Trong Tông huấn Niềm Vui Yêu thương, Đức Phanxicô đưa ra các chỉ dẫn để đời sống vợ chồng được hạnh phúc và được bền lâu.
fr.aleteia.org, 2016-10-18
Trong Tông huấn Niềm Vui Yêu thương, Đức Phanxicô cảm nghiệm từ “Bài ca đức mến” của Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô để đưa ra một vài lời khuyên nhằm củng cố hôn nhân với năm tháng được xây dựng trên một tình yêu chân thật.
“Tình yêu thì kiên nhẫn; tình yêu phục vụ; tình yêu không ghen tương, tình yêu không tự đắc; tình yêu không vênh vang, tình yêu không làm điều bất chính; không tìm tư lợi; không nóng giận; không nuôi hận thù; không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật; tình yêu chịu đựng tất cả, tha thứ tất cả; hy vọng tất cả; tin tưởng tất cả”. (1 Co 13: 4-7)
Đức Phanxicô viết: “Thật hữu ích khi làm rõ ý nghĩa của bản văn này để áp dụng cụ thể cho mỗi gia đình.”
- Tình yêu là kiên nhẫn
Theo Đức Phanxicô: “Có kiên nhẫn không phải là để cho mình luôn bị đối xử xấu, cũng không chấp nhận để bị ức hiếp thể xác, cũng không để người kia xem mình như đồ vật. Tình yêu luôn mang một ý nghĩa trắc ẩn sâu đậm, chấp nhận người kia như một phần của thế giới này, dù khi họ phản ứng một cách ngoài ý muốn của mình. Vấn đề xảy ra khi chúng ta đòi hỏi các quan hệ phải lý tưởng, hoặc người kia phải hoàn hảo, hoặc chúng ta đặt mình là trung tâm vũ trụ, muốn ý của mình phải được tuân theo. Khi đó chúng ta không còn kiên nhẫn, chúng ta hung hăng phản ứng lại.”
- Tình yêu là phục vụ
Đức Phanxicô nhấn mạnh, qua thư của mình, Thánh Phaolô: “Muốn nói đến tình yêu không phải chỉ là cảm nhận tình cảm, nhưng phải hiểu động từ ‘yêu’ theo nghĩa của tiếng hêbrơ là ‘làm điều tốt’”.
“Giống như Thánh I-Nhã đã nói ‘tình yêu phải ở trong hành động nhiều hơn là trong lời nói’. Như thế tình yêu cho thấy tất cả sự phong phú của nó và cho chúng ta trải nghiệm được hạnh phúc là khi cho. Cao thượng là cho nhưng không, trọn vẹn, không cân đo, để có được niềm vui tinh tuyền khi cho và khi phục vụ.”
- Tình yêu không ghen tương
Đức Phanxicô nói với chúng ta: “Trong tình yêu, không thể nào nghĩ mình khổ khi thấy người khác được tốt (x. Cv 7: 9; 17: 5). Ham muốn là nỗi buồn vì người khác được tốt, chứng tỏ mình không quan tâm đến hạnh phúc của người khác, vì mình chỉ nghĩ đến lợi ích của mình.”
“Tình yêu đích thực là mừng với thành công của người khác, không cảm thấy như mình bị đe dọa, tình yêu giải thoát khỏi sự cay đắng vì ham muốn. Tình yêu chấp nhận mỗi người có ơn khác nhau và con đường khác nhau trong cuộc sống.”
- Tình yêu không vênh vang, không kiêu ngạo
Đức Phanxicô lưu ý: “Ai yêu thì không những họ tránh nói về mình, nhưng họ tập trung nói về người khác, họ biết đặt mình đúng chỗ không tự cho mình là trọng tâm. Có một số người cho mình cao trọng hơn người khác vì họ nghĩ mình có học hơn, họ đòi hỏi và kiểm soát người kia; nhưng thật ra, cái làm chúng ta cao trọng, đó là thông cảm, che chở, bảo bọc người yếu và chính đó mới là những điều làm chúng ta cao trọng.”
- Tình yêu không làm điều bất chính
Đức Phanxicô giải thích: “Yêu nhưng cũng là người đáng yêu, có nghĩa là tình yêu không thô bạo, không phản ứng một cách bất lịch sự, không gay gắt trong các quan hệ. Lời nói, cử chỉ, phong cách phải dễ chịu chứ không thô tháp cứng ngắt. Tình yêu là không muốn làm người khác khổ.”
