Giám mục Dominique Lebrun: “Đức Giáo hoàng nói với tôi: ‘Hãy làm để linh mục Jacques Hamel được tôn kính!’”

359

 

Ngày 26 tháng 7-2016, linh mục Jacques Hamel đang dâng thánh lễ ở nhà thờ Saint-Étienne-du-Rouvray, Rouen, nước Pháp, thì bị hai tên khủng bố hồi giáo giết chết.

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki và Jean Mercier, 2017-07-19

Tổng Giám mục giáo phận Rouen, Pháp kể lại các phản ứng sau vụ giết hại linh mục Jacques Hamel ngày 26 tháng 7-2016, nhất là trong thế giới hồi giáo và các lý do để tiến hành nhanh án phong thánh.

Theo cha, các phản ứng sau cái chết của linh mục Jacques Hamel nói lên điều gì?

Điểm nổi bật, đó là các bối cảnh: Sát hại một linh mục lớn tuổi, một nhân vật không ai nhắc đến, ở một thành phố ít người biết. Linh mục Jacques Hamel không phải là hình ảnh mang tính biểu tượng: sự việc xảy ra lúc 9 giờ sáng trong thánh lễ ngày 26 tháng 7 với năm người lớn tuổi tham dự… Dù cho một phần nào đó, tất cả các cuộc sát hại khác đều không giải thích được và đều cùng nói lên tính cách man rợ của sự việc, nhưng mỗi lần đều có những chỉ dẫn khác nhau để giải thích. Các biếm họa Mahomet của tuần báo Charlie Hebdo, biểu tượng của đời sống náo động giải trí của rạp hát Bataclan, các tương quan đôi khi ngược nhau giữa người Do Thái và người Hồi giáo ở tiệm Hyper Cacher, ngày Quốc khánh Pháp ở thành phố Nice.

Linh mục Jacques Hamel mang biểu tượng gì?

Biểu tượng của cha ít được thấy rõ. Hình ảnh của linh mục bây giờ không còn là biểu tượng. Rất nhiều người gặp linh mục trong đời sống của họ. Nếu một linh mục ứng xử một cách khủng khiếp thì không ai có thể chịu đựng được. Nếu người ta tấn công một linh mục một cách khủng khiếp và bất công, thì cũng không ai có thể chịu đựng được. Dù hàng giáo sĩ chúng tôi già nua, tội lỗi, đôi khi lại là trung tâm của những chuyện tai tiếng, thì vụ giết hại này cho thấy có một cái gì rất mạnh trong việc gắn kết với linh mục, người của Chúa. 

            “Dù hàng giáo sĩ chúng tôi già nua, tội lỗi, đôi khi lại là trung      tâm của những chuyện tai tiếng, thì vụ giết hại này cho thấy có một cái gì rất mạnh trong việc gắn kết với linh mục, người của Chúa.” 

Rất nhiều lời vinh danh trong thế giới hồi giáo…

Thế giới hồi giáo ở Pháp lạnh người trước làn sóng tàn sát này. Gần đây, tôi ý thức cần phải có thời gian để cho mọi sự tự nó nói lên. Mới đầu, chính tôi, tự trong thâm tâm, tôi đòi hỏi cộng đồng hồi giáo phải phản ứng nhiều hơn. Nhưng họ cũng cực kỳ chấn động như chúng ta. Phải để cho họ có thời gian. Họ xấu hổ, cũng như tôi, khi tôi nghe tín hữu kitô ở Xuđăng báo thù, họ tấn công các người hồi giáo. Sau vụ sát hại như vụ xảy ra ở nhà thờ Saint-Étienne-du-Rouvray, các phụ nữ mang khăn đi một mình ngoài đường bị nghe những lời giễu cợt.

Gần đây trong một buổi họp ở nguyện đường hồi giáo ở Saint-Étienne-du-Rouvray, ông chủ tịch Hội đồng thờ phụng của người hồi giáo địa phương đã tuyên bố: “Ngay lập tức chúng tôi sợ người công giáo không thương chúng tôi nữa”. Trước đây ông không bao giờ nói như vậy. Tôi mừng khi nghe như vậy vì điều này chứng tỏ, người hồi giáo biết người công giáo thương họ. Nhưng họ chưa đủ tin tưởng để nghĩ người công giáo có thể tiếp tục muốn thương họ…

“Muốn thương họ”, ý cha muốn nói gì?

Tôi nói “muốn thương họ” vì tôi nói với tư cách riêng và với tư cách của cộng đoàn kitô, vì sau vụ ám sát thì thật là khó. Những thanh niên đã giết cha Hamel vì họ nhân danh đức tin hồi giáo của họ. Một trong hai thanh niên là người thường đến nguyện đường Saint-Étienne-du-Rouvray, nơi, một phần nào đó anh ta học đạo hồi… Có vẻ như thanh niên này trở nên cực đoan sau vụ tấn công vào tuần báo Charlie Hebdo. Mới đầu gia đình thanh niên này không hiểu rõ những gì đã xảy ra. Còn nhỏ, anh không được học tiếng Ả rập cũng như kinh Coran. Vào thời đó, mẹ của anh rất lo lắng, bà ráng thử để có những cuộc bàn thảo ở nhà. Những cuộc bàn thảo mà chúng ta có thể hình dung giữa một người trẻ có những xác quyết mạnh, nghĩ rằng mình học được những chuyện trong giáo điều và một bà mẹ không đáp ứng đủ câu trả lời dưới mắt người con. Rất lo lắng, bà đã báo cho cảnh sát biết. Chính nhờ bà mà anh bị bắt lúc anh sắp lên đường gia nhập nhóm khủng bố khi anh 18 tuổi. Anh bị tù 10 tháng. Và có thể, ở đó anh đã học tiếng Ả rập và kinh Coran và gặp những người hồi giáo cực đoan khác.

Cha đã gặp mẹ của một trong hai thanh niên?

Có. 

Cha xin gặp?

Đúng. Và chúng tôi thỏa thuận là sẽ không nói đến nội dung của cuộc trao đổi. Đó là lúc rất khó khăn cho bà và cho gia đình bà. Bà rất cô độc. Còn tôi, tôi cảm thấy cần phải nói với người phụ nữ này: “Tôi không giận bà”. Trong tôi, một phần vừa muốn tìm hiểu, một phần cũng vì hiếu kỳ. Không phải hoàn toàn lành mạnh, nhưng tôi cảm nhận có nhu cầu tìm hiểu này. Tôi chờ thời gian, và đó là vào khoảng lễ Phục Sinh.

 

          “Linh mục Jacques Hamel là người trung thành đến cùng. Chúng ta thấy ngài như vậy. Án phong chân phước cho thấy đây là người mà đáng lý chúng ta phải nói đến từ lâu, như bao nhiêu linh mục khác.”

 

Thời gian chịu tang vẫn còn?

Có thời gian cho truyền thông, cho thời sự quốc tế và cho giáo xứ. Con đường chịu tang khác nhau cho từng người, dù đó là cha xứ, giáo dân, người em trai và hai người em gái của cha Jacques Hamel. Hay với cộng đoàn hồi giáo. Cũng như trong một gia đình. Khi để tang, có người muốn vứt hết áo quần, dọn dẹp phòng người quá cố một cách nhanh chóng, có người không muốn vội vã. Sự việc tự nó nói lên và dần dần cho thấy từng bước một.

Và hiển nhiên giới truyền thông không hiểu mấy. Chẳng hạn, vào buổi canh thức ngày lễ Giáng Sinh, giáo xứ chọn một câu chuyện Thánh Kinh như cha Hamel vẫn hay làm. mười ngày trước đó, các ký giả muốn đến Saint-Étienne-du-Rouvray để xem cộng đoàn sống lễ Giáng Sinh năm nay như thế nào. Các hãng tin BFM, TF1, France 2, France 3, Paris Normandie đều đến… Và đó là chuyện bình thường! Nhưng nhiều người chỉ đến lễ vào chiều hôm Noel, từ sau vụ thảm sát, họ không trở lại nhà thờ. Tôi đến và tôi nói với cộng đoàn vài lời giữa buổi canh thức và khi bắt đầu lễ. Sự phức tạp của câu chuyện là tuy đã qua đời, cha Hamel vẫn còn sống hơn bao giờ.

Không làm những chuyện gì phi thường!

Không có gì. Và tất cả. Đâu là các linh mục người ta hay nói đến? Đó là những người làm các chương trình truyền hình, họ có mặt trên các mạng xã hội… Cha Hamel là người trung thành đến cùng. Chúng ta thấy ngài như vậy. Án phong chân phước cho thấy đây là người mà đáng lý chúng ta phải nói đến từ lâu, như bao nhiêu linh mục khác. Những gì xảy ra thì thật đẹp, mọi chuyện vào đúng chỗ của nó và chẳng có gì làm trở ngại. Tất cả những gì dính với cha Hamel được diễn ra một cách êm đẹp, không căng thẳng, không lên giọng, không tai tiếng. Đó là một cái gì êm nhẹ, dịu dàng. Một lối đi có ánh sáng và bình an.

             

                 “Điều đánh động trong các bài giảng của cha Hamel là sự tươi mát… Tôi có cảm tưởng như lần đầu tiên đọc Phúc Âm. Được như vậy vào tuổi của cha thì thật là đẹp.”

 

Mở án phong chân phước khi thời gian để tang chua xong, như thế có nhanh quá không?

Quả đúng là tôi có nghe như vậy trong hội đồng cố vấn ở tòa giám mục của tôi. Nhưng đây là tiến trình của sự việc. Chúng tôi ở Rôma trong chuyến đi hành hương của giáo phận cùng với hai người em gái và người cháu của cha Jacques Hamel. Sau khi cùng với nhóm dự thánh lễ ở Nhà nguyện Thánh Mácta, tôi được gặp Đức Phanxicô. Tôi đem theo bốn tấm hình của cha Jacques Hamel, xin ngài ký để tặng người em trai, ba nữ tu và vợ chồng tham dự thánh lễ ở nhà thờ Saint-Étienne-du-Rouvray. Khi đó Đức Phanxicô nói với tôi: “Hãy để bức hình ở nhà thờ và tôn kính cha Hamel”. Thấy tôi còn thắc mắc, ngài nói thêm: “Nếu có ai nói gì ngược lại, cha trả lời cho họ là chính giáo hoàng đã nói phải làm như vậy”.

Trước đó, ngài đã xin nhân viên để bức hình trên bàn thờ, trước các ngọn nến. Đó là ngày 14 tháng 9, ngày lễ Thánh giá. Tôi không biết ngài đã dự định chọn ngày này hay chỉ còn ngày này trong lịch làm việc của ngài. Nhưng ngài đã giảng về con đường của các vị tử đạo… Sáng hôm sau, tôi gọi cho bộ Phong thánh và xin hẹn gặp. Một nửa giờ sau họ mời tôi đến. Hồng y bộ trưởng và các cộng sự viên của ngài đã ở đó. Bài giảng của Đức Giáo hoàng đăng trong nhật báo Osservatore Romano cũng đã ở đó. Mười lăm ngày sau, hồng y bộ trưởng gọi cho tôi xác nhận Đức Giáo hoàng đã rút ngắn thời gian phong chân phước mà theo thông lệ là năm năm. Thực tế, tôi hiểu, một vài nhân chứng đã lớn tuổi, cần phải nhanh chóng ghi lại các kỷ niệm của họ. 

Thêm nữa, linh mục Jacques Hamel không để lại bài viết nào!

Cha chỉ để lại các bài giảng. Đó là những bài giảng đơn sơ và trong sáng. Tôi đã đọc một vài bài. Điều đánh động trong các bài giảng của cha Hamel là sự tươi mát… Tôi có cảm tưởng như lần đầu tiên đọc Phúc Âm. Được như vậy vào tuổi của cha thì thật là đẹp.

Bây giờ một vài người xem vụ giết hại cha Hamel như biểu hiệu kháng cự chống hồi giáo và thay đổi xã hội. Cha nghĩ sao?

Tôi có đọc trong một vài thư tôi nhận được, phải “tái tạo một nước Pháp theo kitô giáo” và loại bỏ người hồi giáo. Họ là một thiểu số rất nhỏ nhưng làm cho tôi suy nghĩ về các lựa chọn và không-lựa chọn trong xã hội chúng ta. Họ nói một cách khá mạnh, đôi khi tôi cũng nghĩ trong lòng như vậy vì các lệch lạc: có thể nào cho phép những ai muốn mang đến xác tín kitô giáo vào trong cấu trúc xã hội làm điều này không? Bây giờ nếu một giáo sư nói “tôi vô thần nhưng tôi tôn trọng mọi người”, điều này không gây một vấn đề nào. Nhưng nếu giáo sư đó nói “tôi là người công giáo và tôi giữ đạo nhưng tôi tôn trọng mọi người”, thì người ta sẽ than phiền họ lên cấp trên và lên ban kiểm tra học vị. Vậy mà vô thần cũng có ảnh hưởng như đạo công giáo!

Nhưng một khi tôi nói như vậy, tôi phải học là mình không giận ai, là mình phải yêu thương ngay cả những người không biết hay những người chống đối Phúc Âm và Giáo hội công giáo. Và điều này không đơn giản. Như thế tôi hiểu những người đã viết cho tôi lúc đó. Họ làm trồi lên những gì ở tận đáy sâu tâm hồn tôi và tôi phải thanh tẩy nó. Trong chuyện này, linh mục Jacques Hamel sẽ không bao giờ là vị tử đạo của người hồi giáo, trong nghĩa ngài sẽ không bao giờ là vị tử đạo vì người hồi giáo. Với họ, với tất cả, xã hội phải tìm các nền tảng vững chắc để xây dựng tương lai.

Marta An Nguyễn dịch