Home Blog Page 1625

Họ nhớ lại kỷ niệm với Đức Gioan-Phaolô II

Aleteia, 04-09-2015

Nổi tiếng hay vô danh, độc giả của Aleteia hay nhân vật của quần chúng, tất cả đều muốn chia sẻ kỷ niệm họ có với Đức Gioan-Phaolô II.

12727135684_589d45c923_h

Giáo hội gởi chúng tôi đi truyền giáo – “Một kỷ niệm đáng nhớ? Ngày Giới Trẻ 2000 tại Rôma: chúng tôi nhìn nhau, giây phút thật sâu đậm, tôi có cảm tưởng như ngài biết tôi từ lâu nhưng thật sự tôi chưa bao giờ gặp ngài. Một thông điệp chính? Trong những năm 2000, tôi bỏ nhiều thì giờ để nói về Chúa trên các diễn đàn Internet. Tôi chưa biết đó là phúc âm hóa. Và giám mục  Dominique Rey vừa được Đức Gioan-Phaolô II bổ nhiệm làm giám mục địa phận Toulon khuyến khích tôi, nói đó là cách rao truyền phúc âm mới mà Đức giáo hoàng đã khởi xướng cách đây mấy năm: như tiếng click mở khóa cho giây phút quyết định đời sống Kitô hữu của tôi, vì Giáo hội gởi chúng tôi đi truyền giáo! Từ đó tôi liên tục mở ra các chương trình rao giảng phúc âm trên Net. Và khi tôi gặp người bạn đời của tôi, cũng như tôi, cô muốn đặt tên cho đứa con trai đầu lòng của chúng tôi tên là Karol. Năm nay Karol lên 6! Cám ơn Chúa cho chúng con Giáo hoàng thánh này!”

Jean-Baptiste Maillard, tác giả quyển Thiên Chúa và Internet, 40 câu hỏi để châm lửa trên Web (EDB 2011).

Giọng của ngài vẫn còn vang trong đầu tôi – “Một kỷ niệm đáng nhớ? Đáng nhớ nhất chắc chắn là kỷ niệm: lần tham dự Ngày Giới Trẻ của tôi đầu tiên ở Rôma vào Ngày Lễ Lá năm 1984. Năm 1981 tôi đã gặp Đức Gioan-Phaolô II ở Lisieux, tôi đã thấy ngài ở Sainte-Anne d’Auray, Ngày Giới Trẻ Paris và nhiều dịp khác. Chúng tôi ngủ dưới đất ở một giáo xứ, 24 giờ ngồi xe kiệt sức vì xe cũ kỹ không tiện nghi, nhưng rẽ tiền đối với siêu việt chúng tôi! Thật là cả một bầu khí! Và một kỷ niệm không cách nào phai được: đêm canh thức cầu nguyện ở Quảng trường Thánh Phêrô. Đức Gioan-Phaolô II không dự trù là sẽ xuất hiện ở ban công dù chúng tôi thấp thỏm hy vọng rất nhiều, nhưng sau khi chúng tôi đọc nhiều kinh thì thấy ngài xuất hiện. Ngài đọc kinh Kính Mừng với chúng tôi.  Tôi vẫn còn giữ giọng của ngài trong đầu. Tôi thường quay lại “cuốn phim”, cứ đến giây phút đó, tôi cảm thấy tình yêu của Đức Thánh Cha dành cho chúng tôi, lời nhắn của ngài thật thuyết phục, thuyết phục chúng tôi đi theo Chúa Kitô. Ngài biết nói với người trẻ! Đơn giản, nhiệt tình, khác thường! Chúng tôi sống một cái gì đó rất đặc biệt. Từ đó và chính xác lúc đó, tôi cảm nhận tôi thuộc về thế hệ của Đức Gioan-Phaolô II! Thánh Gioan-Phaolô II xin cầu bàu cho chúng con…”

Philippe Gosselin, nghị sĩ

Một nhà ngôn sứ vĩ đại – “Đối với tôi, Đức Gioan-Phaolô II là nhà ngôn sứ vĩ đại, ngài vẫn còn tiếp tục dạy chúng tôi. Vượt quá thần học về thân xác của ngài, ngài đã sống cụ thể qua cuộc đời của ngài, từ một thân thể tráng kiện của một kịch sĩ đến thể xác đau đớn giờ hấp hối của ngài, ai cũng biết điều này. Ngài là giáo hoàng của gia đình, trong bài giảng của ngài ở Washington vào tháng 10 năm 1979, ngài kêu gọi mọi người hãy đứng lên – “We will stand up” – để bảo vệ nhân phẩm, mãi mãi và ở mọi nơi. Bài giảng này vẫn còn tính thời sự cho đến bây giờ.”

Arnaud Bouthéon

“Thánh Gioan-Phaolô II là tổ phụ của đức tin. Chúng tôi có mặt trong Ngày Giới Trẻ, dù ngài đã yếu nhưng ngài luôn là món quà tặng cho người trẻ.

Pommeret

“Anh chị em đừng sợ! Câu châm ngôn vẫn còn nồng ấm mỗi ngày.”

Aliénor Atinault

“Lúc đó tôi 10 tuổi, gia đình tôi không giữ đạo, dù tôi đã được rửa tội nhưng tôi không thuộc một kinh nào hết, không một kinh!  Rồi một ngày, trên màn hình đen trắng thời đó, tôi thấy tân giáo hoàng được bầu chọn. Đó là tháng 10 năm 1978. Sau khi nhìn các tấm hình đầu tiên của Đức Gioan-Phaolô II, tôi xin bà ngoại dạy tôi đọc kinh và bà đã dạy. Sau đó tôi xin được rước lễ và được thêm sức. Tất cả những việc này là nhờ Đức Gioan-Phaolô II. Tôi không biết tại sao, nhưng từ khi 10 tuổi, khi thấy ngài, tôi tự nhủ: Chúa Giêsu đã trở lại! Đi xem cho biết tại sao! Từ đó ngài là thiên thần hộ thủ và là người hướng dẫn tôi, bây giờ tôi sắp 47 tuổi, tôi có đức tin là nhờ ngài và như ngài đã nói, tôi không còn sợ gì dù cho có bệnh tật… Con xin cám ơn Thánh Gioan-Phaolô II.”

Arielle-Jeanne Poecker

“Khi ngài mất, tôi mới 8 tuổi nhưng ngài đã làm cuộc đời của tôi thay đổi. Tôi nhớ lần đầu tiên tôi thấy ngài trên đài truyền hình, tôi bị ám ảnh; nụ cười, lòng nhiệt tình của ngài đã làm cho tôi hiểu ngay, đây là người rất đặc biệt và có rất nhiều tình thương. Sau này khi lên năm đầu tiên trung học, tôi thảo một bức thư cho Đức Bênêđictô XVI để cả lớp cùng ký xin phong thánh cho ngài. Và ngày 23 tháng 4 năm 2014, tôi có mặt ở Quảng trường Thánh Phêrô, tôi quá sức cảm động vì thấy giấc mơ của mình đã thành sự thật. Trong lòng tôi, tôi đã cầu nguyện cho ngài được nên thánh từ rất lâu, tôi xin ngài cùng đồng hành với tôi trên con đường đức tin mỗi ngày, và ngài đã làm. Ngài luôn ở bên cạnh tôi, ngài là bạn của tôi và tôi chỉ biết cầu nguyện càng ngày càng nhiều hơn.”

Madison Mille

“Nhờ Thánh Gioan-Phaolô II mà tôi có được đức tin. Tôi theo dõi triều giáo hoàng của ngài; khi còn nhỏ tôi chưa được rửa tội nhưng tôi đã xúc động khi nhìn con người thánh thiện này giảng Lời Chúa. Tôi học giáo lý vào tháng mười hai… Ngài đã làm cuộc đời tôi thay đổi. Từ đó, tôi có đức tin và hạnh phúc được sống trong gia đình của Chúa Giêsu, tôi xin cám ơn ngài.”

Virginie Gada

“Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã cho tôi biết thế nào là lòng thương xót và biết bí tích hòa giải nhân Ngày Giới Trẻ ở Manila.”

Anaig OEccher

“Lịch sử Giáo hội xứ Côte d’Ivoire của tôi đã được đánh dấu bởi Thánh Gioan-Phaolô II qua ba lần ngài đến thăm xứ tôi. Tôi thật sự xúc động. Thật không thể tưởng tượng được ngài quan tâm đến các dân tộc ở xa như vậy. Tôi cảm nhận mình là người công giáo đích thực. Tôi 19 tuổi khi ngài mất, tôi thật sự chưa biết các cuộc viếng thăm của ngài, tôi bắt đầu cầu nguyện với niềm xác quyết đây là một vị thánh đã rời chúng tôi… Con xin cám ơn Giáo hoàng Gioan-Phaolô II.”

Fabrice Ochou

“Tôi nhớ lại lần ngài viếng thăm nước Pháp đầu tiên, ngài gọi nước chúng tôi là: Trưởng nữ của Giáo hội.”

Marianne Franco Pellegrino

“Kỷ niệm tôi có về Đức Gioan-Phaolô II là tôi cảm nhận ngài đầy ơn Đức Chúa Thánh Thần.”

