Giờ cuối cùng: Cuộc tấn công Donbass và tương lai của Ukraine. Tiếng lương tâm của Vladimir Putin

230

Giờ cuối cùng: Cuộc tấn công Donbass và tương lai của Ukraine. Tiếng lương tâm của Vladimir Putin

srp-presse.fr, Aline Lizotte, 2022-04-22

Trên tờ báo Kommersant của Nga, Vladimir Putin đã nói về ông như sau:

 “Tôi vẫn ở trong Đảng Cộng sản Liên Xô chừng nào nó còn tồn tại. Sau đó, tôi đặt thẻ và biên lai đóng niên liễm trong văn phòng tôi, và tôi gạch chéo lên. – Còn chuyện tôi rửa tội ư? – Có. Vào thời đó, trong căn hộ chung cư ở Leningrad nơi gia đình tôi sống, có một bà lớn tuổi, bà Ania. Khi tôi sinh ra, mẹ tôi và bà lén lút đem tôi đi rửa tội, không cho cha tôi biết vì cha tôi là đảng viên, bí thư chi bộ trong nhà máy của ông. – Mẹ của ông có đi nhà thờ không? – Tất nhiên, có. Bốn năm trước khi mẹ tôi qua đời (1911-1998), tôi có chuyến đi Israel, mẹ tôi đưa cho tôi cây thánh giá rửa tội của tôi để được làm phép ở mộ Chúa Kitô. Để khỏi mất, tôi đeo thánh giá vào cổ và tôi giữ từ đó đến nay”.

Vladimir Putin là người như thế nào? Chắc chắn ông là người đã được rửa tội! Một người được đào tạo theo chủ nghĩa mác-xít và đương nhiên là chai dạn! Vào lúc quân đội Nga xâm lược Donbass, vùng đất của những người ly khai Nga trú ẩn, Putin trở thành nhà lãnh đạo tối cao của toàn dân, dù ông còn được dân chúng ưa thích nhưng họ bắt đầu không còn muốn ông nữa.

 Người Ukraine là ai?

Trong số người dân Ukraine, 77,5% tuyên bố mình là người Ukraine. Ở Donbass và Galicia, hai khu vực đông dân nhất, một ở Tây Bắc, một ở Đông Nam tại những nơi này tỷ lệ phần trăm thay đổi. Ở Galicia, 94,8% người dân tự nhận mình là người Ukraine và ở Donbass, những người tự nhận mình là “người Ukraine” chỉ chiếm 56,9%. Điều này có nghĩa, dù thực thể quốc gia là Ukraine, nhưng toàn bộ dân số ở Donbass trực thuộc Nga. Dân số này nói tiếng Nga, đơn vị tiền tệ của họ là đồng rúp, họ được học ở các trường “tiếng Nga”, nhưng không có nghĩa họ muốn có mối liên hệ trực tiếp với Mátxcơva, và phải công nhận 38,2% dân số này tự nhận mình là dân tộc Nga… nhưng không nhất thiết phải rõ ràng “ly khai”.

Trên khắp Ukraine, tôn giáo chủ yếu là chính thống giáo, gắn liền với tòa thượng phụ Constantinople, vì thế không thuộc quyền của tòa thượng phụ Mátxcơva. Như Bà Alexandra Goujon, chuyên gia về Đông Âu viết: “Khi bản sắc dân tộc vẫn tồn tại, ở Liên xô truyền thống được dùng như một phạm trù hành chính, kết hợp với bản sắc công dân quốc gia, sau khi độc lập, quyền công dân Ukraine được cấp cho bất kỳ người dân nào ở Ukraine mong muốn”. Nói cách khác, cho dù người đó sinh ra ở Nga hay không, người đó còn quan hệ cha mẹ ở Nga hay có vợ hoặc chồng ở đó, nếu đời sống xã hội chủ yếu của họ ở Ukraine thì họ là người Ukraine. Kết quả, họ tham gia về mặt xã hội và tình cảm vào các sự kiện sâu sắc đang diễn ra tại một quốc gia có “nền độc lập về xã hội học và tâm lý” đầu tiên sau cuộc sáp nhập Kyiv lần đầu tiên do Ba Lan-Litva thực hiện năm 1362.

________________________________________

Về mặt lịch sử, không phải Nga tạo ra Ukraine,

mà chính từ Ukraine đã khai sinh ra nước Nga.

________________________________________

Tuy nhiên, Ukraine đã ra đời trước ngày đó rất lâu. Giống như tất cả các quốc gia châu Âu cổ đại và hiện đại, bằng cách chiến thắng  hoặc đồng hóa người Barbarian (Huns, Avars, Bulgarians, Khazars, Magyars) và các bộ tộc Slavơ, Ukraine đã trở thành một “quốc gia” xung quanh ”Kyiv”, và Kyiv trở thành thủ đô và thành “Rus”: một vùng lãnh thổ bao gồm phía bắc của Ukraine ngày nay, cộng với Belarus và phía tây nước Nga. Theo lịch sử, không phải Nga sinh ra Ukraine, mà chính từ Ukraine, nước Nga được sinh ra, khi quyền lực nhà nước được truyền từ Kyiv sang Mátxcơva vào khoảng năm 1150. Thực tế là vào năm 988, dưới thời trị vì của Volodymyr Đại đế, Thánh Cyril đã hoán cải giới quý tộc người Kyiv và phần lớn dân số theo kitô giáo. Dưới thời trị vì của Iaroslav le Sage, uy tín của nhà nước Kyiv lên cao. Yaroslav là nhà xây dựng vĩ đại: ông là người đã xây Nhà thờ Thánh Sophia nổi tiếng ở Kyiv. Ông cũng là nhà lập pháp và là nhà giáo dục vĩ đại.

Thế kỷ 13 là thế kỷ của các cuộc xâm lược của người Mông Cổ, hành động quân sự của một cường quốc châu Á. Đế chế Mông Cổ dùng quân đội để xâm lược và chinh phục các khu vực châu Âu, tàn phá các thủ đô Slavơ và các thành phố lớn như Kyiv và Vladimir. Các cuộc xâm lược của người Mông Cổ cũng ảnh hưởng đến Trung Âu, đặc biệt là Bohemia-Moravia, Ba Lan (Trận Legnica, 1241), Moldavia, Wallachia, Transylvania, Hungary (Trận Mohi, 1241) và Bulgaria. Cho đến lúc đó, người châu Âu chia rẽ và hiếu chiến với nhau, họ nhận ra sự cần thiết phải hợp tác để đương đầu với người Mông Cổ xâm lược và đình chỉ các cuộc xung đột cục bộ ở một số khu vực Trung Âu, kết hiệp nhau trước mối đe dọa bị loại bỏ. Được giải phóng khỏi quân Mông Cổ, Rus của Kyiv chia làm hai phần: phần phía tây thuộc về Hungary và cuối cùng bị Ba Lan thống trị. Vào những năm 1920, sau Nội chiến Nga, nó được sáp nhập vào Nga. Năm 1939, Liên Xô hoàn thành cuộc chinh phục miền Tây Ukraine, theo Hiệp ước Đức-Xô. Khi Liên Xô tan rã năm 1991, Ukraine tuyên bố độc lập giống như tất cả các quốc gia đã cấu thành vương miện Đế chế Liên Xô, bao gồm Moldova, Romania và các nước Baltic. Tuy nhiên, trước khi có được nền độc lập mà hiện nay Ukraine đang chiến đấu, Ukraine đã phải trải qua sự thống trị của người Bolshevik, chủ yếu là trong thời Stalin, thời kỳ đất nước bị đày đọa và đàn áp.

Nhục nhã và thức tỉnh

Trong thời kỳ này, số phận Ukraine trở thành chư hầu của nước Nga xô viết. Mátxcơva, chủ yếu dưới thời Stalin đã có công đưa người dân Ukraine trở lại tình trạng “những người Nga nhỏ bé” và ra lệnh cho toàn lãnh thổ nói tiếng Nga cũng như cấm in và giảng dạy bằng tiếng Ukraine. Sự nga-hóa lãnh thổ Ukraine đi kèm một động cơ mạnh là để áp đặt chủ nghĩa cộng sản. “Trí thức Ukraine bị đàn áp (2/3 bị bắt và trong một số trường hợp bị sát hại), trong khi nạn đói ở Ukraina năm 1932-1933 đánh vào tầng lớp nông dân”. Đây là nỗi kinh hoàng Holodomor. Gorbachev và chương trình cải tổ perestroika xuất hiện, sự sụp đổ của ông và sự trỗi dậy của Boris Yeltsin (người mà Vladimir Putin trở thành người tận tụy phục vụ) là cơ hội để cả nước lấy lại bộ mặt thật và cố gắng trở thành “Rus của Kyiv” một lần nữa. Đây là ảo ảnh hay sự thật có thể xảy ra?

________________________________________

Tiếng Ukraine là ngôn ngữ thông thường, trong khi nhiều hiệp hội yêu cầu để tiếng Nga là ngôn ngữ thứ hai.

________________________________________

Để trở lại quốc gia của mình, thì phải có quyền dùng lại ngôn ngữ của mình và thực hành trong xã hội. Năm 1989, một đạo luật đã đưa tiếng Ukraine trở thành ngôn ngữ chính thức và cung cấp sự phát triển của nó trong một số lĩnh vực của đất nước. Hiến pháp năm 1996 xác nhận tiếng Ukraine là ngôn ngữ nhà nước duy nhất và giáo dục ở Ukraine đã tăng từ 49% năm 1991 lên 70% trong năm 2000-2001. Tuy nhiên, tiếng Nga không bị cấm; trong các trường học, trường cao đẳng cũng như trong lãnh vực kinh tế thị trường, tiếng Nga được sử dụng rộng rãi. Trong tình huống nực cười này, tiếng Ukraina trở thành ngôn ngữ chính thức của đất nước, và tiếng Nga vẫn được dùng không chính thức: Ukraine là ngôn ngữ thông thường, trong khi nhiều hiệp hội yêu cầu để tiếng Nga là ngôn ngữ thứ hai.

Tình huống này là tình huống của cuộc sống thường chứ không phải của môi trường “chính trị”. Nó chống lại các khu vực phản kháng rất mạnh mẽ, đặc biệt là ở Donbass, nơi mà phe ly khai giành được năm 2012, dựa vào Hiến pháp, trong khi ông Victor Yanukovych – là người Nga gốc Donetsk – đang trong nhiệm kỳ Tổng thống, việc thông qua một đạo luật cho phép ngôn ngữ khu vực với ngôn ngữ được ít nhất 10% cư dân của khu vực này sử dụng. “Một số thành phố hoặc khu vực ở Đông Nam tuyên bố tiếng Nga là ngôn ngữ khu vực và các ngôn ngữ khác như “tiếng Romania” và “tiếng Hungary” có cùng quy chế này. Nhưng ngôn ngữ chính thức của Ukraine không phải là tiếng Nga, cũng không phải tiếng Romania, cũng không phải tiếng Hungary, mà là tiếng Ukraine.

Những luật này, có vẻ khác xa với một chính sách của các đảng, một mặt đã kích hoạt một cuộc nổi dậy mang tên Euromaidan, gây ra mâu thuẫn cho nó. Điều này đã phát triển ở các thành phố phía đông của Ukraine. Euromaidan đã đấu tranh với Tổng thống Victor Yanukovych và những gì mà những người biểu tình Maidan cảm nhận: một chính sách dựa vào Nga được thể hiện qua việc tổng thống Yanukovych từ chối ký liên hiệp với Liên minh châu Âu. Cuộc nổi dậy Maidan này gây được tiếng vang lớn ở một số thành phố phía đông của Ukraine, và đặc biệt ở Donbass, lưu vực công nghiệp ở cuối đất nước, trong đó hai khu vực hành chính Donetsk và Luhansk giữ các trung tâm hành chính của đất nước.

Những cuộc biểu tình này, trái ngược với những cuộc biểu tình của Maidan, tìm cách giành lấy chính quyền và theo sau phong trào do việc sáp nhập Crimea gây ra, ủng hộ chính sách gia nhập Nga của Ukraine. Họ cũng được Nga hỗ trợ sâu sắc. Quân đội Ukraine cố gắng chống lại chiến dịch chống khủng bố, nhưng chỉ kiềm chế được sự lan rộng của lực lượng nổi dậy. Một cuộc trưng cầu dân ý được sử dụng để tuyên bố nền độc lập của hai nước cộng hòa nhân dân này. Kyiv không chấp nhận tính hợp pháp. Hơn nữa, những chuyển động này trái ngược với một cuộc phản công lực lượng Nga hỗ trợ. Người phương Tây đang cố gắng hòa giải: đây là các cuộc họp ở Minsk. Một nỗ lực đầu tiên được chấp nhận nhưng không được ký kết thực sự; một thỏa thuận thứ hai, được ký vào ngày 11 tháng 2 năm 2015 của đại diện hai nước cộng hòa tự xưng, Cộng hòa Donetsk và Cộng hòa Luhansk, với sự đồng ý trước của các cường quốc bên ngoài, đại diện Tổ chức An ninh và hợp tác ở châu Âu, OSCE của Ukraine, của Nga và của hai nước cộng hòa ly khai, Donetsk và Luhansk. Nghị định thư Minsk được các bên ký kết thông qua, nhưng không được áp dụng. Nghị định ra lệnh ngừng bắn ngay lập tức, nhưng điều này chưa bao giờ xảy ra.

 Việc từ chối Nghị định thư Minsk này đến từ đâu?

Tại sao Nghị định thư Minsk chưa bao giờ được áp dụng? Một trong những đại diện của phong trào chống Kyiv là ông Victor Yanukovych, gốc Donetsk, ông làm thống đốc Donetsk từ năm 1997 đến năm 2002. Ông trở thành Thủ tướng (2002-2005) và chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2010. Trong vòng hai, ông có 90% số phiếu bầu ở khu vực của ông so với 7-8% ở cuối phía Tây đất nước và 25,7% ở Kyiv. Sau khi bỏ trốn khỏi Kyiv, ông Yanukovych cho rằng chính quyền Kyiv theo sau các cuộc biểu tình của người Maidan, bị 2/3 người dân Donbass xem “bất hợp pháp”. Ông cho rằng cần phải chống lại sự bất hợp pháp này của quyền lực Kyiv  bằng cách huy động giới tinh hoa, một phần dân chúng và các lực lượng quân đội, chống lại chính phủ của Poroshenko năm 2014, có nghĩa là chống Kyiv.

________________________________________

Ngoài các lực lượng đặc biệt, tháng 8 năm 2014, Donbass được hỗ trợ rất nhiều về mặt quân sự với các loại vũ khí hạng nặng.

________________________________________

Cuộc nổi dậy này, không phải là một cuộc nổi dậy cũng không phải là cuộc nội chiến, thực sự không phải là một phong trào phổ biến. Một số dân cử địa phương tham gia, một số lớn bỏ trốn hoặc thụ động tham gia. Cuộc nổi dậy này chủ yếu do các lực lượng đặc biệt lãnh đạo, như bà Alexandra Goujon khẳng định. Trong số các lực lượng này, chúng ta thấy Igor Guikine, sĩ quan cơ quan mật vụ Nga trở về từ Crimea, người đã trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Cộng hòa Donetsk tháng 5 năm 2014. Ngoài ra còn có ông Alexander Borodai, một nhà tư vấn chính trị Nga, người nhận chức vụ Thủ tướng nước Cộng hòa Donetsk.

Rào chắn ở Sloviansk (Donetsk Oblast), ngày 23 tháng 4 năm 2014 – Aleksandr Sirota / Wikimedia Commons

Các “lời khuyên”cọng thêm sự hỗ trợ quân sự vũ khí hạng nặng ở Donbass, xuất hiện trong cuộc bao vây Ilovaisk, tháng 8 năm 2014, hoặc của Debaltseve, tháng 2 năm 2015. “Các nhà lãnh đạo Nga vẫn phủ nhận bất kỳ sự can dự quân sự nào và lập luận rằng những quân nhân Nga bị bắt là những người lính đang nghỉ phép. Tương tự, họ phủ nhận mọi trách nhiệm về vụ máy bay MH17 của Malaysia Airlines rơi trên đất của quân ly khai tháng 7 năm 2014 làm cho 298 người thiệt mạng, mặc dù vào thgg 5 năm 2018, một cuộc điều tra quốc tế chứng minh tai nạn này là do tên lửa từ một Lữ đoàn phòng không Nga đóng tại Kursk phóng”. Có lẽ chúng ta nên tránh xa một phản xạ nào đó – rất Pháp – có xu hướng quá nhanh chóng khi nói rằng, trong những cuộc xung đột khó khăn và thường đẫm máu này, khi các nước tấn công xấu xa, “đó là do lỗi của người Mỹ”. Vì thế sẽ là lỗi của CIA nếu Nghị định thư Minsk không được tuân thủ, trong khi có vẻ như những người Mỹ này đã không tham dự vào các hội nghị dài lâu của các cuộc đàm phán này.

Và Vladimir Putin trong tất cả những việc này?

Cho đến cùng: Putin biện hộ quan điểm của ông: Cách mạng Cam và các cuộc biểu tình Maidan là công việc của “những người ủng hộ châu Âu” và các đồng minh của họ. Họ đã gây ra những “cuộc tàn sát kinh hoàng” ở Ukraine, nước vốn chỉ muốn sống trong sự che chở của mẹ nó là Nga, người đã sinh ra nó. Chúng ta biết Putin đã khinh thường Ukraine đến mức độ nào. Tại cuộc họp của NATO ở Bucarest, trong thông cáo chung cuối cùng ngày 3 tháng 8 năm 2008, NATO đã mời Ukraine,  không phải là thành viên của NATO, để chuẩn bị cho Ukraine: “NATO hoan nghênh nguyện vọng Euro-Đại Tây Dương của Ukraine và Gruzia, những nước muốn tham gia Liên minh. Hôm nay, chúng tôi đã quyết định các quốc gia này sẽ trở thành thành viên của NATO. Cả hai đều có những đóng góp quý giá cho hoạt động của Liên minh. Chúng tôi hoan nghênh những cải cách dân chủ ở Ukraine và Gruzia, đồng thời mong đợi cuộc bầu cử quốc hội tự do và công bằng ở Giuzia vào tháng 5. Đối với hai quốc gia này, MAP15 đại diện cho bước tiếp theo trên con đường dẫn họ trực tiếp trở thành thành viên”.

Cuộc gặp các nguyên thủ quốc gia lần này có sự tham dự của Tổng thống Mỹ George W. Bush và Vladimir Putin. Trong cuộc họp này, một nguồn tin của một trong các nước thành viên của Liên minh, được nhật báo Kommersant của Nga trích dẫn, kể lại tình tiết sau: “Vladimir Putin nói với Tổng thống Bush: ‘George, bạn hiểu đó, Ukraine không phải là một quốc gia! Ukraine là gì? Một phần lãnh thổ của nó là Đông Âu, và một phần khác, không phải là không đáng kể, đó là chúng tôi đã cho nó!” Và, ở điểm này, ông làm rõ điều, ám chỉ một cách minh bạch, nếu Ukraine được gia nhập NATO, thì nước này đơn giản muốn chấm dứt sự tồn tại của mình. Có nghĩa, trên thực tế, ông đe dọa sẽ tiến hành sáp nhập Crimea và miền đông Ukraine.

________________________________________

Hình mẫu của Putin là Mikhail Gorbachev. Một Gorbachev mà ông ngưỡng mộ, nhưng ông không thể đi theo…

________________________________________

Vladimir Putin là ai? Đây có phải là một Lênin mới? Một Stalin mới? Một Gorbachev mới? Nếu chúng ta nghĩ rằng ông vẫn giữ một số đặc điểm và thậm chí nhiều đặc điểm của chủ nghĩa Stalin – điều mà ông làm bằng cách san thành bình địa các thành phố của Ukraine, tàn sát dân thường với cả phụ nữ mang thai và trẻ em, để tạo ra bầu khí khủng bố và xua đuổi dân thường ra khỏi khu vực chiến đấu, để có thể tiêu diệt nhiều hơn, nhưng ông sẽ không thể hơn được nỗi kinh hoàng của chủ nghĩa Stalin với 20 triệu người dân không ngừng bị “thanh trừng”mà nước Nga phải trả giá. Ông đã vượt qua ranh giới của ngờ vực và thậm chí của hận thù mà phương Tây dành cho ông. Chúng ta không nói rằng ông không thể tiến xa hơn! Nhưng ít nhất, chúng ta hy vọng như vậy.

Hình mẫu của Putin là Mikhail Gorbachev. Một Gorbachev mà ông ngưỡng mộ, nhưng người mà ông không còn có thể đi theo được… Sự ngưỡng mộ mà ông dành cho Gorbachev bị chôn vùi trong sự sụp đổ người hùng của ông. Một quyển sách xuất bản ở Mỹ có thể hướng dẫn chúng ta tìm hiểu về Vladimir Putin. Quyển sách có tên Thế lưỡng nan về An ninh, Cảnh giác và Quan hệ của Nga với phương Tây từ thời Ivan III đến Putin (The Russian Dilemma Security, Vigilance and Relations with the West from Ivan III to Putin), tác giả là Gordon M. Hahn. Phân tích những nhà độc tài cuối cùng đã lên cầm quyền ở Nga (Lênin, Stalin, Khrushchev, Brezhnev), tác giả kéo sự chú ý của độc giả đến tình huống “tiến thoái lưỡng nan” sau đây. Tất cả họ đều tin nước Nga đang trỗi dậy từ thời kỳ cuối của chủ nghĩa Sa hoàng nhờ cuộc Cách mạng phần lớn được cảm hứng từ người Jacobin của Cách mạng Pháp, rằng giờ đã đến, ngày vinh quang đã đến, rằng nước Nga sẽ tạo ra Người Cứu Rỗi, Người Cứu Chuộc, Người sở hữu nhân loại của mình. Phần cuối của thế kỷ 19 được đánh dấu bằng sự bùng nổ đặc biệt ở Nga. Giới trí thức phát hiện ra các tư tưởng chủ đạo của Cách mạng Pháp: chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa hư vô, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa vô chính phủ, cũng như chủ nghĩa khủng bố. Đối với các nhà trí thức này, những tư tưởng mới này cho họ câu trả lời cho những tệ nạn của nước Nga: nghèo đói, chế độ chuyên chế Nga hoàng, sự kém cỏi của dân tộc so với các quốc gia châu Âu. Nhưng chúng vẫn chưa đủ. Nước Nga phải được thay đổi bởi cuộc cách mạng.

Sự mới lạ này không phải là không gặp phải những khó khăn nghiêm trọng. Các đế chế tài chính và công nghiệp mới đã được tạo ra, được xây dựng trên tinh thần chỉ đạo còn tận căn hơn so với thời Sa hoàng, cảnh sát của họ cứng rắn và hiện diện hơn. Nhưng trên tất cả, những ý tưởng rút ra từ chủ nghĩa mác-xít đã được tiếp nhận trong môi trường trí thức hạn chế hơn là ở các vùng đất phương Tây hóa của các nước châu Âu khác. Ý tưởng về “chế độ độc tài của giai cấp vô sản” được chấp nhận tốt hơn và có kết quả hơn bất cứ nơi nào khác ở châu Âu, vì “giai cấp vô sản là giai cấp đa số của xã hội Nga”, giai cấp quý tộc cầm quyền – nhìn từ xa – thuần phục tầng lớp trung lưu tư sản trong tất cả các dạng của nó, giống như ở Pháp hoặc ở Anh. Phải nhảy các giai đoạn và chỉ có cuộc cách mạng mới có thể cho phép có bước nhảy vọt này. Những người phải thay đổi – nhanh chóng – không phải là giai cấp tư sản, mà là giai cấp nông dân – những người khó thay đổi nhất. Trên thực tế, giai cấp này không tham gia, giai cấp này bị loại, họ chỉ là một tầng lớp chứ không phải là người tham gia.

Gia đình sa hoàng bị ám sát năm 1917, khi người Bolshevik thống trị Duma và họ ở lại trong một thời gian dài. Cách mạng cần có thời gian để thiết lập. Phải học cách suy nghĩ và sống như người “cách mạng”. Phải đưa các tác phẩm của Feuerbach, Saint-Simon, Fourier và Proudhon cho quần chúng suy nghĩ. Cũng phải đưa các tư tưởng này vào các phong trào trí thức Đại học, và cả trong các phong trào của Giáo hội chính thống. Và cũng phải vạch sự hẹp hòi của phương Tây, đặc biệt là khi họ gần gũi với các phong trào tôn giáo. Đó là lý do vì sao họ tạo một loại chủ nghĩa giáo lý cách mạng, trong đó họ rất nhiệt tình với giải pháp cách mạng, nhưng vẫn phải đào tạo để làm. Chủ nghĩa giáo lý này đã truyền cảm hứng sâu sắc cho Lênin, nó không những là người tạo loại cảm hứng hỗn loạn cho chủ nghĩa dân túy, mà còn là nhà chiến lược chuyên nghiệp thực sự của Cách mạng Bolshevik. Các đặc điểm và hành vi đã được ấn định: một đảng duy nhất, một bộ chính trị duy nhất, một ban lãnh đạo duy nhất và thiêng liêng. Khác với Cách mạng Pháp, Cách mạng Nga trở thành một chiến lược tư tưởng sâu sắc, chỉ đạo có hiệu quả và chắc chắn thành công.

________________________________________

Cách mạng Nga nhốt dân trong lồng sắt mà người dân không thể tự mình thoát ra được.

________________________________________

Vì thế Cách mạng Nga đã đạt được, với kỷ luật sắt và một chiến lược thực tế, việc nhốt dân trong lồng sắt mà người dân không thể tự mình thoát ra được, điều này làm cho một số người phương Tây ngưỡng mộ nhưng họ không muốn mình bước vào. Lênin và những người kế nhiệm ông, Stalin, Khrushchev, Brezhnev đã thích ứng và khôn khéo tiến lên, lợi dụng sự mù quáng của phương Tây và những chiến thuật khôn ngoan để đưa nước Nga sa hoàng lên thành cường quốc thế giới. Chỉ có một thiên tài, một người thông minh đáng ngưỡng mộ, đã cố gắng thoát khỏi sự gò bó này, đó là Mikhail Gorbachev. Không phá vỡ sự thống nhất của Đảng, ông đã cố gắng làm cho Đảng từ bỏ tất cả những điều ngu xuẩn mà phương Tây miệt thị, biến chính phủ vẫn là cộng sản có một lựa chọn có thể chấp nhận được với những người chống đối, duy trì sự tôn trọng nhân quyền như một lá cờ hay như một cái khiên. Nếu sự chấm dứt công việc của ông một phần đóng góp vào sự sụp đổ Bức tường Berlin, nhưng nó không đánh dấu sự kết thúc của chủ nghĩa cộng sản như lý tưởng của chính phủ Con Người bởi Con Người của nhà lãnh đạo này.

Nhưng thiên tài đã tạo nên những kẻ thù ngu dốt hoặc sẵn sàng phớt lờ những lợi ích chính trị của Gorbachev. Các nhà lãnh đạo Politburo đã thành công trong việc vô hiệu hóa hành động không chỉ của Tổng Bí thư, mà của Chủ tịch Liên Xô. Trong số các nhà lãnh đạo này, nhân vật chính là Boris Yeltsin, người đã bãi bỏ đảng cộng sản, do đó gây ra sự tan rã của Liên Xô, giải phóng các chư hầu, một chính phủ được cho là được bầu ra, nói ngắn gọn, một chính phủ được phương Tây chấp nhận mà không từ bỏ bất cứ điều gì của lý tưởng tiềm ẩn:  khẳng định rằng chỉ có Liên bang Nga mới có thể mang lại cho toàn thế giới sự giải phóng tuyệt đối của Con người bởi Con người, người sáng tạo mới chỉ nợ chính bản thân mình cho những gì mình là và cho những gì mình sẽ trở thành. Vladimir Putin, người ngưỡng mộ Gorbachev thời trẻ, đã trở thành người kế nhiệm Yeltsin.

Quan điểm biện chứng

Tác giả Gordon M. Hann viết trong cuốn sách Thế tiến thoái lưỡng nan của nước Nga, rằng tình thế tiến thoái lưỡng nan này được khắc sâu trong tâm lý lo sợ của bất kỳ nhà độc tài nào của chính phủ Nga, dù của Liên Xô hay Liên bang Nga hiện tại. Biểu hiện của nỗi sợ hãi này có thể thấy ở Stalin, người đã sống kinh nghiệm này trong tình trạng hoang tưởng, sử dụng tất cả các cơ quan mật vụ để chống lại “kẻ thù của chế độ cách mạng mới”. Họ là: GPU hoặc Cục Chính trị Nhà nước, cảnh sát bí mật đầu tiên của Liên Xô, sau đó là NKVD, chịu trách nhiệm về các cuộc thanh trừng lớn. Sau Thế chiến II, NKVD phát triển thành Bộ An ninh Nhà nước (MGB), và cuối cùng thành KGB.

Nếu Stalin sử dụng Cục Chính trị Nhà nước GPU hoặc NKVD, cơ quan tạo ra chế độ khủng bố ở Liên Xô mà nạn nhân đầu tiên là các bộ trưởng và đối thủ của chính ông – Trotsky đầu tiên và các nhà văn vĩ đại như Pasternak và Solzhenitsyn – thì Stalin ở trong tình trạng thường xuyên lo sợ bị sát hại hoặc bị chính cơ quan cảnh sát của mình bắt giữ. Gorbachev không hề sợ hãi, và một trong những quyết định của ông là bãi bỏ cơ quan mật vụ này – cơ quan không còn giữ nhiều bí mật. Nhưng Putin sợ điều gì? Không phải từ cảnh sát của chính ông, mà ông kiểm soát kỹ, cũng không phải từ những hành động quỷ quái như hành động của Stalin. Vẫn còn dân chúng Nga hâm mộ, những người bị tước bỏ mọi giao tiếp với thế giới bên ngoài, không thể đánh giá anh hùng của mình đã bị ô nhục đến như thế nào.

________________________________________

Putin biết rất rõ các khả năng phòng thủ của ông là kỹ năng duy trì một quyền lực có nguy cơ sụp đổ một ngày nào đó.

________________________________________

Vladimir Putin biết rõ hành động gây hấn Ukraine là một hành động không có một biện minh nào của quốc tế, Ukraine không có mối đe dọa nào với Nga. Ông biết rất rõ, đó là hành động vô cớ! Ông cũng biết những “lời nói dối” công khai của ông là “giả mạo” khi ông cố đổ lỗi cho “người Mỹ” về các vụ thảm sát ở Bucha. Putin biết rất rõ các khả năng phòng thủ của ông là kỹ năng duy trì một quyền lực có nguy cơ sụp đổ một ngày nào đó. Cuộc chiến vừa nổ ra ở Donbass, nền độc lập mà ông trao cho Cộng hòa Donetsk và Luhansk, là trái luật pháp quốc tế về mặt pháp lý. Ông biết rất rõ rằng cuộc chiến ở Donbass là cuộc chiến diễn ra vào giờ cuối cùng. Hoặc ông thắng hoặc ông thua! Ông biết có nhiều khả năng ông sẽ thua. Ông sẽ phải quyết định vì ông giao chiến với nhân loại trong một cuộc chiến sẽ gây ra thảm họa sâu sắc cho toàn nhân loại… nếu chúng ta yếu đuối để cho nó xảy ra!

Putin đeo thánh giá rửa tội nơi cổ. Thánh giá không phải là lá bùa hộ mệnh! Nếu ông biết thánh giá có ý nghĩa gì – và tại sao ông  không nên làm như vậy? – , ông cũng biết, một ngày nào đó, ông sẽ nghe một tiếng nói hỏi ông: “A-ben em ngươi đâu rồi?”, “Ngươi đã làm gì vậy?”, “Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta (St 4: 9). Một ngày nào đó ông sẽ phải trả lời. Và kể từ ngày đó, ông sợ! Chỉ có Dostoyevsky mới có thể làm cho chúng ta hiểu được nỗi day dứt của một người làm tất cả, nhưng không làm sao để tiếng lương tâm mình im lặng. Nếu phải cầu nguyện – đó là điều duy nhất chúng ta cậy vào – chúng ta xin Chúa cất tiếng nói của Ngài và để Vladimir Putin nghe tiếng Ngài.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm:  Xin Chúa thương xót nhân loại chúng con