Xem lại Tông huấn Sự sống Con người

417

Xem lại Tông huấn Sự sống Con người

cath.ch, Pierre Pistoletti, 2018-07-24

Trong lịch sử cận đại của Giáo hội công giáo, rất hiếm khi các bản văn của giáo hoàng lại gây nhiều tranh luận như Tông huấn Sự sống Con người đã gây ra. Tông huấn được ban hành ngày 25 tháng 7 năm 1968 cách đây 50 năm.  Đặc biệt là Đức Phaolô-VI công bố tông huấn này dù có sự chống lại của các chuyên gia được ngài mời làm tư vấn. Trở lại một quá trình phản chiếu đáng ngạc nhiên.

Tông huấn này của Đức Phaolô-VI tương đối ngắn, nhưng tháng 7 năm 1968 nó có ảnh hưởng của quả bom tấn. Nền tảng của sự phản ánh của Đức Phaolô-VI là ở chương 12: vấn đề “sợi dây liên kết không gì tách được (…) giữa hai ý nghĩa của hành động vợ chồng: liên kết với nhau và sinh sản”. Vì đó là liên kết mà Chúa muốn, theo Đức Phaolô-VI, con người không thể phá vỡ nó. Từ đó là hệ quả lô-gích: bất kỳ hành động nào đề xuất “để cho việc sinh sản không thể xảy ra được” đều bị loại trừ. Và ngài dứt khoát: “một hành động vợ chồng cố tình để không sinh sản” là “tự nội tại là không trung thực”.

Tài liệu được ban hành trong một xã hội đang thay đổi. Viên thuốc ngừa thai được bán trên thị trường Mỹ tám năm trước đó và đang lan rộng khắp thế giới. Viên thuốc ở trên đầu môi mọi người mà không được đề cập một cách rõ ràng trong tông huấn. Tuy nhiên, không một nghi ngờ nào, viên thuốc được Giáo hội công giáo đóng con dấu “tự nội tại là không trung thực”. 

Một ủy ban để tư vấn cho giáo hoàng

Tín hữu và không tín hữu đều kinh ngạc. Thêm nữa Đức Phaolô-VI ở trong tình trạng chênh vênh nguy hiểm với kết luận của một ủy ban giáo hoàng bao gồm các nhà thần học và các chuyên gia nghiên cứu vấn đề trong ba năm, từ năm 1963 đến năm1966. Để hiểu sự ngạc nhiên do tông huấn gây ra, phải đi trở lại công việc của “Ủy ban Giáo hoàng nghiên cứu các vấn đề dân số, gia đình và tỷ lệ sinh sản”, một ủy ban có nhiệm vụ cố vấn cho giáo hoàng trên các vấn đề khó khăn.

Chúng ta đang ở cuối tháng 4 năm 1963. Đức Gioan XXIII đã bị đau – ngài qua đời ngày 3 tháng 6. Trong số các can thiệp cuối cùng của ngài, ngài đã ủy nhiệm Quốc Vụ Khanh thành lập một nhóm các chuyên gia để cẩn thận kiểm tra các vấn đề nhân khẩu dưới nhiều khía cạnh khác nhau của nó – y tế, đạo đức, xã hội, kinh tế, thậm chí cả thống kê. Mục đích: Hội nghị thế giới về các vấn đề nhân khẩu học do Liên Hiệp Quốc và Ủy ban Y tế Thế giới tổ chức vào tháng 4 năm 1964 tại Tân Đề-li, Ấn Độ.

Còn “viên thuốc vô sinh” thì sao?

Sáu chuyên gia được bổ nhiệm, ba giáo sĩ và ba giáo dân. Trong số đó có linh mục Dòng Đa Minh Henri de Riedmatten người Thụy Sĩ. Cuộc họp đầu tiên của nhóm mà sau này nhóm sẽ là Ủy ban Giáo hoàng được tổ chức tại Louvain tháng 10 năm 1963. Buổi họp kết thúc với bản báo cáo nhấn mạnh tính hiệu quả và giá trị đạo đức của sự tiết dục có định kỳ. Còn về “viên thuốc vô sinh” thì vấn đề cần được đào sâu hơn về mặt đạo đức.

Đức Phaolô-VI thấy trong sự cho phép tránh thai là sự phá vỡ Truyền thống của Giáo hội Công giáo.

