“Cha không bỏ Thập Giá”

270

Trích sách: Bênêđictô XVI, Những buổi nói chuyện cuối cùng với Peter Seewald. Nxb. Fayard.

Sau các nghi thức phụng vụ cuối cùng trong chức vụ giáo hoàng tại chức và các nghi thức từ giã ở dinh thự Vatican, bây giờ là một giai đoạn lịch sử mới bắt đầu. Trong thời gian đầu, cha chỉ có một ít người rất hạn chế ở bên cạnh cha, Giám mục thư ký Georg Gänswein và Đức Ông thư ký Alfred Xuereb cùng với bốn nữ tu Memores Domini ở dinh thự mùa hè Castel Gandolfo. Ở đây cha có theo dõi mật nghị không?

Có chứ.

Cha theo dõi như thế nào?

Dĩ nhiên không có ai đến thăm và cha cũng không tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Cũng như mọi người cha chỉ xem truyền hình. Cha xem rất nhiều, nhất là tối bỏ phiếu.

Cha có một ý nào trong đầu về người kế nhiệm cha không?

Không, hoàn toàn không!

Không một cảm nhận nào, không một ý kiến nào?

Không, không.

Nếu vậy vì sao khi từ giã Giáo triều, cha đã hứa ngay lập tức là sẽ tuyệt đối vâng lời vị kế nhiệm mình?

Giáo hoàng là giáo hoàng, dù người đó là ai.

Nhưng Jorge Mario Bergoglio là một trong những người được chú ý trong lần mật nghị năm 2005, có đúng không?

Cha không nói gì về chuyện này (cười).

Cha nghĩ gì khi vị kế nhiệm của cha xuất hiện ở ban-công Đền thờ Thánh Phêrô? Thêm nữa khi cha thấy người kế nhiệm mặc áo trắng hoàn toàn?

Đó là việc của ngài, dù sao chúng tôi cũng mặc toàn trắng. Cha cũng không phiền khi ngài không mặc áo ngắn đỏ. Ngược lại, điều làm cho cha rất xúc động là trước khi ra ban-công, ngài tìm cách gọi cho cha. Nhưng ngài không liên lạc được vì cha đang ở trước máy truyền hình. Cha cảm động vì ngài cầu nguyện cho cha, trong giây phút cầu nguyện và rồi sự nồng ấm khi ngài chào đám đông. Qua sự nồng ấm này, một cách nào đó, làn điện đã tỏa lan ra ngay. Đúng là không ai mong chờ được như thế. Đương nhiên cha biết ngài, nhưng cha không nghĩ đến ngài. Đó là một ngạc nhiên lớn đối với cha. Dù sao, sự nhiệt thành đã có ngay lập tức, một phần qua cách ngài cầu nguyện, một phần qua cách ngài nói chuyện với giáo dân.

Cha biết ngài ở đâu?

Qua các chuyến thăm ngũ niên (ad limina) của các Hội đồng Giám mục và qua thư tín. Cha biết ngài là một người rất dứt khoát, một người Argentina không ngần ngại nói thẳng: đây là chuyện chúng ta sẽ làm, đây là chuyện chúng ta sẽ không làm. Nhưng cha không biết khía cạnh thân tình, khía cạnh chú tâm cực kỳ mật thiết với giáo dân. Đó là một ngạc nhiên đối với cha.

Cha chờ một người nào khác?

Đúng, không phải một người nào đặc biệt, nhưng là những người khác, đúng.

Bergoglio không ở trong số này?

Không. Cha không nghĩ ngài là một trong các ứng viên khả dĩ nhất.

Dù vậy, như con đã nói, ngài với cha là một trong các ứng viên được chú ý trong lần mật nghị trước.

Đúng, nhưng cha nghĩ đó là chuyện quá khứ. Từ đó cha không còn nghe nói về ngài.

Kết quả cuộc bỏ phiếu có làm cha vui?

