháp quốc, được thể hiện trong tình bạn thân thiết của ngài với những người như Jacques Maritain, và Jean Guitton.

Đức Phaolô VI rất yếu khi mới sinh. Và hệ quả của việc này là gì?

Ngài rất ít đến trường, và phải làm việc riêng. Hóa ra đó lại là việc tốt. Trong bối cảnh yên bình và phần nào cô tịch, ngài sớm lắng nghe tiếng gọi làm linh mục. Ngài được phong linh mục lúc 23 tuổi, năm 1920.

Hãy nói cho tôi biết về những năm chủng viện của ngài, có gì đặc biệt không?

Ngài có giáo sư là chân phước Moses Tovini. Giáo sư theo tinh thần Tôma đầy đam mê này đã mở ra cho Đức Phaolô VI một thế giới của thánh Tôma Aquinô, và dạy ngài bằng văn bản gốc. Suy tư của thánh Tôma thật đáng giá, giữ cho chàng thanh niên Công giáo Ý, không bị rơi vào những cám dỗ của chủ nghĩa phát xít, hay hệ tư tưởng triết học Kant. Đức Phaolô VI là giáo hoàng theo Tôma.

Ngay khi vừa được phong chức, giám mục gởi ngài đến Roma để học tiếp, một quyết định trọng đại?

Vâng, chàng linh mục trẻ với lòng ngoan đạo sâu sắc và tri thức sáng láng được Quốc vụ khanh chọn và tuyển dụng, từ đó ngài vươn lên cao từng cấp bậc. Năm 1937, ngài được chỉ định làm Đại diện Quốc vụ khanh. Lúc đó ngài chỉ mới 40 tuổi. Hai năm sau, ngài đã dành nhiều giờ với Quốc vụ khanh, hồng y Pacelli, người về sau là giáo hoàng Piô XII. Ngài đã có tràn đầy tự tin. Montini ở lại trong giáo triều trong vòng 30 năm. Đến năm 1952, ngài được chỉ định làm Quốc vụ khanh.

Ngài đã có thể thực hiện sứ mạng linh mục của mình ra sao trong suốt những năm đó?

Ngài đảm trách một mục vụ linh hướng quan trọng, đặc biệt là với các đại học trẻ (ngài là trợ lý cho một vài học viện quốc gia Ý trong nhiều năm) Do đó ngài có một vai trò quan trọng trong việc đào tạo lương tâm. Trong chiến tranh, ngài đóng vai trò ngoại giao và bảo vệ cho người Do Thái, bởi Đức Piô XII đã truyền lệnh cho các dòng tu che giấu cho họ. Sau chiến tranh, vì nhiều lý do từ chính trường nội bộ Ý quốc, các mối liên hệ giữa hai người mất đi. Đức Piô XII bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám mục Milan (1954-1963), mà không cần phong hồng y, một việc chưa từng có.

Và hệ quả từ việc này với lịch sử Giáo hội như thế nào?

Nếu ngài là hồng y, có thể ngài là người được bầu làm giáo hoàng, chứ không phải Đức Gioan XXIII (dù Montini không tham gia Mật nghị Hồng y, nhưng tên của ngài, được xướng lên hai lần trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, theo quyển ‘Đầu đời của Đức Phaolô VI, tác giả Christopher Henning) Và như thế, thì chẳng bao giờ khai mạc Công đồng. Tính khí ngài quá cẩn thận và tường tận cho việc đó. Và nó đem lại đủ căng thẳng trong tương lai.

Ngài chưa bao giờ làm một linh mục quản xứ, vậy làm tổng giám mục, ngài thế nào?

Ngài có nhận thức của những người xa xôi và chịu nguy hiểm nhất. Con trai của một gia đình trung lưu Bắc Ý ưa thích thế giới lao động. Ngài đôi lần cử hành thánh lễ tại các nhà máy và bảo các linh mục đừng chần chừ chúc lành cho nhà của những người cộng sản!

Ngài được bầu lên giáo hoàng ngày 21 tháng 6, năm 1963, lễ Trái tim Cực Trọng Chúa Giêsu.  Đó là trùng hợp ngẫu nhiên?

Ngày lễ này phản ánh tình yêu nồng nàn dành cho Chúa Giêsu. Đức Phaolô VIyêu Chúa Kitô và yêu bằng tình yêu bạn đời, như nhiều chứng nhân cho thấy. Ở Milan, khi được hỏi: ‘Điều gì quan trọng nhất đối với một linh mục?’ Ngài trả lời, là ngài yêu Chúa Giêsu. Với ngài, sự sống của Giáo hội hoàn toàn dựa vào Chúa Giêsu. Ngài cảnh cáo một Giáo hội tự quy, nghĩ mình là trung tâm. Với ngài, trung tâm duy nhất là Chúa Kitô, và giáo hội nằm giữa Chúa và thế giới.

Đức Gioan XXIII khai mạc Công đồng (11 tháng 10 1962), và Đức Phaolô VI dẫn dắt. Ngài đã làm thế nào?

Ngài lắng nghe nhiều, và khi quyết định ngài cầu nguyện. Dù gì, thì Công đồng theo hướng của đa số. Ngài dẫn dắt Công đồng qua các áp lực. Ngài nhận mình là ‘Đại diện Chúa Kitô’, nhận thức của ngài là noi gương Chúa và thực thi thánh ý Ngài.

Một ví dụ?

Khi ngài hôn chân của tổng giám mục chính tòa Melion, trong khi chính ngài là đại diện thánh Phêrô, Meliton đã nói: cha đã hạ thấp Giáo hội. Ngài trả lời: Tôi noi gương việc làm của Chúa Kitô.

Việc ngài làm trong thời gian Công đồng là gì?

Ngài chọn danh hiệu là Phaolô, bởi ngài muốn có một lực đẩy mới cho Giáo hội truyền giáo. Ngài không chờ đến khi kết thúc Công đồng để bắt đầu công du ngoại quốc. Chuyến hành hương đến Thánh địa (tháng 1, 1964, thời gian giữa phiên thứ hai và thứ ba của Công đồng), khiến ngài trở thành Giáo hoàng đầu tiên đi máy bay. Chưa đầy một năm sau (tháng 12 năm 1964), ngài đến Ấn Độ. Tháng 10 năm 1965, trước khi bế mạc Công đồng (08 tháng 12), ngài đến Liên hiệp quốc, và có bài diễn văn nổi tiếng về hòa bình. Ngài có những cử chỉ hùng hồn, như việc bán ngọc miện giáo hoàng để lấy tiền cho người nghèo. Tất cả văn kiện Công đồng đều được phát hành trong triều giáo hoàng của ngài. Chính ngài đã gọi Đức Mẹ là Mẹ Giáo hội. Ngài đặt nền tảng cho Giáo hội mà chúng ta thấy ngày nay.

Còn những văn kiện của ngài, trong và sau Công đồng?

Ngài đã có vô số văn kiện, nhưng đáng buồn là người ta lại không biết đến cho đủ: các tông thư Giáo hội của Ngài (Ecclesiam Suam) và Phát triển các Dân tộc (Populorum Progressio), tông thư Đời sống Con người (Humanae Vitae) gây nhiều tranh luận, và tông huấn Loan báo Tin mừng (Evangelii nutiandi) mà Đức Phanxicô đã trích lại nhiều trong tông huấn Niềm vui của Tin mừng của riêng mình. Và Đức Phaolô VI cũng tự mình viết các bản văn cho buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư, và đây cũng là khởi xướng của ngài. Riêng phần mình, là một tu sỹ trẻ thời đó, tôi thấy rất nhiều soi sáng trong phần giáo lý của buổi tiếp kiến chung.

Ngài đã thấy cuộc khủng hoảng xảy đến sau Công đồng? Và ngài phản ứng thế nào?

Với tâm thức minh mẫn và sắc bén, ngài ngay lập tức nhận ra mối nguy hiểm của việc diễn giải sai về Công đồng, theo kiểu đổ gãy giữa cái ‘trước’ và cái ‘sau’. Cuộc khủng hoảng này nổ bùng vào “Năm Đức tin’ 1968, và ngài trả lời bằng thông điệp ‘Tuyên tín của Dân Thiên Chúa’ (Credo of the People of God, 30 tháng 6, 1968), rồi sau khi cho ra tông huấn Đời sống Con người (25 tháng 7), ngài dâng lời cầu nguyện với Chúa Giêsu, ‘Lạy Chúa, con tin, con muốn tin nơi Chúa’ (30 tháng 10). Mười năm tiếp theo là những năm kịch tính nhất trong lịch sử Giáo hội. Đức Phaolô VI sống một cuộc đời anh hùng, với đức tin vững vàng, dấn thân và thậm chí là vui vẻ.

Ngài đã phải chịu đựng điều gì nặng nề nhất trong những năm đen tối đó?

Cuộc nổi loạn của Tổng Giám mục Lefebvre gây rất nhiều đau khổ cho ngài. Ngài đã nhiều lần tiếp đón, và cũng đã phái đi hồng y Thiandoum, nhưng không có kết quả. Một vài ngày trước khi chết, ngài muốn chúng ta cầu nguyện cho Lefebvre. Vụ ám sát Aldo Moro (09 tháng 5, 1978), chỉ hai tháng trước khi ngài mất, đã khiến ngài sụp đổ khủng khiếp. Nhưng có lẽ việc hàng ngàn linh mục và tu sỹ rời bỏ Giáo hội thời đó, đã gây nên chấn động nặng nề nhất.

Vậy điểm then chốt trong triều giáo hoàng của ngài là gì?

Dụ ngôn về lúa và cỏ lùng. Người gieo giống, gieo đầy hạt giống tốt, nhưng quỷ dữ cũng đến và gieo hạt cỏ lùng, là bất hòa. Đức Phaolô VI đã gieo trong đau buồn và nước mắt. Những người kế vị đã gặt hoa trái lao công của ngài.

Vậy đâu là đặc tính chính của ngài?

Phẩm chất rõ ràng nhất của ngài là khiêm nhượng. Đức Phaolô VI vẫn dùng đại từ danh xưng ‘chúng ta’ Nhưng đây không phải là danh xưng số nhiều chỉ quyền vị. Mà là một số nhiều của hội thánh. Ngài nói thay mặt cho toàn thể Dân Chúa. Như Đức Benedicto XVI, ngài không bao giờ áp đặt người khác. Như Đức Phanxicô, ngài thấy mình là tội nhân.

Và điểm yếu lớn nhất của ngài?

Ngài bị cám dỗ, đi ngược lại đức cậy, đặc biệt trong những năm khủng khiếp đó. Ngài cảm thấy mình có tội, ngài lo sợ cho ơn cứu độ đời đời của mình. Nhưng ngài kiên vững, nhờ sự mà ngài gọi là ‘ba chữ M’, là miseria đức khó nghèo (chấp nhận), misericordia lòng thương (tình yêu dành cho những người khốn cực) và kinh Magnificat. Ngài nói, “Tôi có thể tóm gọn đời sống thiêng liêng của mình với 3 chữ M này.”

J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Aleteia