Một năm sau, Đức Phaolô-VI kế vị Đức Gioan XXIII ở ngôi vị Thánh Phêrô. Ngài theo dõi sát sao công việc của nhóm chuyên gia này và không ngừng bổ túc thêm các thành viên mới. Năm 1964, hai phiên họp được tổ chức vào tháng tư và tháng sáu với bảy thành viên mới. Trong số đó có hai nhà thần học đạo đức mang đến các quan điểm mới. Linh mục công giáo thần học gia người Bỉ Pierre de Locht và linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Đức Bernhard Häring là những người đầu tiên có cái nhìn tích cực về các phương pháp tránh thai mới.

“Thất bại” của phương pháp tự nhiên

Từ đó Đức Phaolô-VI tìm kiếm sự thỏa hiệp và thêm vào ủy ban khoảng 40 thành viên mới. Trong số đó có linh mục Dòng Đa Minh người Pháp Marie-Michel Labourdette, có thế giá về thần học Thánh Tôma, bốn bác sĩ và ba cặp vợ chồng. Giáo hoàng công bố sự có mặt của ủy ban này và khẳng định các quy tắc của Đức Piô XII lên án biện pháp tránh thai vẫn còn hiệu lực “cho đến bây giờ”.

Các lời tuyên bố của Đức Phaolô-VI có một tác động đáng kể. Trước hết,  đối với ý kiến quần chúng, kể cả người công giáo, có vẻ hiển nhiên quyết định của Đức Giáo Hoàng sẽ không đơn độc, và nhất là không đi ngược với Ủy ban Giáo hoàng.

Từ mùa hè năm 64, cuộc tranh luận lấn qua lãnh vực truyền thông và làm chia rẽ báo chí công giáo. Công giáo Pháp bảo vệ đạo đức truyền thống trong khi Thông tin Công giáo Quốc tế mang tiếng nói đến cho những người ủng hộ cải cách.

Phiên họp thứ tư và áp chót diễn ra dưới ánh đèn sân khấu từ ngày 25 đến 28 tháng 3 năm 1965 tại Rôma. Trong ba ngày suy tư này, lời chứng của ông bà Pat và Patty Crowley, đại diện cho phong trào gia đình Mỹ đã thức tỉnh các lương tâm. Qua nhiều chứng tá, cả hai nêu bật lên các thất bại của phương pháp ngừa thai tự nhiên, phương pháp duy nhất được Giáo Hội chấp nhận. Các chứng tá “nghi ngờ về hiệu năng của phương tiện hợp pháp này đối với nhu cầu của thế giới hiện đại và đặc biệt là với các cặp vợ chồng công giáo theo quy định về điều hòa sinh sản”, bác sĩ Bertolus, thành viên của ủy ban giáo hoàng kết luận. Chính Linh mục Labourdette đã tuyên bố, “ấn tượng bởi các lý do nghiêm trọng đòi hỏi có các chỉ thị mới”. 

“Hợp pháp”

Ngày 18 tháng 4 năm 1966. Phiên họp cuối cùng của ủy ban bắt đầu với mười sáu thành viên mới, hồng y hoặc giám mục, để giám sát công việc của các chuyên gia và các nhà thần học. Phiên họp này kéo dài hơn ba tháng. Sự tiến triển có lợi cho việc sửa đổi giáo điều của giáo huấn được nhấn mạnh ngay từ những tuần đầu tiên. Người ta cho rằng giáo dục truyền thống có thể cải cách. Đối với phía sáng tạo, sự có mặt của Linh mục Labourdette mang đến sự bảo đảm của một thần học theo Thánh Tôma và một giải thích theo luật tự nhiên không loại trừ sự can thiệp của con người trong việc kiểm soát sinh sản.

Vào cuối phiên họp, ngày 24 tháng 6, mười sáu giám mục và hồng y được yêu cầu trả lời cho câu hỏi sau: “Có phải sự trái phép nội tại của bất cứ biện pháp can thiệp tránh thai nào là chắc chắn không?” Chín trả lời không, ba có và ba bỏ phiếu trắng. Mười lăm người lên tiếng, trừ Tổng giám mục Krakow, Karol Wojtyla, người không được chính quyền Ba Lan cho phép đi Rôma.

Ngày 28 tháng 6 năm 1966, văn bản cuối cùng của ủy ban được Hồng y Dưpfner, Tổng Giám mục Munich người Đức đưa lên Đức Phaolô VI. Văn bản xác định rằng “sự hợp pháp của việc can thiệp tránh thai (…) có thể được khẳng định trong sự liên tục với Truyền thống và các tuyên bố của Huấn quyền tối cao”.

Gió quay chiều

Nhiều tháng trôi qua và Đức Phaolô-VI tương đối im lặng. Hai năm sau khi bản báo cáo được trình lên, Tông huấn Sự sống Con người ra đời. Điều gì đã xảy ra trong thời gian này ở Rôma vẫn chưa được rõ ràng. Nhưng một sự việc chắc chắn, theo bà Martine Sevegrand, tác giả Tình dục, một công việc của Giáo hội? (2013): Đức Hồng y Wojtyla đã đóng một vai trò quan trọng trong việc soạn thảo tông huấn. Thêm nữa, “ngài là giám mục cuối cùng đến Rôma, được Đức Phaolô-VI tham vấn trước khi công bố Tông huấn Sự sống Con người”.

Vì sao Đức Phaolô-VI không xem trọng ý kiến của ủy ban giáo hoàng, qua đó ngài thật sự không tán thành ý kiến của tất cả các chuyên gia và một số lớn giám mục? Theo bà Martine Sevegrand, Đức Phaolô-VI thấy nếu cho phép tránh thai là cắt đứt với Truyền thống của Giáo hội công giáo. 

Cắt đứt với Truyền thống?

Thật ra giáo huấn của Giáo hội công giáo đã nói về vấn đề tránh thai. Năm 1930, Đức Piô XI công bố Tông huấn Khiết tịnh Hôn nhân (Casti connubii) nói về “ý nghĩa đích thực của hôn nhân kitô giáo”. Tông huấn nhắc lại “cùng đích trước hết của hôn nhân là sinh con và giáo dục con”, và chính xác là trích dẫn lời Thánh Âugutinô, “hành động hôn nhân trở nên bất hợp pháp và đáng xấu hổ khi tránh sinh con”.

Ủy ban đã không bỏ sót khi nhấn mạnh một sự thay đổi giáo lý không phải là cắt đứt trong suy tư của Giáo Hội. Để làm điều này, ủy ban đã nhấn mạnh đến tính mới mẻ của tình huống lịch sử. Đột biến xã hội của hôn nhân, giảm thiểu tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, kiến thức sinh học mới: tất cả những lập luận này được gọi là “một cái nhìn tốt hơn, sâu hơn và thẳng thắn hơn về động cơ của sự sống và hành động hôn nhân”.

Cuối cùng, các nhà thần học khẳng định, “chính Giáo quyền đang phát triển” và đặt lại Tông huấn Khiết tịnh hôn nhân (Casti connubii) trong một tiến trình trưởng thành tiến bộ. Theo bà Martine Sevegrand, lập luận cuối cùng này đã không thuyết phục được Đức Phaolô-VI. Thành phần thiểu số ủng hộ việc cấm tránh thai của Ủy ban Giáo hoàng cho biết “giữa năm 1816 và 1929, Giáo triều Rôma đã trả lời 19 lần về chủ đề này; và cũng một số lần như thế sau đó. Các nền tảng ẩn ngầm của các câu trả lời luôn là: tránh thai luôn là chuyện xấu rất nặng”.

Bà Martine Sevegrand viết: “Chắc chắn, thiểu số bảo thủ đã có những lập luận đủ để thuyết phục Đức Phaolô-VI. Nếu Đức Piô XI đã lầm năm 1930, thì điều này có thể nói sự giúp đỡ của Thần Khí đã làm cho ngài thất bại. Và điều này dẫn đến việc giảm thẩm quyền của giáo huấn trong gần như tất cả các vấn đề liên hệ đến đạo đức và giáo điều”.

Năm mươi năm sau, Đức Phanxicô không phá vỡ Truyền thống. Tháng 1 năm 2015, trên máy bay từ Phi Luật Tân về Rôma, ngài nhắc lại, “sự mở ra với sự sống là một điều kiện của bí tích hôn nhân”. Với một câu uyển chuyển trở thành danh tiếng: “Điều này không có nghĩa tín hữu kitô phải sinh đẻ hàng loạt. (…) Một số người nghĩ rằng, là người công giáo tốt thì phải như mấy con thỏ, xin lỗi tôi phải dùng từ này”. Một cách bóng bẩy ngài đưa khái niệm ”trách nhiệm phụ tử” của Tông huấn Sự sống Con người theo quan niệm thời nay.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc: Tông huấn “Sự sống Con người” có là sứ ngôn không?