Khi nghe tên ngài, cha có hơi ngần ngại lúc đầu. Nhưng khi thấy ngài một mặt hướng về Chúa, một mặt hướng về giáo dân, niềm vui tràn ngập trong lòng cha. Và đó là hạnh phúc.

Chúng ta hãy rõ ràng ở điểm này: như thế không thể nói rằng, sự quen biết hay dò trước được căn tính người kế nhiệm đã làm cho việc từ nhiệm của cha được dễ dàng hơn không?

Không. Hồng y đoàn tự do và có năng lực riêng của mình. Không thể nào đoán trước người nào sẽ được chọn.

Đức Phanxicô mang lại rất nhiều điều mới mẻ: là giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên; người đầu tiên chọn tên Phanxicô. Và nhất là giáo hoàng đầu tiên của “Thế giới Mới”. Phải kết luận cấu trúc của Giáo hội công giáo là gì đây?

Giáo hội không bất động, Giáo hội năng động và cởi mở, là nơi của những biến đổi mới. Giáo hội không tê cứng trong các mô hình có sẵn, nhưng thường xuyên có những chuyện lạ lùng, mang một năng động có khả năng làm mới lại trong từng giây phút. Trong thời buổi chính xác này của chúng ta, có những sự việc xảy ra mà chúng ta không mong chờ, cho thấy Giáo hội sống động và có nhiều khả năng mới, và đó là chuyện tốt đẹp và đáng khích lệ.

Mặt khác, có thể dự đoán Châu Mỹ La Tinh được gọi để giữ một vai trò quan trọng. Đó là châu lục công giáo lớn nhất, nhưng đó là cũng là châu lục đau khổ nhất và có nhiều vấn đề nhất. Ở đó có những giám mục thật phi thường, dù tất cả các đau khổ, các khó khăn, Giáo hội ở đó cực kỳ năng động. Có thể nói, theo một nghĩa nào đó, giờ của Nam Mỹ đã đến. Mặt khác, tân giáo hoàng vừa là người Ý, vừa là người Nam Mỹ nên đã có một liên kết chặt chẽ tương tác giữa Thế giới Cũ và Thế giới Mới, cùng lúc hiệp nhất nội bộ của lịch sử.

Với Giáo hoàng Phanxicô, Giáo hội công giáo mất trọng tâm Âu châu. Dù sao trọng tâm này cũng đã yếu. Đúng là Âu châu đã không còn là trọng tâm của Giáo hội hoàn vũ. Từ nay, thật sự trong tính phổ quát của nó, Giáo hội có một sức nặng tương đương trên các châu lục khác nhau. Âu châu còn giữ phần trách nhiệm và chức năng đặc biệt của mình. Tuy nhiên, đức tin ở Âu châu đã suy giảm, và qua sự suy giảm này, Âu châu chỉ còn đảm trách một cách hạn chế động lực của Giáo hội hoàn vũ và của đức tin trong Giáo hội. Chúng tôi cũng ghi nhận, các yếu tố mới, Phi châu, Nam Mỹ hay Phi Luật Tân, chẳng hạn, họ đã mang một năng lực mới cho Giáo hội, sống động và mang sinh lực đến cho một Tây phương đã mệt mỏi, thức Tây phương dậy từ sự uể oải của mình, từ khuynh hướng quên đức tin của họ. Khi cha nghĩ đến nước Đức, cha không thể phủ nhận ở đó có một đức tin năng động, một sự dấn thân trung thực với Chúa cũng như với con người. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng có thể nhận thấy sức mạnh của bệnh quan liêu, lý thuyết hóa đức tin, chính trị hóa và sự thiếu năng động, thêm nữa lại thường bị đè bẹp một nửa vì sức nặng không chịu được của cơ cấu. Vì thế thật là khích lệ khi thấy có có những sức mạnh khác trong lòng Giáo hội hoàn vũ, và Âu châu lại trở thành miếng đất phải truyền giáo.

