Các lời thú nhận của Arnaud Bédat

262

Các lời thú nhận của Arnaud Bédat

 

assumag.ch, Stef Stéfanie Rossier, 2017-02-01

Chào ông Arnaud, ông khỏe không? Căng thẳng, nhưng cũng khỏe.

Chỉ trong bốn chữ, ông nói về ông như thế nào? Hiếu kỳ, đam mê, mơ màng, làm việc.

Xin ông cho biết về quyển sách mới nhất của ông, “Phanxicô, một mình chống tất cả” Một câu chuyện ly kì nhưng tất cả đều thật, không có gì dựng đứng, ngay cả màu thảm, màu sàn nhà.

Tại sao ông nói đến chuyện này? Một khát khao hay một nhu cầu phải nói lên? Đơn giản là khát khao và thích thú được kể một câu chuyện, được cầm tay độc giả để dắt họ đi. Không hơn, không kém. Và tôi không hối tiếc đã có lựa chọn này: Đức Giáo hoàng này đã trở nên một trong các nhà lãnh đạo thế giới có uy quyền, một đề tài thật sự hấp dẫn.

Chúng tôi xin hỏi một chút về ông, ông còn nhớ quyển sách đầu tiên nào ông đã đọc? Trước hết là Petzi, Bicot, Babar, Les Pieds Nickelés và Bécassine như tất cả trẻ con ở thế hệ của tôi. Rồi Astérix, Tintin và đương nhiên là Thư viện xanh. Quyển sách đầu tiên đánh động tôi là quyển “Vòng quanh thế giới 80 ngày” của Jules Verne, tiếp đó là “Michel Strogoff”. Đến tuổi vị thành niên là Jean Cocteau, người mở thế giới văn chương, hài hòa các tư tưởng, các chữ ra cho tôi. “Khó khăn để là mình, La difficulté d’être” là quyển sách luôn làm cho tôi thích khi đọc lại.

Đây không phải là quyển đầu tiên ông viết về Đức Giáo hoàng. Tại sao ông viết về ngài mà không viết về ca sĩ nhạc rock Johnny Halliday chẳng hạn? Để coi, sẽ có thể, biết đâu đó… nhưng có lẽ nên viết một ca sĩ khác thì tốt hơn.

Cái gì thu hút ông trong lãnh vực viết lách... Cô đơn trước trang giấy trắng, sự thích thú. Và dĩ nhiên là được đọc!

Cái gì thu hút ông trong lãnh vực phóng sự… Vừa là ông cò Maigret vừa là Tintin, sống cảm xúc của mình một cách mãnh liệt. Và rồi kể những gì mình biết, mình thấy, mình nắm bắt, mình hiểu.

Khi viết hai quyển sách về Đức Giáo hoàng, ông có hứng viết ngay một mạch hay cũng có lúc đứng trước trang giấy trắng? Trang giấy trắng thì không, thật sự không, nhưng sợ làm không được tốt, không được hiểu, có lối viết lộn xộn, không theo một tiến trình đẹp, đúng vậy. Phải cầm tay độc giả để dắt họ đi và cố gắng đừng buông họ. Viết là một công việc, đôi khi cũng mệt nhọc về mặt thể xác.

Marcel Pagnol, Céline, Racine, Franck Thilliez, Guillaume Musso hay không có ai trong số những người tôi nêu trên? Phải đọc tất cả, không bịt mắt, không coi thường, không loại bỏ một tác giả nào. Sở thích, màu sắc… độc giả phải đọc, tôn trọng chọn lựa của độc giả thì thế giới sẽ tốt hơn. Mỗi người có một sở thích riêng, sở thích văn chương của tôi không nhất thiết là sở thích của bạn, và ngược lại. Độc giả có thể thích Baudelaire và Dicker, không phải là xung khắc nhau. Tuy nhiên, tôi thích cả hai.

Nếu bây giờ ông được ngồi uống cà phê với một văn sĩ còn sống, nói tiếng Pháp hay quốc tế. Người đó là ai? Philippe Jaccottet, nhưng tôi đã làm. Còn tiếng Anh thì John Le Carré. Và đương nhiên là với Jorge Luis Borges nếu ông ta còn muốn đi trở lại thế giới của người sống.

Tuyệt tác văn chương là… Về thơ là Aragon, trên tất cả các nhà thơ khác. Phần còn lại, có quá nhiều sách hay trên thế giới để đọc… chỉ có một đời sống thì không đủ để đọc tất cả, để khám phá tất cả, thật là quá bực.

Ông đã gặp Đức Phanxicô nhiều lần. Những lần gặp xảy ra như thế nào? Có ấn tượng không? Có và không. Đó là một người bình thường nhưng toát ra một cái gì như nam châm và nhất là một lòng tốt rất sâu đậm.

Quyển sách sau sẽ có chủ đề gì? Tôi cố gắng, nhưng tôi sẽ không nói gì.

Khi ở tuổi vị thành niên, ông chăm chỉ học, đầu luôn chúi mũi vào sách hay sao? Đúng hơn là thanh thản và mơ màng, chắc chắn là hơi nghịch một chút. 

Arnaud Bédat, ông đang đọc gì bây giờ? Quyển sách cuối cùng tôi vừa nhận là của nữ đồng nghiệp Florence Perret, “Câu chuyện thật của Vaudois Henri-Louis Grin (La véritable histoire du Vaudois Henri-Louis Grin).

Chúng tôi có thể chúc gì cho ông hôm nay và ngày mai.Được sống hạnh phúc, được viết sách. Và dĩ nhiên luôn có các phóng sự khắp nơi trên thế giới hay trong nước Thụy Sĩ.

Arnaud, tôi để cho ông nói lời cuối! Gérard de Nerval đã nói, “Tất cả ở đoạn kết”, nhưng tôi sẽ dài dòng đơn giản với quyển sách danh tiếng của Jean d’Ormesson: “Chào tạm biệt và cám ơn!”

Xin cám ơn ông Arnaud Bédat rất nhiều cho cuộc phỏng vấn này và chúc ông tiếp tục công việc một cách tốt đẹp.

Trên máy bay với Đức Phanxicô đi Armenia năm 2016. @Arnaud Bédat

Marta An Nguyễn chuyển dịch