cruxnow.com, John L. Allen Jr, 4 Jan 2015
Cho đến bây giờ, chúng ta đều biết các đặc nét tiêu biểu của Giáo hoàng Phanxicô – thư thái, uy thế, hài hước, không xét đoán, khiêm nhượng, bộc phát, một người không gò bó theo khuôn phép, đang đảo ngược cả hệ thống Công giáo. Và ngài thường được thể hiện qua hình ảnh một giáo hoàng rạng rỡ đang đưa ngón trỏ ra ủng hộ với đám đông mến mộ, đang ôm một đứa trẻ vui cười, hay để con vẹt đậu trên ngón tay.
(Hình dung xem, nhiếp ảnh gia nào mà chụp được tấm ảnh ngài đang làm một lần cả ba việc này thì không biết bức ảnh đó sẽ trị giá bao nhiêu!)
Và tầm đại chúng hiện nay của ngài chắc chắn khác hẳn với danh tiếng của hồng y Jorge Mario Bergoglio ở Buenos Aires. Nhiều người Argentina sững sờ khi thấy thanh thế hiện nay của ngài, vì khi ở quê nhà ngài thường được xem như người chân thành nhưng hơi thoái trào, một người quá nhiệt thành đến độ nhiều lúc bị xem là gắt gỏng. Người ta còn bảo ngài hiếm khi cười, một việc không thể hình dung nổi ngày nay.
Như thế, kỳ lễ 2014, xét theo biểu hiện chung, không phải là của một Giáo hoàng Phanxicô gừng già như thời ở Argentina, nhưng đây đúng là một Giáng Sinh rất Bergoglio.
Có lẽ từ tốt nhất để mô tả thông điệp mà giáo hoàng cố gắng chuyển tải suốt kỳ lễ này là “xét mình.” Nhấn mạnh lời kêu gọi này nghĩa là nhìn nhận rằng, cả trong và ngoài Giáo hội Công giáo, đang có những vấn đề nghiêm trọng cần được xác định.
Phần thứ nhất là bài diễn văn hôm 22 tháng 12 với đội ngũ cao cấp của Vatican, Giáo triều Roma, trong đó Đức Phanxicô dùng ống chẩn bệnh để thẳng thắn báo cho các hồng y và tổng giám mục biết rằng họ đã bị nhiễm phải 15 căn bệnh, trong đó có “khủng bố của đàm tiếu” và “chứng Alzheimer tinh thần.”
Rồi đến bài diễn văn Urbi et Orbi hôm chính lễ Giáng Sinh, trong đó ngài đau lòng khẳng định rằng “có quá nhiều nước mắt trong lễ Giáng Sinh này” hòa chung với tiếng khóc của Hài Đồng Giêsu. Ngài tỏ ra xúc động thấy rõ khi nói về đau khổ của các trẻ em, “bị chôn vùi dưới chủ nghĩa ích kỷ của một nền văn hóa không mến chuộng sự sống,” và một lần nữa ngài lên án “sự lãnh đạm toàn cầu” trước nỗi thống khổ của nhân loại.
Dù thông điệp thực sự của ngài là gì, thì chúng ta vẫn thấy đây rõ ràng không phải là “một mùa đông bình yên.”
Bài giảng đêm phụng vụ giao thừa của ngài không chỉ gói gọn trong cộng đoàn tín hữu Kitô, và một lần nữa đây lại là một liều thuốc đắng giã tật. Đức Phanxicô đòi hỏi cần phải xét mình vì những tội “riêng và chung,” nói rằng Chúa Kitô đã mặc lấy xác phàm “để giải cứu chúng ta khỏi ách nô lệ,” nghĩa là nô lệ của tội lỗi.
Rồi Giáo hoàng hỏi hai câu hỏi: “Chúng ta có sống như con cái Thiên Chúa, hay như nô lệ? Chúng ta có sống như những người được Chúa Kitô cứu độ, hay chạy theo lý lẽ trần gian sa đọa, mà ma quỷ muốn chúng ta tin rằng nó sinh ích cho chúng ta?”
Rõ ràng, trong cách nói của Giáo hoàng, ngài không tin rằng câu trả lời cho câu hỏi trên sẽ dễ nghe.
Ngài nói rằng, “Ngược đời thay, chúng ta, một cách vô thức, ít nhiều thích kiếp nô lệ hơn. Tự do làm cho chúng ta e sợ, buộc chúng ta phải đối diện với trách nhiệm là phải sống cho tốt lành. Kiếp nô lệ giam hãm chúng ta trong thời khắc hiện tại, và như thế chúng ta thấy an toàn hơn.”
Đức Phanxicô cũng có nói đôi chút trong buổi bắn pháo hoa truyền thống mừng Năm Mới, rằng “chúng chỉ tồn tại trong giây lát” và cảnh báo mọi người đừng để bị quyến dụ bởi “sự hào nhoáng chốc lát.”
Qua dịp lễ này, chúng ta có hai kết luận về Giáo hoàng Phanxicô.
Thứ nhất, Bergoglio cũ – người lên án tội lỗi và thói giả hình, nhiều lúc nghe như các ngôn sứ Cựu Ước – có lẽ không còn là gương mặt đại chúng duy nhất của Giáo hoàng nữa, nhưng ngài vẫn ở đó và sẵn sàng lên tiếng.
Thứ hai, rõ rành rành, Giáo hoàng Phanxicô không tin rằng các tội đạo đức của thế giới hiện đại bắt nguồn và kết thúc nơi hàng ngũ cấp cao của Tòa Thánh hay từ các sai lỗi của Giáo hội Công giáo.
Sự thật là nhiều khả năng, Đức Phanxicô nói bài “15 tội thiêng liêng” trong dịp Giáng Sinh, là nhắm đến cả thế giới rộng lớn, với từng từ từng chữ một trong đó. Có lẽ ngài thấy cội rễ của hầu hết vấn đề trong Giáo hội là sản phẩm của “lý lẽ trần gian sa đọa” mà ngài đã nhắc đến trong đêm giao thừa.
Tất cả những ai vui mừng mỗi khi Đức Phanxicô tra tấn cơ cấu quyền lực Công giáo, cũng hãy tự xét mình lại, vì đây là một giáo hoàng có cái nhìn sắc bén đanh thép vào lòng tất cả mọi người khác nữa.
Cần lưu ý nữa là, khuôn mặt gần dân và vui vẻ của Đức Phanxicô đã được thể hiện trong ngày đầu năm, khi ngài hai lần ứng khẩu hô to, “Maria, Mẹ Thiên Chúa” trong lễ trọng kính Đức Mẹ hôm 01 tháng 1.
Cả hai lần ngài kể lại chuyện một người tay cầm gậy ở Ephêsô đã hô to, “Maria, Mẹ Thiên Chúa” trước các giám mục tề tựu trong Công đồng thời thế kỷ V, đe dọa sẽ đánh các vị nếu không chịu chính thức tuyên bố Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.
Và ngài mỉm cười mà nói, “Lần này, hãy cùng hô câu này mà không cần gậy nhé.”
J.B.Thái Hòa dịch