Từ phòng tắm cho đến bữa ăn nóng ở ga xe lửa Termini – Hành động nhân đạo của Giáo hoàng

597

Các giáo xứ và hiệp hội đã luôn giúp đỡ những người ngoài rìa xã hội. Bây giờ Đức Phanxicô mở cửa Nhà nguyện Sistine cho những người vô gia cư. Chúng ta hãy cùng nhau điểm qua một ngày ở những địa điểm từ thiện này.

Vatican Insider – Andrea Tornielli – 04/ 3/2015

Chúng tôi ở Vatican lúc 8h sáng, và chỉ cách Cổng thánh Anne vài mét là một chiếc Fiat Ducato màu xám. Chiếc xe chứa đầy thực phẩm đóng hộp, sữa, nước trái cây, thùng bánh bàn chải và kem đánh răng. Trước khi lên xem, nhóm nhỏ này cùng nhau đọc kinh Lạy Cha. Có 2 giám mục, một người vừa được bổ nhiệm nhưng chưa được tấn phong – cùng với một số nữ tu và 5 vệ binh Thụy Sĩ ngoài giờ làm việc, vận đồ jeans. Họ chuẩn bị dành cả ngày với phần khuất nhất của Roma, là những người vô gia cư ‘vô hình’. Giáo hội, và các giáo xứ cũng như các hiệp hội ở Roma, cùng với Cộng đồng Sant’Egidio, đã luôn luôn cố giúp đỡ người nghèo và đã không ngừng làm việc này theo nhiều cách khác nhau. Nhưng bây giờ, những người nghèo đang là trung tâm chú tâm của tất cả mọi người, các khởi xướng đang ngày một nhiều và ngày càng nhiều người làm từ thiện. Giáo hoàng Phanxicô không chỉ mở các phòng tắm cho người vô gia cư ở dưới các chân cột nơi quảng trường thánh Phêrô, mà còn nhờ họ phân phát các sách Tin mừng nhỏ, hay các tập sách cầu nguyện cho những người hành hương trong các buổi kinh Truyền tin ngày chúa nhật. Và ngài đã mời họ đến thăm Nhà nguyện Sistine, đích thân chào đón và khẳng định với họ rằng: ‘Đây là nhà của các bạn!’

Các nhà tắm dưới chân hàng cột

12giờ 10phút, phía bên phải hàng cột, đối diện vương cung thánh đường thánh Phêrô. Hôm nay là một ngày sáng trời, đã vào Tuần Thánh, nhưng vẫn có nhiều đám đông du khách ở quảng trường thánh Phêrô và quanh đó, cho dù không có nghi lễ nào đang diễn ra. Một nhóm hành hương khác đến một góc không khuất chút nào. Họ mang túi đeo vai, tóc dài, và áo quần xơ xác. Họ ngồi trên các ghế nhựa và ghế băng bằng sắt trong một phòng chờ dã chiến. Họ đang chờ đến lượt mình để vào dùng 1 trong 3 phòng tắm mà Đức Phanxicô đã xây dựng cho họ bên trong các nhà vệ sinh cho những người hành hương đến viếng vương cung thánh đường. Khoảng hơn 80 người vô gia cư đến đây tắm rửa mỗi ngày. Và theo giám mục Krajewski, phát chuẩn viên của giáo hoàng, người tổ chức hoạt động tình nguyện này, thì có lúc con số lên gấp đôi. Hôm thứ ba, là đến lượt phục vụ của Unitalsi, Liên hiệp Quốc gia Ý vận chuyển người bệnh đến Lộ Đức và các Đền thánh trên thế giới. Những tình nguyện viên này không cần được biết tên, không muốn chụp ảnh. Một vài tình nguyện viên chào đón các khách và đưa cho họ khăn tắm, đồ lót sạch theo kích cỡ và một bộ đồ dùng tắm gội đầy đủ, với sữa tắm, dầu gội và dao cạo râu dùng một lần. Khi những người vô gia cư đã tắm gội xong, và ra về, còn được nhận một gói đồ ăn nhẹ. Các tình nguyện viên khác chùi rửa phòng tắm sau khi sử dụng. Đây không phải là các phòng tắm sang trọng, nhưng hiện đại và tươm tất chỉnh chu. Sau lưng phòng tắm là một hiệu cắt tóc nhỏ. Một thợ tóc vừa cắt xong cho một thanh niên với cánh tay có hình xăm và đeo khuyên tai. Ông và các thợ tóc khác thay nhau để bảo đảm cho khoảng hơn 40 người vô gia cư được cắt cạo mỗi ngày. Ông cũng không muốn tiết lộ danh tính của mình. ‘Tôi bắt đầu làm việc ở tiệm tóc của cha mình lúc mới 10 tuổi. Tôi đã làm thợ cắt tóc cho nghị viện được hơn 30 năm rồi. Bây giờ tôi cắt tóc cho những người vô gia cư ở quảng trường thánh Phêrô, Họ không phải lúc nào cũng tắm rửa trước … Và tôi cố hết sức để làm họ thấy hạnh phúc, bởi họ cũng có kiểu đầu mong muốn của mình,.’

Gregorio, người vô gia cư gốc Ba Lan, hôn ảnh giáo hoàng sau khi được cắt tóc ở các nhà tắm nơi hàng cột quảng trường thánh Phêrô
Gregorio, người vô gia cư gốc Ba Lan, hôn ảnh giáo hoàng sau khi được cắt tóc ở các nhà tắm nơi hàng cột quảng trường thánh Phêrô

Cái lược của Gangaweera

Ngày càng có thêm nhiều người đến nhà tắm. Có những khách quen người Ý. Có cả những người Rumani nữa. Một cô bé đội mũ len xám với cái nhìn buồn bã và mất mát ngồi bên cạnh cha mình, một người Tây Ban Nha còn trẻ với đầu tóc khá dài. Cây ghita gác kế bên túi xách của ông. Tên ông là Roberto Carlos. Ông cho biết, ‘Tôi là một người viết nhạc Kitô giáo. Tôi 34 tuổi, đến từ Malaga, và thường chơi nhạc ở bãi đỗ xe Janiculum, nhưng cuộc sống thật gian nan, có các băng cướp ở đó, tôi đã bị đe dọa ….’ Carlos và con gái sống trong một căn nhà bỏ hoang đang đổ nát ở ngoại ô Roma. Ông thường xuyên đến các phòng tắm ở quảng trường thánh Phêrô. Và ông góp ý là ‘Nước cần phải nóng hơn chút nữa.’ Một người châu Á đội mũ đang chờ đến lượt mình. Tên ông là Gangaweera Virkam, 60 tuổi, đến từ Singapore. Ông từng là một giám đốc xuất nhập khẩu, kết hôn với một phụ nữ Ý, và có một con gái. Ông kể rằng, ‘Cách đây 4 năm, họ ném tôi ra đường. Tôi mất mọi thứ. Tôi sống dưới chân cầu Auditorium, ăn những đồ thừa từ một nhà hàng và đôi khi tôi tìm thức ăn trong các thùng rác ở chợ. Nhờ giáo hoàng Phanxicô, mà tôi được đến đây tắm rửa.’ Chúng tôi hỏi xem liệu ông có cắt tóc ở đây không. Ông Gangaweera mỉm cười, cất mũ, để lộ cái đầu hói của mình: ‘Một linh mục có cho tôi cái lược làm quà, nhưng mà tôi biết dùng vào việc gì đây?’

Bàn từ thiện

8giờ 45 phút tối, ở Via Marsala, trạm xe lửa Termini, Roma. Chiếc xe đi từ Vatican đỗ lại gần như cùng lúc với một chiếc màu đỏ trắng. Hàng trăm người vô gia cư đã xếp hàng dài trên vỉa hè bên ngoài sân ga, giữa dòng người đến đi cùng những chiếc xe con và taxi không ngớt. Các đồ quyên tặng của giáo hoàng cùng với đồ của tổ chức từ thiện ABC, một nhóm được lập bởi chi nhánh Roma của Dòng Hiệp sỹ Malta, đều đến tập kết ở đây mỗi tối thứ ba. Trong vài phút, những chiếc bàn bằng nhựa được đặt ra và những thùng đồ ăn nóng sốt được dỡ xuống. Phụ nữ được ưu tiên phục vụ trước. Đây là nguyên tắc lịch sự của người vô gia cư. Mỗi một người được phục vụ một phần mì pasta và một miếng bánh pizza. Có các cốc giấy với phần tráng miệng, rồi còn một hộp cá ngừ, một quả trứng và nửa lít sữa, và cuối cùng là một cốc nước lọc hay nước trái cây. Đêm nay, có được 290 phần ăn cho mọi người nhờ vào sự đóng góp của các tiệm bánh, tiệm mì, các nhà hảo tâm giấu tên nữa. Ở ga xe lửa Tiburtina cũng vậy. Trước quầy từ thiện của các tình nguyện viên, linh mục, giám mục, các vệ binh Thụy Sĩ, và một vài thành viên cấp cao Roma muốn giữ kín tên tuổi, là những cô gái trẻ (nhìn vào bạn chẳng bao giờ đoán được họ sống trên đường phố đâu) và những người già muốn gấp đôi khẩu phần, những thanh niên gốc Phi, và một người Hi Lạp cao tuổi chống nạng. Nhiều người đến lại để nhận thêm phần ăn, có khi đến 3 lần, nhưng những người phục vụ vẫn cho qua. Nhiều người vô gia cư ở đây đã kết thân bạn bè với các tình nguyện viên, giám mục phát chuẩn viên, và một người thế giá thường hay đi với nhóm này, thường đi quanh phát các hộp giấy để làm bàn tạm cho những người ngồi ăn trên nền.

Cánh cửa Nhà nguyện Sistine

Một số người dùng bữa tại ga xe lửa Termini này, cũng đã dự chuyến thăm thú các bảo tàng Vatican hôm 26 tháng 3. Ông Pino, mang chiếc áo dài màu xanh và mũ len, là một trong số 150 người được thăm Nhà nguyện Sistine, nơi tổ chức Mật nghị Hồng y, và được ngắm những bức tranh tường của Michelangelo. Ông nói rằng, ‘Tôi nghĩ là Đức Phanxicô sẽ đến. Thực sự tôi chắc chắn là ngài sẽ đến. Giáo hoàng không đến khi chúng tôi đã ở trong nhà nguyện. Ngài đến trước chúng tôi, và ở đó chờ chúng tôi, ngài chào đón và thăm hỏi từng người trong chúng tôi. Ngài bảo rằng đây là nhà của chúng tôi.’ Không có tấm ảnh chính thức nào, nhưng Đức Phanxicô muốn các du khách vô gia cư và những người đi kèm cứ chụp ảnh tùy thích với điện thoại của mình. Một trong những du khách này quá xúc động ‘ông đưa điện thoại cho giáo hoàng, để có được một bức ảnh do giáo hoàng chụp chứ không phải chụp chung với ngài. Đức Phanxicô không chắc phải chụp thế nào. Ngài nói: ‘Tôi không biết anh dùng cái nào ra sao.’ Đứng trên vỉa hè bên ngoài nhà ga Termini, ông Claudio với chòm râu dài và chiếc túi nhẹ trên vai, xin các tình nguyện viên một quyển Kinh thánh bỏ túi mà Đức Phanxicô tặng cho những người hành hương: ‘Tôi yêu ngài mất thôi!’ Sau khi xong, mọi thứ được gói lại và dọn dẹp nhanh chóng. Những người vô gia cư ra về sau khi mừng nhau lễ Phục Sinh. Còn nhóm từ thiện này, cùng nhau cầu nguyện ngắn cuối buổi và nhận phép lành thay mặt giáo hoàng, trước khi lên xe và rời nhà ga, và trong lòng biết rằng họ đã nhận được nhiều hơn cả những gì họ trao tặng.

Những người vô gia cư Pháp gặp giáo hoàng hôm 22-10-14
Những người vô gia cư Pháp gặp giáo hoàng hôm 22-10-14

 

J.B. Thái Hòa chuyển dịch