Trích sách: Bênêđictô XVI, Những buổi nói chuyện cuối cùng với Peter Seewald, Nxb. Fayard.
Trọng kính Đức Thánh Cha, từ một em bé con một gia đình khiêm tốn, khi lớn tuổi, cha được gọi để kế vị ngai Thánh Phêrô. Khi cha còn nhỏ, hình ảnh một giáo hoàng dưới mắt cha là một hình ảnh như thế nào?
Vào thời đó, dưới mắt cha, Đức Giáo hoàng Piô XI là một giáo hoàng tiêu biểu. Ngài đại diện cho Chúa Kitô, ngài vô cùng cao cả nhưng đồng thời cũng rất gần với giáo dân vì ngài là chủ chăn của tất cả. Chúng tôi tôn kính và yêu giáo hoàng, dù vậy, ngài cực kỳ xa chúng tôi và ở trên chót vót cao chúng tôi.
Thời đó cha có yêu thích một thánh nào đặc biệt?
Cha sẽ không nói như vậy. Đương nhiên, cha đặc biệt mến thánh bổn mạng Giuse của cha.
Khi cha còn nhỏ, cha có bị bức rức vì một trong các câu hỏi tiêu biểu mà trẻ con hay đặt về Chúa, những câu hỏi không có câu trả lời và thường làm trẻ con thất vọng không?
Không, với cha, thế giới của đức tin rất chắc chắn và rất vững chắc.
Trong một bức thư gởi Hài Đồng Giêsu nhân dịp Lễ Giáng Sinh, cha xin “một sách lễ, một áo chùng xanh lục, một ảnh Thánh Tâm”. Như thế có khác thường đối với một em bé bảy tuổi không?
(Ngài cười.) Chắc chắn rồi, nhưng đối với gia đình cha, sự tham dự vào phụng vụ luôn là một yếu tố xây dựng cho đời sống của cha, một kinh nghiệm lớn, một thế giới huyền bí, trong đó cha muốn thấm nhập sâu đậm hơn. Và cha cũng nói thêm là lúc đó cha thích giả làm linh mục. Vào thời đó, trẻ con còn thích chơi như vậy nhiều lắm.
Gia đình cha có ba anh em. Maria là chị cả, Georg là anh và cha là út?
Đúng vậy.
Khi còn nhỏ, gia đình cha gọi cha tên gì?
Mới đầu, khi cha còn rất nhỏ, gia đình gọi cha là “Josepherl”. Nhưng khi cha lên tám tuổi, cha nói, cha không muốn mình bị gọi như vậy, vì như thế cả đời cha sẽ bị kêu là Josepherl, từ nay xin gọi cha là Joseph! Thỏa thuận này đã được chấp nhận và tôn trọng.
Cha là chú bé trai vui vẻ, dễ tính hay một em bé hướng nội, sớm biết suy nghĩ?
Mới đầu ở Tittmoning và ở Aschau, cha là một đứa con trai rất vui. Cha không biết như thế nào mà sau đó cha trở nên trầm tư, ít vui, cha cũng khó giải thích tại sao. Nhưng chuyện này cũng đã thay đổi. Chiến tranh đã làm mọi chuyện trở thành rắc rối.
Ngày cha sinh ra là ngày 16 tháng 4 năm 1927, trùng hợp với một ngày thứ bảy Tuần Thánh. Khi là giáo hoàng và khi đến thành phố Turin thăm Khăn Thánh Chúa Kitô, cha kêu lên: “Đây là giây phút tôi mong chờ đã lâu.” Hình ảnh này là hình ảnh ngày thứ bảy Tuần Thánh. Người ta sẽ có thể nói, cuộc đời của cha càng ngày càng được nhận ra trong chủ đề này, nó đã được chỉ định từ trong nôi của cha, số phận đã được viết cho cha.
Đúng, đó là một chuyện luôn hiện diện đối với cha. Vào thời đó, người ta canh thức Phục Sinh ngay từ sáng thứ bảy Tuần Thánh và cha được rửa tội với nước thánh tối hôm đó. Điều này rất quan trọng đối với cha mẹ của cha. Dưới mặt họ, nó có một ý nghĩa và cha mẹ của cha đã nói với cha ngay từ đầu. Ý thức này là một cái gì luôn đi theo cha. Càng ngày nó càng vững chắc trong cha, ngay cả khi là thần học gia, qua các biến cố của thời đại chúng ta, một vài biến cố đã nói lên rất nhiều về ngày thứ bảy Tuần Thánh. Mặt khác, cha cũng liên tục tìm cách đào sâu sự hiểu biết này, và cha thấy ở đây đúng là một hướng đi, một chương trình sống.
Các bản văn cha viết về đề tài này thì đặc biệt sâu đậm và cảm động.
Bởi vì đây không phải là cái gì được ráp từng mảnh nhưng nó dính mật thiết vào gốc rễ của cha, từ buổi đầu đời, một cái gì không những là đề tài cho một suy tư, nhưng là cái gì cha đã sống với nó từ bên trong.
Giống như thân sinh của Karol Wojtyla, cha của cha, Joseph cũng xuất thân từ gia đình nông dân và nhà binh, được nuôi dưỡng bởi tấm lòng mộ đạo rất sâu đậm. Có một cái gì đó như yếu tố thúc đẩy cho ơn gọi của cha không?
Về nhiều khía cạnh là có. Một mặt, đây là một người hết sức mộ đạo, cầu nguyện rất nhiều, cắm rễ sâu trong đức tin Giáo hội, mặt khác, đây cũng là một người rất sáng suốt và có đầu óc phê phán, có khả năng phán xét rất nghiêm đối với giáo hoàng và các giám mục. Với lòng mộ đạo sáng suốt này, ông sống với đức tin, và điều này đã thật sự thấm nhập và có một tầm quan trọng rất lớn trên cha.
Sự phát triển về mặt thiêng liêng của ông có dính với một sự kiện chính xác nào không?
Cha không biết. Trong tuổi thơ ấu của ông, có một cha tuyên úy rất giỏi đã đào tạo và đánh động được ông. Ông thường hay nói về cha tuyên úy này. Hơn nữa, thầy giáo của ông có lập một ca đoàn cho các em bé trai và ông hát trong ca đoàn này. Chắc chắn, các chuyện này đã mang đến một kinh nghiệm sống động của Giáo hội.
Cha của cha không học nhiều?
Cha của cha chỉ học đến tiểu học, nhưng đó là một người thông minh, có thể tự mình suy nghĩ.
Có thật sự cha của cha muốn thành linh mục?
Ông không bao giờ nói về chuyện này. Thật sự ông có ý muốn vào Dòng các sư huynh Capuxinô.
Nông trại của gia đình Ratzinger ở Rickering, một ngôi làng rất nhỏ ỏ bìa rừng Bavière nơi thân sinh cha sinh ra, nơi này trực tiếp hoặc gián tiếp đã có rất nhiều ơn gọi. Có bác linh mục Georg Ratzinger rất nổi tiếng của cha, không những là linh mục mà còn là nghị sĩ ở Reichstag. Rồi anh và chị của thân sinh cha là Alois và Theogona cũng là linh mục và nữ tu. Rồi thêm anh Georg của cha và cha. Cuối cùng là người anh họ bây giờ là linh mục ở Simbach, gần làng Marktl của cha. Có thể nói là cả một gia đình linh mục.
Quả gần như thế (cha cười). Cha biết bác linh mục Alois, gia đình cha đến nhà bác nghỉ hè năm 1934, có thể cả năm 1935. Còn dì Theogona đi tu, cha cũng biết.
Có nhiều linh mục trong gia đình cha như bác Alois, như thế có khuyến khích cha đi theo con đường này không?
Chuyện này bình thường vào thời đó. Các gia đình nông dân có nhiều con và khi nào cũng có một người lựa con đường vào Giáo hội.
Bác Alois cũng là một người đặc biệt.
Đúng vậy, đó là một nhân vật lạ lùng. Bác thông minh nhưng chỉ làm theo ý mình. Bác rất chú trọng đến lòng mộ đạo bình dân của người Đức.
Và cũng là người chống đối chủ nghĩa xã hội-quốc gia.
Hoàn toàn đúng.
Trong tập “Các linh mục dưới chế độ kinh hoàng Hitler (Priester unter Hitlers Terror)”, hai tập sách lớn có danh sách các linh mục đã kháng cự dưới chủ nghĩa xã hội-quốc gia và bị theo dõi, trong danh sách này có tên bác của cha vào cuối năm 1936, bác bị tố cáo với tổ chức Regierungspräsident vì đã xin tín hữu thề trung thành với Giáo hội công giáo. Khi còn nhỏ, cha có được thông tin về chuyện này không?
Đối với chúng tôi, linh mục chống chế độ nazi là chuyện đương nhiên. Cha của cha chống đối họ, nên không có chuyện một người trong gia đình lại ủng hộ họ. Dì Theres, một trong các chị em của cha của cha, đặc biệt rất chống đối chế độ nazi. Có nhiều anh chị em ở chung một nhà ở Osterhofen, căn nhà có một miếng đất nhỏ bên cạnh đường rầy xe lửa. Khi có xe lửa chở các nhân vật nazi đi qua, họ đưa tay lên mũi lêu lêu (Đức Giáo hoàng nhại lại cử chỉ này và cười). Những người nazi rất tức, nhưng họ không làm gì được vì xe lửa đang chạy.
Người ta mừng ngày “năm thánh” năm 1933. Đó cũng là năm Hitler lên nắm chính quyền và gieo chết chóc, kinh hoàng cho thế giới.
Tất nhiên ngày năm thánh này đã được ấn định trước. Theo truyền thống, Chúa bị đóng đinh năm 33 tuổi, như vậy năm 1933 là năm thánh, cũng vậy ở Aschau nơi gia đình cha sống lúc đó. Cùng một lúc, mọi người chứng kiến sự chiến thắng của Sự Dữ mà chúng tôi phải chịu đựng. Dù vậy, thế giới tôn giáo thấm đậm trong môi trường sống của chúng tôi, thế giới bên ngoài có thể đè bẹp nó nhưng nó cực mạnh khó mà hủy nó được.
Đối với cha của cha, người đặt mua báo chống phát-xít “Con đường thẳng (Der Gerade Weg)” thì hẳn…
Rất khó khăn cho ông, đúng vậy. Chúng tôi, trẻ con, chúng tôi có đời sống gia đình, đời sống làng mạc, vẫn còn mang đậm nét công giáo. Đương nhiên chuyện này tác động đến ông nhiều hơn là với chúng tôi.
Mẹ của cha nấu ăn một thời gian trong nhà nội trú. Đó có phải là một chuyện được bàn thảo trong gia đình của cha không?
Bà chỉ đi làm khi cha của cha về hưu. Ba đứa con đến trường và phải chi trả tiền học. Ngay cả trước khi cha vào nội trú, tiền học đã lên đến hơn 20 Đức mã mỗi tháng. Năm 1938, khi bà phụ một tay ở Reit im Winkl, tình trạng tài chánh của gia đình cha rất khó khăn.
Làm sao cha của cha đối phó với tình trạng này? Có thể ông là người đầu tiên ‘làm việc nhà’ trong lịch sử nước Đức.
(Đức Giáo hoàng cười.) Đó là cả một thử thách đối với ông. Ông không biết làm bếp, ngoài món xúp “Schmarren”. Ông phải học tất cả.
Mặc tạp dề có tạo vấn đề cho ông không?
Ông có mặc.
Ông cũng đánh giày cho các con.
Ông luôn làm như vậy cho cả gia đình. Đó là công việc dành riêng cho ông.
Là hiến binh, cha của cha hay thuyên chuyển. Mười bốn lần trong ba mươi lăm năm phục vụ. Đa số là ông xin thuyên chuyển. Vì lý do nào?
Cha không biết làm sao giải thích, nhưng thật ra dòng họ Ratzinger hay thuyên chuyển. Cha cũng vậy, cha hay thuyên chuyển…
Có phải vì có nhiều chuyển biến trong chức vụ hiến binh mà cha của cha lập gia đình trễ không?
Đúng. Nhưng theo cha nghĩ, cũng có thể ông suy nghĩ có nên vào một Dòng hay không, dưới hình thức này hay hình thức khác.
Và mẹ Maria của cha cũng lập gia đình trễ?
Có thể do điều kiện làm việc của bà.
Mẹ của cha là con ngoại hôn. Khi nào thì cha biết được chuyện này?
Tương đối sớm, khi còn ở Aschau, vào thời đó cha không hiểu con ngoại hôn là gì. Chuyện xảy ra như thế này: vì là công chức, cha của cha phải nạp “chứng chỉ công dân aryen” để chứng tỏ mình và vợ mình là công dân aryen. Chuyện này không thành vấn đề với ông, vì ông có sổ bộ. Ngược lại, mẹ của cha là người Tyrol miền Nam, linh mục ở Aschau đã liên lạc thư từ cẩn thận với giáo xứ Ý vùng đó. Trong sổ ghi mẹ của cha là con ngoại hôn. Sự thật, cha hiểu những chuyện này chỉ về sau này mà thôi.
Chuyện này có đặt cha vào một hoàn cảnh đặc biệt không?
Hoàn toàn không. Mẹ của cha tin chắc bà không cần có tờ giấy chứng nhận luân lý.
Mẹ của cha có biết ai là cha của mình không?
Biết chứ. Người đàn ông mà sau đó bà ngoại lập gia đình, là cha của mẹ cha.
Vậy mà người chủ tiệm bánh Rieger không lập tức thừa nhận. Tại sao?
Đây là trường hợp khinh xuất của văn phòng quản trị. Mẹ của cha là người con đầu tiên của cặp vợ chồng. Người thứ nhì là cậu Benno, cũng sinh ra trước khi ông bà ngoại lập gia đình. Họ đã hứa hôn nhưng chưa có chỗ ở cố định. Khi đó họ ở Rimsting, họ có một tiệm bánh mì và ông đã lập gia đình với bà. Ông nghĩ, hôn nhân của cha mẹ sẽ tự động hợp thức hóa tình trạng con gái của họ. Bà ngoại rất nghiêm khắc, đó là người đàn bà cứng rắn, ông ngoại thì nhân hậu và trìu mến. Ông rất thương bà và bà đối xử tốt với ông.
Còn cha? Cha có được cha của cha yêu thương và thừa nhận không?
Có chứ. Ngay từ khi cha còn rất nhỏ, cha cảm thấy ông rất dễ thương và nồng ấm. Nhất là vào tháng tư năm 1937 khi ông về hưu, hai cha con cùng đi dạo nhiều giờ với nhau, ông nói về tuổi thơ và tuổi thanh niên cho cha nghe. Năm 1938, vì lý do tài chánh, khi mẹ của cha đi làm bếp ở Reit im Winkl, khi đó anh và chị của cha không còn ở nhà, lúc đó hai cha con đi dạo mỗi ngày. Cha của cha đúng là một tiểu thuyết gia, ông không ngừng bịa ra những câu chuyện hấp dẫn. Cha nghĩ ông cũng thích tưởng tượng ra câu chuyện kế tiếp. Những câu chuyện gia đình. Câu chuyện vợ chồng, hai người quen nhau như thế nào, những gì xảy ra trong gia đình, đúng là tiểu thuyết của miền quê.
Cha mẹ của cha là một cặp như thế nào?
Một cặp rất tốt, dù tính khí cực kỳ khác nhau. Mẹ của cha nồng hậu, trìu mến, quảng đại nhưng không hợp lý lắm. Bà thích sống theo hứng của mình tức thì. Cách họ sống thì rất khác nhau. Đôi khi họ gây nhau. Nhưng sự kết hiệp nội tâm của họ rất sâu đậm, dù chúng tôi khổ những lúc họ gây nhau, nhưng chúng tôi biết, điều cốt tủy vẫn còn nguyên.
Cha đã từng cho biết, cha của cha rất nghiêm, có thể là quá nghiêm. Sự nghiêm khắc này thể hiện như thế nào?
Cha phải công nhận là càng ngày ông càng bao dung. Ông không nghiêm với cha như với các anh chị của cha. Sự nghiêm khắc ông diễn tả qua việc ông đòi hỏi phải đúng giờ và chính xác, nếu vi phạm, ông mắng rất lớn, đôi khi ông còn bợp tai. Vào thời đó, giáo dục như thế là bình thường. Chúng tôi biết mình phải tôn trọng luật lệ, luật lệ của đức tin, của gia đình, luật lệ chung. Đó là một người cực kỳ ngay thẳng và công chính, ông canh chừng để chúng tôi phải theo gương ông. Chúng tôi biết, không một chuyện điên rồ nào được coi nhẹ.
Sau này cha đã đề cao uy tín của một trong các giáo sư của cha ở Freising, khi giáo sư lên tiếng chống “sự sùng đạo hẹp hòi của thế kỷ 19”. Cha viết từng chữ: “Đối với tôi, đây là một sự cởi mở có tính cách quyết định.” Cha của cha có nghiêm khắc về mặt tôn giáo không?
Cha sẽ trả lời như thế này: ông đặc biệt được tác động mạnh bởi cha tuyên úy mà chúng ta đã nói ở trên, một con người tốt tự bản thân. Và như thế ông được đào tạo theo lòng mộ đạo khắc khổ của thế kỷ 19. Bây giờ, trong một nghĩa nào đó, người ta cho là quá nghiêm khắc. Nhưng bối cảnh thời đó không thể so sánh với bối cảnh bây giờ.
Khi cha nhắc đến tuổi thơ của mình, thường cha nhắc đến một cách rất lãng mạn. Cha còn cho “tuổi thơ” của cha là thiên đàng. Có thể xem đây như cách diễn tả của một nhu cầu cần hài hòa không?
Đúng, chắc rồi.
Dù sao, các xung đột, các cắt đứt, các khó khăn không nằm trong các đề tài mà cha nhắc đến trong các kỷ niệm của cha.
Đương nhiên có những cãi nhau và những chuyện như vậy trong gia đình của cha. Gia đình cha là gia đình bình thường như tất cả các gia đình khác. Con đừng nghĩ có một hài hòa không nứt rạn. Nhưng cảm nhận tương trợ và hạnh phúc ở với nhau bao trùm lên tất cả.
Không có xung đột giữa các thế hệ như thường xảy ra trong các năm 1960 sao?
Không.
Khi anh của cha vào chủng viện, cha cũng được nhận vào tiểu chủng viện của địa phận Traunstein. Anh Georg là một gương mẫu của cha?
Ở nhiều khía cạnh, đúng. Đó là một người anh trai biết mình muốn gì, anh có những tư tưởng rất rõ ràng, rất dứt khoát. Hai anh em cha luôn gần nhau, rất hợp nhau. Sau này, hai anh em có những cuộc thảo luận thần học trên tất cả mọi vấn đề được đặt ra. Nhưng cha vào tiểu chủng viện vào năm thứ ba trung học. Chỉ vì một lý do đơn giản và thực tế: cha của cha không đủ khả năng tài chánh để cho cả ba vào nội trú. Như vậy cha được ở nhà thêm hai năm, và như vậy lại là tốt cho cha.
Cũng đặc biệt, chị của cha được đi học trung học. Đó cũng là nhờ cha của cha?
Đúng. Ông muốn chị của cha có một giáo dục vững chắc để chị có được việc làm tốt. Vào thời đó, người ta không nghĩ con gái có một chỗ đứng trong trường trung học. Thời đó, có hai loại trường trung học mà người ta gọi là “Lyzeum”, trường nhiều ít dành cho các cô gái nhà giàu, và trường quản trị dạy đánh máy, đánh tốc ký, kế toán, tiếng Anh… Đó là trường đào tạo rất nghiêm túc và chị của cha rất thích.
Còn nhỏ, cha yếu hơn các bạn khác. Cha có cảm thấy mình khác biệt không?
Không phải như vậy. Đó là khi cha vào chủng viện, cha khám phá một thế giới hoàn toàn mới. Nhưng nó chỉ kéo dài một lục cá nguyệt đầu tiên thôi.
Các bạn của cha đặc biệt ấn tượng về cha, rất sớm cha đã biết mình muốn gì, cha đã có những tư tưởng khẳng định. Một trong các thông tín bạ của cha ở Traunstein phê cha “ương ngạnh”. Khía cạnh ương ngạnh này có phải là bản chất của cha?
Trong một thời gian, đúng. Ở năm thứ ba và thứ tư, cha ương ngạnh, đúng vậy.
Chưa hết. Có một giai thoại trong thời kỳ nhập ngủ, trong một ngày luyện tập, huấn luyện viên, một người chuyên chế bắt đầu hét với các tân binh đứng trước mặt ông: “Ai sẽ đứng vững lâu nhất, các anh hay tôi?” Cha là người duy nhất đi ra khỏi hàng ngủ và trả lời: “Chúng tôi.” Người nhỏ nhất, người có bề ngoài ốm yếu gầy còm dám đương đầu. Thái độ này sau này sẽ gặp lại. Chẳng hạn, trong luận án về sự khéo léo trong giảng dạy của cha, cha chống đối với giáo điều đang được dùng và đặc biệt với một giáo sư thần học tín điều, lúc đó được cả thế giới xem như người có quyền uy trong lãnh vực này. Đặc nét này có ở cha không chối cãi được.
Đúng, đúng vậy. Cha thích làm ngược đời, chính xác là vậy.
Ở trường, các bạn gọi cha là “Hacki”. Và đây là báo Helios, báo của sinh viên thời trung học của cha viết: “Hacki đứng đầu, anh đầy tương phản, nếu anh không giỏi ở môn thể dục thể thao thì anh sẽ giỏi ở môn khoa học.” Những hàng này viết vào năm 1945. Từ rất sớm cha đã có đầu óc khoa học?
Đúng.
Từ rất sớm, cách cha làm việc đã có một nhịp rõ rệt, rất đều đặn, một thời khóa biểu chặt chẽ. Cha bắt đầu nhịp làm việc như thế này từ lúc nào?
Đúng ra từ khi cha đến Hufschlag. Trước đó họ không cho bài về nhà làm. Ở Hufschlag, cha dành ra hai giờ đầu buổi chiều để làm việc của mình, hoặc nhiều hơn nhưng thường một giờ là đủ. Thì giờ này dần dần kéo dài thêm. Một chuyện chắc chắn: cha chia thì giờ của mình, cha dùng thì giờ được phép để dốc hết vào công việc của cha.
Ở trường cũng như trong các giờ học của cha, cha biết nhiều hơn các bạn khác. Chuyện này như thế nào?
Không nên nói quá. Cha thích học tiếng la-tinh, tiếng hy lạp và tiếng hêbrơ. Đúng ra, cha thuộc thành phần các học sinh đặc biệt mê các môn này, đơn giản là như thế. Các bạn khác thích những chuyện ít lý thuyết hơn.
Mười bốn tuổi, cha khám phá môn văn chương, cha dịch các bài về tôn giáo từ tiếng hy lạp và la-tinh.
Đó là một hình thức của trò chơi, chắc chắn thế.
Làm sao cha học được tất cả các ngôn ngữ mà cha nói? Người ta đâu có dạy tất cả các ngôn ngữ này ở trường?
Thật ra cha không nói được nhiều ngôn ngữ.
Sao?
Giữa những năm 1942 và 1943, trong năm học, học sinh có môn tiếng Ý không bắt buộc và lớp này thường hay bị bỏ. Họ chỉ dạy một vài quy tắc căn bản mà thôi. Phần còn lại là do thực hành khi cha đến Rôma. Nhưng cha không bao giờ học tiếng Ý cho đúng, nên cha không chắc về văn phạm của mình. Cha có học một năm tiếng Pháp ở trường. Sau đó, cha tìm cách nhớ lại những gì mình đã học, tiếng Pháp cũng vậy, cũng là những hiểu biết rất sơ sài. Tiếng Anh thì cha học bằng đĩa khi cha ở Bonn, cũng rất xoàng. Và cha ngừng ở đó. Người ta nghĩ cha nói được nhiều thứ tiếng; nhưng không phải như vậy.
Cha mẹ của cha nói gì về các ơn ngoại hạng của các con trai mình?
Không có gì là ngoại hạng. Cha có điểm tốt và cha phải học nhiều.
Cha có một tham vọng nào đặc biệt, chẳng hạn do cha của cha thúc đẩy không?
Cha không nghĩ là có. Một cách tự nhiên, cha của cha để ý, con của mình có học hành tốt không, hạnh kiểm có tốt không. Nhưng ông không muốn và cũng không bao giờ đặt một mục đích là anh chị em cha phải làm một cái gì “lớn”. Ông bằng lòng anh em cha là linh mục. Đơn giản đây là một người sống đích thực, trọn vẹn trong lòng mộ đạo của Giáo hội.
Đọc trong các kỷ niệm của cha, cha viết chức thánh “đã gần như lớn lên một cách tự nhiên trong lòng cha, không có một sự hoán cải ngoạn mục nào”. Nếu cha không trải qua các kinh nghiệm thiêng liêng lớn, vậy cha có trải qua các kinh nghiệm thiêng liêng nhỏ không?
Cha sẽ nói, phụng vụ càng ngày càng thấm rất sâu đậm trong lòng cha. Nhận ra chỗ đứng trọng tâm của phụng vụ, tìm để hiểu nó, cùng một lúc với tất cả chiều dài lịch sử nằm ẩn dưới. Cha có một giáo sư môn tôn giáo, ông viết một quyển sách về các chặng viếng ở Rôma. Đúng ra ông chuẩn bị công việc của mình bằng bài dạy. Nhờ ông, sinh viên đã học một cách rất cụ thể các gốc rễ lịch sử. Thật là cả một thích thú. Vì thế cha quan tâm đến các vấn đề tôn giáo trong tổng thể của nó. Đó là một vũ trụ rất quen thuộc với cha.
Marta An Nguyễn chuyển dịch