Catherine Sagna

“Khi tôi còn nhỏ, giấc mơ lớn nhất của tôi không những được thấy ngài Đức Gioan-Phaolô II mà còn được ngài ôm vào lòng, vì đối với tôi, ngài là “hiện thân của tình yêu”. Ánh mắt của ngài là ánh mắt để lại niềm vui và tình yêu của Chúa Giêsu. Khi nghe tin ngài mất, tôi chao đảo, tôi không hiểu vì sao Chúa lại để tôi như vậy mà tôi không nhận ra… Nhưng vài năm sau, tôi có được dịp may không thể tưởng tượng, tôi được đón tiếp ngài trong căn nhà của tôi, thánh tích của ngài ở trong nhà tôi một tháng! Giấc mơ đã thành sự thật, cuối cùng tôi được ôm “hình ảnh của tình yêu” này trong lòng! Tôi cám ơn Chúa đã cho tôi dịp may này. Tôi nhận ra Chúa đã hành động. Nhưng Chúa hành động khi nào Ngài muốn và theo cách của ngài. Vậy mà tôi cứ trách Chúa đã bỏ tôi. Xin Chúa mở lòng con, con tạ ơn Chúa về những gì Chúa đã làm, đang làm và sẽ làm trong cuộc đời con. ‘Ta đến để các con có sự sống!’”

Martin Chauvet

“Trong suốt thời gian dài bệnh tật, tôi đi theo ngài với các quyển sách, các suy niệm của ngài… Ngài đã che chở tôi và tôi đã lành ngày 2 tháng 4 năm 2006.”

Andrée-Luce Dubois

“Tôi biết Đức Gioan-Phaolô II qua quyển sách Ơn gọi của tôi, Món quà và Huyền nhiệm của ngài. Quyển sách này đã soi sáng trong tôi ước muốn của một ơn gọi qua Chúa Thánh Thần. Đức Gioan-Phaolô II thật sự là người của Chúa.”

Herbert Ndayiragije

“Nhờ Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II mà tôi trở thành người công giáo. Tôi 42 tuổi, tôi ở trong một gia đình không giữ đạo nhưng tôi được Đức Gioan-Phaolô II dạy dỗ. Đó là Giáo hoàng của tuổi thơ, tuổi trẻ và ngay cả bây giờ của tôi. Chính ngài đã khai mở đức tin cho tôi và cho tôi được gia nhập vào một gia đình mới, gia đình Kitô.”

Valérie Berna

“Hình ảnh của ngài ở Haiti năm 1986 vẫn còn trong ký ức của người công giáo. Ngài đã tuyên bố: “Phải có một cái gì thay đổi!”

Nasoj Simon

“Kỷ niệm của tôi là khi ngài ở cách tôi vài mét trong lễ bế mạc Ngày Giới Trẻ ở Longchamp, Paris.”

Clotilde Lardoux

“Có một cái gì thanh thản nơi ngài mà tôi thấy thật phi thường, và như một người cha, ngài kết hiệp các dân tộc lại với nhau. A, ngài còn nói được nhiều thứ tiếng! Ngài là gương mẫu của tình yêu đến mức ngài còn đi thăm người đã muốn giết hại mình… Tôi hãnh diện vì giáo xứ của tôi mang tên ngài.”

Laety Guei

“Ngài dạy cho chúng tôi tình yêu tha nhân và lòng tha thứ.”

Bijou Shako

“Nhờ Thánh Gioan-Phaolô II mà chúng tôi biết được Ngày Giới Trẻ và chúng tôi có được mầu nhiệm thứ bốn của tràng chuỗi mân côi. Bao nhiêu là bối cảnh để chúng tôi hiểu và biết được Giáo hội Công giáo hơn. Thánh Gioan-Phaolô II xin cầu bàu cho chúng con!”

Antoinette Kodjo

“Tôi ấn tượng với tình yêu cao cả ngài dành cho Thiên Chúa của lòng thương xót và Mẹ của Đức Chúa Trời. Với ngài, tôi dám phó thác mình cho Chúa và tôi được sung mãn! Trong thời gian tôi được đào tạo ở chủng viện, các bài viết, các lời nói, các cử chỉ yêu thương của ngài với những người không có tiếng nói, những người ở bên lề đã cho tôi ước muốn được phục vụ Chúa, phục vụ tha nhân. Tôi mới trưởng thành thì ngài đã về với Chúa, nhưng ngài là thánh Giáo hoàng của cuộc đời tôi. Hôm nay tôi là linh mục, càng ngày tôi càng nhận ra ơn gọi của tôi thật sự là một “món quà và là một huyền nhiệm”. Trọn một lòng!

Mọse Degodo

“Ngài đã làm cho tôi xúc động vô cùng, nhưng chỉ sau khi ngài chết, tôi mới biết ngài quan trọng đối với tôi như thế nào. Tôi đã khóc như khóc một người cha…”

Béal Chambon François

“Ngày 2 tháng 4 năm 2005, khi nghe tin Đức Gioan-Phaolô II mất, tôi cảm nhận thế giới như đang sống trong một bầu khí linh thiêng đặc biệt, bầu khí tiễn biệt một người thánh thiện đã về trời. Và lúc đó tôi xác quyết, khi một người thánh về trời, họ đem theo lời cầu xin của người ở nhân gian này về với Chúa và tôi quỳ xuống cầu nguyện: “Lạy cha thánh, xin cha đánh con của con một trận, nhưng xin cha đánh nó nhè nhẹ.” Số là đứa con trai đang tuổi ăn chưa no lo chưa tới của tôi cực kỳ mê xe, quên cả học hành. Nó trang trí chiếc xe như… cung vàng điện ngọc! Tối hôm sau, từ dưới phố, con tôi điện thoại về báo: “Mẹ ơi, con bị mất xe rồi!” Tôi ngỡ ngàng, tôi không ngờ lời cầu xin của tôi đã được nhận lời nhanh như vậy. Ai lấy được món đồ chơi này trong tay con tôi? Từ đó cháu không còn mê xe nữa và từng chuyện dần dần vào quy cũ. Bây giờ tôi hay nói với cháu: ‘Con là con của Đức Gioan-Phaolô II đó nghe.’” Tôi tạ ơn Đức Gioan-Phaolô II không bao giờ cho đủ.

Marta An Nguyễn dịch 

Người tị nạn Kitô ở Trung Đông

lefigaro.fr, Vincent Trémolet de Villers, 04-07-2015

Người tị nạn Kitô ở Trung Đông

Bị bách hại, bị Nhà nước Hồi giáo tự xưng đuổi ra khỏi quê hương mình, các tín hữu Kitô xưa nhất thế giới bị buộc phải rời quê hương họ hay sao? Từ Erbil (Kurdistan thuộc Irak) về, nơi ông tham dự buổi khánh thành đài al-Salam và gặp các người tị nạn đi trốn khỏi nạn man rợ, khảo luận gia Pascal Bruckner tự hỏi vì sao nước Pháp ít thiện cảm với tín hữu Kitô ở Trung Đông. Vụ “thanh trừng sắc tộc” tàn phá miền Trung Đông sẽ gây hậu quả nặng cho Âu Châu, sử gia Pierre Vermeren cảnh báo.

Le Figaro – Ông vừa đi một cuối tuần Phục Sinh ở Erbil với các người tị nạn về…

Pascal Bruckner – Tôi ở trong một phái đoàn nhỏ của ông Sylvain Tesson, chúng tôi đến Kurdistan để khánh thành một đài phát thanh liên cộng đồng, al-Salam, có nghĩa là hòa bình. Được Tổ chức Raid và Radio không biên giới hỗ trợ, chính yếu được tài trợ bởi Công trình của Trung Đông, đài là tiếng nói của những người không có tiếng nói. Đa số là tín hữu Kitô, đài phát thanh cho những người tị nạn yazidi, sunnit, chiite, syria, Assyria, vv.

Bây giờ Erbil như thế nào? Đó là một thành phố đang phát triển mạnh, cách biên giới ba mươi cây số. Có hàng chục ngàn người tị nạn ở nhiều trại khác nhau: tín hữu Kitô, người Kurde, Ả Rập sunnit và chiit. Sự mệt mỏi của những người đến trước thấy rõ: tổ chức nhà nước Hồi giáo tự phong (Daech) nắm quyền, mùa hè năm ngoái binh lính người Irak vứt vũ khí, xé quân phục bỏ trốn đã làm cho họ bàng hoàng. Các người tị nạn sẽ kể cho các bạn nghe tất cả những cơ khổ của họ, láng giềng bạn bè của họ đến hôi của nhà họ, đến nhà họ ở ngay khi quân Daech đến chiếm đóng. Những người này vẽ trên nhà họ chữ N, có nghĩa là Nazarêen. Sự ra đi của họ đã làm mất sự quân bằng liên cộng đoàn đa sắc dân. Còn về những người yazidis, họ không thuộc về tôn giáo của Sách Thánh nên họ bị cho là người thấp kém. Với những người này thì họ bị thanh trừng, đàn bà bị làm nô lệ. Chúng tôi đã gặp một gia đình Kitô hữu có đứa con gái mới 3 tuổi rưỡi mà đã bị một thủ lĩnh Hồi giáo bắt cóc, em có thể sẽ được bán lại để làm cô dâu!

Người tị nạn có thể nào về nhà được không? Rất khó. Thành phố Mossoul phải bị hạ nhanh chóng, điều này thì không chắc. Có hai bối cảnh: hoặc là có một cuộc chiến tranh lâu dài và đẩm máu kiểu Stalingrad, hoặc là có sự nỗi loạn bên trong giống như thời thành phố Paris được giải phóng. Cần phải nhấn mạnh vai trò đặc biệt của Kurdistan ở đây, một quốc gia đang thức tỉnh: quốc gia chủ trương nhiều thể chế, có tinh thần chiến đấu đặc biệt, chính họ đã đủ để hiện thân cho sự chống lại nạn man rợ. Ở Erbil, lòng yêu nước, ý chí muốn xây dựng một Quốc gia độc lập sau nhiều thế kỷ lang thang và giết nhau của dân tộc Kurde thì mạnh hơn là đức tin và các tranh luận thần học.

Như thế đối với người Kitô sẽ không có giải pháp nào? Họ ở giữa hai thảm cảnh: ra đi là chấm dứt sự cùng tồn tại sống chung có từ hàng thế kỷ, các tín hữu Kitô cấu tạo liên kết giữa các cộng đồng. Đi về là có cơ nguy bị bách hại trở lại. Chúng ta nhớ là họ đã ở đây từ hai ngàn năm, họ ở đây trước Hồi giáo sáu thế kỷ, trong các cuộc chiến, họ không theo đạo Hồi. Sự biến mất của họ sẽ kéo theo cả một vạt lịch sử thế giới và cũng làm cho chính thế giới Hồi giáo bị nguy hại. Vì thế một phần giới trẻ Kitô chọn con đường cầm súng và chiến đấu bên cạnh những người pechmergas.

Ông có nói gì với những người tị nạn này? Trong thánh lễ Phục Sinh, Linh mục Gollnisch, chủ tịch Công trình Trung Đông, đã xin những người bị sỉ nhục, bị nhạo báng đừng nuôi hận thù trong lòng và tha thứ cho kẻ thù của mình. Tôi không phải là tín hữu nhưng khi nghe những chữ này, tôi nhớ lại tôi đã được rửa tội. Tha thứ cho kẻ thù trước khi mình bị đánh bại, có phải đó là tuyệt đỉnh của lòng cao thượng không?

Ông nghĩ gì về vụ Công ty Giao thông Vận tải Paris (RATP)? Chúng ta đang chứng kiến nạn hãi sợ Hồi giáo ở Pháp. Việc Công ty Giao thông Vận tải Paris không ghi hàng chữ “Vì Tín hữu Kitô Trung Đông” trên bích chương quảng cáo cho buổi ca nhạc của ban nhạc “Các Linh Mục” cho thấy họ đã sỉ nhục các nạn nhân khi muốn kiểm suyệt để phòng ngừa. Những người khác như ông Edwy Plenel và các bạn của ông là những người hãi sợ ác liệt, họ chỉ muốn còng lưng xuống ngay lập tức. Ở Pháp, ngay khi đề cập đến các tín hữu Kitô thì liền có tiếng xì xầm khinh bỉ. Trước khi tôi đi Erbil, một vài người bạn đã cười khuẩy, hỏi xem đây có phải bênh vực cho phái hữu khuynh không?

Tiếng nức nở của người da trắng vẫn tiếp tục? Đạo Thiên Chúa giáo bị cho một cách sai lầm là của người Phương Tây thống trị, có quyền tối thượng còn đạo Hồi giáo là sự nổi dậy của những người bị áp bức. Như thế người đầu tiên là người đồng lõa với cái ác tuyệt đối, còn người thứ nhì là người muôn thuở vô tội. Các tín hữu Kitô không được là những nạn nhân tốt lành, họ không được coi trọng. Mùa hè 2014, khi chiến tranh ở dãi Gaza bùng nổ thì có rất nhiều cuộc biểu tình ủng hộ người Palestinin và đó là điều hợp pháp. Nhưng không ai đi biểu tình cho tín hữu Kitô. Như thế theo chỉ số tình cảm, điều này có nghĩa đời sống của một tín hữu Kitô ở Trung Đông, cũng là người Ả Rập, thì một ngàn lần kém hơn đời sống của một người Palestin. Cách nhìn kiểu liệt một nửa này thật kinh hoàng.

Chắc là cơ quan truyền thông của chính phủ Pháp coi bộ không dùng được chữ “tín hữu Kitô”… Chính quyền Obama cũng vậy khi nói đến việc giết người ở siêu thị Kasher. Sự cẩn thận về ngôn ngữ này giết nạn nhân thêm một lần nữa. Nêu đích danh sự việc, là làm sáng tỏ và vén ra cho thấy một dự án chính xác: loại bỏ dần dần mọi sự hiện diện của tín hữu Kitô ở đất Hồi giáo đang diễn ra dưới mắt chúng ta ở Kenya, Irak và Syria. Thách thức về ngữ nghĩa là nền tảng: người ta ra lệnh cho chúng ta không được nhường bước trước chứng “sợ Hồi giáo”, trong khi từ Mauritania đến Pakistan, tín hữu Kitô bị bách hại, bị giết, bị lên án, chữ “chứng sợ Kitô giáo” không có trong ngôn ngữ. Dùng mẹo thật hay: nạn nhân bị xem là đồ tể và ngược lại.

Có thể nào nói đây là nạn diệt chủng? Chúng ta nhìn lại lịch sử 60 năm gần đây: người Do Thái bị đuổi ra khỏi thế giới Ả Rập-Hồi giáo sau khi Quốc gia Israel được thành lập. Ngày nay, đến lượt tín hữu Kitô từ từ bị đẩy ra ngoài. Một luồng đi về mặt địa lý thật ấn tượng. Trước đây tín hữu Kitô có 1 200 000 người ở Irak, bây giờ họ còn không đến 300 000 người, 1 300 000 ở Syria, bây giờ chỉ còn không quá 700 000. Chúng ta hình dung ngày mai, tất cả người Do Thái ở Pháp vì sợ các vụ ám sát nên lên đường đi Israel hết!

Đến giờ đã điểm cho tín hữu Kitô? Có thể lắm. Những gì đã bắt đầu xảy ra cho người Do Thái bây giờ xảy ra cho tất cả những người khác: công giáo, tin lành, trí thức, vô thần, người không tín ngưỡng, người hồi giáo tự do. Đó là một tiến trình tuần tự đau đớn. Tất cả xảy ra như thử Hồi giáo quá khích muốn xóa đi mọi dấu vết của hai tôn giáo đơn thần lớn, những tôn giáo có trước họ và đã làm cho họ phải chịu đi sau. Họ không cho mình là một tôn giáo như các tôn giáo khác nhưng muốn mình thâu tóm tất cả và làm cho các tôn giáo khác thành vô ích. Để làm điều này, tất cả mọi phương tiện điều tốt: uy hiếp, giết, kiểm duyệt… và ở nước Pháp là những người ngu dốt cực tả hữu dụng cho họ.

Chúng ta có quá nhát gan? Chúng ta không chấp nhận mình đang ở trong cảnh chiến tranh. Ít nhất chúng ta cũng có thể đòi hỏi có một luật của sự hỗ tương và tội ác bội giáo phải được bỏ ở đất Hồi giáo: có nguyện đường Hồi giáo ở Rôma, vậy có nhà thờ ở La Mecque, Riyad, Doha không? Một cuốn phim như cuống Tông Đồ, kể câu chuyện trở lại đạo Thiên Chúa giáo của một thanh niên Hồi giáo đã không tìm được nhà phát hành. Ngược lại, Qu’Allah chúc lành cho nước Pháp, tìm lại quá trình ngược lại thì lại không gặp các khó khăn như vậy. Người Pháp nào muốn trở lại đạo Hồi giáo thì cứ tự do. Nhưng cũng phải làm lại như thế với người khác. Chúng ta hợp tác vào chính sự thất bại của mình. Houellebecq đã nói như vậy.

Pascal Bruckner, là văn sĩ, triết gia Pháp.

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

Georg Gänswein: “Với Đức Phanxicô, không bao giờ thiếu ngạc nhiên”

Georg Gänswein: “Với Đức Phanxicô, không bao giờ thiếu ngạc nhiên”

Elisabetta Piqué, La Nacion, 29-3-2015

Đức giám mục Georg Gänswein, thư ký riêng của Đức Bênêđictô XVI và là người theo Đức Phanxicô như hình với bóng trong cương vị Chủ tịch Phủ  Giáo Hoàng, cha mỉm cười khi nhớ lại mình bị cho là “George Clooney của Vatican”.

Năm nay 58 tuổi, cha sinh ra ở Riedern am Wald, Đức, là thể thao gia cừ khôi và khi có thì giờ, cha đến vùng núi Abruzzo, nước Ý. Cha Gänswein gặp Đức giáo hoàng gần như mỗi ngày. Cha đi theo ngài mọi nơi, trong nội địa Ý cũng như ra nước ngoài. Cha không tiếc lời khen ngợi ngài nhưng nhận thấy Đức Jorge Bergoglio có một cái gì khá phức tạp. “Rất nhiều ngạc nhiên trong hành động, thay đổi, bất ngờ vào phút cuối cùng, những chuyện này lúc nào cũng là những chuyện khó khăn,” cha cho biết.

Trong cuộc phỏng vấn kéo dài một giờ, cha Gänswein trả lời không dè dặt tất cả các câu hỏi. Cha cho biết mình ngưỡng mộ khả năng làm việc phi thường của Đức Phanxicô, trong cách ngài tương quan với người khác và thời gian ngài dành ra để cầu nguyện.

Cha cũng cho biết về một số vấn đề liên quan đến việc cải cách và cũng đã dám nói lên về bài phát biểu mạnh mẽ của Đức Giáo Hoàng tháng 12 năm ngoái, khi ngài đề cập đến 15 căn bệnh của Giáo triều.

Cha cho rằng, cáo buộc Đức Phanxicô là mị giáo dân và làm mất đi tính thiêng liêng của chức giáo hoàng của các thành phần bảo thủ cực đoan là “vô căn cứ.”

Tương quan giữa cha và Đức Phanxicô như thế nào?

Rất thân mật và được cải tiến mỗi ngày. Mới đầu không ai biết tôi, có thể qua một vài hình ảnh không được được thuận lợi của tôi trong vụ rò rỉ tin tức Vatileaks. Nhưng có một điều là phải phân biệt giữa hình ảnh được tạo ra và hình ảnh trong thực tế. Và khi làm việc chung, tự nhiên sẽ có một tinh thần hợp tác và làm việc nhóm được tạo ra.

Có khó khăn cho cha khi cha quen làm việc với một Giáo hoàng Đức, và bây giờ làm việc với một Giáo hoàng Argentina rất giản dị, người không quen với các hình thức nghi lễ không?

Các thay đổi sâu sắc nhất đối với tôi là do cương vị: từ chỗ chỉ là thư ký riêng của Đức Bênêđictô XVI qua chức vụ Chủ tịch phủ Giáo hoàng trong Giáo triều Đức Phanxicô. Đó là một thách thức lớn không chỉ về công việc, nhưng trong phong cách. Mỗi giáo hoàng có dấu ấn riêng, có phong cách đặc trưng của mình. Đương nhiên là với một người đã quen theo một cách nào đó, bây giờ phải thay đổi thì phải cố gắng theo đường hướng mới.

Làm thế nào để cha sống trong hai phương cách này để phục vụ hai giáo hoàng, một tại chức, một về hưu? Cha có thấy mình bị chia đôi?

Hoàn toàn không. Chắc chắn, trước tiên hết là phải làm quen với thực tế mới của một đương kim giáo hoàng và của giáo hoàng danh dự. Tôi chưa bao giờ nghi ngờ nhiệm vụ đầu tiên của tôi là phục vụ Đức Phanxicô. Và sau đó là phục vụ Đức Bênêđictô XVI. Những tháng đầu tiên, tôi phải làm việc với chính bản thân mình. Nhưng sau một thời gian, tôi đã tìm được đúng cách để gần với mỗi người.

Trong hai năm qua, ảnh hưởng của Đức Phanxicô lớn nhất ở khía cạnh nào?

Trên khía cạnh con người, khả năng làm việc, vì trong chiều hướng này, đây là một hiện tượng phi thường, một người 78 tuổi, quan tâm đến từng người trong các gặp gỡ hàng ngày. Trên khía cạnh thiêng liêng: đời sống thiêng liêng cầu nguyện. Như chúng ta đã biết, ngài dậy rất sớm để chiêm niệm và chuẩn bị dâng thánh lễ. Tác động nhất quán giữa công việc của một đời sống rất bận rộn với thì giờ ngài dành ra để cầu nguyện, có nghĩa là đời sống chiêm niệm. Linh đạo Inhã được thực hiện rõ rệt ở đây.

Cái gì làm cha thích nhất ở Đức Phanxicô và cái gì làm cha thấy khó khăn nhất ở ngài?

Đặc biệt tôi thích nhất là khả năng ngài gần với mọi người. Chữ “gặp gỡ” và “thương xót” trở thành những chữ chính trong triều giáo hoàng của ngài và điều này áp dụng cho những người lớn nhất trên thế giới cũng như cho những người “nhỏ nhất”, người tàn tật, người ốm đau. Đây là điều mà tôi ngưỡng mộ và mang lại cho tôi sự khích lệ. Điều gây một ít khó khăn là các bất ngờ trong hành động, những thay đổi giờ chót khi nào cũng có … Chính ngài cũng nói đùa về các hình thức nghi lễ và nạn “quan liêu” của Vatican… Nhưng gạt các câu nói đùa sang một bên, tôi nghĩ Đức Phanxicô rất tôn trọng nghi lễ và tất cả những ai làm việc trong lĩnh vực này đều muốn muốn phục vụ và giúp đỡ ngài trong sứ vụ Thánh Phêrô của ngài.

Cha đã làm việc chặt chẽ với hai giáo hoàng: cha đã học được gì từ mỗi người?

Cả hai tôi điều học được một điều rất quan trọng, đó là: tình yêu đối với Chúa và đối với Giáo Hội. Là thư ký riêng của Đức Bênêđictô XVI, tôi học được tính thanh thản để đối diện với những thách thức hàng ngày, một cách dũng cảm và trung thực, không sợ bất cứ điều gì và bất cứ ai. Còn với Đức Phanxicô thì tôi học để nhìn về phía trước, mở ra với những vấn đề mới. Kinh nghiệm của những vùng ngoại vi mà ngài hay nói, có một cái gì khác với kinh nghiệm của Giáo hội chúng tôi có ở Đức, ở Ý và phần còn lại của châu Âu.

Cha nghĩ là quá tập trung vào Vatican?

Có thể là … Rõ ràng là kinh nghiệm cá nhân của mỗi giáo hoàng đều liên quan đến triều giáo hoàng và cách cai quản Giáo hội.

Sau hai năm triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, người ta nói về sự kháng cự cải cách giáo triều. Cha có cảm nhận được sự kháng cự này hay sự khó chịu trong giáo triều?

Lúc đầu họ nói về một chút quá “cải cách” của giáo triều và không biết công việc hàng ngày của mình trong việc phục vụ giáo hoàng. Sau hai năm thì đã giảm các lời nói và các mong chờ. Chắc chắn, có một số điều cần cải thiện, nhưng không phải bắt đầu lại từ đầu. Sự tăng trưởng một cây luôn cần được cắt tỉa. Về vấn đề này, tôi thấy không có sự kháng cự nhưng một cái nhìn thực tế hơn về mọi thứ. Thành thật mà nói, tôi cũng phải nói rằng quý vị cũng sẽ cảm thấy khó chịu về một số điều trong tiến độ cải cách. Thay đổi duy nhất cho đến nay là đã tạo ra một cơ quan mới, đó là Bộ Kinh tế và Hội đồng Kinh tế.

Trong Cuộc phỏng vấn gần đây với Đài truyền hình Televisa, Đức giáo hoàng gần như công kích giáo triều, bằng cách xem nó như là tòa án cuối cùng ở châu Âu. Cha có thấy như vậy không?

“Ở châu Âu, vẫn còn có các tòa án hoàng gia đích thực: Tây Ban Nha, Anh, Đan Mạch, Hà Lan, vv … Năm 1968, Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI với sắc chỉ Pontificalis Domus bãi bỏ các tòa án của Giáo Hoàng và tạo ra Nhà giáo hoàng, thay đổi sâu sắc bản chất của nó. Cuốn được tòa án Vatican … tại sao lại ngạc nhiên vì đó là lời tuyên bố của Đức Phanxicô.

Bài diễn văn cuối năm 2014 của Đức Phanxicô về 15 căn bệnh của Giáo triều có quá nghiêm khắc không?

Đó là một bài diễn văn làm cho mọi người ngạc nhiên, một bài diễn văn mạnh. Đây là cơ hội để tự nhìn lại mình và tôi đã làm. Tuy nhiên, tôi sợ những lời này sẽ tác động trên các cộng tác viên thân cận nhất: một bên là giáo hoàng tốt, bên kia là bệnh của giáo triều, tham nhũng. Nhưng ở đâu có bệnh, ở đó có thuốc giải độc!

Các thành phần bảo thủ cực đoan chỉ trích Đức Phanxicô không sống ở Dinh Tông Tòa, nghĩ rằng ngài mị dân và làm cho hình ảnh giáo hoàng mang tính thế tục …

Họ chỉ trích không dựa trên một nền tảng nào. Đức Phanxicô không đến các vùng ngoại vi để nhận các tràng pháo tay, ngài không vào nhà tù để được giáo dân yêu mến hơn, thật là vô lý khi nghĩ như vậy. Còn với cách sống của ngài, tôi nhớ lại một trong những câu nói đầu tiên của ngài sau khi nhậm chức là: “Tôi đã 76 tuổi, tôi không thay đổi cuộc sống của tôi.” Cuộc sống hồi đó như thế nào thì bây giờ như vậy. Tôi gặp ngài mỗi ngày. Tôi nghĩ rằng, cuối cùng, thật là phi lý khi nói có sự mạo phạm về hình ảnh của Đức Thánh Cha. Ai chỉ trích thì chỉ trích, đây là hình ảnh thực tế của giáo hoàng. Chỉ cần nhìn vào lịch sử của các giáo hoàng và nhiều thay đổi bên ngoài, vì nhiều lý do khác nhau, nhưng những gì còn lại vẫn là không thay đổi và không thể đảo ngược bản chất lời hứa của Chúa đối với Thánh Phêrô…

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

Giáo hoàng Phanxicô và quy luật để thắng cuộc đua đường trường

WinningLongGame-CoverSteven Krupp and Paul J.H. Schoemaker – 31-3-15

Bài này được lấy từ quyển sách ‘Thắng trận đánh dài: Cách hoạch định tương lai của các Lãnh đạo chiến lược’ của Steven Krupp và Paul J.H. Schoemaker.  Krupp là đối tác điều hành cấp cao và Schoemaker là người sáng lập đồng thời là chủ tịch của hãng Quyết định Chiến lược Quốc tế [Decision Strategies International], một hãng đào tạo và cố vấn đặc biệt về việc phát triển đẳng cấp lãnh đạo và lên chiến lược. Schoemaker cũng là giám đốc nghiên cứu của Viện Mack về Đổi mới Điều hành tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania.

Hồi tháng 7 năm 2013, hàng triệu người ái mộ, hầu hết là các người trẻ, đã tràn ngập bãi biển Copacabana để lắng nghe Giáo hoàng Phanxicô, lãnh đạo mới được bầu của Giáo hội Công giáo La Mã trong chuyến công du đầu tiên của ngài. Giáo hội Công giáo đang trong thời khắc then chốt của mình. Brazil là quốc gia đông người Công giáo nhất trên thế giới, nhưng từ năm 2000 đến 2010, tỷ lệ người Công giáo trên tổng dân số đã giảm từ 3/4 xuống còn 2/3. Giáo hoàng Phanxicô biết các thách thức mà thể chế của mình phải đối diện, không chỉ ở Brazil, nhưng là trên toàn thế giới. Giáo hoàng phải đối mặt với một tình hình hoàn toàn khác xưa, cần đến sự thay đổi sâu sắc trong lòng và trí của thể chế 2000 tuổi này, về cả truyền thống, giáo lý, lẫn phẩm trật.

Ngay từ ngày đầu tiên làm giáo hoàng, Đức Phanxicô đã tránh hết những phẩm phục, dinh thự và vẻ hoành tráng của các bậc tiền nhiệm. Trong chuyến công du Brazil, ngài tự mang cặp táp và di chuyển bằng chiếc xe bình thường. Trong giờ cao điểm, ngài ra khỏi xe để đi bộ hòa vào những người nghèo sống trong các khu ổ chuột ở Rio de Janeiro. Trên chuyến bay về Roma, ngài đã triệu tập một cuộc họp báo đầy bất ngờ. Hơn 80 phút, ngài trả lời những câu hỏi tới tấp của các nhà, không hạn chế chủ đề.

Trong chuyến công du Brazil này, lần đầu tiên Đức Phanxicô cho thế giới thấy ngài không chỉ là một ngọn tháp dẫn đường thiêng liêng hay một con người với đức tin sâu sắc. Nhưng ngài còn là một lãnh đạo chiến lược thực sự, không e ngại xem lại các tục lệ lâu đời của Giáo hội, có khả năng nhìn nhận thể chế của mình bằng cái nhìn từ bên ngoài vào, và thực hiện những vận động khả thị và biểu tượng để phục hồi Giáo hội Công giáo.

Người Mỹ sẽ có dịp hiếm hoi được thấy Giáo hoàng Phanxicô tận mắt khi ngài sẽ đến viếng Philadelphia nhân dịp Đại hội Gia đình Thế giới mùa thu này. Chuyến công du lần này dự kiến sẽ có đến 2 triệu tín hữu tham dự. Nhưng các lãnh đạo trong ngành kinh doanh, nên xem sự kiện lịch sử này là cơ hội để học lấy từ con người có lẽ là một trong những nhà lãnh đạo chiến lược vĩ đại nhất thời nay. Khi Đức Phanxicô mở ra một cánh cửa sổ hình tượng để đưa vào những lập trường tươi mới từ các giáo dân và các cố vấn mới, cũng như tự nhìn lại mình để tái định hướng sứ mạng của Giáo hội, thì ngài cũng phải điều hành để xem lai các niềm tin quy ước để thắng cuộc đua đường trường này

pope-francis-20141217Dựa trên hình mẫu Giáo hoàng Phanxicô, đây là 6 vấn đề cốt yếu mà các lãnh đạo phải đặt ra để đánh giá bản thân mình:

  1. Bạn có thường tìm kiếm những quan điểm đa dạng để nhìn thấy các mặt đa diện của một vấn đề quan trọng hay phức tạp không?

Giáo hoàng Phanxicô đã từng tuyên bố về những người đồng tính rằng, ‘Tôi là ai mà phán xét?’ Đây là một lời vượt qua hết những định kiến, khi nhìn nhận người ta là con người trọn vẹn chứ không cần xét đến chiều hướng tình dục của họ. Giáo hoàng Phanxicô đang tái tập trung sự nhân văn của Giáo hội và nêu bật những liên kết mà các bậc tiền nhiệm của ngài đã hạ giá.

  1. Bạn có những việc làm nào để đừng tự mãn?

Người ta bảo rằng giáo hoàng đã tự mình khám phá Roma ban đêm, ăn mặc như một linh mục bình thường, gặp gỡ những người vô gia cư ở đây. Giáo hoàng Phanxicô cũng lên trang nhất các tờ báo khi ngài là giáo hoàng đầu tiên rửa chân cho một phụ nữ và một người Hồi giáo trong nghi thức Thứ năm Tuần thánh.

  1. Bạn thách thức sâu sắc đến đâu các quy ước, truyền thống, và tập quán lâu đời?

Giáo hoàng Phanxicô đã không ngại ngần phá vỡ truyền thống nếu ngài thấy việc làm đó không đi ngược lại sứ mạng thực sự của Giáo hội. Giáo hoàng Phanxicô quyết định không dọn đến dinh thự giáo hoàng, thay vào đó chọn ở trong một ‘nhà khách’ đơn sơ của Vatican, nơi mà theo ngài là ‘cho mọi người dễ thấy hơn’ và cho ngài ‘có một cuộc sống bình thường.’ Cũng vậy, giáo hoàng đã không dùng các chuyên xa giáo hoàng như các giáo hoàng tiền nhiệm, nhưng tự mình lái một chiếc xe mua lại đã sử dụng được 30 năm rồi.

  1. Bạn có khuyến khích cả những chỉ trích xây dựng và những suy tư sáng tạo để thấy được những lập trường mới và các ý kiến tốt hơn hay không?

Sau khi báo chí loan tin Hoa Kỳ và Cuba đang làm việc để bình thường hóa bang giao, hóa ra chính giáo hoàng Phanxicô đã làm cầu nối cho lãnh đạo hai nước hàn gắn quan hệ của mình. Tổng thống Obama đã công khai cảm ơn giáo hoàng vì đã thúc cho hai nước tiến tới, nói rằng ‘Tôi muốn cảm ơn Giáo hoàng Phanxicô, mẫu gương tinh thần cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc mưu cầu một thế giới như nó nên là, chứ không đơn thuần bám vào một thế giới như nó đang là.’

  1. Bạn có chủ đích sắp xếp lại các vấn đề quan trọng để hiểu được nguyên do gốc rễ của nó không?

Với sự cố vấn của 8 hồng y, giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm một hội đồng mới để giải quyết vấn đề linh mục ấu dâm theo luật thế tục, đồng thời bày tỏ tình cảm hơn nữa với các nạn nhân. Hội đồng này bao gồm các chuyên bên ngoài để hướng dẫn cho giáo hội bảo vệ lợi ích của các tín hữu, đặc biệt là những người vô tội và dễ bị tổn thương, chứ không phải chăm chăm cho danh tiếng của giáo hội.

  1. Bạn có thể đương đầu với những chướng ngại cũng như với cả những người trong đội của mình hay không?

Ngân hàng Vatican, là cơ quan tài chính riêng bên trong thành quốc Vatican. Được gọi là ‘ngân hàng bí mật nhất thế giới,’ nơi này đã mang tai tiếng và bị điều tra về những hoạt động ám muội. Giáo hoàng đã xem lại các hoạt động của tổ chức không hẳn thánh thiện này, khi bổ nhiệm một hội đồng cố vấn bên ngoài để vận hành cải tổ. Ngài nói răng, ‘Dù mục đích cuối cùng có là gì đi nữa, là ngân hàng hay quỹ từ thiện, thì điều căn bản vẫn là sự minh bạch và trung thực.’

Lãnh đạo bằng mẫu gương, giáo hoàng Phanxicô đã khuyến khích các tín hữu hãy phục vụ, hãy có can đảm đi ngược dòng nước, và hành động với lòng khiêm nhượng, lòng thương, và sự minh bạch. Giáo hoàng Phanxicô đã thúc đẩy đối thoại về những gì thực sự có ý nghĩa trong tôn giáo và đức tin. Các hành động của ngài cho tất cả chúng ta thấy được uy quyền của một lãnh đạo biết xem lại những niềm tin đã không còn hiệu lực và đang xói mòn tín nhiệm của thể chế mà ngài đang lãnh đạo.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Từ phòng tắm cho đến bữa ăn nóng ở ga xe lửa Termini – Hành động nhân đạo của Giáo hoàng

Các giáo xứ và hiệp hội đã luôn giúp đỡ những người ngoài rìa xã hội. Bây giờ Đức Phanxicô mở cửa Nhà nguyện Sistine cho những người vô gia cư. Chúng ta hãy cùng nhau điểm qua một ngày ở những địa điểm từ thiện này.

Vatican Insider – Andrea Tornielli – 04/ 3/2015

Chúng tôi ở Vatican lúc 8h sáng, và chỉ cách Cổng thánh Anne vài mét là một chiếc Fiat Ducato màu xám. Chiếc xe chứa đầy thực phẩm đóng hộp, sữa, nước trái cây, thùng bánh bàn chải và kem đánh răng. Trước khi lên xem, nhóm nhỏ này cùng nhau đọc kinh Lạy Cha. Có 2 giám mục, một người vừa được bổ nhiệm nhưng chưa được tấn phong – cùng với một số nữ tu và 5 vệ binh Thụy Sĩ ngoài giờ làm việc, vận đồ jeans. Họ chuẩn bị dành cả ngày với phần khuất nhất của Roma, là những người vô gia cư ‘vô hình’. Giáo hội, và các giáo xứ cũng như các hiệp hội ở Roma, cùng với Cộng đồng Sant’Egidio, đã luôn luôn cố giúp đỡ người nghèo và đã không ngừng làm việc này theo nhiều cách khác nhau. Nhưng bây giờ, những người nghèo đang là trung tâm chú tâm của tất cả mọi người, các khởi xướng đang ngày một nhiều và ngày càng nhiều người làm từ thiện. Giáo hoàng Phanxicô không chỉ mở các phòng tắm cho người vô gia cư ở dưới các chân cột nơi quảng trường thánh Phêrô, mà còn nhờ họ phân phát các sách Tin mừng nhỏ, hay các tập sách cầu nguyện cho những người hành hương trong các buổi kinh Truyền tin ngày chúa nhật. Và ngài đã mời họ đến thăm Nhà nguyện Sistine, đích thân chào đón và khẳng định với họ rằng: ‘Đây là nhà của các bạn!’

Các nhà tắm dưới chân hàng cột

12giờ 10phút, phía bên phải hàng cột, đối diện vương cung thánh đường thánh Phêrô. Hôm nay là một ngày sáng trời, đã vào Tuần Thánh, nhưng vẫn có nhiều đám đông du khách ở quảng trường thánh Phêrô và quanh đó, cho dù không có nghi lễ nào đang diễn ra. Một nhóm hành hương khác đến một góc không khuất chút nào. Họ mang túi đeo vai, tóc dài, và áo quần xơ xác. Họ ngồi trên các ghế nhựa và ghế băng bằng sắt trong một phòng chờ dã chiến. Họ đang chờ đến lượt mình để vào dùng 1 trong 3 phòng tắm mà Đức Phanxicô đã xây dựng cho họ bên trong các nhà vệ sinh cho những người hành hương đến viếng vương cung thánh đường. Khoảng hơn 80 người vô gia cư đến đây tắm rửa mỗi ngày. Và theo giám mục Krajewski, phát chuẩn viên của giáo hoàng, người tổ chức hoạt động tình nguyện này, thì có lúc con số lên gấp đôi. Hôm thứ ba, là đến lượt phục vụ của Unitalsi, Liên hiệp Quốc gia Ý vận chuyển người bệnh đến Lộ Đức và các Đền thánh trên thế giới. Những tình nguyện viên này không cần được biết tên, không muốn chụp ảnh. Một vài tình nguyện viên chào đón các khách và đưa cho họ khăn tắm, đồ lót sạch theo kích cỡ và một bộ đồ dùng tắm gội đầy đủ, với sữa tắm, dầu gội và dao cạo râu dùng một lần. Khi những người vô gia cư đã tắm gội xong, và ra về, còn được nhận một gói đồ ăn nhẹ. Các tình nguyện viên khác chùi rửa phòng tắm sau khi sử dụng. Đây không phải là các phòng tắm sang trọng, nhưng hiện đại và tươm tất chỉnh chu. Sau lưng phòng tắm là một hiệu cắt tóc nhỏ. Một thợ tóc vừa cắt xong cho một thanh niên với cánh tay có hình xăm và đeo khuyên tai. Ông và các thợ tóc khác thay nhau để bảo đảm cho khoảng hơn 40 người vô gia cư được cắt cạo mỗi ngày. Ông cũng không muốn tiết lộ danh tính của mình. ‘Tôi bắt đầu làm việc ở tiệm tóc của cha mình lúc mới 10 tuổi. Tôi đã làm thợ cắt tóc cho nghị viện được hơn 30 năm rồi. Bây giờ tôi cắt tóc cho những người vô gia cư ở quảng trường thánh Phêrô, Họ không phải lúc nào cũng tắm rửa trước … Và tôi cố hết sức để làm họ thấy hạnh phúc, bởi họ cũng có kiểu đầu mong muốn của mình,.’

Gregorio, người vô gia cư gốc Ba Lan, hôn ảnh giáo hoàng sau khi được cắt tóc ở các nhà tắm nơi hàng cột quảng trường thánh Phêrô
Gregorio, người vô gia cư gốc Ba Lan, hôn ảnh giáo hoàng sau khi được cắt tóc ở các nhà tắm nơi hàng cột quảng trường thánh Phêrô

Cái lược của Gangaweera

Ngày càng có thêm nhiều người đến nhà tắm. Có những khách quen người Ý. Có cả những người Rumani nữa. Một cô bé đội mũ len xám với cái nhìn buồn bã và mất mát ngồi bên cạnh cha mình, một người Tây Ban Nha còn trẻ với đầu tóc khá dài. Cây ghita gác kế bên túi xách của ông. Tên ông là Roberto Carlos. Ông cho biết, ‘Tôi là một người viết nhạc Kitô giáo. Tôi 34 tuổi, đến từ Malaga, và thường chơi nhạc ở bãi đỗ xe Janiculum, nhưng cuộc sống thật gian nan, có các băng cướp ở đó, tôi đã bị đe dọa ….’ Carlos và con gái sống trong một căn nhà bỏ hoang đang đổ nát ở ngoại ô Roma. Ông thường xuyên đến các phòng tắm ở quảng trường thánh Phêrô. Và ông góp ý là ‘Nước cần phải nóng hơn chút nữa.’ Một người châu Á đội mũ đang chờ đến lượt mình. Tên ông là Gangaweera Virkam, 60 tuổi, đến từ Singapore. Ông từng là một giám đốc xuất nhập khẩu, kết hôn với một phụ nữ Ý, và có một con gái. Ông kể rằng, ‘Cách đây 4 năm, họ ném tôi ra đường. Tôi mất mọi thứ. Tôi sống dưới chân cầu Auditorium, ăn những đồ thừa từ một nhà hàng và đôi khi tôi tìm thức ăn trong các thùng rác ở chợ. Nhờ giáo hoàng Phanxicô, mà tôi được đến đây tắm rửa.’ Chúng tôi hỏi xem liệu ông có cắt tóc ở đây không. Ông Gangaweera mỉm cười, cất mũ, để lộ cái đầu hói của mình: ‘Một linh mục có cho tôi cái lược làm quà, nhưng mà tôi biết dùng vào việc gì đây?’

Bàn từ thiện

8giờ 45 phút tối, ở Via Marsala, trạm xe lửa Termini, Roma. Chiếc xe đi từ Vatican đỗ lại gần như cùng lúc với một chiếc màu đỏ trắng. Hàng trăm người vô gia cư đã xếp hàng dài trên vỉa hè bên ngoài sân ga, giữa dòng người đến đi cùng những chiếc xe con và taxi không ngớt. Các đồ quyên tặng của giáo hoàng cùng với đồ của tổ chức từ thiện ABC, một nhóm được lập bởi chi nhánh Roma của Dòng Hiệp sỹ Malta, đều đến tập kết ở đây mỗi tối thứ ba. Trong vài phút, những chiếc bàn bằng nhựa được đặt ra và những thùng đồ ăn nóng sốt được dỡ xuống. Phụ nữ được ưu tiên phục vụ trước. Đây là nguyên tắc lịch sự của người vô gia cư. Mỗi một người được phục vụ một phần mì pasta và một miếng bánh pizza. Có các cốc giấy với phần tráng miệng, rồi còn một hộp cá ngừ, một quả trứng và nửa lít sữa, và cuối cùng là một cốc nước lọc hay nước trái cây. Đêm nay, có được 290 phần ăn cho mọi người nhờ vào sự đóng góp của các tiệm bánh, tiệm mì, các nhà hảo tâm giấu tên nữa. Ở ga xe lửa Tiburtina cũng vậy. Trước quầy từ thiện của các tình nguyện viên, linh mục, giám mục, các vệ binh Thụy Sĩ, và một vài thành viên cấp cao Roma muốn giữ kín tên tuổi, là những cô gái trẻ (nhìn vào bạn chẳng bao giờ đoán được họ sống trên đường phố đâu) và những người già muốn gấp đôi khẩu phần, những thanh niên gốc Phi, và một người Hi Lạp cao tuổi chống nạng. Nhiều người đến lại để nhận thêm phần ăn, có khi đến 3 lần, nhưng những người phục vụ vẫn cho qua. Nhiều người vô gia cư ở đây đã kết thân bạn bè với các tình nguyện viên, giám mục phát chuẩn viên, và một người thế giá thường hay đi với nhóm này, thường đi quanh phát các hộp giấy để làm bàn tạm cho những người ngồi ăn trên nền.

Cánh cửa Nhà nguyện Sistine

Một số người dùng bữa tại ga xe lửa Termini này, cũng đã dự chuyến thăm thú các bảo tàng Vatican hôm 26 tháng 3. Ông Pino, mang chiếc áo dài màu xanh và mũ len, là một trong số 150 người được thăm Nhà nguyện Sistine, nơi tổ chức Mật nghị Hồng y, và được ngắm những bức tranh tường của Michelangelo. Ông nói rằng, ‘Tôi nghĩ là Đức Phanxicô sẽ đến. Thực sự tôi chắc chắn là ngài sẽ đến. Giáo hoàng không đến khi chúng tôi đã ở trong nhà nguyện. Ngài đến trước chúng tôi, và ở đó chờ chúng tôi, ngài chào đón và thăm hỏi từng người trong chúng tôi. Ngài bảo rằng đây là nhà của chúng tôi.’ Không có tấm ảnh chính thức nào, nhưng Đức Phanxicô muốn các du khách vô gia cư và những người đi kèm cứ chụp ảnh tùy thích với điện thoại của mình. Một trong những du khách này quá xúc động ‘ông đưa điện thoại cho giáo hoàng, để có được một bức ảnh do giáo hoàng chụp chứ không phải chụp chung với ngài. Đức Phanxicô không chắc phải chụp thế nào. Ngài nói: ‘Tôi không biết anh dùng cái nào ra sao.’ Đứng trên vỉa hè bên ngoài nhà ga Termini, ông Claudio với chòm râu dài và chiếc túi nhẹ trên vai, xin các tình nguyện viên một quyển Kinh thánh bỏ túi mà Đức Phanxicô tặng cho những người hành hương: ‘Tôi yêu ngài mất thôi!’ Sau khi xong, mọi thứ được gói lại và dọn dẹp nhanh chóng. Những người vô gia cư ra về sau khi mừng nhau lễ Phục Sinh. Còn nhóm từ thiện này, cùng nhau cầu nguyện ngắn cuối buổi và nhận phép lành thay mặt giáo hoàng, trước khi lên xe và rời nhà ga, và trong lòng biết rằng họ đã nhận được nhiều hơn cả những gì họ trao tặng.

Những người vô gia cư Pháp gặp giáo hoàng hôm 22-10-14
Những người vô gia cư Pháp gặp giáo hoàng hôm 22-10-14

 

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Vì tín hữu Kitô Trung Đông

letemps.ch, Michel Danthe, 7 tháng 4-2015

Twitter và Facebook đã xạc cho Công ty Giao thông Vận tải Paris một trận và đã làm cho cơ quan này phải đầu hàng.

Công ty Giao thông Vận tải Paris (RATP) muốn kiểm duyệt bích chương quảng cáo tỏ tình đoàn kết với Kitô hữu ở Trung Đông. Trong một tuần qua, các trang mạng xã hội đã liên tục tấn công và đã làm cho cơ quan này đầu hàng với lý lẽ của họ.

Nếu có một bằng chứng nào nói lên tầm mức hiệu quả của các trang mạng xã hội để làm đầu hàng một cơ quan, một hãng xưởng, một bộ phận quản lý công cộng thì đây là bằng chứng của Công ty Giao thông Vận tải Paris trong mấy ngày vừa qua.

Sự ương ngạnh và vô cảm của công ty này đã phải đầu hàng trước sự phản kháng đồng loạt của các mạng xã hội vì công ty đã kiểm duyệt một bích chương quảng cáo ở trong các trạm ga đường hầm của mình.

Vì tín hữu Kitô Trung Đông

Vào cuối tháng 3, nhóm ca sĩ “Các Linh Mục” nổi tiếng với các băng nhạc thánh kinh của mình sẽ có một buổi trình diễn ở rạp Olympia, Paris. Buổi trình diễn mà họ quyết định dành tiền lời cho các tín hữu Kitô ở Trung Đông. Họ chỉ ghi một hàng chữ khiêm tốn ở dưới tấm bích chương: “Buổi ca nhạc cho các Tín hữu Kitô Trung Đông.”

Theo ý kiến của Công ty Giao thông Vận tải Paris, vì muốn vô tư và giữ tính cách không tôn giáo của công ty mình, nên công ty xóa hàng chữ “Vì các tín hữu Kitô Trung Đông”. Bản tin trên Twitter của họ: “250 bích chương đã được dán trên tường. Chỉ phần có câu ‘Vì các Tín hữu Kitô Trung Đông’ là đã được xóa.”

Ngay lập tức, các trang mạng xã hội bày tỏ sự phẫn nộ. Bảo trợ cho nhóm ca sĩ “Các Linh Mục” là giám mục Michel di Falco Léancri, một trong các giáo sĩ nổi tiếng của nước Pháp, cựu phát ngôn viên Hội đồng Giám mục Pháp và hiện là giám mục địa phận Gap và d’Embrun liên tục công kích Công ty Giao thông trên trang Twittosphère.

Và đến thời điểm Phục Sinh, các chính trị gia, các công dân đủ thành phần can thiệp vào. Nhưng nặng ký nhất là cha xứ Grosjean, giáo xứ Saint-Cyr, người có tài khoản twitter @abbegrosjean rất nặng động đã liên tục tấn công Công ty Giao thông: “NhómRATP phải ngưng tính trung lập tội lỗi của mình… và phải đi ra khỏi sự im lặng của mình!” “Rất hiếm khi có một sự đồng ý hoàn toàn như vậy để tố cáo một quyết định sai lầm…”

Chỉ còn thiếu lời kêu gọi của nghị sĩ Jean-Luc Mélenchon, cuối cùng ông viết trên trang Facebook của mình: “Trước hết, tôi phản ứng chậm. Nhưng tôi sẽ giận tôi nếu tôi không phản ứng (…) Lý do là RATP muốn bảo vệ tính giáo dân. Nhưng theo tôi, bích chương này không có gì đụng đến tính trung lập của giáo dân…”

Nhưng tiếng kèn chặn được tất cả mọi tranh luận trên các trang mạng là câu Tweet của Thủ tướng Pháp, ông Manuel Valls. Sáng thứ hai 6 tháng 4, ông viết: “Xin ngưng các tranh luận vô bổ! Chúng ta hãy hỗ trợ cho các tín hữu Trung Đông, nạn nhân  của sự kinh hoàng ngu dốt. Công ty Giao thông Vận tải phải đảm đương trách nhiệm của mình.”

Chỉ còn chờ sự ăn năn hối cải của Công ty Giao thông Vận tải Paris, lần này cũng trên Twitter – lại Twitter! –và Thượng nghị sĩ Môi sinh Jean-Vincent Placé viết: “Cám ơn ơn nhóm @GroupeRATP và giám đốc #pierremongin vừa gọi cho tôi: hàng chữ Tín hữu Kitô Trung Đông #ChretiensdOrient sẽ được ‘phục sinh’ trên các bích chương.”

Chỉ còn 140 ký tự (giới hạn số chữ trên trang Twitter) mà Công ty Giao thông Vận tãi phải tự viết lấy! Công ty này cần phải đi theo Giám mục địa phận Gap và Embrun, cha xứ giáo xứ Saint-Cyr, @proteus2013 hay @abbegrosjean!

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

Đức Phanxicô có tượng bằng sáp ở Viện bảo tàng Sáp Grévin, Paris

lacroix-com, 2-4-2015

Đức Phanxicô có tượng bằng sáp ở Viện bảo tàng Sáp Grévin, Paris

Theo truyền thống riêng của mình, Viện bảo tàng Sáp Grévin đã khánh thành bức tượng bất tử của Đức Phanxicô ngày 2 tháng 4 tại nhà thờ Notre-Dame, Paris.

Tượng đứng với nét mặt mặt tươi cười và ngón trỏ đưa lên, mặc áo giáo hoàng trắng, mang nhẫn giáo hoàng: đó là chân dung bức tượng bằng sáp của Đức Phanxicô được trưng ở chân nhà thờ Đức Bà, Paris ngày 2 tháng 4 dưới sự hiện diện của linh mục Patrick Jacquin, cha phụ trách Nhà thờ Đức Bà. Bức tượng sẽ được đưa về Viện bảo tàng trong cùng chiều.

Viện bảo tàng cho biết, “Từ khi thành lập viện vào năm 1882 đến nay, viện bảo tàng Grévin có truyền thống tạc tượng các giáo hoàng, các ngài là một trong những người đại diện cho hòa bình trên thế giới. Giáo hội Pháp và Vatican đã đồng ý để cho phép làm”.

“Đây là giáo hoàng mà các tín hữu trong cũng như ngoài Kitô giáo yêu chuộng. Chúng tôi đã trình mẫu chân dung ngài cho tòa tổng giám mục Paris. Tòa tổng giám mục cung cấp cho chúng tôi các chi tiết và đã phê chuẩn. Các hình ảnh được gởi đến Vatican và Đức giáo hoàng đã chấp nhận”, bà Béatrice de Reyniès, giám đốc tổ chức Grévin Quốc tế cho biết.

Sáu tháng làm việc

Để thực hiện bức tượng bằng sáp này, xưởng Grévin đã làm việc dựa trên các tài liệu và các bức hình. Nhà điêu khắc Pooneh Aziminejadi, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Téhéran và hơn 15 nghệ sĩ của Viện bảo tàng đã làm việc trong vòng 6 tháng.

Để mừng ngày đưa bức tượng Đức Phanxicô vào Viện bảo tàng, Viện  đã tặng Cứu trợ Công giáo 150 thiệp mời.

Viện bảo tàng Grévin tọa lạc trên đường Grands Boulevards, Paris, hàng năm có 800 000 người đến thăm thuộc đủ mọi thế hệ. Viện nổi tiếng với công việc làm tỉ mỉ, chính xác theo đặc nét của nhân vật như màu da, cử chỉ, hoàn hảo đến mức nhìn như “thật”.

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

Tìm Phục Sinh ở đâu

Tìm Phục Sinh ở đâu

Ronald Rolheiser, 06 Tháng Tư 2015

Có những điều cần đến sự đóng đinh nhục hình. Tất cả mọi sự tốt đẹp, đến tận cùng đều bị đem ra thí tội và bị đóng đinh. Như thế nào? Bởi quy luật lạ lùng ngược đời bẩm tại trong đời sống con người này, mà luôn luôn có một ai đó hay một sự gì đó không thể ở yên, nhưng vì những lý lẽ của bản thân nó, phải đi truy lùng và tấn công những sự thiện tốt lành. Những gì tốt lành, những gì từ Thiên Chúa mà ra, luôn luôn có lúc bị hiểu lầm, bị ganh tị, thù ghét, truy đuổi, buộc tội, và cuối cùng là treo lên thập giá. Mọi phần thân thể Chúa Kitô chắc chắn chịu cùng số phận như Ngài: chịu chết vì bị hiểu lầm, vì sự ngu dốt và ghen tỵ.

Nhưng có một mặt khác nữa: Cuối cùng Phục Sinh luôn luôn chiến thắng nhục hình. Những gì tốt lành chiến thắng. Do đó, dù Thiên Chúa không trốn tránh nhục hình, nhưng thân xác Chúa Kitô không ở trong mồ quá lâu. Thiên Chúa luôn luôn lăn tảng đá mồ ra, và đủ sớm để cho sự sống mới trỗi dậy, qua đó chúng ta thấy được vì sao đời sống bình thường của mình phải chịu nhục hình. (Không phải là Chúa Kitô phải chịu đau khổ và phải chết hay sao?) Sau nhục hình, chắc chắn là Phục Sinh. Tất cả mọi thân xác chịu nhục hình sẽ trỗi dậy. Hi vọng của chúng ta phát xuất từ đó.

Nhưng là như thế nào? Chúng ta thấy được sự phục sinh này ở đâu? Làm sao chúng ta cảm nghiệm được phục sinh sau nhục hình?

Kinh thánh rất khéo léo, dù rất rõ ràng, về điều này. Chúng ta nghĩ là có thể cảm nghiệm phục sinh ở đâu? Tin mừng cho chúng ta biết rằng, vào tảng sáng phục sinh, các phụ nữ theo Chúa Giêsu, đã lên đường viếng mộ, mang theo dầu thơm để xức xác Ngài. Một ý định tốt nhưng lầm, những gì họ thấy không phải là xác chết, nhưng là ngôi mộ trống, và thiên thần đứng đó hỏi họ rằng: ‘Tại sao các bà lại tìm người sống giữa cõi chết? Hãy lên đường đến Galilee và các bà sẽ thấy Ngài ở đó!’

Hãy đến Galilee. Tại sao là Galilee? Galilee nào đây? Và làm sao để đến đó?

Trong tin mừng, Galilee không đơn thuần là một địa điểm địa lý, một vị trí trên bản đồ. Mà trên hết, Galilee là một nơi trong lòng người. Cũng thế, Galilee là giấc mơ và con đường môn đệ mà các môn đệ của Chúa Giêsu từng đi với Ngài, và cũng là nơi chốn thời điểm khi lòng họ bừng bừng hi vọng và nhiệt tình. Giờ đây, sau khi Chúa chịu đóng đinh, khi họ thấy giấc mơ của mình đã chết, khi đức tin của họ chỉ còn là ảo tưởng, thì họ lại được bảo hãy đi về nơi tất cả mọi sự khởi đầu: ‘Hãy đi về Galilee. Ngài sẽ gặp các bạn ở đó!’

Và họ về lại Galilee, cả về mặt địa lý và cả về một nơi đặc biệt trong lòng họ từng một thời cháy bỏng giấc mơ môn đệ Chúa. Và như lời đã hứa, Chúa Giêsu hiện ra với họ. Ngài không giống chính xác như Ngài trước đây, hay như những gì họ muốn, nhưng Ngài hiện ra, Ngài không chỉ là một bóng ma hay một ký ức. Chúa Kitô hiện ra với họ sau phục sinh, theo một phương thức khác, nhưng Ngài đủ hữu hình thể lý để ăn cá trước mặt họ, đủ thực để họ chạm đến, và đủ quyền năng để biến đổi cuộc đời họ mãi mãi. Đến tận cùng, đây chính là những gì mà sự phục sinh muốn ở chúng ta: Hãy về lại Galilee, về lại với giấc mơ, hi vọng và tình môn đệ từng một thời thổi bừng chúng ta, nhưng giờ đã mất đi vì vỡ mộng.

Điều này cũng tương đồng với chuyện trên đường Emmaus, khi hai môn đệ từ bỏ Jerusalem với gương mặt u ám. Và từ câu chuyện này chúng ta có thể rút ra một linh đạo trọn vẹn: Với thánh Luca, Jerusalem nghĩa là giấc mơ, là hi vọng và là trung tâm lòng đạo, nơi khởi đầu và cực điểm của mọi sự. Và các môn đệ đang ‘rời bỏ’ nơi này, từ bỏ giấc mơ của mình, hướng về Emmaus (một khu nghỉ dưỡng của người La Mã thời đó), hướng về một nơi tiện nghi phàm tục, một Las Vegas hay Monte Carlo. Do giấc mơ của họ đã bị đóng đinh nhục hình, nên cũng dễ hiểu khi các môn đệ nản lòng và rời xa giấc mơ đó, hướng đến một khuây khỏa phàm tục, trong sự tuyệt vọng: ‘Nhưng chúng ta đã từng hi vọng!’

Họ không bao giờ đến Emmaus. Chúa Giêsu hiện ra với họ trên đường, từ sự vỡ mộng Ngài dựng lại hi vọng trong họ, và đưa họ về lại Jerusalem.

Đây là một trong những thông điệp căn bản nhất của Phục Sinh: Bất kỳ lúc nào chúng ta nản lòng trong đức tin, bất kỳ lúc nào hi vọng dường như bị đóng đinh giết chết, thì chúng ta cần về lại Galilee và Jerusalem, nghĩa là về lại giấc mơ và con đường môn đệ mà chúng ta từng mang trong lòng trước khi mọi thứ tưởng như sụp đổ. Bất kỳ lúc nào chúng ta thấy dường như nước trời không có thực, tất nhiên sẽ có cám dỗ từ bỏ cương vị môn đệ để chạy đến sự khuây khỏa phàm tục, hướng đến Emmaus, để được giải khuây nhờ Las Vegas hay Monte Carlo.

Nhưng, chúng ta biết, mình không bao giờ đến Las Vegas hay Monte Carlo. Bằng cách này hay cách khác, Chúa Kitô luôn luôn gặp chúng ta khi chúng ta đang trên đường đến đó, Ngài đào sâu tâm hồn chúng ta, giải nghĩa những nhục hình cho chúng ta hiểu, và đưa chúng ta về lại cương vị môn đệ mà chúng ta đã từ bỏ. Một khi đến đó, tất cả mọi sự lại có ý nghĩa.

road-to-emmaus-zund

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Hãy để Phục Sinh chiếm ngự và biến đổi đời sống chúng ta

Hôm thứ hai sau chúa nhật Phục Sinh, Giáo hoàng Phanxicô đã đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, và cùng với những người hành hương trên quảng trường thánh Phêrô hô vang nồng nhiệt ‘Chúa Kitô phục sinh!’

Đức Phanxicô nói rằng, ‘Trong Ngài, qua phép rửa, chúng ta được phục sinh, chúng ta đã đi qua sự chết đến với sự sống, từ kiếp nô lệ của tội lỗi đến tự do của yêu thương.

Đây là Tin mừng mà chúng ta được kêu gọi hãy đem đến cho những người khác, trong mọi môi trường sống., nhờ sức đẩy của Thần Khí.

Đức tin vào sự phục sinh của Chúa Giêsu và hi vọng Ngài đã mang lại chúng ta, chính là món quà ban đẹp nhất mà một Kitô hữu có thể và phải trao tặng cho anh chị em mình

Do đó, từng người và tất cả các bạn, đừng mệt mỏi khi lặp lại rằng: ‘Chúa Kitô phục sinh.” Và giáo hoàng mời mọi người hãy cùng với ngài hô to câu này 3 lần vang dội cả quảng trường.

20728_972585862753018_6306849307517319383_nGiáo hoàng Phanxicô nói rằng Tin mừng Phục Sinh phải được ‘chiếu tỏa trên gương mặt chúng ta, trong cảm nhận, trong hành xử của chúng ta, và trong cách chúng ta đối đãi với người khác.

Chúng ta tuyên xưng Chúa Kitô phục sinh khi ánh sáng của Ngài chiếu rạng soi sáng những thời khắc hiện sinh tăm tối của chúng ta, và chúng ta có thể chia sẻ ánh sáng này với người khác khi chúng ta biết cười với ai đang cười, khóc với người đang khóc, khi chúng ta ở bên những người buồn sầu và đang dần mất đi hi vọng, khi chúng ta kể lại cảm nghiệm Đức Tin của mình cho những người đang tìm kiếm ý nghĩa và hạnh phúc. Và như thế, với thái độ, chứng tá và đời sống của mình, chúng ta nói lên ‘Chúa Giêsu phục sinh’ bằng cả linh hồn mình.’

Giáo hoàng cũng nói đến một sự thật ‘lạ lùng’ là phụng vụ xem Tuần bát nhật Phục Sinh chỉ như là một ngày, để ‘giúp chúng ta đi vào mầu nhiệm’ của đại lễ.

Đức Phanxicô kết thúc bằng lời nhắc nhở và mời gọi mọi người rằng: ‘Hãy để Phục Sinh chiếm ngự và biến đổi đời sống chúng ta.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Vatican Radio Eng

Đừng ‘nín thinh’ trước những Kitô hữu bị bách hại

Vatican Radio 06/4

Cộng đồng Shalom tại Quảng trường thánh Phêrô hôm 06-4-15
Cộng đồng Shalom tại Quảng trường thánh Phêrô hôm 06-4-15

Hôm thứ hai, 06-4, Giáo hoàng Phanxicô bày tỏ hi vọng rằng cộng đồng thế giới đừng đứng nhìn, ‘nín thinh và thu động’ trước ‘tội ác không thể chấp nhận’ là việc đàn áp ngược đãi các Kitô hữu khắp thế giới

Đây là những lời của Đức Thánh Cha nói với Cộng đồng Shalom, vào cuối buổi kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng. Cộng đồng Shalom đã tài trợ cho một cuộc thi chạy với đích đến là Quảng trường thánh Phêrô, để thể hiện tình đoàn kết và gây nhận thức dành cho các Kitô hữu bị bách hại.

Giáo hoàng Phanxicô nói rằng:

‘Đường chạy của các bạn đã xong, nhưng điều mà tất cả mọi người cần phải tiếp tục chính là hành trình cầu nguyện, cầu nguyện mãnh liệt, và góp phần cụ thể cũng như giúp sức thực sự để lên tiếng và bảo vệ các anh chị em của chúng ta, những người đang bị đàn áp, trục xuất, giết hại, chặt đầu, vì một lý do duy nhất rằng họ là người Kitô hữu.

Họ là các vị tử đạo thời nay, và có rất nhiều vị tử đạo như vậy. Chúng ta có thể nói rằng con số tử đạo thời nay còn hơn cả thế kỷ I thời tiên khởi.

Tôi chân thành hi vọng rằng cộng đồng quốc tế đừng ngoảnh mặt làm ngơ.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Bài mới nhất