Simon Baron: Từ em bé không được yêu thương đến chức linh mục
Philippe Oswald, fr.aleteia.org, 2016-10-11
Từ em bé không được yêu thương trở thành linh mục, cha Simon làm chứng cho sự chữa lành của mình. Lời chứng tuyệt vời của linh mục Simon Baron.
Linh mục Simon đã có thể là người nổi loạn, người đi hủy hoại người khác để trả thù cho những hung bạo mình phải chịu khi còn nhỏ. Hôm nay cha 50 tuổi, cha có được bình tâm trọn vẹn và có thể bình thản nhìn lại quá khứ của mình. Nhưng cha Simon Baron còn muốn làm nhiều hơn trong Năm Thánh: làm chứng cho tình yêu của Chúa trong chính đời sống của mình. Cha nói: “Tôi đã quá đau khổ, nhưng nó không thấm gì so với những điều tuyệt vời Chúa đã làm cho tôi.” Trong phần giới thiệu quyển sách nhỏ, Từ đau khổ đến Tình yêu, trao đổi của Simon Baron với Jean-Michel Houssay, Giám mục Centène, địa phận Vannes đã viết: Đúng là “Thiên Chúa đã làm mọi sự sinh lợi ích, cho những ai yêu mến Người” (Ro 8: 28). Một quyển sách đọc một mạch như được hít thở không khí trong lành.
Một gia đình của những người thiếu tình âu yếm dịu dàng
Gần nửa thế kỷ nay, cha chỉ sống ở Bretagne, trong vùng Morbihan. Người cha là ngư dân kiếm sống khó nhọc để nuôi gia đình có bốn người con – Simon là con út. Sau khi vắng nhà đi biển mười lăm ngày, người cha trở về với cơn bão nghiện rượu, hung bạo đánh đập cả nhà. Bà mẹ không biết thế nào là tình âu yếm dịu dàng, hoặc bà biết mà bà không làm được. Cha ít nói về tuổi thơ của mình, nhưng chung chung thì cuộc sống gia đình cha giống như cuộc sống của nhân vật Thévanier trong tiểu thuyết Những Kẻ Khốn Cùng của văn hào Pháp Victor Hugo. Tình dịu dàng là cái gì gia đình cha thiếu cả đời, thiếu một cách trầm trọng. Em bé Simon nhận đủ: tuy Simon không bị đối xử tệ nhưng em đứng trước một tình trạng dửng dưng lạnh giá. Một giai thoại nói lên tất cả: một kỷ niệm duy nhất cha Simon còn giữ về mẹ mình, đó là lần ‘duy nhất’ bà vuốt tóc cha. Đến tuổi vị thành niên, đã có lần cha Simon muốn kết liễu đời mình, cha uống hết tất cả thuốc của bà ngoại: nhập viện, rửa ruột, hôn mê…
Các lời cầu nguyện trong chai nước tung vào biển
Simon tìm nơi ẩn trú trong lời cầu nguyện và ra biển chơi. Cha thố lộ: «Khi quá buồn, bất cứ lúc nào tôi cũng lái xe gắn máy ra biển Barre d’Étel. Khi đó tôi có cảm tưởng đụng đến một cái gì của Chúa, đụng đến Đấng Hằng Sống (…) Rồi tôi để các lời cầu nguyện vào một cái chai, tôi tung ra biển: Chắc chắn Chúa sẽ nghe tôi! Và Chúa nghe tôi thật.»
Các nữ tu phụ trách trường tiểu học của giáo xứ thấy em Simon quá khổ, các xơ đã bù đắp phần nào sự thiếu tình yêu khủng khiếp này ở nhà, nên đã làm thuận lợi cho việc ủ mầm đức tin của Simon. Dù bề ngoài có vẻ không liên quan gì đến đức ái nhưng việc giữ đạo của gia đình này thật sự là điều căn bản, và đó là điều không chối cãi được. Nhưng chính nhờ dự thánh lễ của linh mục Adam cha xứ họ đạo, nhờ được làm em bé giúp lễ mà Simon Baron bước vào một «cuộc phiêu lưu lớn», để hai mươi năm sau đưa anh nhận chức thánh.
Một linh mục gương mẫu tên Adam
Và đây mới là phần chứng tá chính của cha Baron: hình ảnh gương mẫu của linh mục Adam, một cha xứ khiêm tốn của họ đạo, người làm việc âm thầm nhưng sâu xa cho tình phụ tử thiêng liêng, còn mạnh hơn cả tình phụ tử máu mũ, đã giúp cho thanh niên trẻ Simon, với tất cả tự do của mình, đi trên con đường đáp trả tiếng gọi của Chúa. Linh mục đã đón nhận em Simon, lắng nghe em, không bao giờ ép em phải thố lộ chuyện gì, em thường được nuôi ăn ở nhà xứ, cha Adam có lần dắt Simon đi hành hương ở Lộ Đức cùng với các em bé giúp lễ khác, một kinh nghiệm sâu đậm đối với em (Tôi đụng đến ngón tay của Giáo hội hoàn vũ), trong chuyến đi này, thanh niên trẻ Simon lần đầu tiên cảm nhận có một tiếng gọi bên trong tâm hồn mình.
Linh mục Adam qua đời khi Simon bắt đầu vào chủng viện ở địa phận Vannes, như thử ngài đã làm xong sứ mệnh thiết yếu của đời mình. Linh mục Simon làm chứng: «Cha đã cho tôi tất cả (…) Cha đã cứu tôi! Cha đã cho tôi nếm được hương vị và ý nghĩa đời sống của tôi khi cha luôn quên mình, để không che ánh sáng thật, đó là ánh sáng của Chúa Giêsu». Khi mở con đường chức thánh cho Simon, linh mục Adam đã trao chìa khóa để Simon đến được con đường chữa lành nội tâm của mình: «Linh mục Adam cho tôi hiểu, nỗi khát khao được yêu này chỉ có thể lấp đầy bằng cách hiến mình cho người khác.» Bây giờ, cha xứ họ đạo Roche-Bernard giữ lại văn phòng khiêm tốn của cha Adam và tưởng niệm ngài qua quyển sách chứng tá nhỏ này, bằng chứng của một sự giải thoát, cũng như tặng những ai bị «tổn thương trong cuộc sống» mà cha cảm thấy mình rất gần với họ, và cũng không quên tặng cha mẹ ruột mình, và với họ, cha có thể nói sự thật, mình đã được giải hòa trọn vẹn.
Cha Simon tặng tiền bản quyền quyển sách này cho Cộng đoàn Nacelle, cộng đoàn này do một nữ tu người Ý thành lập để tiếp nhận và cứu các người trẻ bị nô lệ ma túy bằng các «chữa trị theo Chúa Kitô».
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch