Georg Gänswein: “Với Đức Phanxicô, không bao giờ thiếu ngạc nhiên”

661

Georg Gänswein: “Với Đức Phanxicô, không bao giờ thiếu ngạc nhiên”

Elisabetta Piqué, La Nacion, 29-3-2015

Đức giám mục Georg Gänswein, thư ký riêng của Đức Bênêđictô XVI và là người theo Đức Phanxicô như hình với bóng trong cương vị Chủ tịch Phủ  Giáo Hoàng, cha mỉm cười khi nhớ lại mình bị cho là “George Clooney của Vatican”.

Năm nay 58 tuổi, cha sinh ra ở Riedern am Wald, Đức, là thể thao gia cừ khôi và khi có thì giờ, cha đến vùng núi Abruzzo, nước Ý. Cha Gänswein gặp Đức giáo hoàng gần như mỗi ngày. Cha đi theo ngài mọi nơi, trong nội địa Ý cũng như ra nước ngoài. Cha không tiếc lời khen ngợi ngài nhưng nhận thấy Đức Jorge Bergoglio có một cái gì khá phức tạp. “Rất nhiều ngạc nhiên trong hành động, thay đổi, bất ngờ vào phút cuối cùng, những chuyện này lúc nào cũng là những chuyện khó khăn,” cha cho biết.

Trong cuộc phỏng vấn kéo dài một giờ, cha Gänswein trả lời không dè dặt tất cả các câu hỏi. Cha cho biết mình ngưỡng mộ khả năng làm việc phi thường của Đức Phanxicô, trong cách ngài tương quan với người khác và thời gian ngài dành ra để cầu nguyện.

Cha cũng cho biết về một số vấn đề liên quan đến việc cải cách và cũng đã dám nói lên về bài phát biểu mạnh mẽ của Đức Giáo Hoàng tháng 12 năm ngoái, khi ngài đề cập đến 15 căn bệnh của Giáo triều.

Cha cho rằng, cáo buộc Đức Phanxicô là mị giáo dân và làm mất đi tính thiêng liêng của chức giáo hoàng của các thành phần bảo thủ cực đoan là “vô căn cứ.”

Tương quan giữa cha và Đức Phanxicô như thế nào?

Rất thân mật và được cải tiến mỗi ngày. Mới đầu không ai biết tôi, có thể qua một vài hình ảnh không được được thuận lợi của tôi trong vụ rò rỉ tin tức Vatileaks. Nhưng có một điều là phải phân biệt giữa hình ảnh được tạo ra và hình ảnh trong thực tế. Và khi làm việc chung, tự nhiên sẽ có một tinh thần hợp tác và làm việc nhóm được tạo ra.

Có khó khăn cho cha khi cha quen làm việc với một Giáo hoàng Đức, và bây giờ làm việc với một Giáo hoàng Argentina rất giản dị, người không quen với các hình thức nghi lễ không?

Các thay đổi sâu sắc nhất đối với tôi là do cương vị: từ chỗ chỉ là thư ký riêng của Đức Bênêđictô XVI qua chức vụ Chủ tịch phủ Giáo hoàng trong Giáo triều Đức Phanxicô. Đó là một thách thức lớn không chỉ về công việc, nhưng trong phong cách. Mỗi giáo hoàng có dấu ấn riêng, có phong cách đặc trưng của mình. Đương nhiên là với một người đã quen theo một cách nào đó, bây giờ phải thay đổi thì phải cố gắng theo đường hướng mới.

Làm thế nào để cha sống trong hai phương cách này để phục vụ hai giáo hoàng, một tại chức, một về hưu? Cha có thấy mình bị chia đôi?

Hoàn toàn không. Chắc chắn, trước tiên hết là phải làm quen với thực tế mới của một đương kim giáo hoàng và của giáo hoàng danh dự. Tôi chưa bao giờ nghi ngờ nhiệm vụ đầu tiên của tôi là phục vụ Đức Phanxicô. Và sau đó là phục vụ Đức Bênêđictô XVI. Những tháng đầu tiên, tôi phải làm việc với chính bản thân mình. Nhưng sau một thời gian, tôi đã tìm được đúng cách để gần với mỗi người.

Trong hai năm qua, ảnh hưởng của Đức Phanxicô lớn nhất ở khía cạnh nào?

Trên khía cạnh con người, khả năng làm việc, vì trong chiều hướng này, đây là một hiện tượng phi thường, một người 78 tuổi, quan tâm đến từng người trong các gặp gỡ hàng ngày. Trên khía cạnh thiêng liêng: đời sống thiêng liêng cầu nguyện. Như chúng ta đã biết, ngài dậy rất sớm để chiêm niệm và chuẩn bị dâng thánh lễ. Tác động nhất quán giữa công việc của một đời sống rất bận rộn với thì giờ ngài dành ra để cầu nguyện, có nghĩa là đời sống chiêm niệm. Linh đạo Inhã được thực hiện rõ rệt ở đây.

Cái gì làm cha thích nhất ở Đức Phanxicô và cái gì làm cha thấy khó khăn nhất ở ngài?

