Tại sao đi hành hương?

482

Nhóm Từng Bước Một, petitapetitour.com, 06-01-2015

Trong thời gian chuẩn bị cho chuyến đi, chúng tôi gặp vô số các tu sĩ nam nữ, linh mục và cả giám mục. Đặc biệt tôi nhớ tuần lễ tam nhật chúng tôi gặp bốn tu sĩ tận hiến ở 58 đại lộ Breteuil, trụ sở của Hội đồng Giám mục Pháp, nơi kết thúc tuần tam nhật của các tu sĩ. Và chính ở đây, tôi được nghe một trong những lời khuyên tốt nhất cho  chúng tôi. Sau khi kiên nhẫn ngồi nghe chúng tôi, Geoffroy, Quentin và tôi, trình bày ý kiến của mình, linh mục Ribadeau-Dumas quay về chúng tôi và chỉ nói đơn giản một câu: “Các con dự trù đi như một cuộc phiêu lưu, các con nên dự trù đây là chuyến đi hành hương.”

Thật là khôi hài, nhưng câu này tưởng là không quan trọng nhưng nó lại ám ảnh tôi suốt cả năm. Các con nên dự trù đây là cuộc hành hương!

Ở thành phố Giêrusalem mà chúng tôi đang đến, lời nhắn này đã mang hết ý nghĩa của nó. Nơi tiêu biểu cho lòng sốt mến, nơi hàng triệu người đến hành hương làm cho câu hỏi “năm nay có phải là một năm hành hương?” đã sáng tỏ trong đầu tôi.

Đúng, năm này đúng là năm hành hương. Người lữ hành là tôi, người hành hương đi không phải chỉ để đi, để thích thú được đi. Người hành hương đi để đến một mục đích, đến với điều tuyệt đối. Cũng vậy, năm này chúng tôi đi đến các vùng ngoại vi, không phải là cuộc du lịch nhân đạo cũng không phải là kỳ nghỉ hè trong tinh thần thiêng liêng. Nhưng đây là chiêm niệm của điều mầu nhiệm mà những người phục vụ cho người nghèo làm, mầu nhiệm không dò tìm được nói cho tâm hồn mình hiểu rằng mỗi lần bị đau khổ, đau đớn, bị loại trừ, bị chết là mỗi lần có sự hiện diện của một cái gì đó vượt quá chúng ta, nói với tâm hồn mình rằng những người đau khổ, người tử đạo, người bị loại trừ, người hấp hối thì những người này, chính họ đang ở trong sự hiện diện này. Ở trường học của người nghèo, chúng tôi luôn chạm tay vào mầu nhiệm này, chúng tôi chạm tay mầu nhiệm khi đưa tay mình ra cho người đang đau khổ nắm. Người đau khổ khi họ hiểu những gì chúng tôi cho họ, họ đã cho chúng tôi trọn con người họ, trọn nội tâm  họ một cách thật vi tế. Chính lúc đó họ thực hiện trọn vẹn họ là người “tử đạo của chúng tôi”.  Nhưng đương nhiên chúng tôi không phải là những người duy nhất có kinh nghiệm này. Biết bao nhiêu người đã ngắm được mầu nhiệm này, đã đi trên con đường này trước chúng tôi và biết bao nhiêu người đã không đi đến cùng, cũng có thể mình chẳng bao giờ đến? Các nữ tu ở Dòng Con Chiên Lành ở Buenos Aires, anh chị Romain và Réna ở Santiago, các nữ tu của Dòng Mục tử Nhân Lành ở Sihanoukville, các sư huynh ở Dòng Gioan Thánh giá ở Tanguiéta, Đức ông Salim Sayeh ở Amman, tất cả đều hiện thân cho Giáo hội của đức ái, Giáo hội của phục vụ, Giáo hội tiếp tục đi con đường hành hương của mình đến tâm hồn rạn nứt của người nghèo. Chúng tôi, Geoffroy, Quentin và Jean đã làm gì trước những người dạy cho chúng tôi lòng khiêm tốn và sự nhỏ bé thấp hèn, trước các cọc tiêu dựng lên trên con đường của chúng tôi, hướng dẫn từng bước đi của chúng tôi? Chúng tôi chẳng làm gì, chúng tôi chỉ là những người hành hương nghèo nàn theo bước chân của những người đã đi trước mình.

Con đường không phải là không có trtở ngại. Khi đi hành hương kiểu “cổ điển,” chúng tôi khó hình dung những khó nhọc thể xác, bong gân, bỏng chân, mệt lữ, tóm lại những đau đớn thân thể mà chúng tôi ít bị ảnh hưởng. Trong trường hợp chúng tôi thì tâm hồn mới bị đau khổ. Đứng trước những hoàn cảnh tuyệt vọng cùng cực thì khả năng chịu đựng của chúng tôi bị thử thách, tâm hồn mình không thể nào không bị tổn thương. Thỉnh thoảng tôi nghĩ đến người nghiện ngập đi đứng lảo đảo trên những con đường ở Pincoya, đến người du khách Québéc mời tôi mua một cô bé gái người Cao Miên để qua đêm, đến những em bé hét lên vì đau đớn trong những hành lang bệnh viện, tôi, tôi cũng đau khổ. Và tôi càng đau khi nghĩ mình chẳng có cách nào để thoa dịu nỗi đau này.

Nhưng đó là kinh nghiệm mà mỗi người hành hương đều phải đối diện, đối diện với sự mong manh trọn vẹn của mình. Vì khi ra đi, ra khỏi cái tiện nghi của mình để đi trên những con đường dẫn đến sự mong manh mà mình chưa hề quen. Và điều này là điều mang tính cứu rỗi. Bởi vì đó là một giai đoạn cần thiết để chúng ta đi từ tình trạng trơ trơ như đá qua tình trạng dễ bảo khi đứng trước ý Chúa. Và đây là cùng đích của cuộc hành hương! Một niềm vui không dò tìm được, một niềm vui quý báu khi chấp nhận các giới hạn, các yếu đuối, các mong manh chung, buông mình để Chúa trọn vẹn hướng dẫn mình và để nhận Chúa là la bàn duy nhất cho đời mình!

Chính lúc đó cuộc hành hương mới kết thúc hay đúng hơn tiến trình hành hương lúc đó mới hoàn thiện. Bởi vì con đường của chúng ta thì chẳng bao giờ xong trọn vẹn. Con đường vẫn còn dài nhưng đó là con đường đẹp.

Jean

Marta An Nguyễn chuyển dịch