Từ nhiệm

174

Trích sách: Bênêđictô XVI, Những buổi nói chuyện cuối cùng với Peter Seewald. Nxb. Fayard.

Bây giờ chúng ta nói đến quyết định đủ để mang tính cách lịch sử cho triều giáo hoàng của cha. Với việc cha từ nhiệm, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội, một giáo hoàng đang tại chức từ bỏ chức vụ của mình. Bằng hành vi cách mạng này, hơn ai hết, cha đã thay đổi triều giáo hoàng có từ bao nhiêu thế kỷ nay. Nó trở nên hiện đại hơn, nhân bản hơn trong nghĩa gần hơn với nguồn gốc của Thánh Phêrô. Từ năm 2010, trong buổi phỏng vấn Ánh sáng thế giới của chúng ta, cha đã tuyên bố: “Khi một giáo hoàng nhận thấy, sức khỏe thể lý, tâm lý và thiêng liêng của mình không đủ sức đảm nhiệm chức vụ, thì giáo hoàng có quyền và theo bối cảnh, giáo hoàng có bổn phận phải rút lui.” Quyết định này có đòi hỏi một cuộc chiến đấu nội tâm mãnh liệt không?

(Ngài thở một hơi sâu.) Tất nhiên đây không phải là một quyết định dễ dàng. Sau hàng ngàn năm, không một giáo hoàng nào rút lui, chỉ có một trường hợp ngoại lệ vào thế kỷ đầu tiên, thì đây là một quyết định không dễ dàng chút nào, cha buộc phải suy nghĩ lui, suy nghĩ tới hoài. Mặt khác, đối với cha, hiển nhiên đây không phải là một cuộc đấu tranh nội tâm quá gay go. Ý thức trách nhiệm của mình, tầm mức quan trọng của nó đòi hỏi phải xét mình kỹ và phải cân nhắc lui tới trước mặt Chúa và với chính mình, nhưng cha sẽ không nói, đây là một sự xé lòng đối với cha.

Cha có lượng định trước, một quyết định như vậy sẽ tạo ra thất vọng, thậm chí là làm rối loạn không?

Phản ứng này có thể mạnh hơn là cha hình dung; các bạn của cha, các người mà sứ điệp của cha là điểm tựa, là tầm quan trọng, là mang lại tương lai, thật sự họ đã giao động một thời gian và cảm thấy mình bị bỏ rơi.

Cha ý thức cú sốc này?

Cha có nghĩ đến, có.

Điều này đòi hỏi phải có một sức mạnh phi thường.

Trong những trường hợp này mình được giúp đỡ. Và rồi cha biết cha phải làm, và đã đến lúc phải làm. Cuối cùng mọi người đều chấp nhận. Rất nhiều người thích tân giáo hoàng nói với họ theo một phong cách khác. Rất nhiều người có thể còn một vài luyến tiếc, nhưng cuối cùng chính họ lại biết ơn cha. Họ biết thời của cha đã qua và những gì cha làm được, cha đã làm.

Khi nào thì cha dứt khoát quyết định của cha?

Cha nghĩ vào mùa hè 2012.

Vào tháng 8?

Vào khoảng đó.

Cha có bị xuống tinh thần không?

Xuống tinh thần, không, nhưng lúc đó cha không khỏe. Cha nhận ra chuyến đi Mêhicô và Cuba quá mệt đối với cha. Bác sĩ đã khuyên cha không nên có chuyến đi vượt Đại Tây Dương một lần nữa. Theo dự định Ngày Thế giới Trẻ sẽ tổ chức ở Rio de Janeiro năm 2014, nhưng vì có Cúp Bóng đá Thế giới năm 2014 ở Rio de Janeiro, nên Ngày Thế giới Trẻ được tổ chức trước một năm. Cha nghĩ mình phải rút lui đúng lúc để tân giáo hoàng có thì giờ chuẩn bị cho chuyến đi này. Vì thế sau chuyến đi Mêhicô và Cuba, quyết định này đã dần dần chín. Nói cách khác, cha cố gắng kéo đến năm 2014. Nhưng trong các điều kiện này, cha thấy quá sức của mình.

Làm sao cha có quyết định như vậy mà không nói với một ai?

Cha nói nhiều với Chúa chứ.

Anh của cha có biết quyết định này không?

Anh không biết ngay lập tức. Nhưng có, có.

Một ít thời gian trước khi loan báo, chỉ có bốn người biết bí mật. Có một lý do nào trong chuyện này?

Đương nhiên là có. Ngay khi nhiều người biết là cha khó chu toàn nhiệm vụ vì uy quyền của cha bị phân rã. Điều cần thiết là cha phải chu toàn nhiệm vụ và làm bổn phận của mình cho đến cùng.

Cha có sợ có người nào thuyết phục để cha không đi đến cùng trong quyết định này không?

Không (cha cười vui), có thể có một chút, nhưng không phải là một nỗi sợ đích thực, vì trong lòng cha, cha đã xác tín mình phải làm chuyện này. Trong trường hợp như vậy, sẽ không có ai tìm cách thuyết phục.

Khi nào và qua ai, lời tuyên bố từ nhiệm của cha được thảo?

Chính cha. Cha sẽ không nói được chính xác lúc nào, nhưng cha đã viết khoảng hai tuần trước hay hơn.

Vì sao cha viết bằng tiếng la-tinh?

Vì một công việc quan trọng như thế phải viết bằng tiếng la-tinh. Hơn nữa, cha thạo tiếng la-tinh đủ để viết một cách chính xác. Dĩ nhiên cha cũng có thể viết bằng tiếng Ý nhưng như thế sẽ có thể có vài lỗi.

Mới đầu cha định từ nhiệm vào tháng mười hai, nhưng cuối cùng cha chọn ngày 11 tháng 2, ngày “Rosenmontag*”, lễ Đức Mẹ Lộ Đức. Có một biểu tượng nào ở đây?

Cha không biết đó là ngày “Rosenmontag”, vì thế nó tạo ra một vài hoang mang ở Đức. Đó là ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức. Còn ngày lễ Thánh Bernadette Lộ Đức thì rơi đúng vào ngày sinh nhật của cha. Như vậy có các liên hệ và như thế là dịp để cha từ nhiệm vào ngày đó.

Như thế thời điểm là…

… nhất quán, đúng.

Cha giữ kỷ niệm nào cho ngày lịch sử này? Con hình dung tối trước hôm đó cha ngủ không ngon.

Cũng không hẳn là không ngon. Dĩ nhiên, như chúng ta đã thấy, ý kiến quần chúng thấy quyết định này có một tầm quan trọng đặc biệt. Về phần cha, cha đã có một cuộc đấu tranh nội tâm lâu dài và bây giờ cuộc đấu tranh này đã ở đàng sau lưng cha. Ngày hôm đó thật sự là một ngày đau khổ đối với cha.

Đó là một buổi sáng như các buổi sáng khác, cũng vẫn các sinh hoạt bình thường?

Theo cha thì đúng như vậy.

Cũng cùng các lời cầu nguyện…

Cũng cùng các lời cầu nguyện, nhưng đương nhiên nó mang một tầm vóc đặc biệt cho ngày hôm đó.

Cha không dậy sớm hơn, cha không ăn sáng trễ hơn?

Không, không.

Bảy mươi hồng y ngồi theo hình chữ U trong căn phòng rộng lớn mang tên “Phòng Công nghị, Sala del Concistoro”, công nghị này được ấn định để loan báo một số vụ phong thánh. Khi cha vào trong phòng, không một ai đoán được chuyện gì sắp xảy ra

Đúng vậy, có nhiều vụ phong thánh đã lên chương trình.

Trước sự kinh hoàng của tất cả mọi người, cha tuyên bố bằng tiếng la-tinh: “Anh em hồng y thân mến, tôi mời anh em đến đây không phải chỉ để loan báo các vụ phong thánh. Tôi có một loan báo còn quan trọng hơn để nói với anh em.” Tất cả đều chưng hửng. Khi cha tuyên bố, một vài khuôn mặt tê cứng, một vài khuôn mặt như không tin những gì mình nghe, họ bị lạc hướng, họ bị chấn động. Chỉ lúc hồng y niên trưởng Angelo Sodano lên tiếng thì khi đó mọi người mới hiểu chuyện gì đã xảy ra. Họ có lên tiếng với cha hay sau đó họ có hỏi cha?

(Cha cười.) Không. Dù sao không thể xảy ra chuyện này. Sau công nghị, giáo hoàng long trọng đi ra, không ai chạy theo ngài. Trong những trường hợp như vậy, giáo hoàng là tối thượng.

Cái gì ở trong đầu cha trong ngày lịch sử hôm đó?

Dĩ nhiên cha tự hỏi, về mặt nhân bản làm sao phản ứng, quyết định này sẽ như thế nào. Về phần cha, tất nhiên đây là một ngày rất buồn. Suốt cả ngày, cha đặc biệt bám dính vào Chúa. Ngoài ra thì không có gì đặc biệt.

Trong lời tuyên bố từ nhiệm, cha biện minh cho quyết định của mình vì cha không còn sức. Sự suy giảm khả năng hoạt động có thật sự là một lý do đủ để cha rời ngai Thánh Phêrô không?

Dĩ nhiên người ta có thể thấy đây là một cách biện minh sai và trách cha. Tuy nhiên, kế thừa ngai Thánh Phêrô không phải chỉ là một chức vụ, mà nó tác động đến toàn cả con người. Như vậy chức vụ không phải là lý do duy nhất. Mặt khác, giáo hoàng phải hoàn thành một số hành động cụ thể, ngài phải để mắt đến tất cả những gì đang xảy ra, phải ấn định các việc ưu tiên phải làm, vv. Từ việc tiếp các nguyên thủ quốc gia, các giám mục và phải nói chuyện thân tình với họ cho đến các quyết định phải lấy hàng ngày. Dù cho rằng có thể bỏ một số công việc, nhưng vẫn còn lại một số việc quan trọng nếu muốn chu toàn đúng đắn chức vụ của mình, như thế sự việc đã rõ ràng: ngay khi mình thấy không có khả năng để làm, thì theo cha, mình buộc phải thấy sự việc một cách khác, mình phải giải thoát khỏi chức vụ này.

Hồng y Reginald Pôle (1500-1558) mà cha nói đến trong một cuộc hội thảo về thần học Thập giá của ngài: Thập giá là nơi đích thực đại diện của Chúa Kitô. Như vậy, theo hồng y, có một cơ cấu tử đạo nơi quyền tối cao của giáo hoàng.

Điều này đã làm cho cha rất xúc động lúc đó. Cha đã làm một luận án về ngài. Và đúng, trong một chừng mực nào đó, giáo hoàng phải sống đời sống chứng tá mỗi ngày, mọi ngày, giáo hoàng phải dâng mình cho Thập giá và luôn có những hình thức tử đạo, theo nghĩa các đau khổ trên thế giới và các vấn đề của nó. Điều này rất quan trọng. Nếu giáo hoàng gợi lên một sự phê chuẩn bất di bất dịch, thì chúng ta có quyền hỏi, ngài đã làm một cái gì không đúng. Vì trong thế giới này, sứ điệp của Chúa Kitô là một chuyện chói tai, bắt đầu bằng chính Chúa Kitô. Sẽ luôn có những nghịch lý và giáo hoàng sẽ luôn là dấu chỉ của nghịch lý này. Đó là một trong các tiêu chuẩn của giáo hoàng. Điều này không có nghĩa là giáo hoàng phải chết dưới máy chém.

Cha có tìm cách để tránh không bị gò bó trước thế gian như vị tiền nhiệm của cha?

Vị tiền nhiệm của cha có sứ mạng riêng của ngài. Khi ngài đảm trách chức vụ của mình với một sức mạnh vô biên, một cách nào đó, ngài đã mang toàn nhân loại trên vai của mình, trong vòng hai mươi năm, ngài đảm trách với một năng lực không tưởng tượng được, các đau khổ, các gánh nặng của thế kỷ, cha tin chắc có một đau khổ nào đó riêng cho triều giáo hoàng này. Và nó thể hiện qua một sứ điệp cá nhân. Và vì thế giáo dân cũng đã nhận thấy. Đúng là dưới gương mặt đau khổ của ngài, ngài trở nên thân thiết với họ. Khi mình mở lòng, mình gần với chiều sâu của con người. Và điều này tuyệt đối có một ý nghĩa. Tuy nhiên, cha tin chắc, đây không phải là một chuyện mà mình phải lặp lại một cách kín đáo. Sau một triều giáo hoàng tám năm, có thể tốt hơn là không thêm tám năm nữa, vì có ngày mình sẽ phải chịu như vậy.

Cha nói, trước khi đi đến quyết định này, cha đã có thảo luận. Dĩ nhiên là với Chúa. Cuộc thảo luận đã được xảy ra như thế nào?

Phải trình bày cho Chúa trạng huống một cách rõ ràng nhất có thể, không tìm cách chỉ đưa ra các lý do có hiệu quả hay các lý do khác theo đường hướng này để biện minh cho việc từ bỏ chức vụ của mình. Cũng phải xem xét dưới khía cạnh đức tin. Và chính xác dưới khía cạnh này mà cha có được xác tín, rằng sứ vụ của Thánh Phêrô đòi hỏi cha có những quyết định, những nhận định cụ thể và trong chừng mực, trong một tương lai gần, cha không còn đủ khả năng thì Chúa không đòi hỏi cha phải làm và Ngài sẽ giải thoát cho cha khỏi chức vụ này.

Người ta nói đến một “kinh nghiệm thần nghiệm” đã thúc đẩy cha có tiến trình này.

Đó là một ngộ nhận.

Cha hoàn toàn đồng ý với Chúa?

Đúng, hoàn toàn.

Cha có cảm nhận triều giáo hoàng của mình đã kiệt sức, thật sự sẽ không đi tới đàng trước được? hay có thể con người của giáo hoàng không còn là giải pháp, nhưng là vấn đề?

Không, không ở dưới hình thức này. Dĩ nhiên là cha ý thức mình không thể cống hiến được nhiều. Nhưng mình có thể là vấn đề cho Giáo hội thì không, không phải như vậy và theo cha, không bao giờ như vậy.

Sự thất vọng mà những người chung quanh cha đã tạo ra cho cha, cha cảm thấy mình không được hỗ trợ, những chuyện này có đóng một vai trò trong việc từ nhiệm của cha không?

Không, không phải như vậy. Vụ quản gia Paolo Gabriele thật đáng tiếc, nhưng đó là một sư việc. Từ đầu cha không dính vào, các cơ quan pháp lý đã kiểm tra hồ sơ của ông và họ giao cho ông làm nhiệm vụ này, đó là những chuyện xảy ra một cách con người. Cha không nghĩ mình đã phạm một lỗi nhỏ nào.

Tuy nhiên báo chí Ý luôn tìm cách để xem lý do từ nhiệm chính có phải ở các vụ Vatileaks không, không phải chỉ riêng vụ quản gia Paolo Gabriele, nhưng còn các vụ liên quan đến vấn đề tài chánh, các vụ bí ẩn khác ở Giáo triều. Cuối cùng, bản báo cáo ba trăm trang của các vụ này đã làm cho cha chấn động, đến mức cha không còn cách nào khác hơn là nhường lại chỗ này cho người khác.

Không, không đúng như vậy, hoàn toàn không đúng. Ngược lại, các vụ này đã được giải quyết. Cha khẳng định vào lúc đó, hình như cha nói với con, mình không được rút lui khi mọi sự không được tốt, phải chờ khi nó đã được giải quyết xong. Cha có thể từ nhiệm vì mọi sự đã đâu vào đó. Không có sự tháo lui dưới áp lực, cũng không có sự bỏ trốn, bởi vì cha không bao giờ có đủ sức để đi đến cùng các hồ sơ này.

Một vài tờ báo còn nói đến sự đe dọa hay thông đồng.

Hoàn toàn phi lý. Thật là bực mình, cha nghĩ, vì những lý do nào đó, có người muốn tạo chuyện bê bối để thanh tẩy Giáo hội. Nhưng không một ai có thể đe dọa cha. Mặt khác, cha sẽ không để họ làm. Nếu có một mưu đồ như vậy, thì cha sẽ không ra đi, chắc chắn, bởi vì cha không chấp nhận làm bất cứ gì dưới áp lực. Cũng không có chuyện thất vọng, chuyện không biết tại sao. Ngược lại là một bầu khí bình an, là bằng lòng với ý tưởng vượt lên được những khó khăn, Chúa được ca tụng. Một bầu khí hoàn toàn thanh thản, mình có thể giao chức vụ cho người kế tiếp.

Một vài người phản đối, cho rằng sự từ nhiệm của cha đã thế tục hóa triều giáo hoàng. Đây không còn là một chức vụ không so sánh được, mà là một chức vụ như các chức vụ khác.

Cha đã phải cân nhắc và tự hỏi chủ nghĩa chức năng, nếu mình có thể nói như vậy, có bị hiểm nguy lan đến triều giáo hoàng không. Ngày xưa, một biện pháp như vậy đã có nơi hàng giám mục. Hồi đó, không phải giám mục không có quyền rút lui, nhiều người nói: Tôi là “Cha” và tôi ở lại. Họ cho rằng không được đặt để kỳ hạn. Dù đó là chức năng hóa, thế tục hóa, một hình thức công chức, nhưng không áp dụng cho một giám mục. Cha sẽ chống đối một Người Cha ngưng làm Cha. Đương nhiên họ không thể ngưng làm Cha, nhưng họ từ bỏ các trách nhiệm cụ thể. Họ vẫn là Cha trong một nghĩa sâu đậm, mật thiết, với một quan hệ, một trách nhiệm đặc biệt, nhưng họ không còn chu toàn các công việc của Người Cha. Tình trạng cũng vậy đối với các giám mục.

Cuối cùng người ta cũng phải chấp nhận một cách tổng quát, nếu giám mục có sứ vụ  trong Giáo hội, tiếp tục dính kết với mình trong lòng, nhưng không bắt buộc giám mục này phải duy trì chức vụ của mình vĩnh viễn. Theo cha, rõ ràng giáo hoàng không phải là một siêu nhân và cuộc hiện sinh đơn giản của giáo hoàng không đủ; giáo hoàng cũng phải thi hành nhiệm vụ của mình. Khi giáo hoàng rút lui, ngài từ bỏ chức vụ nhưng vẫn  giữ một cách mật thiết, trách nhiệm mà mình đã đảm trách. Và rồi dần dần người ta sẽ hiểu, giáo triều không mất tầm cao cả của nó, dù cho chiều kích nhân bản của chức vụ có thể rõ nét hơn.

Sau khi quyết định từ nhiệm của cha được công bố và vì sau đó là Thứ Tư Lễ Tro, Giáo triều có tuần tĩnh tâm Mùa Chay. Trong dịp này, có ai bàn với cha về việc cha từ nhiệm không?

Không. Tĩnh tâm là thời gian thinh lặng, lắng nghe và cầu nguyện. Trong lịch tĩnh tâm của cha, cha giữ thinh lặng trong tuần này, để các hồng y, các giám mục, các cộng sự viên của Giáo triều có thể thấm quyết định này một cách sâu đậm. Bỗng nhiên, tất cả những gì là những chuyện bên ngoài biến mất và cùng nhau, trong lòng, mọi người đều hướng về Chúa.

Những ngày này rất cảm động và rất giúp ích cho cha. Một phần nhờ tĩnh tâm và thinh lặng, không ai làm phiền cha, không có tiếp kiến, và tất cả tránh xa được các giao động, chúng tôi rất gần nhau trong lòng, vì cùng cầu nguyện, cùng lắng nghe nhau bốn lần một ngày; mặt khác, mỗi người đều ở trước mặt Chúa với trách nhiệm riêng của mình. Cha phải nói cuộc tĩnh tâm rất ơn ích. Nhìn lại, cha không thấy có gì tốt hơn sự bất thình lình này.

Cha không bao giờ hối tiếc cho việc từ nhiệm này? Dù chỉ một phút?

Không! Không và không. Mỗi ngày, cha đều nghiệm ra là cha có lý.

Không có một lần nào mà cha…

Không, tuyệt đối không. Cha đã suy nghĩ và cha đã thảo luận với Chúa rất lâu.

Có một khía cạnh nào mà cha chưa nghĩ đến? Mà nó xảy ra sau cho cha?

Không.

Như thế cha có nghĩ trong tương lai, mình có thể đòi hỏi một cách hợp pháp một giáo hoàng phải từ bỏ chức vụ của mình không?

Đương nhiên là không có vấn đề phải tuần phục các đòi hỏi. Vì thế cha đã nhấn mạnh trong bài diễn văn của cha, là cha hành động hoàn toàn tự do. Không bao giờ khởi sự bằng việc bỏ trốn một cái gì. Cũng không vì áp lực. Chỉ có thể quyết định nếu không có ai bắt mình. Và không một ai đòi hỏi khi nào cha làm. Không một ai. Sự ngạc nhiên là hoàn toàn cho tất cả mọi người.

Việc từ nhiệm của cha đã ngay lập tức được đánh dấu bởi việc mở ra một đại lục khác, hẳn cũng làm cha ngạc nhiên.

Trong Giáo hội Thánh, cái gì cũng có thể xảy ra.

Marta An Nguyễn chuyển dịch

* Ngày thứ hai hoa hồng, ngày lễ vui ở nước Đức trước này Thứ Tư Lễ Tro.

tu-nhiem