Người ta nói Chúa nhẹ nhàng sửa mỗi giáo hoàng qua vị kế nhiệm của họ – Đức Phanxicô đã sửa cha điều gì?

(Cha cười.) Đúng vậy. Cha sẽ nói, qua sự chú tâm thẳng đến giáo dân. Điều này đối với cha rất quan trọng. Nhưng một cách nền tảng, đó cũng là một giáo hoàng của suy tư. Khi cha đọc Tông huấn Niềm vui Tin Mừng hay các bài phỏng vấn của ngài, cha thấy đây đúng là một người chiêm niệm, một người cống hiến một cách tri thức cho các vấn đề của thời chúng ta. Cùng một lúc, ngài tiếp xúc trực tiếp với giáo dân, ngài quen ở bên cạnh họ. Nếu ngài không ở dinh Tông tòa mà ở Nhà Mácta, là vì ngài muốn luôn có nhiều người ở chung quanh. Cha có khuynh hướng cho rằng mình có thể làm như vậy từ trên cao, nhưng điều này cho một chiều kích hoàn toàn mới. Cũng có thể thật sự cha chưa đủ hiện diện bên cạnh giáo dân. Cha cũng muốn nêu lên tính can đảm mà ngài giải quyết các vấn đề và tìm các giải pháp.

Vị kế nhiệm của cha có thể hơi quá hăng hái, quá hướng ngoại không?

(Ngài cười.) Mỗi người có một cá tính riêng. Người thì dè dặt, người thì quá năng động hơn là người ta nghĩ. Nhưng cha rất thích khía cạnh tiếp xúc trực tiếp của ngài với giáo dân. Cha tự hỏi ngài có thể làm được bao lâu. Vì cần phải có một sức mạnh để bắt tay hàng hai trăm người, có khi hơn vào mỗi thứ tư hàng tuần, những việc làm tương tự như vậy. Nhưng chúng ta để những chuyện này trong bàn tay Thiên Chúa.

Như thế phong cách của Đức Phanxicô không tạo vấn đề cho cha?

Không. Ngược lại, cha lại thấy tốt.

Bây giờ cựu giáo hoàng và tân giáo hoàng sống cùng nơi, chỉ cách nhau vài trăm mét. Có vẻ như cha thường xuyên sẵn sàng với vị kế nhiệm. Đức Phanxicô thật sự có hỏi đến kinh nghiệm và lời khuyên của cha không?

Chung chung thì không có dịp. Có khi ngài hỏi cha về một vài điểm, chẳng hạn trong lần báo La civiltà cattolica phỏng vấn ngài. Đương nhiên cha cho ý kiến của cha. Nhưng chung chung, cha rất vui là không can thiệp gì vào.

Như thế cha không nhận trước bản văn của Tông huấn đầu tiên Niềm Vui Tin Mừng của Đức Phanxicô.

Có chứ. Ngài viết tay cho cha một bức thư riêng, chữ của ngài rất nhỏ. So với chữ của cha thì nhỏ hơn nhiều. Chữ của cha rất to.

Thật là khó tin.

Nhưng đúng là như vậy. Đó là một bức thư rất dễ thương, và cha nhận bản Tông huấn này cũng một cách rất đặc biệt. Tập sách đóng bìa trắng dành riêng cho giáo hoàng. Cha đang đọc. Đó là một bản văn ngắn nhưng rất hay, rất thắm thiết. Đương nhiên không phải ngài viết tất cả, nhưng có nhiều chi tiết cá nhân.

Một vài nhà bình luận cho rằng bản văn này là đổi hẳn ý kiến, nhất là khi muốn giải tập trung hóa Giáo hội. Cha có thấy trong tông huấn này là một chương trình cắt đứt triều giáo hoàng của cha không?

Không. Cha cũng vậy, cha luôn muốn các Giáo hội địa phương tự chính mình năng động, không cần nhiều đến sự trợ lực của Vatican. Vì thế việc củng cố Giáo hội địa phương là rất quan trọng. Đương nhiên, các Giáo hội này phải cởi mở với nhau và với Tòa Thánh Phêrô, nếu không họ sẽ phát triển một hình thức chính trị hóa, quốc gia hóa và một sự co cụm về mặt văn hóa. Sự trao đổi giữa Giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ là chính yếu. Cha cũng phải nhận thấy, tiếc thay chính các giám mục chống đối việc giải tập trung hóa, họ cũng không nghĩ người ta có quyền mong chờ ở họ. Điều này buộc chúng ta phải thường xuyên trợ lực cho các Giáo hội địa phương. Quả thật, một Giáo hội địa phương càng đứng vững và năng động trong đức tin thì Giáo hội đó càng đóng góp vào công việc chung. Không những toàn Giáo hội tham dự vào việc quản trị Giáo hội địa phương, nhưng những công việc của Giáo hội địa phương còn được quyết định cho toàn thể. Thánh Phaolô đã nói, khi một thành viên đau thì tất cả mọi người đều bị đau. Chẳng hạn, khi đức tin ở Âu châu suy yếu, thì căn bệnh này ảnh hưởng đến tất cả các Giáo hội khác và ngược lại. Nếu một Giáo hội bị vướng vào chuyện dị đoan, bị vướng vào những yếu tố không mong muốn hoặc thậm chí không tin, thì chắc chắn sẽ có sự dội lại trên toàn thể. Vì thế tương tác qua về rất quan trọng. Người ta không thể bỏ qua mà không phục vụ cho Thánh Phêrô hay phục vụ cho sự hợp nhất. Và cũng không bỏ qua trách nhiệm của các Giáo hội địa phương.

Và như thế cha không thấy có một sự cắt đứt nào với triều giáo hoàng của cha?

Không. Đương nhiên, người ta có thể chú giải sai một vài đoạn rồi cho rằng tất cả đã thay đổi. Khi đưa các đoạn ra khỏi ngữ cảnh của nó, khi cô lập nó thì người ta dễ dàng tạo ra các chống đối nhưng xét tổng thể thì sẽ không thấy chống đối. Chắc chắn, người ta có thể thấy những điểm thay đổi mới nhưng không có chống đối.

Sau một năm, cha hài lòng với Đức Phanxicô?

Chắc chắn. Có một nét tươi mát trong Giáo hội, một niềm vui mới, một đặc sủng mới làm mọi người vui lòng, đó là chuyện tốt.

Có hai chữ đặc biệt vang lên trong bài diễn văn từ giã của cha ở Quảng trường Thánh Phêrô. Cha nói chữ đầu tiên trong buổi Kinh Truyền Tin cuối cùng của cha: “Chúa đòi hỏi tôi lên núi Tabo”. Cha muốn nói gì ở câu này?

Câu này dính đến bài Phúc Âm hôm đó. Ngày hôm đó, Phúc Âm mang một ý nghĩa  rất cụ thể. Điều này có nghĩa, cha đi một cách nào đó với Chúa, cha rời đời sống hàng ngày để bước lên một đỉnh khác, nơi cha kết hiệp với Chúa một cách trực tiếp hơn, mật thiết hơn; như thế cùng một lúc cha tách ra khỏi đám đông và lui về trong nơi mật thiết nhất này.

Sự việc buổi phụng vụ cuối cùng của cha trùng hợp với ngày Thứ Tư Lễ Tro thì chắc chắn chẳng có gì là tình cờ. Người ta có cảm tưởng như cha muốn nói: Nhìn đây, đây là nơi tôi muốn đưa anh chị em đến: thanh tẩy, ăn chay, ăn năn sám hối.

Cũng đã dự tính trước. Thật sự cha đã suy nghĩ đến ngày Thứ Tư Lễ Tro. Đến nghi lễ phụng vụ mà ngày hôm đó cha còn phải dâng. Đáng lý cử hành ở nhà thờ Thánh Sabina, vì đó là nhà thờ cũ có các chặng đàng, nhưng rồi đã dời qua Đền thờ Thánh Phêrô. Đối với cha, đúng là Chúa quan phòng để buổi phụng vụ cuối cùng đánh dấu cho thời kỳ ăn năn, liên hệ đến Mémento Mori, trọng tâm vào Tuần Thương khó Chúa Kitô, nhưng cùng một lúc cũng là vào huyền nhiệm Sống Lại. Ngày Thứ Bảy Tuần Thánh là ngày đánh dấu bước đầu cho đời sống của cha, mặt khác, ngày Thứ Tư Lễ Tro là ngày chấm dứt cụ thể trách vụ của cha, như thế nó mang nhiều ý nghĩa  để suy nghĩ, và sự việc là như thế.

Câu từ giã thứ hai của cha cũng được tuyên bố rất mạnh: “Tôi không bỏ Thập Giá.”

Người ta nói cha bỏ Thập Giá, cha thích những chuyện dễ dàng. Đó là câu trách cứ mà cha phải chờ để nghe. Và đó cũng là điều mà cha phải suy nghĩ trong lòng trước khi hoàn tựu tiến trình này. Cha tin chắc, đây không phải là một chuyện bỏ trốn, dù sao cũng không đứng trước một áp lực cụ thể không có trước đó. Cũng không phải là sự bỏ trốn trước các đòi hỏi của đức tin, dẫn con người đến Thập Giá. Đây là một cách khác để vẫn liên kết với một Thiên Chúa đau khổ, trong bình an của thinh lặng, trong sự cao cả của thinh lặng, trong sự cao cả và sâu lắng của lời cầu nguyện cho toàn Giáo hội. Như thế tiến trình này không phải là một sự bỏ trốn, nhưng một cách khác để trung thành với sứ mệnh của cha.

Cha không tổ chức lễ từ giã lớn và cha vẫn còn có buổi tiếp kiến chung.

Con muốn nói một lễ từ giã làm theo kiểu thế tục. Nhưng phải ở trong khuôn khổ của những gì thuộc lãnh vực thiêng liêng. Và như thế, phụng vụ Thứ Tư Lễ Tro và buổi tiếp kiến chung với tín hữu ở Quảng trường Thánh Phêrô là cũng đã làm trong niềm vui và trong lắng đọng. Điểm đầu tiên hết là không phải nhắm vào một cá nhân, nhưng sự hiện diện của người đó đại diện cho một người khác. Như thế hoàn toàn thích ứng, một mặt gặp Giáo hội trong tổng thể thêm một lần, mặt khác là với những ai muốn từ giã. Và không làm trong tinh thần thế tục, nhưng cùng gặp nhau trong Lời Chúa và trong đức tin.

Dù sao, nhìn từ bên ngoài, cha ra đi bằng trực thăng cũng làm tăng thêm “bối cảnh”. Người ta có thể nói rằng, lúc còn sống chưa bao giờ Đức Giáo hoàng được đưa lên trời…

(Đức Giáo hoàng cười.)

Trong đầu cha lúc đó như thế nào?

Cha rất xúc động. Sự nồng ấm khi từ giã, nước mắt của các cộng sự viên (giọng cha đứt quãng). Còn có một bản ghi lớn trên mái nhà: “Xin Chúa ban phép lành cho cha” (Pastor Bonus), và rồi tiếng chuông của Rôma (Đức Giáo hoàng khóc). Tất cả đã làm cho cha vô cùng xúc động. Nhưng khi bay trên cao và khi nghe tiếng chuông Rôma, cha biết cha phải tạ ơn và bây giờ là giờ của lòng tri ân.

Marta An Nguyễn chuyển dịch

28-2-2013