Đặc biệt tôi thích nhất là khả năng ngài gần với mọi người. Chữ “gặp gỡ” và “thương xót” trở thành những chữ chính trong triều giáo hoàng của ngài và điều này áp dụng cho những người lớn nhất trên thế giới cũng như cho những người “nhỏ nhất”, người tàn tật, người ốm đau. Đây là điều mà tôi ngưỡng mộ và mang lại cho tôi sự khích lệ. Điều gây một ít khó khăn là các bất ngờ trong hành động, những thay đổi giờ chót khi nào cũng có … Chính ngài cũng nói đùa về các hình thức nghi lễ và nạn “quan liêu” của Vatican… Nhưng gạt các câu nói đùa sang một bên, tôi nghĩ Đức Phanxicô rất tôn trọng nghi lễ và tất cả những ai làm việc trong lĩnh vực này đều muốn muốn phục vụ và giúp đỡ ngài trong sứ vụ Thánh Phêrô của ngài.

Cha đã làm việc chặt chẽ với hai giáo hoàng: cha đã học được gì từ mỗi người?

Cả hai tôi điều học được một điều rất quan trọng, đó là: tình yêu đối với Chúa và đối với Giáo Hội. Là thư ký riêng của Đức Bênêđictô XVI, tôi học được tính thanh thản để đối diện với những thách thức hàng ngày, một cách dũng cảm và trung thực, không sợ bất cứ điều gì và bất cứ ai. Còn với Đức Phanxicô thì tôi học để nhìn về phía trước, mở ra với những vấn đề mới. Kinh nghiệm của những vùng ngoại vi mà ngài hay nói, có một cái gì khác với kinh nghiệm của Giáo hội chúng tôi có ở Đức, ở Ý và phần còn lại của châu Âu.

Cha nghĩ là quá tập trung vào Vatican?

Có thể là … Rõ ràng là kinh nghiệm cá nhân của mỗi giáo hoàng đều liên quan đến triều giáo hoàng và cách cai quản Giáo hội.

Sau hai năm triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, người ta nói về sự kháng cự cải cách giáo triều. Cha có cảm nhận được sự kháng cự này hay sự khó chịu trong giáo triều?

Lúc đầu họ nói về một chút quá “cải cách” của giáo triều và không biết công việc hàng ngày của mình trong việc phục vụ giáo hoàng. Sau hai năm thì đã giảm các lời nói và các mong chờ. Chắc chắn, có một số điều cần cải thiện, nhưng không phải bắt đầu lại từ đầu. Sự tăng trưởng một cây luôn cần được cắt tỉa. Về vấn đề này, tôi thấy không có sự kháng cự nhưng một cái nhìn thực tế hơn về mọi thứ. Thành thật mà nói, tôi cũng phải nói rằng quý vị cũng sẽ cảm thấy khó chịu về một số điều trong tiến độ cải cách. Thay đổi duy nhất cho đến nay là đã tạo ra một cơ quan mới, đó là Bộ Kinh tế và Hội đồng Kinh tế.

Trong Cuộc phỏng vấn gần đây với Đài truyền hình Televisa, Đức giáo hoàng gần như công kích giáo triều, bằng cách xem nó như là tòa án cuối cùng ở châu Âu. Cha có thấy như vậy không?

“Ở châu Âu, vẫn còn có các tòa án hoàng gia đích thực: Tây Ban Nha, Anh, Đan Mạch, Hà Lan, vv … Năm 1968, Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI với sắc chỉ Pontificalis Domus bãi bỏ các tòa án của Giáo Hoàng và tạo ra Nhà giáo hoàng, thay đổi sâu sắc bản chất của nó. Cuốn được tòa án Vatican … tại sao lại ngạc nhiên vì đó là lời tuyên bố của Đức Phanxicô.

Bài diễn văn cuối năm 2014 của Đức Phanxicô về 15 căn bệnh của Giáo triều có quá nghiêm khắc không?

Đó là một bài diễn văn làm cho mọi người ngạc nhiên, một bài diễn văn mạnh. Đây là cơ hội để tự nhìn lại mình và tôi đã làm. Tuy nhiên, tôi sợ những lời này sẽ tác động trên các cộng tác viên thân cận nhất: một bên là giáo hoàng tốt, bên kia là bệnh của giáo triều, tham nhũng. Nhưng ở đâu có bệnh, ở đó có thuốc giải độc!

Các thành phần bảo thủ cực đoan chỉ trích Đức Phanxicô không sống ở Dinh Tông Tòa, nghĩ rằng ngài mị dân và làm cho hình ảnh giáo hoàng mang tính thế tục …

Họ chỉ trích không dựa trên một nền tảng nào. Đức Phanxicô không đến các vùng ngoại vi để nhận các tràng pháo tay, ngài không vào nhà tù để được giáo dân yêu mến hơn, thật là vô lý khi nghĩ như vậy. Còn với cách sống của ngài, tôi nhớ lại một trong những câu nói đầu tiên của ngài sau khi nhậm chức là: “Tôi đã 76 tuổi, tôi không thay đổi cuộc sống của tôi.” Cuộc sống hồi đó như thế nào thì bây giờ như vậy. Tôi gặp ngài mỗi ngày. Tôi nghĩ rằng, cuối cùng, thật là phi lý khi nói có sự mạo phạm về hình ảnh của Đức Thánh Cha. Ai chỉ trích thì chỉ trích, đây là hình ảnh thực tế của giáo hoàng. Chỉ cần nhìn vào lịch sử của các giáo hoàng và nhiều thay đổi bên ngoài, vì nhiều lý do khác nhau, nhưng những gì còn lại vẫn là không thay đổi và không thể đảo ngược bản chất lời hứa của Chúa đối với Thánh Phêrô…

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch