Kết luận

327

Trích sách: Bênêđictô XVI, Những buổi nói chuyện cuối cùng với Peter Seewald. Nxb. Fayard.

Trọng kính Đức Thánh Cha, trong những năm 1950, cha dự đoán có một sự suy giảm đáng kể về đức tin ở nhiều nước Âu châu. Dự đoán này làm cho cha nổi tiếng là bi quan. Bây giờ tầm nhìn “Giáo hội nhỏ bé” của cha đã thành sự thật, một Giáo hội đã mất nhiều đặc quyền của nó, sẽ phải chiến đấu và tập trung xung quanh các tín hữu càng ngày càng ít hơn theo đúng nghĩa của nó.

Đúng vậy. Và cha còn nói sự suy giảm kitô giáo còn tiếp tục.

Theo cha, tương lai của kitô giáo bây giờ sẽ như thế nào?

Rõ ràng là chúng ta không còn thích ứng với văn hóa hiện đại, cấu trúc cơ bản kitô giáo không còn là cấu trúc quyết định. Nền văn hóa trong đó chúng ta sống hôm nay là nền văn hóa thực chứng và theo thuyết bất khả tri, nó chứng tỏ cho thấy càng ngày càng không bao dung kitô giáo. Xã hội phương Tây, ít nhất là ở Âu châu sẽ không đơn thuần là xã hội kitô giáo. Các tín hữu cần mạnh mẽ hơn để tiếp tục đào tạo và nâng cao nhận thức về các giá trị và về đời sống. Các cộng đoàn khác nhau và các Giáo hội địa phương phải tỏ ra xác định hơn trong đức tin của mình. Như thế trách nhiệm càng lớn hơn.

Nhìn lại, theo cha cái gì là xi-măng cho triều giáo hoàng của cha, nét đặc trưng của nó là gì?

Cha sẽ nói Năm Đức tin nói lên tất cả: một sự khuyến khích mới để tin, để sống từ trái tim của năng động đức tin, để tái khám phá Thiên Chúa, tái khám phá Chúa Kitô, từ đó để đức tin vào trọng tâm.

Là giáo hoàng, cha có xem mình như người đại diện cuối cùng của một thời xa xưa hay người đầu tiên của một thời mới?

Cha nghĩ cha ở giữa các thời.

Giống như cây cầu, một loại giao nhau giữa hai thế giới?

Cha không còn thuộc thế giới cũ, nhưng mới thì chưa hoàn toàn mới.

Việc bầu chọn Đức Phanxicô có phải là một bước ngoặt? Có chắc chắn đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới không?

Các phân chia theo thời gian, từ lúc khởi đầu thời Trung cổ hay thời hiện đại chẳng hạn, thì luôn do hậu thế thiết đặt. Chỉ với độ lùi của thời gian chúng ta mới có thể quan sát tiến trình của chúng. Cha sẽ không mạo hiểm để đưa ra một phê phán như vậy. Nhưng rõ ràng Giáo hội càng ngày cáng tách ra các cấu trúc cũ của Âu châu và có một khuôn mặt mới, có nhiều hình thức mới sinh động. Chúng ta đã thấy trước khi có các tiến trình giải-kitô giáo ở Âu châu, thì đã có sự biến mất ngày càng đáng kể với tất cả những gì dính tới kitô giáo trong đời sống chung ở Âu châu. Vì thế Giáo hội phải khẳng định một phương pháp mới để mình hiện diện. Các thay đổi có tầm vóc lớn xảy ra theo định kỳ. Nhưng ngay lập tức, thì khó mà xác định chính xác khi nào giai đoạn này bắt đầu, và sau đó là một giai đoạn khác.

Cha biết các lời tiên tri của Thánh Malachia, người từ thời Trung cổ đã tiên đoán với một danh sách các giáo hoàng trong tương lai, cho đến tận thế hay ít nhất đến khi chấm dứt Giáo hội. Nếu tin vào danh sách này, chức giáo hoàng kết thúc với triều giáo hoàng của cha. Cha nghĩ gì, ít nhất cha cũng là người cuối cùng của một loạt giáo hoàng mà chúng ta biết cho đến ngày hôm nay?

Tất cả đều có thể. Lời tiên tri này có lẽ nảy sinh chung quanh thánh Philippe Néri. Ngài muốn dùng một loạt danh sách dài bất tận các giáo hoàng tương lai để chứng tỏ cho người tin lành biết là triều các giáo hoàng chưa hết, khi họ nói rằng triều giáo hoàng sẽ kết thúc. Không nên kết luận triều giáo hoàng kết thúc như được dự đoán. Danh sách này chưa đủ dài.

Điểm nào cha ít thích nhất trong chức vụ của cha?

Cha nghĩ những cuộc tiếp kiến chính trị. Dĩ nhiên trong thực tế, gặp các nguyên thủ Quốc gia hay các đại sứ luôn là chuyện thích thú bởi vì nó sẽ tạo nhiều kinh nghiệm đẹp. Đây là đa số những người, dù họ không là kitô giáo, nhưng họ quan tâm đến các vấn đề tâm linh. Tuy nhiên phần chính trị là cực nhọc nhất đối với cha.

Có những việc gì để lại cho cha cảm nhận mình không hài lòng?

Có chứ, chẳng hạn cha luôn có cảm nhận mình không đủ sức mạnh để trình bày bài giáo lý một cách thấu suốt và có tính nhân bản mà nó phải được trình bày.

Tài hùng biện của cha, có thể nói như vậy, đã luôn rất thành công. có phải vì khi cha trình bày, cha đã gần như không tiếp xúc với cử tọa bằng mắt và giọng đọc của cha tương đối đơn điệu. Có phải cha cố ý không?

Không, không. Cha phải thú nhận, đơn giản vì giọng của cha thiếu sức mạnh – và cha chưa đồng hóa đủ với bài đọc để mình có thể tách ra khỏi nó. Chắc chắn đó là một khiếm khuyết. Giọng nói tự nhiên của cha là yếu.

Tuy nhiên điểm mạnh của cha là cha có thể làm cho bài diễn văn của mình tuyệt đối hoàn hảo.

Có thể, nhưng khi mình buộc phải nói chuyện thường xuyên trong cương vị giáo hoàng, thì cuối cùng mình cũng có được sức mạnh phải có.

Giáo hoàng thường có rất nhiều người bên cạnh, cha không ngừng gặp các nhân vật quan trọng. Cha có những giây phút nào cha cảm thấy mình cô đơn kinh khủng, cô đơn tận đáy lòng không?

Có chứ, nhưng cha kết hiệp sâu đậm với Chúa nên cha không bao giờ cảm thấy mình một mình.

Ai có đức tin thì không bao giờ cảm thấy mình một mình?

Chính xác vậy. Họ hoàn toàn biết họ không hành động một mình. Và họ không thể nào hoàn tất một mình. Ngài ở đó. Chỉ cần mình nghe và mở lòng ra với Ngài. Thêm nữa, mình chia sẻ rất nhiều điều với các cộng sự thân cận nhất.

Làm thế nào mình có thể lắng nghe và mở lòng ra với Chúa? Cha có lời khuyên nào cho con không?

(Cha cười.)

Cách tốt nhất để làm được là gì?

Thì nói với Chúa – Chúa phải giúp con bây giờ! – và lúc đó mình lắng lòng, giữ thinh lặng. Lúc nào mình cũng có thể gõ cửa bằng lời cầu nguyện, đó là cách để làm.

Cha thích mình để nhiều thì giờ trong đời hơn để làm gì?

Dĩ nhiên cha sẽ hạnh phúc nếu có nhiều thì giờ hơn để nghiên cứu. “Mặc khải”, “Sách Thánh”, “Trao truyền” và “Thế nào là hiểu biết thần học”: đó là tất cả các chủ đề mà cha thích nghiên cứu sâu hơn. Cha không thể làm hết. Nhưng cha hài lòng với tất cả những chuyện khác cha đã làm. Với cha, rõ ràng tất cả là tốt.

Sau hàng chục năm, cha có mất ít tự tin trong công việc riêng của mình, trong sức mạnh của thần học và với các thần học gia không? Khi mình tự hỏi về các kết quả có được?

Không thể phủ nhận, thần học ở trường Đại học Đức gặp khủng hoảng và cần các khuôn mặt mới, các năng lực mới, sức mạnh mới của đức tin. Nhưng chính tự thân thần học thì vẫn tiến hành tốt. Cha cám ơn Chúa vì những gì cha đã làm được, dù cha nhận ra, trên quan điểm của tầm mức khiêm tốn những gì cha thành tựu, cho thấy các thực hiện của cha theo hoàn cảnh hơn là theo công việc mục vụ thiêng liêng. Như cha đã nói, những gì cha thành tựu thì hơi khác với những gì cha muốn – cả đời cha chỉ muốn mình là một giáo sư giỏi -, nhưng sau này, cha thấy như vậy cũng là tốt.

 Thật sự cha đã được xem như một giáo sư suốt đời cha. Người ta đã gọi cha “giáo hoàng giáo sư” hoặc “giáo hoàng thần học gia”. Cha thấy các danh xưng như vậy là phù hợp không?

Cha sẽ nói chủ yếu cha mong mình là một mục tử. Dĩ nhiên nó cũng bao gồm việc thấm Lời Chúa sâu đậm, như thế làm giáo sư cũng mang ý nghĩa này. Thêm nữa, cha cũng mong mình là cha giải tội. Các khái niệm “giáo sư” và “giải tội” về mặt ngữ học thì ý nghĩa của nó cũng rất gần nhau, nhưng dĩ nhiên sứ vụ của cha nghiêng về khía cạnh “giải tội” hơn.

Theo cha, điểm yếu của cha là gì?

Có lẽ là sự hướng dẫn rõ ràng, quyết định trong quản trị và các quyết định phải lấy. Về vấn đề này, cha thật sự là giáo sư nhiều hơn, người suy nghĩ bằng đầu óc các sự việc và nghiền ngẫm nó. Việc quản trị thực tiễn không phải là điểm mạnh của cha, cha sẽ nói, nó có phần nào yếu kém.

Và theo cha, cha đặc biệt thành công trên lãnh vực nào?

(Cha cười.) Cha không biết.

Trong tiểu sử của cha, cha thường nhắc đến việc có “những ưu phiền mới”. Cha có cảm thấy mình có một đời sống khó khăn không?

Cha sẽ không nói như vậy. Dĩ nhiên có những giây phút khó khăn và cực nhọc, nhưng cũng có những chuyện tốt đẹp, cha sẽ không nói đời sống của cha khó khăn, không.

Khi tuổi đã cao và nhất là khi mình là giáo hoàng, cha còn gì để học không?

Chúng ta luôn có những điều cần phải học. Đầu tiên hết là phải học đức tin nói với chúng ta gì ở thời buổi này. Và cũng phải học để khiêm tốn hơn, đơn sơ hơn, học chấp nhận đau khổ, có can đảm để chống lại. Và cũng cởi mở hơn, sẵn sàng đi đến đàng trước.

Là giáo hoàng, cha là nhà cải cách, bảo thủ hay như nhiều người gièm pha,  nói cha là người thất bại?

Cha không thể cho mình là người thất bại. Cha hoàn tất sứ vụ của mình trong vòng tám năm. Các khó khăn trong thời kỳ này không thiếu chẳng hạn các vụ tai tiếng ấu dâm, vụ Williamson phi lý và ngay cả vụ Vatileaks. Nhưng trong tổng thể, đó cũng là giai đoạn nhiều người tìm lại được đức tin và chúng ta có thể thấy một phong trào tích cực rất lớn.

Cha là người tiến bộ hay bảo thủ?

Cả hai luôn cần thiết. Cùng một lúc phải đi tới nhưng cùng một lúc không được để đức tin bị gãy, bị cắt đứt.

Cha có thích khi làm giáo hoàng không?

(Cha cười.) Cha sẽ nói, cha được nhiều người biết và cha có rất nhiều kinh nghiệm đẹp làm cho cha biết on. Nhưng đồng thời nó cũng là một gánh nặng, đó là chuyện dĩ nhiên.

 

Bây giờ đến giai đoạn giáo hoàng danh dự hiện nay của cha, một tình trạng chưa từng có trong lịch sử Giáo hội. Chúng ta có thể nói: Joseph Ratzinger, Giáo hoàng Bênêđictô, con người của lý trí, tư tưởng gia táo bạo sẽ là đan sĩ, con người của cầu nguyện, nơi, chỉ một mình lý trí thôi thì không đủ?

Đúng, đó là sự thật.

Có một vấn đề luôn làm chúng con suy nghĩ: đâu thật sự là Thiên Chúa mà chúng ta nói, mà chúng ta mong chờ Ngài giúp đỡ? Làm thế nào và ở đâu mình biết Chúa ở đó? Bây giờ càng ngày chúng ta càng thấy xa hơn trong vũ trụ với hàng tỷ hành tinh, với vô số hệ mặt trời, hoặc xa hơn mà bây giờ chúng ta có thể thấy, nhưng không có một nơi nào chúng ta có thể tưởng tượng đó là bầu trời nơi Chúa ngự trị.

(Cha cười.) Đúng, vì nơi mà con nói, nơi Chúa ngự trị không có. Chính Chúa là nơi có trên tất cả các nơi. Nếu con quan sát thế giới, con sẽ không thấy bầu trời; nhưng ngược lại, con lại thấy dấu vết của Chúa ở khắp nơi. Nơi cấu trúc của chất liệu, trong tất cả lý lẽ của thực tế. Và nơi con người, con thấy ở đó các dấu vết của Chúa. Con thấy các thói hư tật xấu, nhưng con cũng thấy sự tốt lành, thấy tình yêu. Và đó là “những nơi” mình tìm thấy Chúa.

Phải hoàn toàn tách ra khỏi các kiểu không gian cũ, nó không còn thích ứng nữa. Vì nếu vũ trụ không phải là vô tận theo nghĩa đen của nó, thì nó cũng quá mênh mông, mà theo khả năng con người của mình, chúng ta xem nó là vô tận. Thiên Chúa không thể ở bên trong cũng như ở bên ngoài, sự hiện diện của Chúa là một chuyện khác.

Điều chủ yếu là chúng ta phải đổi tư duy trên nhiều điểm, hoàn toàn thoát ra khỏi những chuyện không gian cũ để có được một hiểu biết mới. Cũng như có sự hiện diện tâm linh giữa con người với nhau – hai người có thể tiếp xúc với nhau ngoài châu lục vì đây không phải ở tầm mức không gian -, thì Chúa cũng không tìm thấy ở “một nơi nào”, Ngài là thực tế. Thực tế mang tất cả sự thật. Và thực tế này không có nhu cầu phải phối hợp. Vì khi nói “nơi”, thì đã được phân định, không còn là vô tận, Đấng Tạo Hóa, Đấng Tất Cả, Đấng bao gồm tất cả thời gian và chính mình lại không phải là thời gian, bởi vì Ngài tạo dựng nó và luôn hiện diện.

Cha nghĩ có rất nhiều chuyện phải thay đổi ở điểm này. Cũng như hình ảnh con người của chúng ta cũng hoàn toàn biến đổi. Chúng ta có hơn sáu ngàn năm lịch sử, nhưng cha không biết có bao nhiêu ngàn năm hơn nữa. Vậy chúng ta cứ để yên những con số giả thuyết này. Dù sao, nhờ kiến thức này, các cấu trúc thời gian của quan điểm lịch sử ngày nay được nhìn một cách khác.

Trong bối cảnh này, thần học phải nghiêng về các tác phẩm một cách sâu đậm hơn và cung cấp cho con người nhiều phương cách khác nhau để trình bày. Bản dịch thần học và đức tin trong ngôn ngữ hiện nay vẫn còn vô số điều cần phải xem lại; chúng ta phải tạo ra các mô hình trình bày để giúp con người ngày nay hiểu, không nên tìm kiếm Thiên Chúa “ở đâu đó”. Có nhiều việc phải làm.

Như thế Thiên Chúa là một loại tinh thần, một loại năng lượng? Tuy nhiên đức tin kitô giáo nói về một Thiên Chúa cá nhân.

Chính xác. Sự kiện Chúa là “nhân vị” có nghĩa là chúng ta không thể đặt Ngài trong giới hạn phạm vi “đâu đó”. Còn về phần chúng ta, là người phàm, “nhân vị” cũng là cái gì vượt khoảng không gian đơn thuần, một cái gì mở cho chúng ta ra đến vô tận. Sự việc là tôi có thể ở đây và ở nơi khác. Không phải tôi chỉ ở nơi thân xác của tôi đang ở đây bây giờ, nhưng tôi có thể sống ở xa. Chính xác vì một cá nhân là một “nhân vị”, nên tôi không thể đóng chặt nó vào một nơi vật lý – vì nhân vị là cái gì rộng lớn hơn, là cái gì khác, cái gì lớn hơn.

Cha không dựng cho cha bất cứ một hình ảnh về Chúa nào?

Không.

Như người Do Thái?

Đúng vậy. Dĩ nhiên Thiên Chúa hiện diện trong Chúa Giêsu Kitô, Ngài hiện diện trong người phàm.

“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”?

Đúng. Ở đây, chúng ta có thể thật sự là đại diện của Ngài.

Như cha nói, bây giờ cha ở giai đoạn cuối đời. Chúng ta có thể nào chuẩn bị cái chết?

Cha nghĩ mình phải làm. Cha không muốn nói là mình phải có những việc cụ thể nào phải làm, nhưng phải sống bên trong, biết mình phải qua cuộc khảo xét cuối cùng trước mặt Chúa. Rằng mình sắp từ giã cõi đời này để đứng trước mặt Chúa, trước mặt các thánh, trước mặt bạn bè và trước mặt những người không phải bạn bè. Phải chấp nhận cái hữu hạn của đời sống này, chấp nhận mình sắp đến lúc phải đứng trước mặt Chúa.

Cha làm như thế nào?

Đơn giản là qua suy niệm. Khi nghĩ lui nghĩ tới, giờ chết không còn xa. Khi cố gắng để chuẩn bị cho mình và đặc biệt là đứng vững lúc này. Điều quan trọng không phải là cha đại diện cho Ngài, nhưng mình sống trong ý thức tất cả cuộc sống này là để đến gần một cuộc gặp gỡ.

Cha muốn khắc gì trên mộ bia của cha?

(Cha mĩm cười.) Cha sẽ nói: Chẳng gì! Chỉ tên cha.

Con nghĩ phương châm giám mục của cha: “Cộng tác viên của sự thật”. Cha nghĩ sao?

Cha nghĩ như sau: từ lâu người ta đã để sự thật giữa các dấu ngoặc, không ai dám khẳng định: “Chúng tôi có sự thật!”, cũng vậy, trong lãnh vực thần học, đó là một khái niệm mà chúng ta phần lớn đã bỏ rơi. Trong những năm đấu tranh này, những năm 1970, vấn đề này trở nên rõ ràng với cha: nếu chúng ta bỏ rơi sự thật, thì ích gì làm những việc này? Tuyệt đối là sự thật phải là trọng tâm.

Và cũng không hiển nhiên để nói: “Tôi giữ sự thật”: chính sự thật giữ chúng ta, nó chạm đến chúng ta. Và chúng ta cố gắng để được hướng dẫn đến với liên hệ này. Cha nghĩ lại công thức của Thư thứ ba của Thánh Gioan, ngài nói chúng ta là các “cộng sự viên của sự thật”. Chúng ta có thể hợp tác với sự thật vì nó là một nhân vị. Chúng ta có thể dấn thân trong sự thật, cố gắng mang giá trị đến cho sự thật. Theo cha, trong phân tích cuối cùng, đó dường như là định nghĩa đích thực của nghề thần học, thần học gia đứng trước sự thật đã chạm đến họ, họ đứng trước mặt sự thật thì bây giờ họ sẵn sàng phục vụ cho sự thật, hợp tác với sự thật và vì sự thật.

“Cộng tác viên của sự thật” – đó là câu có thể viết trên mộ bia của cha.

Đúng, chắc chắn là vậy. Dù sao đây cũng là phương châm của cha, nên thật sự có thể khắc câu này trên mộ bia của cha.

Một câu hỏi cuối cùng cho các buổi đối thoại cuối cùng này: tình yêu luôn là một trong các chủ đề yêu thích trên hết của cha, khi cha còn là sinh viên, rồi khi cha là giáo sư, rồi cuối cùng là giáo hoàng. Đâu là chỗ đứng của tình yêu trong cuộc đời của cha? Cha cảm nghiệm tình yêu như thế nào, cha đã nếm hương vị tình yêu như thế nào, cha đã sống qua những cảm xúc tuyệt vời nào? Hay nó chỉ là một cái gì có tính cách lý thuyết, triết học?

Không, không. Nếu mình không cảm nghiệm thì mình không thể nói về nó được. Trước hết là cha cảm nghiệm khi cha còn ở nhà, khi cha ở bên cạnh cha của cha, mẹ của cha, anh và chị của cha. Và dù không đi vào các chi tiết mật thiết, cha cũng sẽ nói cha rất xúc động trong các tầm mức và dưới các hình thức khác nhau của tình yêu. Được yêu thương và yêu thương người khác, đối với cha là cái gì cho thấy mỗi ngày mỗi nền tảng hơn để có thể sống; để có thể nói “vâng” với mình và “vâng” với người khác. Và cha càng ngày càng nhận ra một cách rõ ràng hơn, chính Chúa không những như chúng ta nói là Đấng Tối Cao, Đấng Toàn Năng ở xa, nhưng Ngài là tình yêu, Ngài yêu thương cha – và vì thế cuộc sống phải được Ngài quyết định. Và chính sức mạnh này mà chúng ta gọi đó là tình yêu.

Marta An Nguyễn chuyển dịch