- Tình yêu không tìm tư lợi
Đức Phanxicô nhắc lại: “Ngược với lối suy nghĩ bình thường, yêu người khác thì trước hết phải yêu chính mình. Bài ca đức mến của Thánh Phaolô khẳng định tình yêu là không tìm tư lợi, không ích kỷ. Không đặt ưu tiên là yêu chính mình, nhưng cao thượng hơn là hiến mình cho người khác.”
- Tình yêu không giận dữ
Trong Tông huấn Niềm Vui Yêu thương, Đức Phanxicô cảnh báo chống sự: “Bực mình được che đậy, làm cho mình khi nào cũng ở trong thế phòng vệ trước người khác, xem họ là kẻ thù khó chịu cần phải tránh.” Ngài nói: “Phúc Âm nhắc chúng ta nhìn cái đà trong mắt mình (Mt 7: 5). Nếu chúng ta cần phải chiến đấu chống sự dữ thì chúng ta cứ chiến đấu, nhưng phải luôn nói “không” với bạo lực trong lòng mình.”
- Tình yêu không hận thù
Đức Phanxicô khuyên: “Đừng để những tình cảm xấu thâm nhập vào trong lòng, nhưng phải trau dồi đức tính tha thứ, tha thứ xây dựng một thái độ tích cực, tìm cách hiểu sự yếu đuối của người khác, tìm lý do để biện minh cho người khác. Chỉ có một tinh thần hy sinh cao cả mới cứu và hoàn thiện được sự giao tiếp trong gia đình. Nó đòi hỏi một tấm lòng rộng lượng và nhanh chóng thấu hiểu, bao dung, tha thứ, giải hòa.”
- Tình yêu là vui với cái vui của người khác
Đức Phanxicô nói: “Khi một người yêu, họ có thể làm điều tốt cho người khác, họ vui với cái vui của người khác, đó là cách họ làm vinh danh Chúa, vì ‘ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Co 9: 7).
“Gia đình phải là nơi mà khi có người làm một chuyện gì tốt trong đời, họ biết gia đình sẽ mừng với họ.”
- Tình yêu chịu đựng tất cả
Đức Phanxicô giải thích: “Tình yêu là chận lại phê phán, là kềm lại không nói lời lên án gay gắt, khắt khe: ‘Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án’ (Lc 6: 37)”.
Các cặp vợ chồng thương nhau, họ nói tốt cho nhau, họ nói đến khía cạnh tốt của người kia hơn là các yếu đuối và lỗi lầm. Dù sao họ giữ thinh lặng để không làm xấu đi hình ảnh của người kia. Tuy nhiên, đây không phải chỉ là các hành động bên ngoài nhưng nó phải đến từ một thái độ bên trong.
- Tình yêu tin tưởng tất cả
Đức Phanxicô giải thích: “Đây không phải chỉ là không nghi ngờ người kia nói dối hay lừa mình. Không cần thiết phải kiểm soát người kia, phải theo sát người kia từng bước kẻo họ lọt khỏi mắt mình. Tình yêu là tin tưởng, là giữ tự do, là không kiểm soát, không chiếm giữ, không thống trị.”
- Tình yêu là hy vọng tất cả
Đức Phanxicô viết: “Đó là hy vọng của người biết người kia có thể thay đổi. Điều này không có nghĩa là tất cả sẽ thay đổi trong đời sống này. Đó là chấp nhận có một vài chuyện không như mình mong muốn, nhưng có thể Chúa viết thẳng với các đường cong và biết rút tỉa một vài điều tốt trong cái xấu mà mình không thể nào khắc phục được trên quả đất này.”
- Tình yêu chịu đựng tất cả
Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Sự chịu đựng này không phải là chỉ khoan dung một số việc trái ý, nhưng là một cái gì cao rộng hơn: một chịu đựng năng động và thường xuyên, cố gắng vượt lên thử thách.”
“Tình yêu không để hận thù, khinh ghét, muốn làm điều xấu, muốn trả thù chế ngự. Lý tưởng trong tinh thần kitô và đặc biệt trong gia đình, tình yêu bất chấp tất cả.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch