Các chuyến tông du và gặp gỡ

206

Trích sách: Bênêđictô XVI, Những buổi nói chuyện cuối cùng với Peter Seewald. Nxb. Fayard.

Bây giờ chúng ta nói về các cuộc gặp gỡ của cha với các nhân vật thời nay. Cha có gặp Tổng thống Tiệp Václav Havel?

Có, và đó là một cuộc gặp rất đẹp. Cha đã đọc vài bài viết của ông và cha thật sự xúc động. Nhất là khi ông viết về tương quan giữa chính trị và sự thật. Sức khỏe của ông lúc đó đã sa sút, nhưng nói chuyện với một người như Václav Havel với cha là một giây phút rất cảm động. Cuộc gặp với Tổng thống Do Thái Shimon Pères cũng quan trọng dưới mắt cha, đó là người cha rất ngưỡng phục. Cha biết chuyện đã xảy ra với thân phụ của ông. Và ông vẫn là con người thật của ông, từ bên trong, ông làm chứng cho một tình nhân loại và một tinh thần cởi mở không thể tưởng tượng.

Và cuộc diện kiến của cha với Obama?

Đó là một chính trị gia lớn, đương nhiên, ông biết các công thức của sự thành công và tuy ông có một vài tư tưởng mà chúng tôi không thể chia sẻ, nhưng với sự hiện diện của cha, ông không chỉ tỏ ra là một nhà chiến thuật; nhưng ông còn là một người suy nghĩ. Cha cảm nhận ông tìm để gặp gỡ, và ông lắng nghe cha. Và đó cũng là trường hợp của bà Michelle Bachelet, tổng thống nước Chilê. Bà vô thần, theo chủ nghĩa mác-xít và có những quan điểm mà chúng ta không đồng ý. Nhưng cha nhận thấy nơi bà có một quyết tâm đi tìm một luân lý nền tảng rất gần với tinh thần kitô giáo. Và cha thật sự ấn tượng được biết các nhân vật này, không phải chỉ dưới khía cạnh chiến thuật và chính trị, các nhân vật xa mình, nhưng họ cùng đi tìm làm sao để các chuyện phải đúng.

Cha cũng thảo luận với những người theo thuyết bất khả tri, những người vô thần, những người theo cánh tả.

Đúng, đúng, chắc chắn rồi, theo một nghĩa nào đó, đó cũng thuộc về sứ mệnh. Với điều kiện là các lời, các suy nghĩ của họ phải chân thành. Dĩ nhiên cũng có những người cực đoan, họ chỉ là công chức nói các khẩu hiệu theo công thức ngoài miệng. Nhưng khi đó là những người, mà mình thấy trong lòng họ, họ lo lắng…

Cha có tiếp thần học gia Jürgen Habermas mà cha đã đưa câu chuyện đến cuộc thảo luận triết học khi có cuộc biểu tình tổ chức ở Munich phải không?

Cha không gặp lại ông. Nhưng trong một chuyến du lịch, ông có gởi cho cha một thiệp nhỏ và dù rất nhỏ, ông và cha duy trì một mối dây liên lạc.

Và cha có gặp Tổng thống Putin?

Rất thích thú. Chúng tôi thảo luận với nhau bằng tiếng Đức, ông nói thạo tiếng Đức. Chúng tôi không đi vào sâu hơn – tuy ông vẫn là một chính trị gia quyền lực, dĩ nhiên – nhưng ông ý thức sự cần thiết phải có đức tin. Ông xác nhận nước Nga đã đau khổ như thế nào khi đạo đức bị sụp đổ. Là người ái quốc, ông mong muốn xây dựng lại một nước Nga hùng mạnh, ông thấy sự hủy hoại tinh thần kitô giáo đe dọa cho sự tiêu hủy nước ông. Con người cần Chúa, ông hoàn toàn nhận ra điều này, và ông cũng cảm nhận sâu xa nó. Khi đưa bức tượng cho giáo hoàng (Đức Phanxicô), trước hết ông làm dấu và hôn nó.

Cha cũng quan hệ tốt với Giorgio Napolitano, tổng thống nước Cộng hòa Ý hồi đó, một cựu đảng viên đảng cộng sản.

Có, chúng tôi là bạn thân tình. Cha cũng đã kết bạn thân với các chính trị gia Ý Francesco Cossiga và với Carlo Azeglio Ciampi. Napolitano là một người gắn kết với luật lệ và công chính, ông hành động vì lợi ích chung chứ không vì thành công của đảng. Chúng tôi rất ăn ý với nhau. Ông cũng có đến đan viện thăm cha.

Chuyến đi nào tế nhị nhất đối với cha?

Có lẽ chuyến đi Thổ Nhĩ Kỳ. Cái bóng của bài diễn văn ở Ratisbonne vẫn còn lởn vởn. Đầu tiên hết, tổng thống Erdogan không muốn gặp cha. Bầu khí dần dần thân thiện, và cuối cùng thì có một sự thỏa thuận giữa chúng tôi. Nhưng mới đầu thì không phải dễ và cha hết lòng tạ ơn Chúa đã làm cho các tâm hồn mở ra ở cả hai bên.

New York, 18 tháng 4-2008: cha đọc một bài diễn văn danh tiếng ở Liên Hiệp Quốc. Báo New York Post viết về bài diễn văn của cha: “Ai không xúc động thì người đó không còn sống”, còn tờ Times của Luân Đôn viết: “Trong chuyến đi Mỹ, Đức Giáo hoàng Bênêđictô đã thật sự đi ra khỏi cái bóng của vị tiền nhiệm, ngài đã cho thấy đặc sủng riêng của mình”. Dưới mắt cha, những chuyện này đã xảy ra như thế nào?

Trước hết cha rất ngạc nhiên cả Hội đồng chú ý đến cha và chăm chú nghe bài diễn văn dài. Sau đó họ nhiệt liệt đứng dậy vỗ tay, chứng tỏ bài nói chuyện của cha đã thật sự làm họ xúc động. Tiếp đó là các gặp gỡ liên tiếp với những người thuộc đủ mọi thành phần khác nhau, các trẻ em, các nhân viên của Liên Hiệp Quốc, các chính trị gia, cuộc gặp đã làm cho tổ chức Liên Hiệp Quốc không còn là một thể chế nhưng là một cộng đoàn con người; không hẳn chỉ là một cơ quan vô hình, nhưng cơ quan này thể hiện qua từng nét cá nhân của những người hạnh phúc được thấy giáo hoàng tại đây, giáo hoàng đến Liên Hiệp Quốc và nói chuyện với họ.

Paris, 12 tháng 9-2008: Chuyến đi thủ đô Pháp như một chuyến đi về nhà. Rõ ràng cha rất thoải mái.

Cha phải xác nhận là đúng. Cha thích văn hóa Pháp và cha cảm thấy như mình đang ở nhà. Thật là đẹp, thánh lễ ở quảng trường Thương Binh (Invalides) với hai trăm ngàn người…

Điều không ai dự trù…

… buổi tiếp tân ở Hàn Lâm Viện nơi mọi người thuần túy họp lại với nhau như bạn bè thật là cảm động. Rồi cuộc gặp ở Collège des Bernardins, nơi các cựu tổng thống cũng có mặt. Tổng thống Giscard biết cha và sau đó ông còn đến thăm cha. Cha chuẩn bị các bài nói chuyện của mình dựa trên truyền thống thần học Pháp, có thể nói đó là sự tiếp xúc thiêng liêng được nối từ bên trong.

Paris – nhiều kỷ niệm đến trong đầu cha.

Dù vậy cha cũng không thường hay đến đó như mọi người nghĩ. Lần đầu là năm 1954 nhân dịp có Đại hội về Thánh Âugutinô tổ chức ở đó. Đó cũng là chuyến đi quan trọng đầu tiên của cha ở nước ngoài. Sự dẫn nhập vào thế giới của khoa học quốc tế và của vũ trụ trí thức đặc biệt của người Pháp đã là một kỷ niệm đáng kể đối với cha.

Còn chuyến đi chính thức về quê hương cha: Berlin tháng 9 năm 2010. Con hình dung chuyến đi này là cả một thách thức đặc biệt đối với cha.

Chắc chắn rồi, dưới nhiều khía cạnh không những thành phố Berlin xa lạ với truyền thống công giáo mà thành phố này là thành phố của thế giới tin lành, nơi đương nhiên kitô giáo cũng có mặt, cũng sống động nhưng nhiều ít cũng vẫn còn ở bên lề. Trong các thư linh mục Romano Guardini gởi cho bạn mình là cha xứ Josef Weiger, được Barbara Gerl-Falkowitz công bố, đã mô tả rất xúc động, như thể cha bị ngã gục về mặt thể lý và bị rúng động vị sự thảm hại của văn hóa công giáo đứng trước sức mạnh của văn hóa thế tục. Chắc chắn đây là cảm nhận đầu tiên của cha mà sau đó cha dần dần chỉnh lại. Rõ ràng là đừng chờ ở Berlin những chuyện như đã xảy ra ở Madrid. Ngay cả như ở Luân Đôn hay ở Edimbourg. Không phải đó không còn là các thành phố công giáo nhưng dân chúng ở đó đã khác…

Dân chúng đã nồng hậu đón tiếp giáo hoàng trong chuyến đi của cha chỉ một năm trước đó.

Berlin đương nhiên lạnh lùng hơn. Nhưng ngược lại, người công giáo đã biết bày tỏ niềm vui của mình và sự hiện diện của mình ở Berlin. Thánh lễ ở Sân vận động Thế Vận thật ấn tượng…

Cha có chờ xảy ra những sự kiện mà cha không thích không?

Đó là một bất trắc. Chúng ta đã biết các sự cố không vui với Đức Gioan-Phaolô II…

Cha không muốn nói đến các vụ biểu tình ngoài đường, nhưng phản ứng trong giới đại diện xã hội, trong giới chính trị. Ngay trong bài diễn văn chào mừng, tổng thống liên bang Wulff đã yêu cầu sửa đổi một vài nguyên tắc công giáo.

Nhưng phải chờ. Vì thế chuyện này không làm cho cha ngạc nhiên cũng như chao đảo. Ngược lại cha rất cảm động bởi bầu khí tập trung ở Bundestag khi cha đọc diễn văn. Sự chú ý đến mức mình có thể nghe tiếng ruồi bay! Và chúng ta cảm nhận ngay đây không phải chỉ thuần túy lịch sự xã giao nhưng là một sự lắng nghe có chiều sâu. Vì thế giây phút này rất quan trọng đối với cha.

Trong bài diễn văn của cha ở Fribourg, cha yêu cầu đừng thế giới hóa (démondanisation), Giáo hội, một sự cần thiết để cho sức lực đức tin lại có thể tỏa lan trọn vẹn. Đây không phải là quay lưng lại với con người, quay lưng lại với đức ái của tinh thần kitô giáo, thôi không dấn thân về mặt xã hội và chính trị, nhưng là lánh xa quyền lực, Thần Tài, giả dối, lừa gạt và tự đánh lừa mình. Nội dung bài diễn văn này thường bị một số người cố tình diễn giải sai, trong đó có các thành viên trong Giáo hội. Cha giải thích việc này như thế nào?

Dĩ nhiên người ta không hiểu đúng chữ “đừng thế giới hóa” có thể không khéo léo lắm khi đặt nó lên hàng đầu. Dù vậy, theo cha nội dung bài diễn văn này cũng đủ rõ để cho ai muốn hiểu thì họ sẽ hiểu.

Đó là một sứ điệp có tính cách mạng.

Quả vậy.

Cha sẽ nói, cần thiết là phải duy trì sự cự lại, trong sự mất tiện nghi, trong sự không thích ứng, phải làm cho người ta tái khám phá kitô giáo là một phần của thế giới quan khá đặc biệt, không có một điểm nào chung với chiều kích hoàn toàn thế tục, hoàn toàn vật chất, nó bao gồm các bí ẩn của đời sống vĩnh cửu. Đây là tính xác thực và chân thực mới của đời sống kitô và đó mới là cải cách đích thực, dứt khoát của Giáo hội. Và đúng là bây giờ người ta thấy rất rõ với Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Đúng vậy, thật là khác.

Còn về vấn đề thuế tôn giáo ở Đức: nếu là cha, cha sẽ có một quyết định khác không?

Cha sẽ nói cha cảm thấy có những hoài nghi sâu đậm về tính chất đúng luật hay không của hệ thống thuế tôn giáo. Cha không muốn đặt lại vấn đề về chính sự tồn tại của nó. Nhưng ngược lại, nếu dứt phép thông công một cách tự động những ai không trả thuế thì theo cha không biện minh được.

Rất nhiều cơ quan truyền thông Đức khoác cho Giáo hội công giáo hình ảnh đối thủ của tiến bộ cần phải hạ. Chắc chắn, không có một giáo hoàng nào trong thời hiện đại này lại bị vây trong chính đất nước của mình. Điều này có tác động trên cha không?

Tất cả các giáo hoàng của thời hiện đại này đều là người Ý. Nhưng cũng đừng quên Đức Piô IX va chạm mạnh và không được thông cảm khi ngài từ chối đứng đầu nước Ý trong thời gian có chiến tranh với nước Áo. Mới đầu, dân chúng xem ngài như một giáo hoàng hiện đại, yêu nước, cởi mở. Nhưng khi ngài tránh mong chờ này, ngài bị loại ra hoàn toàn. Ngày nay người ta khó hình dung vì sao sự thù nghịch này lại cực đoan đến như thế. Dù vậy ngài chứng tỏ cho thấy ngài rất cao cả. Quả thật, nếu ngài chấp nhận đứng đầu nước Ý thì ngài như ký vào bản chấm dứt triều giáo hoàng. Ngài là nạn nhân của sự lật ngược tình thế để có lợi cho dân chúng, phải là thánh mới vượt lên được.

Cha cũng có thể cho con ví dụ của Đức Bênêđictô XV. Sự can thiệp của người Ý trong Thế Chiến Thứ Nhất nằm trong đường lối của Risorgimento, đường lối tái sinh nước Ý. Trentin luôn thuộc về nước Áo, phải sát nhập nó lại với nước Ý. Như thế Thế Chiến Thứ Nhất là biểu hiện cho lòng yêu nước. vậy mà Đức Bênêđictô XV tố cáo đây là lò giết người phi lý. Dân chúng đã rất giận ngài, kể cả người công giáo lẫn các người khác. Tuy vậy, thực chất ngài đã rất dũng cảm khi khẳng định: không, đây không phải là hành vi của lòng ái quốc, đây là sự hủy hoại điên rồ.

Nói cách khác: cha có khả năng đặt lại các vụ tấn công nhắm vào cha trong một bối cảnh tổng quát hơn và cha không quá…

Không, nhất là khi cha nghĩ đến hai giáo hoàng hai thế kỷ gần đây, Đức Piô

IX và Đức Bênêđictô XV. Họ đã trải qua những vụ này một cách quá mức và khủng khiếp hơn cha.

Cơ quan công giáo Đức đặc biệt không nổi bật bằng sự dấn thân của mình, chẳng hạn trong việc tân phúc âm hóa, vậy mà sự sụp đổ đức tin của nước Đức ở một mức độ thật thảm thương.

Đạo Thiên Chúa giáo ở Đức đã được ổn định và được trả lương, vì thế người công giáo có lương thường xem mình như công chức với một tinh thần nghiệp đoàn. Đối với họ Giáo hội là người chủ, với cái nhìn này, họ có thái độ phê phán là chuyện bình thường. Họ không được chín muồi trong năng động của đức tin, họ chỉ là người có công ăn việc làm. Theo cha, hiểm nguy của Giáo hội Đức là giáo hội có một số lớn cộng sự viên ăn lương và bị nạn cửa quyền của những người không thuộc hàng tu sĩ gây ra. Hệ thống của người Ý không có nhiều người ăn lương, việc làm thiện nguyện là trọng tâm trong công việc của Giáo hội. Người công giáo có các buổi họp lớn thường được tổ chức ở Rimini là hoàn toàn do xác tín của họ. Tất cả công việc dọn các phòng họp, trang bị dụng cụ kỹ thuật đều do các thiện nguyện viên làm, họ không được trả công. Vì thế hoàn cảnh rất khác.

Và vì thế tạo ra một tinh thần khác.

Dĩ nhiên. Cha lấy làm tiếc cho tình trạng này, tiền bạc dư thừa nhưng mấy cũng không đủ và kết quả từ đó là cay đắng, sự than phiền này thể hiện trong môi trường trí thức Đức.

Cha có thất vọng về chuyến đi Đức của mình không?

Theo cha thì cha không dùng chữ thất vọng trong chuyến đi này. Đương nhiên cha biết, giới cầm quyền công giáo ở Đức không đồng ý với những gì cha phát biểu, nhưng mặt khác, bài diễn văn của cha làm họ suy nghĩ, làm hứng khởi cho tầng lớp thầm lặng trong Giáo hội và đã khuyến khích họ. Các suy nghĩ như vậy gây nhiều tiếng vang khác nhau là chuyện hoàn toàn tự nhiên. Điều chủ yếu là nó làm cho suy nghĩ và khởi hứng cho mong muốn có một sự thay đổi thật sự.

La Havana, 28 tháng 3-2012. Cha đã đi Mêhicô, lần này cha đi Cuba. Cha còn giữ kỷ niệm nào khi cha đến La Havana không?

Cha biết rõ tất cả đã được guồng máy Quốc gia dự trù, dàn đại pháo, dàn súng ống, tất cả những chuyện này nhưng cha cũng cảm nhận nơi vị lãnh đạo Quốc gia một lòng biết ơn đối với Tòa Thánh, giáo hoàng, Giáo hội, đạo công giáo, một đạo mang lại cho họ hy vọng. Cha đã đề nghị Cuba nên ghi ngày Thứ Sáu Tuần Thánh vào lịch ngày lễ nghỉ. Chủ tịch  Raoul Castro trả lời: “Chỉ có Hội đồng Nhà nước mới có quyết định này. Tôi có thể làm một ngoại lệ cho hôm nay. Tôi sẽ đưa qua Hội đồng Nhà nước và quyết định này chắc chắn sẽ được thông qua”. Và đó là điều đã xảy ra. Cha có cảm tưởng ông dần dần đi xa lý thuyết mát-xít cứng ngắc nhưng vẫn giữ uy quyền Quốc gia, và mở rộng ra với kitô giáo. Và từ đó là một tự do lớn hơn.

Cha nghĩ gì về cuộc gặp gỡ với Fidel Castro?

Cuộc gặp thật xúc động. Dĩ nhiên đó là một người lớn tuổi và bị bệnh, nhưng vẫn còn đầy sức sống và rõ ràng. Cha không nghĩ rằng, trong thâm tâm ông có thể thoát khỏi cấu trúc tri thức trong đó ông đã lớn lên. Nhưng ông thấy tất cả những thăng trầm lịch sử thế giới đã đặt vấn đề tôn giáo dưới một hình thức mới. Sau đó ông xin cha gởi sách cho ông.

Cha có gởi?

Cha có gởi cho ông quyển Đức tin Kitô hôm qua và ngày nay và một hoặc hai tác phẩm khác. Đây không phải là người có thể hy vọng họ hoán cải, nhưng là người thấy các sự việc đã không xảy ra như mình nghĩ. Điều này buộc ông phải suy nghĩ lại tất cả những chuyện này và đặt lại các câu hỏi.

Marta An Nguyễn chuyển dịch