Tại sao linh mục này lại đấu tranh với tờ New York Times suốt 50 năm

288

CNA – Mary Rezac – 01/3/15

New_York_Times_Building_NYC_Credit_Torrenegra_via_Flickr_CC_BY_20_CNA

Nhiều thứ đã thay đổi trong ngành báo chí kể từ năm 1961, nhưng quyết tâm của cha Daniel S. Hamilton muốn thay đổi quan điểm của các biên tập viên tờ New York Times về những vấn đề đức tin và luân lý thì không.

Linh mục New York này đã gởi nhiều lá thư đến ban biên tập của tờ báo này kể từ năm 1961, và mới đây đã gom lại trong một quyển sách tự xuất bản với tên gọi ‘Đấu tranh với tờ New York Times, 1961-2014: Các thế giới quan trong Xung đột Tận căn.’

Tại sao cha đã viết quá thành tín trong suốt thời gian qua?

Trong lời tựa quyển sách, cha đã viết, ‘Trong nhiều công cụ khác nhau để đóng góp và xây dựng tiến trình chính trị, các tờ báo cùng với những biên tập viên của họ, cũng như các lá thư gởi cho ban biên tập là một cách để giữ trọng tâm chú ý vào những chân lý và tự do mà chúng ta trân quý. Những người có ý thức trách nhiệm cao nên dùng các lá thư như những khí cụ tự do.’

Và cha đã dùng chúng với tư tưởng tự do. Cha Hamilton đã viết cho tờ The Times hơn 300 lá thư, một số được in và được phát hành trên mạng, còn hầu hết thì không. Các thư được in trên tờ The Times được ghi ngày xuất bản bên cạnh tiêu đề.

Với một phong cách thẳng thắn, cha  Hamilton đã viết về cái mà cha thấy là quan điểm thế tục của các bài báo trong tờ New York Times, và giải thích cũng như bảo vệ cho giáo huấn Công giáo, trong khoảng trên dưới 200 từ mỗi thư.

Luôn luôn để tâm đến ngành báo, cha Hamilton lúc đầu viết cho tờ The Times trong khoảng đầu thập niên 1960 khi các biên tập viên của tờ này đặt vấn đề liệu các trường tôn giáo tư thục có nên được nhận quỹ công hay không. Không lâu sau lá thư đầu tiên vào năm 1961, cha trở thành một ngòi bút đặt ra và giải đáp vấn đề, và cuối cùng là một biên tập viên cho tờ báo từng một thời hoàng tráng là Công giáo Long Island.

Dù cha Hamilton không đồng ý với nhiều quan điểm của ban biên tập tờ New York Times, cha vẫn giữ sự tôn trọng cao đối với tờ báo này và các nhà báo của họ. Cha nói rằng, các bài báo tin tức của tờ New York Times ‘cần mẫn đáng tin’ trong việc quy tụ các thông tin thích đáng và đưa chúng vào những câu chuyện đáng chú ý và dễ hiểu.

‘Tờ New York Times là một tờ báo tuyệt vời, chắc chắn là thế. Cái tôi không chấp nhận là một hệ tư tưởng đội lốt triết học và tôn giáo.’

Cha nói rằng, đây là hệ tư tưởng chịu ảnh hưởng của thời đại Ánh sáng Pháp, và tiếp tục tác động đến các quan điểm của người ta về nhiều vấn đề đa dạng ngày nay.

‘Truyền thống này… không tôn trọng tôn giáo cũng như các giáo lý tôn giáo cho lắm, chắc chắn chúng không tin vào bất kỳ điều gì như mặc khải hay tương tự, và cũng vậy đối với các nguyên tắc luân lý được xác định hay có thể được xác nhận bởi mặc khải thiêng liêng. Đây hoàn toàn là một vấn đề quan điểm triết học.’

Nhiều lá thư của cha Hamilton nói về các vấn đề như phá thai và ‘hôn nhân đồng tính.’ Cha nói rằng cha không viết riêng về những vấn đề này, nhưng chỉ đơn thuần là đáp lại những gì mà tờ The Times đang viết.

‘Bạn phải hiểu rằng các lá thư này là lời đáp với các biên tập viên, hay với các bài trên New York Times, vậy nên khi họ có các bài xã luận, thì tôi viết thư. Về số lượng, các lá thư khớp với các bài xã luận.’

Các lá thư tăng nhiều về số lượng kể từ đầu những năm 2000, email cho người ta liên lạc nhanh hơn và dễ dàng hơn, và các quan điểm của The Times không ngừng trái chiều với các quan điểm của Giáo hội Công giáo.

Dù đã gởi rất nhiều lá thư đầy thành tín, cha Hamilton vẫn chưa bao giờ nhận được bất kỳ phản hồi hay hẹn gặp gì từ The Times. Họ đăng một vài lá thư của cha, với tần suất 60 ngày hoặc hơn nữa mới đăng một lá.

Hãng tin Công giáo đã hỏi tờ New York Times bình luận về chuyện này và đã không nhận được phản hồi gì từ tờ báo.

Với xung lực ủng hộ cho ‘hôn nhân đồng tính’ ở Hoa Kỳ từ năm 2008-2011, tờ New York Times đã đăng nhiều bài xã luận chủ trương tái định nghĩa lại hôn nhân. Cha Hamilton có thư đáp lời với tất cả các bài này, nhưng không có lá nào được in.

‘Có lẽ hơi phi lý, nhưng tôi luôn luôn nghi ngờ rằng, họ dùng các cột báo để biện hộ bảo vệ cho một chủ trương, chứ không phải là một tờ báo tự do, đa nguyên, như họ tự nhận.’

Không phải chỉ các lá thư của cha Hamilton mà thôi, nhưng tờ The Times còn không đăng bất kỳ lá thư nào gởi đến ban biên tập viên có quan điểm không ủng hộ ‘hôn nhân đồng tính.’

‘Tôi đã nói với tờ The Times và với mọi người, tôi không thất vọng vì việc các lá thư của tôi không được đăng, chuyện của tôi không thành vấn đề, nhưng vấn đề là không một lá thư nào chất vấn về quan điểm của ban biên tập viên đối với vấn đề hôn nhân đồng tính được in cả. Tôi không thể tưởng tượng nổi một vấn đề có tầm quan trọng xã hội căn bản đối với quốc gia, và cả thế giới như thế này, mà không có ai viết gì để tranh luận về quan điểm của họ. Thật vô lý. Vậy nên, đây là bằng chứng để tôi khẳng định họ đang biện hộ cho một chủ trương, và thực sự không để cho bất kỳ quan điểm trái chiều nào được đăng lên các tờ báo.’

Mục tiêu của cha Hamilton khi viết các lá thư là để chu toàn những gì mà cha thấy là nghĩa vụ chung của mình với tư cách công dân và một người Công giáo, là dấn thân vào phạm vi chính trị và nỗ lực kiến tạo lợi ích chung.

‘Là một công dân và một người Công giáo, chúng ta buộc phải làm hơn nữa để kiến tạo lợi ích chung cho xã, để nâng đỡ các tiêu chuẩn, chính sách và luật định thăng tiến xã hội, bảo vệ và gìn giữ phẩm giá con người, và chống lại những gì chúng ta tin là có hại cho bản thân và cho tương lai của xã hội.’

Cha Hamilton nói rằng cha luôn luôn khuyến khích các giáo dân của mình và những người Công giáo mọi nơi hãy tích cực trong tiến trình chính trị.

‘Không chỉ đơn thuần qua những lá thư gởi ban biên tập, nhưng là qua việc góp phần trong các tổ chức, các đảng chính trị, và trên hết là bằng việc bỏ phiếu. Không phải để loay hoay trong các tiến trình này, nhưng là để làm hết sức mình vì lợi ích chung.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch