la-croix.com, Loup Besmond de Senneville và Nicolas Senèze (Rôma), 2017-02-27
Ngày 26 tháng 2-2017, Đức Phanxicô cho biết ngài có ý định đi Nam Xuđăng cùng với Giáo chủ Anh giáo Justin Welby. Chương trình tông du này xác nhận sự quan tâm đặc biệt của Tòa Thánh đối với Phi châu.
Đây là lời loan báo được mong chờ từ lâu. Ngày chúa nhật 26 tháng 2-2017, trong chuyến đi thăm giáo xứ Anh giáo ở Rôma, Đức Phanxicô xác nhận ngài có ý định đi Nam Xuđăng. Một chuyến đi ở một trong những nước nghèo nhất đang bị nạn đói đe dọa, ngài sẽ cùng đi với Giáo chủ Anh giáo Justin Welby. Theo chỗ chúng tôi được biết, chuyến đi này sẽ ghé nước Cộng hòa dân chủ Congo. Đức Giáo hoàng đã rất đánh động trong lần đi Phi châu đầu tiên vào tháng 11 năm 2015, ngài mơ có ngày trở lại châu lục này.
Trong viễn cảnh này, viễn cảnh của “vòng đi Phi châu” mà Hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin đã đi Madagascar, Congo, Kenya vào cuối tháng 1, đầu tháng 2 vừa qua. Ở Madagascar là để đánh dấu 40 năm quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, còn ở Brazzaville, Congo là 50 năm quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh và ký hiệp ước với Tòa Thánh về các hoạt động của Giáo hội trong xứ này. một hiệp ước kéo theo các hiệp ước cùng loại này trên lục địa Phi châu. “Thực chất có một khuynh hướng quan tâm của Tòa Thánh đối với Phi châu”, một nhà ngoại giao phương Tây tại chỗ cho biết.
Trên khía cạnh này, chuyến đi Trung Phi, Kenya và Ouganda của Đức Phanxicô có tính cách quyết định. Linh mục Claver Boundja Dòng Đa Minh, thân cận với tòa giám mục Congo-Brazzaville cho biết: “Từ đó, tất cả các dân chúng ở Trung Phi đều quay về Giáo hội. Có một mong chờ rất mạnh. Và một số nguyên thủ quốc gia Phi châu đã đi Vatican, về mặt ngoại giao, người ta nghĩ rằng Vatican có thể làm việc để mang lại hòa bình”. Điều này chắc chắn giải thích mong ước của Đức Phanxicô đi Ai Cập “trước cuối năm”, Hồng y Jean-Louis Tauran, đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng phụ trách việc đối thoại giữa các tôn giáo, xác nhận như trên tuần vừa rồi khi ngài nối lại đối thoại với Trường Đại học hồi giáo Al Azhar.
Các Giáo hội địa phương đạt được một trình độ trưởng thành
Bên trong hành lang Vatican, người ta ghi nhận có một sự “quan tâm đặc biệt cho châu lục này”. Nhưng người ta cũng thấy, việc có nhiều hiệp ước với các nước Phi châu nằm trong một thế hợp lý: vào những năm 1960 các quốc gia này đã có độc lập cùng một thời kỳ và các quan hệ ngoại giao đã được thiết lập cùng lúc, Giáo hội địa phương đã có một trình độ trưởng thành nào đó. Một giám chức ở Tòa Thánh nhắc lại chỗ đứng của Giáo hội trong đời sống xã hội ở Phi châu: “Các thành quả này củng cố cho sự hợp tác. Ở Kivu, Nam Xuđăng, Darfour và trong một số nước khác, các tu sĩ ở địa phương đã giảng dạy, giáo dục và duy trì hòa bình”.
Như thế sự gia tăng các hiệp ước với các nước Phi châu nhằm mục đích mang lại tình trạng pháp lý ổn định cho các hoạt động của Giáo hội. Năm 1991 Congo đã nhường lại cho Giáo hội các trường học đã bị quốc hữu hóa năm 1965. Linh mục Claver Boundja ghi nhận: “Nhưng không phải lúc nào cũng có thỏa thuận rõ ràng giữa Quốc gia Congo và Giáo hội công giáo trên việc quản trị các trường học này”. Linh mục Boundja là người theo sát hiệp ước với Tòa Thánh, theo ngài, hiệp ước này một khi được áp dụng sẽ “ra khỏi tình trạng mù mờ của vấn đề”.
Một cách chung chung, các hiệp ước này thường được thương thuyết giữa Quốc gia đương sự và Giáo hội địa phương, Tòa Thánh hỗ trợ và bảo đảm hiệp ước bằng chữ ký của mình. Ở Rôma, người ta xác nhận: “Có khi Hội đồng giám mục phải đối diện với một số vấn đề làm rắc rối cho sứ vụ của mình, họ mong có một thỏa thuận hay một đại diện đến Vatican để thảo luận, nêu lên các vấn đề khác và khi đó đặt vấn đề thương thảo một hiệp ước”.
“Giáo hội không chỉ hành động duy nhất cho người công giáo”
Các hiệp ước này mang một tầm vóc rộng lớn, bao gồm các lãnh vực khác như giáo dục sức khỏe qua phong trào tuyên úy quân đội, dạy đạo, tiêu chuẩn của những nơi thờ phượng… Một nhà ngoại giao phương Tây cho biết: “Vấn đề hộ chiếu cũng được Tòa Thánh quan tâm, đôi khi các nước Phi châu bắt thâu nhận người địa phương. Tòa Thánh đòi có luật miễn cho các nhà truyền giáo”.
“Nhưng đây không phải để có một vài ưu tiên cho Giáo hội, giới chức Vatican cảnh báo. Các hiệp ước này không phải để tách Giáo hội ra khỏi xã hội nhưng để bảo vệ hoạt động của mình cho lợi ích chung.” Mặt khác, khi các hiệp ước này được Tòa Thánh ký, và khi nhấn mạnh đến tự do tôn giáo, thì điều này áp dụng cho tất cả các tôn giáo trong nước, chứ không riêng gì công giáo. Vatican luôn lặp lại: “Giáo hội không chỉ hành động duy nhất cho người công giáo, nhưng tất cả mọi người đều được hưởng hoạt động của Giáo hội. Sứ vụ của Giáo hội là mở ra cho tất cả, vì lợi ích của dân chúng.”
Hình: Đức Phanxicô trong chuyến đi Bangui, Trung Phi ngày 29 tháng 11-2015./ GIANLUIGI GUERCIA/AFP
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch