Tranh tối tranh sáng của lương tâm

617

Tranh tối tranh sáng của lương tâm

Trích sách Tôi tin tưởng nơi con người, Đối thoại với Jorge Bergoglio. Je crois en l’homme, Conversations avec Jorge Bergoglio, Nxb. Flammarion.

Chúng tôi không thể nào khép lại cuộc phỏng vấn về Giáo Hội mà không đề cập đến hai chủ đề nhạy cảm: nạn ấu dâm và vấn đề độc thân của các linh mục. Rất nhiều vụ tai tiếng ấu dâm của các linh mục, đặc biệt những vụ ở Mỹ đã phải làm cho Tòa Thánh có một thái độ mới để đối phó với những tình huống cực kỳ nghiêm trọng, phải loại hẳn mọi nghi ngờ thông đồng và phải phản ứng với một mức độ cực kỳ nghiêm trọng. Điều này khơi lại cuộc tranh luận về vấn đề độc thân, hai hiện tượng này có liên hệ với nhau. Một tranh luận có thói quen gom lại các lập luận thường được nêu ra nhất, cho rằng đó là lý do việc thiếu ơn gọi linh mục.

Vì vậy, chúng tôi nghĩ cần nêu ra với hồng y Bergoglio ba vấn đề thiết yếu: không còn độc thân có làm giảm một cách đáng kể nạn ấu dâm không? Có làm tăng thêm ơn gọi linh mục không? Về trung hạn và dài hạn, vấn đề độc thân có thể nào dự định không?

Đức hồng y trả lời cho chúng tôi ngay.

“Nhìn kìa… Tôi sẽ bắt đầu bằng vấn đề thứ ba trước… Nếu một ngày nào đó Giáo Hội xem lại vấn đề độc thân… Đầu tiên hết cần phải nói là tôi không thích làm thầy bói. Nhưng nếu Giáo Hội quyết định cải tổ lại luật này thì tôi không nghĩ Giáo Hội sẽ làm vì do thiếu linh mục. Tôi cũng không nghĩ vì thế mà nó sẽ cổ động cho ơn gọi. Trong tiền đề mà Giáo Hội áp dụng biện pháp này, thì đó là vì lý do văn hóa, điều đã xảy ra đối với Giáo Hội Đông Phương, một giáo hội cho phép đàn ông lập gia đình được chịu chức. Ở đó, vào một thời điểm nào đó, trong một văn hóa nào đó, họ đã làm như vậy và vẫn còn làm như vậy cho đến bây giờ. Tôi nhấn mạnh: nếu một ngày nào đó Giáo Hội thay đổi trên vấn đề này, thì đó sẽ là do lý do văn hóa, trong một nơi chốn chỉ định chính xác, chứ không làm theo cách phổ quát hay theo lựa chọn cá nhân. Đó là xác quyết của tôi.

– Nhưng cũng sẽ có một ngày vấn đề này được đề cập đến?

– Cho đến bây giờ, tôi đồng ý với quan điểm của đức giáo hoàng Biển Đức VI: tình trạng độc thân phải được duy trì, tôi xác tín vậy. Sau đó, đâu là tác động của vấn đề này trên số lượng ơn gọi? Tôi không chắc bỏ tình trạng độc thân sẽ tăng thêm ơn gọi và giải quyết tạm thời nạn khan hiếm linh mục. Có lần, tôi nghe một cha xứ nói, việc bỏ tình trạng độc thân không những không còn sống một mình, có vợ nhưng còn được thừa kế thêm bà mẹ vợ… (Cười)

– Còn thêm nhiều đặc lợi nữa…

– Nói đùa thôi.

– Nhưng để trả lời cho những ai cho rằng hôn nhân sẽ giúp cho các linh mục tránh được nạn sa đọa tình dục thì sao?

– 70% trường hợp ấu dâm xảy ra trong vòng gia đình hay trong vòng thân cận của nạn nhân. Chúng ta biết điều này trong các bản báo cáo của các em bé bị lạm dụng, thường là do các cha ruột, cha ghẻ, các người ông, người chú, người bác trong gia đình. Trước hết, đó là những hành vi loạn dâm thuộc thứ trật tâm lý hơn là hành vi do lời khấn độc thân. Nếu một cha xứ có hành vi ấu dâm là do ông đã mang thói xấu này trước khi chịu chức. Người ta có hoặc không có. Vì thế phải rất cận thận khi lựa chọn ứng viên vào chủng viện. Ở chủng viện của thành phố Buenos Aires, chúng tôi nhận vào khoảng 40% ứng sinh. Chúng tôi theo sát trình độ trưởng thành của họ. Rất nhiều người không có ơn gọi và đã bỏ cuộc nữa chừng, dù đó là những người rất giỏi, sau đó họ lập gia đình và trở nên những giáo hữu rất tốt trong giáo xứ.

– Cha luôn luôn có những tiêu chuẩn đòi hỏi cao hay chỉ mới có sau các vụ tai tiếng?

– Mức độ đòi hỏi được củng cố từ lâu. Mỗi ứng sinh phải qua một thử nghiệm rất nghiêm nhặt. Cá nhân nào bị vấn đề tâm lý sẽ lộ ra những biểu hiệu, chẳng hạn chứng thích làm lớn, không trung thực, hoặc phạm tội. Tôi còn nhớ một nam sinh có phong cách kỳ lạ. Tôi gởi em đi gặp bác sĩ thần kinh, một trong năm chuyên gia giỏi nhất của thử nghiệm Rorschach ở Á Căn Đình, bà chẩn đoán đây là một trường hợp bị chứng cuồng hoảng nặng nhất bà chưa từng gặp. Sự lựa chọn phải chính xác chặt chẽ cả trên phương diện nhân bản lẫn thiêng liêng. Chúng tôi đòi hỏi ứng sinh phải có một cuộc sống cầu nguyện siêng năng chuyên cần – chúng tôi luôn luôn hỏi chủng sinh cầu nguyện như thế nào – và một lòng tận tụy với tha nhân và với Thiên Chúa.

– Dù cho bỏ ơn gọi để về lập gia đình, dù cho luôn luôn thiếu linh mục.

– Độc thân là một chọn lựa, cũng như chọn lựa sống khó nghèo. Nhưng cũng có khi vấn đề độc thân phải đặt lại khi một linh mục gặp một phụ nữ trong giáo xứ. Đôi khi cũng có những cha xứ đối diện với những tình cảm yêu đương, đó là chuyện bình thường. Đây là một thập giá và một dịp mới để họ tái xác định chọn lựa Chúa của họ. Nhưng phải cẩn thận: phải phân biệt rõ tình yêu đích thực với một sự hâm mộ thường tình hay một lôi cuốn tình dục. Đôi khi cũng có trường hợp một linh mục yêu thật sự, họ xem lại ơn gọi và thay đổi cuộc sống. Họ sẽ đến gặp giám mục địa phận và nói: “Con đến đây… con không nghĩ có ngày con sẽ gặp một tình yêu đẹp như vậy với bà…, con yêu thật sự…” Rồi họ từ giả sứ vụ.

– Còn cha, cha phản ứng như thế nào?

– Tôi là người đầu tiên đồng hành cùng vị linh mục đó trong giai đoạn mới này, tôi theo sát họ trong suốt con đường, trong tiến trình thiêng liêng họ sống. Nếu họ chín chắn quyết định, tôi giúp họ tìm việc. Nhưng có một điều tôi không chấp nhận, đó là sống hai mặt. Nếu họ không thể nào chu toàn sứ vụ, tôi khuyên họ nên ở nhà trong thời gian chúng tôi xin chuẩn, có nghĩa là xin La Mã cho phép họ nhận bí tích hôn phối. Phụng hội không được mang tai tiếng, không thể nào bạc đãi tâm hồn của một giáo hữu. Lòng thương xót của Chúa áp dụng cho tất cả mọi người.

– Dù các tâm lý gia khẳng định rằng Giáo Hội đóng một vai rất lớn trong mặc cảm tội lỗi, dù cho các linh mục tố cáo sự mất ý nghĩa của tội lỗi.

– Đối với tôi, cảm nhận mình là người tội lỗi là một trong những cảm nhận đẹp nhất mà con người có thể cảm nhận, với điều kiện là phải cảm nhận nó đến cùng. Thánh Âu-Tinh khi nói đến sự cứu rỗi đã nghĩ đến tội của ông Adong bà Evà, đến sự Thương Khó, đến sự Sống Lại của Chúa Giêsu, ngài đã chú giải: “Nhờ có tội mà chúng ta mới đáng được cứu chuộc.” Đó là câu hát chúng ta hát đêm Phục Sinh: “Lỗi lành thánh, tội lành thánh.” Khi một người có ý thức họ có tội và được Chúa Giêsu cứu, họ thú nhận sự thật này và họ khám phá hạt ngọc ẩn giấu, kho tàng chôn giấu. Họ khám phá được một chiều kích mới của cuộc sống: có một người thương họ sâu xa và hy sinh mạng sống của mình cho họ.

– Nếu thuận theo lập luận của cha, một khi đánh mất khái niệm về tội thì khó mà gặp được Chúa?

– Có những người nghĩ họ là người công chính, một cách nào đó, họ chấp nhận giáo lý, đức tin công giáo nhưng họ lại không trải nghiệm được ơn cứu độ. Nếu người ta kể cho bạn nghe câu chuyện có một đứa bé xém bị chết trôi và có người nhảy xuống cứu nó, thì đó là bạn nghe một câu chuyện, nhưng nếu người đó là người trong cuộc thì lại là một chuyện khác. Nếu là tôi, nếu tôi bị chết đuối và có người cứu tôi thì nhãn quan sẽ khác. Có người nghe câu chuyện nhưng họ không thấy, không muốn thấy, không muốn biết chuyện gì xảy ra cho đứa bé, họ chỉ theo dõi câu chuyện để tránh chết đuối; vì thế, họ không có một ý tưởng nào về sự thật. Chỉ có chúng tôi, một mình chúng tôi, những người cảm nhận mình là người có tội nặng thì mới có được ân sủng này. Tôi thường có thói quen nói, như thánh Phaolô nhấn mạnh, tình trạng người tội lỗi của chúng tôi là vinh quang duy nhất của chúng tôi.

– Vậy là dứt khoát, có đức tin là có thể dàn xếp được mọi chuyện… (Cười)

– Đúng, nhưng đừng quên rằng, người không tin cũng có thể rút tỉa lợi ích từ những sai lầm của họ. Nếu một người theo thuyết bất khả tri hay một người vô thần mà họ ý thức sự mong manh của kiếp nhân sinh, họ tìm cách để vượt lên tình trạng này thì họ sẽ lớn lên. Lỗi lầm của họ là đà phóng để họ được nâng cao lên. Tôi nhớ câu chuyện của một ông thị trưởng một thánh phố lớn ở Âu châu, ông kể, sau một ngày làm việc, mỗi tối ông có thói quen làm phút hồi tâm. Ông theo thuyết bất khả tri nhưng ông ý thức, đời ông có một ý nghĩa và ông cố gắng sống ngay thẳng. Sự xấu giúp ông trở thành người tốt hơn.

– Ít nhất cũng là một nhãn quan cho phép đề cập đến chủ đề lỗi lầm trong Thiên Chúa giáo dưới một góc cạnh khác.

– Tuyệt đối đúng. Vì thế, dưới mắt tôi, tội không phải là một vết nhơ mình phải loại bỏ. Đối với tôi, cần phải xin tha thứ và giải hòa hơn là đi tẩy nhuộm ở một tiệm nhuộm đầu đường. Dù sao, với tôi, tôi cần gặp Chúa Giêsu, người cho chính cuộc sống của Người cho tôi. Đây là một quan niệm về tội rất khác biệt. Nói cách khác: tội theo đúng nghĩa là nơi ưu thế để có một cuộc gặp gỡ mật thiết với Chúa Giêsu Kitô, đấng Cứu Chuộc, là tái khám phá của một cảm nhận sâu xa những gì Người có đối với tôi. Cuối cùng, đó là sống trong trạng thái sửng sờ thế nào là được cứu.

– Để kết thúc chủ đề này, chúng tôi nhớ lại một câu nói của đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, một câu nói đã nói lên thực trạng nghịch lý của xã hội: một mặt là càng ngày con người càng dửng dưng với vấn đề đạo đức thiêng liêng, một mặt lại có một cuộc đi tìm rất mạnh về đạo đức thiêng liêng, nhưng không phải lúc nào cũng đi theo những con đường phù hợp cho người dùng. Cha nghĩ về vấn đề này như thế nào?

– Đúng vậy. Một sự phủ nhận Thiên Chúa trong một vài tiến trình thế tục hóa, một sự tự lập của con người ít được mong muốn. Và cùng một lúc là cuộc đi tìm Thiên Chúa thể hiện qua rất nhiều cách, nhưng phải cẩn thận để tránh bước vào trải nghiệm của dạng tiêu thụ hay đúng hơn dưới dạng “siêu việt cận kề”, không thể hiện một tâm tình tôn giáo đích thực. Rất khó để có một tiếp cận riêng tư với Thiên Chúa, một Thiên Chúa chờ đón và yêu thương tôi, với một thực thể chuyển thông. Chủ nghĩa phiếm thần phân tán trong không khí, kiểu bình xịt thì không có nền tảng. Về lâu về dài, nó tựa như chế tạo ngẫu tượng, người ta đến thờ cái cây và thấy Chúa trong cây đó.

– Rất nhiều người khẳng định họ tin ở Chúa nhưng không tin ở các linh mục.

– Chắc chắn. Chúng tôi, các cha xứ, rất nhiều người trong chúng tôi không xứng đáng để họ tin vào chúng tôi.

 

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch