Cách Giáo hoàng Phanxicô thu phục tâm trí

455

clarionledger.com, 22-4-2014

Mười lăm tháng trước, hồng y Jorge Mario Bergoglio đã chọn cho mình một phòng trong nhà hưu trí linh mục ở Argentina. Cũng như các giám mục Công giáo La Mã khác, khi bước qua tuổi 75, ngài đệ trình đơn về hưu lên Vatican. Rồi một đơn từ chức khác đã đảo lộn dự định của ngài. Đức Bênêđictô XVI, với sức khỏe ngày càng suy yếu, đã là giáo hoàng đầu tiên trong 598 năm rời ngai, không phải do qua đời, mà thoái vị. Ngày 13 tháng 3 năm 2013, các đồng bạn hồng y của Bergoglio đã bầu ngài lên ngai giáo hoàng trong đợt bỏ phiếu lần thứ năm.

Ngài lấy danh hiệu là Phanxicô để tưởng nhớ thánh Phanxicô Đaxi, vị thánh thế kỷ XIII, người đã có thời gian sống với những người hành khất trước Vương cung Thánh đường thánh Phêrô, và nhờ đó biến đổi lối sống nhung lụa của một cậu ấm con nhà giàu thành lối sống của người khó nghèo. Tân giáo hoàng, con của một kế toán, đã mở lời bằng một thỉnh nguyện nhẹ nhàng và nhún nhường với đám đông trên Quảng trường thánh Phêrô, và với 1,2 tỷ người Công giáo trên toàn thế giới: “Trước khi giám mục chúc lành cho dân, tôi xin các bạn cầu nguyện với Chúa, xin Ngài chúc lành cho tôi”.

Thế giới ghi nhận lòng khiêm nhượng của ngài, một đặc tính lãnh đạo hiếm có nhất. Trong năm đầu triều, tính nồng hậu, vượt ngoài khuôn phép, và lòng độ lượng rõ rệt của ngài đã là một điều vừa nghịch lý vừa hợp lý: một nhân vật tôn giáo đầy thu hút với cả những người vô tín ngưỡng và người không Công giáo. Bây giờ, sau hai mùa Phục Sinh trên cương vị giáo hoàng, Phanxicô đã có được một cuộc đột phá, mà ai trong chúng ta cũng có thể cân nhắc nặng nhẹ, nhưng chắc chắn không thể chối bỏ được. Một vài người không ưa Giáo hội Công giáo La Mã giờ đây lại thấy mình mến chuộng người lãnh đạo đầu tiên đến từ Châu Mỹ La Tinh của thể chế tôn giáo này.

Tầm ảnh hưởng toàn cầu của Giáo hội (nếu là một quốc gia, thì chỉ thua dân số của Trung Quốc và Ấn Độ mà thôi), đã làm cho Giáo hội và các nhà lãnh đạo Giáo hội phải chịu nhiều chất vấn hoài nghi không chỉ về mặt thiêng liêng mà cả về mặt thế tục. Ở Hoa Kỳ, và ở nhiều nước khác, người Công giáo và các tổ chức của mình là những nhà hảo tâm phi chính phủ lớn nhất, đảm nhiệm các công việc trong các ngành giáo dục, y tế và từ thiện. Hơn nữa, giáo hoàng là tiếng nói toàn cầu rõ ràng nhất về các vấn đề xã hội, một đặc nét làm cho các tuyên bố chính thức của ngài khơi lên nhiều tranh luận dữ dội. Phanxicô có đủ quyền lực để khởi xướng một cuộc đối thoại toàn cầu, chẳng hạn như phát biểu được trích dẫn nhiều nhất là phát biểu ngài nói trên chuyến bay từ Rio de Janeiro về Vatica mùa hè năm ngoái: “… Nếu một người đồng tính luyến ái có thiện tâm và tìm kiếm Thiên Chúa, thì tôi là ai mà phán xét họ”.

Hơn những người tiền nhiệm gần đây, Phanxicô đã dùng ánh hào quang của mình để vận động hành lang cho hàng triệu người bần cùng đang bị loại ra ngoài rìa của các nền kinh tế thịnh vượng. Vị hồng y thường xuyên đích thân đi vào những con hẻm tồi tàn và nguy hiểm ở Buenos Aires, gần gũi với những người nhỏ bé nhất trong đoàn chiên của mình, giờ đây đang cất tiếng đòi hỏi người ta phải quyên tặng rộng tay hơn và phải có lòng cao thượng hơn nữa. Ngài muốn có những hành động gan góc và thực tiễn. Cho dù bạn là người Công giáo hay theo đạo khác, hay chẳng theo đạo nào, giáo hoàng Phanxicô vẫn hy vọng bạn thay đổi kế hoạch các ngày cuối tuần của bạn. “Tôi thiên về một Giáo hội bầm tím, thương tích và lấm bẩn, vì đã bước chân ra đường, hơn là một Giáo hội giam hãm một cách bệnh hoạn và cứ bám chặt vào an toàn của mình,” ngài viết về sứ cụ truyền giáo tháng 11 năm 2013.

Đi cùng với việc nhấn mạnh vào việc giúp đỡ người nghèo là hành động chân thành và rõ ràng, khi ngài nói với những người bị tổn thương và bị chính các thành viên của Giáo hội chọc giận. Ngài đã xin lỗi và chào đón những người đã bị Giáo hội Công giáo ghẻ lạnh, mà không cần thay đổi các chính sách của Giáo hội vẫn thường hay bị chỉ trích cho là cứng nhắc và hẹp hòi. Về bản chất, sự thỏa hiệp của ngài, là hành động vừa gắn chặt vào Giáo lý của giáo hội về các vấn đề nhạy cảm, nhưng vừa chỉ rõ, bằng lời nói và hành động, những thông điệp đầy trìu mến và thương xót của Tin mừng. Hồi đầu tháng 4, sự nghịch lý của ngài đã được thể hiện rất rõ ràng:

Phanxicô đã có những lời không soạn trước và rõ ràng chắc chắn, nhận lấy trách nhiệm về mình, và xin tha thứ cho những ‘tội lỗi’ của các tu sĩ đã lạm dùng tình dục trẻ em. Ngài nhìn nhận ‘mối nguy hại cá nhân và đạo đức do những con người của Giáo hội gây ra’ và đòi phải có những hình phạt (nếu không nói rõ ra thì cũng) nặng hơn nữa.

Rồi hai ngày sau, ngài dùng những lời cũng rõ ràng chắc chắn như thế, để tái khẳng định ngài không định viết lại giáo lý Công giáo: ‘Thật kinh khủng khi nghĩ đến chuyện có những em bé, vì nạn phá thai, mà không bao giờ thấy được ánh sáng mặt trời.’ Rất nhiều lần, ngài tỏ lòng yêu mến dành cho những người đồng tính vì họ vẫn là con cái của Thiên Chúa, nhưng ngài không dễ dãi chút nào đối với vấn đề hôn nhân đồng tính (xem đó là ‘bước lùi của nhân học’).

Những phức tạp này, trong một mục tử vừa dễ chịu, vừa nghiêm khắc, vẫn đang là điều mà người Công giáo tự do lẫn bảo thủ đang phải vật lộn để phân tích, vì thật khó để dung hợp những chuyện tế nhị về mặt nhân bản với những mệnh lệnh chắc chắn của ngài. Khi chọn ngài làm Nhân vật của năm, tờ Time đã tổng hợp những vấn đề hóc búa về ngài trong một đoạn đáng để viết thật dài:

Đức giáo hoàng đầy huyền bí và kỳ diệu: Một ông lão gần bát tuần biến thành một siêu sao trong khi gần như chẳng thể hiện một chút gì về bản thân mình. Và hy vọng được khơi lên khắp cùng thế giới, những hy vọng không bao giờ có thể thành tựu, vì chúng không tương hợp với nhau. Một lão niên theo tinh thần truyền thống gắn chặt với nghi lễ La Tinh hay một phụ nữ trẻ sốt sắng mong muốn được làm linh mục, cả hai đều có giáo hoàng của mình. Một đức ông đầy tham vọng trong Giáo triều Vatican hay một phó tế phúc âm hóa ở một làng ở nước Phi Luật Tân xa xôi hẻo lánh, đều có giáo hoàng của mình. Không giáo hoàng nào có thể làm vui lòng tất cả mọi người được.

Đức giáo hoàng này của chúng ta không tỏ ra có ý định làm tăng hay giảm các hy vọng này. Xét cho cùng, Phanxicô đã nói là mình vào Dòng Tên, ‘Lính tinh nhuệ của Thiên Chúa’, vì Dòng ‘đứng đầu chiến tuyến của Giáo hội, với nền tảng là vâng phục và kỷ luật.’ Nếu bạn không chỉ theo dõi tin tức về ngài, nhưng còn theo dõi những lời của ngài, bạn sẽ thấy một con người nhận thức rằng dù mình đang là giáo hoàng, nhưng chỉ là giáo hoàng thứ 266, một người bảo vệ tạm thời cho các giá trị trường cữu trong một nền văn hóa thích rêu rao rằng cái mới là cái tốt.

Giáo hoàng Phanxicô không ngừng hối thúc chúng ta phải biết suy nghĩ xa hơn về những bận tâm của Thế giới thứ nhất đầy đặc quyền của mình. Trong đại lễ của Kitô giáo, giáo dân sẽ ngạc nhiên khi không thấy ngài nhắc nhở chúng ta canh tân bổn phận của mình với những đồng loại đang chịu cảnh nghèo khổ ở Thế giới thứ ba. Dù mỗi người chúng ta có là Công giáo, hay theo đạo khác, hay chẳng theo đạo nào, thì Phanxicô vẫn kêu gọi phần thiện trong chúng ta. Và người ta thấy được cách ngài kêu gọi thật đầy lôi cuốn.

J.B. Thái Hòa dịch