Nỗi thống khổ vì tự biểu lộ bất đạt
Ronald Rolheiser, 05 Tháng Mười Hai 2016
Cũng có những người thống khổ vì nghệ thuật, và có lẽ những nỗi thống khổ lớn nhất là khi biểu lộ bất đạt.
Đây là một thấu suốt của Iris Murdoch, và tôi tin là nó đúng cho tất cả mọi người.
Trong mỗi người chúng ta là một bản giao hưởng lớn, một thiên tiểu thuyết, một điệu nhảy tuyệt vời, một thi phẩm, một kiệt tác hội họa, một quyển sách khôn ngoan, và một chiều sâu mà không bao giờ chúng ta có thể diễn tả cho đủ. Dù cho có tài năng bao nhiêu, chúng ta cũng không bao giờ thực sự viết ra được quyển sách đó, nhảy được điệu vũ đó, trình diễn được bản nhạc đó, hay vẽ được bức họa đó. Chúng ta cố gắng, nhưng dù cố hết sức cũng chỉ có thể biểu lộ được một bóng mờ của thực chất bên trong chúng ta. Nên theo lời Murdoch, chúng ta phải chịu đựng một nỗi thống khổ của tự biểu lộ bất thỏa đáng.
Ẩn ý sau điều này là gì? Tại sao lại có sự bất đạt này?
Xét tận gốc rễ, đây không phải là một sự đấu tranh với sự tầm thường xấu xa trong chúng ta, không phải là đấu tranh với kiêu ngạo, nhục dục, ngông cuồng hay ngu dốt. Không phải những thứ đó gây nên đấu tranh này. Ngược lại, chúng ta đấu tranh với căng thẳng này là bởi chúng ta mang trong mình một sự thần thiêng. Chúng ta được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa. Đây là căn bản cho tự thức Kitô giáo. Và chúng ta phải hiểu cho đúng điều này. Chúng ta làm khổ mình khi hiểu điều này theo kiểu cuồng đạo, nghĩa là khi hình dung đó như là một dấu thánh thiện mà Chúa đóng vào linh hồn chúng ta, và chúng ta cần phải tôn vinh dấu ấn đó bằng cách sống một đời khiết tịnh và đạo đức. Đúng là thế, nhưng nghĩ thế là quá nguy hiểm, nhất là khi nó đi đôi với tự thức.
Chúng ta luôn mãi phải đương đầu với sự tự đại vô tận trong chúng ta. Sinh lực thần thiêng trong chúng ta. Và chính bởi đấy là sinh lực thần thiêng nên nó không bao giờ dễ dãi với thế giới này. Chúng ta mang trong mình sinh lực thần thiêng, sự thèm muốn thần thiêng và chiều sâu thần thiêng. Trọng trách thiêng liêng của cuộc đời chúng ta chính là đưa những sinh lực này vào khuôn khổ, truyền dẫn chúng để chúng sinh sôi thay vì hủy hoại. Và đây chưa bao giờ là chuyện đơn giản. Hơn nữa, khi chúng ta đấu tranh để truyền dẫn những sinh lực thần thiêng liêng này thì việc đó lại mở ra một loạt những đấu tranh khác.
Bởi bên trong lớp vỏ được tô vẽ đủ thứ của chúng ta có một sinh lực thần thiêng, nên chúng ta nên lường trước cuộc đấu tranh luôn mãi với bốn điều trong cuộc sống mình.
Thứ nhất, chúng ta sẽ đấu tranh, luôn đấu tranh để giữ cân bằng giữa những áp lực bên trong chúng ta hướng đến sự sáng tạo với những tiếng nói nội tâm mách bảo chúng ta giữ chặt sự ôn hòa của mình. Chúng ta thấy khá rõ điều này trong cuộc sống của nhiều nghệ sỹ đấu tranh với sự bình thường, nỗ lực để giữ mình ở trong những gì là bình thường bởi xung lực sáng tạo thường đẩy hỏi đi về phía những hỗn loạn tối tăm mà phong phú sâu bên trong. Dù ít hay nhiều, tất cả chúng ta đều đấu tranh như những nghệ sỹ vĩ đại đó. Chúng ta cũng bị lôi kéo đi về những hỗn loạn phong phú trong con người mình, dù cho chúng ta sợ hãi hậu quả của nó gây ra cho sự ôn hòa của mình.
Thứ hai, chúng ta cũng luôn mãi đấu tranh với một sự tự đại quá đỗi kích động. Những ngọn lửa thần thiêng trong chúng ta dễ dàng vượt ngoài tầm kiểm soát. Trong một thế giới mà mọi thứ đều hiện lên trên cái màn hình trong tay chúng ta, nơi mà những người thành công, xinh đẹp và tài năng luôn hiện lên trước mắt mình, thì chúng ta luôn mãi bị kích động tự đại. Bạn có thể cảm nhận điều này trong sự thao thức của mình, trong cảm giác bỏ lỡ cuộc đời, sự ghen tỵ và cơn giận khi không được nhìn nhận tài năng và sự độc nhất vô nhị của mình, và cả trong sự bất mãn không bao giờ dứt với cuộc đời mình.
Thứ ba, là bởi có một mối quan hệ bẩm tại giữa sinh lực sáng tạo và tính dục, nên chúng ta sẽ phải đấu tranh với tình dục. Mọi chuyện quá rõ ràng. Sự sáng tạo liên kết bất phân ly với sinh sôi, và sinh sôi liên kết bất phân ly với tính dục. Và cũng không phải tình cờ mà các nghệ sỹ vĩ đại thường phải đấu tranh với tình dục, nói thế không phải là biện hộ cho sự vô trách nhiệm của họ nhưng là một lời giải thích để hiểu thấu vấn đề. Và tương phản, là nhiều người đi tu khước từ mối quan hệ này. Đáng buồn thay, điều này lại có thể đè nén xung lực này xuống dưới và còn trở nên nguy hiểm hơn.
Cuối cùng, chúng ta luôn mãi đấu tranh để tìm sự ổn định giữa sự thổi phồng giả tạo và khủng hoảng chìm sâu. Chúng ta luôn mãi thấy mình hoặc quá tự mãn hoặc thấy quá thiếu vắng Thiên Chúa. Nghĩa là chúng ta hoặc gắn mình vào những sinh lực thần thiêng trong bản thân và trở nên tự phụ, hoặc là hạ mình sai lầm, quá nhạy cảm và tổn thương, không để sinh lực thần thiêng tuôn trào qua chúng ta và từ đó luôn mãi sống trong khủng hoảng chùm sâu vì đã bỏ đi sự sáng tạo của mình.
James Hillman cho rằng triệu chứng nặng nề nhất là khi ta không biết nó nói lên điều gì. Và như thế chúng ta đều cố gắng xác định nó. Sinh lực thần thiêng sống bên trong những con người có thể phạm sai lầm là chúng ta, và nó là nguồn cơn cho sự căng thẳng, bất an, và cả thống khổ. Nhưng nó phải là một căng thẳng sáng tạo, một mầu nhiệm để sống chứ không phải một vấn đề cần giải quyết. Dù ta xác định cho đúng cũng không làm hết cơn đau thể lý và nội tâm, nhưng ít nhất nó cho chúng ta một khoảng không cao đẹp ẩn sau những gì ta đang chịu đựng.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch