lavie.fr/blog/petitapetitour, 18-2-2015
Một cách biệt lớn giữa Chí Lợi và Cao Miên
Nói về Chúa. Từ 2000 năm nay, tín hữu Kitô khắp nơi trên thế giới đều đã nói. Và 2000 năm nay người ta vẫn còn tự hỏi làm sao để nói, tôi là người đầu tiên. Trong sáu tháng chúng tôi đi gặp những người yêu mến Chúa Kitô, muốn chia sẻ và truyền đạt đức tin của họ. Chúng tôi đã thấy đủ mọi màu sắc, mọi đặc sủng, mọi khuynh hướng. Có thể đó là ngạc nhiên, kỳ thú, vui vẻ có khi còn lạc đường.
Từ Châu Mỹ La Tinh qua Đông Nam Á là cả một khác biệt, một khác biệt phủ phàng. Giữa hai đại lục, nói về Chúa tuyệt đối không là cùng một chuyện. Một hố cách biệt phân chia các thiện nguyện viên của tổ chức Lòng thương xót (Miséricordia) ở Chí Lợi và các nữ tu dòng Chúa Chiên Lành mà chúng tôi gặp ở Cao Miên. Các bạn hình dung xem, chỉ mới 42 giờ khi chúng tôi rời anh Romain và chị Rena, vừa đi trên các con đường ở khu phố Pincoya, thánh giá đeo quanh cổ, tràng chuỗi quấn ở vòng tay, đàn ghi-ta trên tay vừa đi vừa hát “Lạy Mẹ Maria” thì đến đây gặp Michelle, một nữ tu “đời thường” dạy Anh văn cho những cô gái trẻ đứng đường ở thành phố du lịch Sihanoukville, giúp họ hiểu tin nhắn của các khách hàng của họ. Xét về mặt bề ngoài, một bên là đức tin sâu đậm, đức tin có trách nhiệm và một bên là đức tin kín đáo, nếu không muốn nói là bí mật. Chúng tôi đã có thể quan sát và tự hỏi vì sao những người yêu Chúa này lại khác nhau thế. Và thật là hấp dẫn.
Anh Romain và chị Réna. Không thể nói vai trò của họ là trương cờ hiệu cho đạo Công giáo vì sự hiện diện của họ và công việc của họ qua tổ chức Lòng thương xót đã trở nên rất cần thiết cho khu phố nghèo ở Santiago, vì họ giúp một cách cụ thể dân chúng ở đây về mặr y tế, giáo dục. Nhưng gần như họ không bỏ một cơ hội nào mà không giương cao cờ hiệu, những buổi rước kiệu, làm dấu thánh giá, ban phép lành, nhất nhất họ không buông cờ hiệu. Trong một lần phỏng vấn, họ giải thích rõ cho chúng tôi biết tiến trình của họ: “Tôi không thể đi đến người khác, sống đức ái mà không nói lên cái gì đã thúc đẩy tôi đi đến với người khác”. Nếu không sẽ không trung thực, sẽ ích kỷ vì thật sự “con người ta không phải chỉ sống nhờ bánh” (Lc 4, 4). Đúng, đồng ý, chúng tôi hiểu và theo được.
Ở đây là Cao Miên
Michelle. Ở đây là Cao Miên, một nước chỉ có không đầy 30 000 người Công giáo ở rải rác giữa một dân số có đến 95 % là phật tử. Ở đây Michelle đã chọn làm chứng cho đức tin của mình theo một cách hoàn toàn khác: qua chính đời sống của mình, qua chính sự cam kết của mình. “Chứng tá là cách Phúc Âm hóa tốt nhất”. Chính khi nhìn các cô sống bên lề, các cô sống trong một tình huống thật mong manh với cặp mắt yêu thương, chính khi muốn đến giúp họ mà Michelle muốn thông hiệp tình thương của Chúa cho từng người một. Nhưng cô không giấu, cô không lừa một ai. Cô chỉ kín đáo, cô tôn trọng những người đang ở trước mặt mình.
Vì ở Chí Lợi, lòng mộ đạo bình dân vẫn còn thấm nhập rất mạnh trong văn hóa và trong não trạng người dân. Người dân chờ các nhà “truyền giáo” đến thăm để họ thố lộ những lo lắng và cầu nguyện với họ. Và họ nói rõ ràng cho chúng tôi biết, họ xin một tượng Đức Mẹ để họ để trong phòng khách hoặc một tràng chuỗi để cầu nguyện. Ở Cao Miên, người dân chưa bao giờ được nghe nói về Chúa Giêsu. Và họ cũng không xin một cái gì đặc biệt. Gần như họ dửng dưng! Nhưng cuối cùng họ cũng có một mong chờ trong tận đáy lòng họ vượt quá sự mong muốn học thêm tiếng Anh. Họ khát một chuyện khác, khát được tôn trọng, khát được có phẩm chất, khát được hòa bình. Khát tình yêu. Họ khát Chúa. Các nữ tu biết rõ chuyện này nên vì thế họ tiếp tục công việc khổng lồ của mình, luôn luôn với một niềm vui, một xác quyết mình làm sứ mạng của mình.
Phúc Âm hóa là đáp trả nhiều ít cơn khát này, ít nhiều không được diễn tả lên và đề nghị cho họ một con đường. Cũng cùng một sứ vụ mà có nhiều hình thức khác nhau tùy mình ở Chí Lợi hay Cao Miên. Nhưng có cùng một mệnh lệnh chung: trước khi nói về Chúa, thì phải là Kitô hữu và phải yêu trong tinh thần Kitô. Trên quan điểm này thì Romain, Rena và Michelle tuy ở nhiều nơi làm việc khác nhau nhưng cùng ở trong một nhóm!
Marta An Nguyễn chuyển dịch