Home Blog Page 1624

Cậu bé mơ ‘làm linh mục’ một ngày

Tổng Giám mục Robert J. Carlson và Tổ chức Làm Một Điều Ước đã giúp cho một cậu bé sống giấc mơ của mình khi được trải nghiệm, dù chỉ phần nào, cuộc sống của một linh mục trong một ngày.

Cậu bé Brett Haubrich với Tổng giám mục  Carlson
Cậu bé Brett Haubrich với Tổng giám mục Carlson

Eileen Haubrich cho biết rằng con trai cô, Brett, 11 tuổi, khi đến với tổ chức Làm Một Điều Ước, cậu không muốn được đến công viên Disneyland, hay được gặp một người nổi tiếng.

‘Trong nhiều năm qua, con tôi đã yêu mến thánh lễ và rất sốt sắng. Bé có một tâm hồn tốt lành. Là một đứa trẻ rất biết ân cần.’

Vậy nên tổ chức hỏi xem cậu bé muốn làm gì khi lớn lên. Brett nói rằng cậu muốn làm linh mục, hay nếu không là một bác sỹ hay một kỹ sư.

Cậu bé Brett, con thứ hai trong bốn người con của ông bà Conrad và Eileen Haubrich, đã giúp lễ trong nhà thờ giáo xứ và nhà thờ ở trường mình, nhưng ‘làm linh mục trong một ngày’ là một vinh dự đặc biệt mà tổng giám mục Carlson đã làm cho cậu.

Vợ chồng Haubrich kể cho một vài linh mục quen biết về điều ước của con trai họ, và nhiều người đã có những ý tưởng sáng tạo như cho Brett giúp lễ thánh lễ thứ bảy tại nhà thờ chính tòa, hay mời cậu và cha cậu đến ở một đêm trong nhà xứ.

Rồi cha Nick Smith, trưởng ban phụng vụ của nhà thờ chính tòa thánh Luis, cho cậu bé giúp lễ trong thánh lễ Dầu và thánh lễ Tiệc ly hôm thứ năm Tuần Thánh.

Tổng Giám mục Carlson, đứng gần cha Smith khi cha đang gọi điện cho gia đình Haubrich, rất nhiệt tình về ý tưởng này và đã thêm cho cậu một vài điều nữa.

Cha Smith kể về ý tưởng của tổng giám mục rằng,  ‘Đưa cậu bé đến đây này, chúng ta sẽ rửa chân cho cậu.’

Hôm thứ năm tuần thánh, Brett đi trong đoàn rước lễ cùng với các linh mục, phó tế, và chủng sinh trong thánh lễ Dầu. Đến chiều, cậu được rửa chân trong nghi thức của thánh lễ Tiệc ly. Một chủng sinh còn cho cậu mượn một cổ cồn để đeo trong lúc giúp lễ.

Được dự phần trong những thánh lễ này, đặc biệt có ý nghĩa với cậu bé, vốn rất sốt sắng với Phép Thánh Thể.

Cậu trả lời với tờ báo giáo phận rằng, ‘Con thích được rước Mình và Máu Thánh Chúa.’

Tổng Giám mục Carlson cũng mời cậu đến ăn trưa cùng với các linh mục và phó tế sau lễ Dầu, và rồi ăn tối với các chủng sinh tại tòa giám mục.

Khi được hỏi đâu là phần mà cậu bé thích nhất trong ngày, Brett nói rằng,  ‘Các cha thật tinh tế khi cho con làm tất cả những việc này.’

Brett đang mang một khối u não giai đoạn 3. Đội ngũ bác sỹ đã lập trang web GoFundMe để giúp cho gia đình cậu chi trả viện phí.

Cậu bé đang được điều trị xạ trị và hóa trị bởi không thể phẫu thuật não được.

Trang web viết thêm rằng, ‘Cậu là một cậu bé mạnh mẽ cần thêm lời cầu nguyện.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ CNA – 09/4/15

Giáo hoàng tưởng nhớ những người bị giết trong cuộc diệt chủng Armenia và cả trong những cuộc tàn sát thời nay

Đức Phanxicô đã cử hành thánh lễ cầu cho hơn 1triệu rưỡi người Armenia đã bị giết. Ngài nhắc lại 2 ‘bi kịch chưa từng có’ do tay Đức Quốc xã và Stalin, nhắc lại những cuộc thảm sát ở Cambodia, Rwanda, Burundi và Bosnia, cũng như những đau khổ của các Kitô hữu vẫn còn phải chịu ngày nay.

Vatican Insider – Andrea Tornielli – 12/4/15

francis armenia

‘Đáng buồn thay, ngày nay chúng ta cũng nghe thấy những tiếng kêu bị bóp nghẹt và bị bỏ rơi của nhiều anh chị em không có khả năng tự vệ của chúng ta, vì đức tin vào Chúa Kitô hay vì gốc gác dân tộc của mình, mà bị giết chết công khai và tàn bạo, bị chặt đầu, đóng đinh, thiêu sống, hay bị buộc phải rời bỏ quê cha đất tổ.’ Mở đầu thánh lễ cử hành để tưởng niệm 100 năm biến cố Metz Yeghern, ‘Tội ác Khủng khiếp,’ giết hại  1triệu rưỡi người Armenia, do bởi tay Đế chế Ottoman vào năm 1915, Đức Phanxicô nhắc lại rằng các thảm kịch to lớn chưa từng có trong thế kỷ XX, đáng buồn thay vẫn chưa lùi hẳn vào dĩ vãng.

Đức Phanxicô lên tiếng rằng, ‘Ngày nay, chúng ta cũng đang trải qua một dạng diệt chủng cho bởi sự lãnh đạm chung lan rộng, một sự thinh lặng đồng lõa của Cain. Trong thế kỷ trước, gia đình nhân loại đã sống qua 3 bi kịch khủng khiếp chưa từng có. Đầu tiên là vụ được xem như ‘cuộc diệt chủng đầu tiên trong thế kỷ XX’ đã đánh vào người dân Armenia, quốc gia Kitô giáo đầu tiên, cũng như người Công giáo và Chính thống ở Syria, Assyri, Chaldea, và Hi Lạp. Các giám mục và linh mục, các tu sỹ và giáo dân nam nữ, người già và ngay cả trẻ con vô lực và người bệnh cũng bị giết hại.’ Đức Phanxicô đã dùng từ ‘diệt chủng’ để nhắc đến vụ tàn sát người Armenia, dù ngài chỉ dẫn lại lời của vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II trong tuyên bố chung ký với thượng phụ Kakerin II hôm 27 tháng 9 năm 2001 ở Etchmiadzin.

Giáo hoàng tiếp lời rằng, ‘Vẫn còn thêm hai bi kịch nữa do tay Đức Quốc xã và Stalin. Và gần đây còn có các cuộc tàn sát hàng loạt khác nữa, như ở Cambodia, Rwanda, Burundi, và Bosnia. Dường như nhân loại không thể ngăn được việc đổ máu những người vô tội. Dường như nhiệt huyết tăng cao sau khi chấm dứt Thế chiến II đã tàn lụi và giờ tiêu tan đâu mất. Dường như gia đình nhân loại đã không chịu học biết từ những sai lầm khủng bố của mình, nên ngày ngay, vẫn có những người cố gắng trừ khử người khác nhờ sự giúp sức của một số người nữa, cũng như nhờ sự thinh lặng đồng lõa của những người bàng quan đứng nhìn. Chúng ta vẫn chưa học biết được rằng ‘chiến tranh là điên rồ’ là ‘tàn sát vô tri.’

Đức Phanxicô nói với ‘Các tín hữu Kitô Armenia thân mến, ngày hôm nay,với lòng đầy đau đớn, nhưng cũng đầy hi vọng nơi Chúa Phục sinh,chúng ta nhớ lại 100 năm tấn bi kịch này diễn ra, cuộc tàn sát vô tri khủng khiếp mà cha ông các bạn đã phải hứng chịu. Cần phải, và thực sự là trách nhiệm phải, tôn vinh ký ức về họ, bởi bất kỳ lúc nào ký ức phai mờ, thì ma quỷ sẽ cho các vết thương mưng mủ. Giấu diếm hay chối bỏ sự dữ, thì cũng như cứ để vết thương đổ máu mà không chịu băng bó lại vậy!’

Trong bài giảng, Giáo hoàng Phanxicô thêm rằng, ‘đối diện với những bi kịch trong lịch sử nhân loại, chúng ta nhiều lần thấy chấn động, tự hỏi mình, “Tại sao?’ Sự dữ của nhân loại có thể xuất hiện trong thế giới như một hố thẳm, một trống rỗng: không có tình yêu, không có sự lành, không có sự sống. Và rồi chúng ta hỏi nhau: làm sao để lấp đầy trống rỗng này đây? Với chúng ta, điều này không thể được, chỉ Thiên Chúa mới có thể lấp đầy sự trống rỗng vốn cưu mang sự dữ trong lòng chúng ta và trong lịch sử nhân loại. Chính Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người, đã chết trên thập giá và lấp đầy hố thẳm tội lỗi với chiều sâu của lòng thương xót Ngài.’

Cuối thánh lễ, Giáo hoàng phát một thông điệp tưởng nhớ 100 năm biến cố diệt chủng này. ‘Việc nhắc lại những gì đã xảy ra, không chỉ là trách nhiệm của người dân Armenia và Giáo hội Hoàn vũ, nhưng là của toàn thể gia đình nhân loại, để những lời cảnh tỉnh từ bi kịch này sẽ giữ không để chúng ta rơi vào những thảm kịch tương tự, vốn đi ngược lại Thiên Chúa và phẩm giá con người. Sự thật là, ngay ngày nay, những cuộc xung đột biến thành bạo lực phi lý, không cách nào bào chữa được, và lại dấy lên bằng cách lợi dụng các khác biệt tôn giáo và chủng tộc. Tất cả những nguyên thủ và tổ chức quốc tế, đều được kêu gọi phải chống lại những tội ác này với một ý thức trách nhiệm vững vàng, không mập mờ và thỏa hiệp.

Mong sao lễ kỷ niệm đáng buồn này, trở nên một dịp suy tư khiêm nhượng và bình tâm, và mong sao mọi tâm hồn biết mở ra với sự tha thứ, vốn là nguồn an bình và tân tạo hi vọng … Nguyện xin Chúa ban cho người dân Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ, một lần nữa bước tiếp trên con đường hòa giải, và nguyện xin hòa bình cũng đổ xuống Nagorno Karabakh (cộng hòa độc lập tự xưng của Azerbaijan ở Nam Causacus).

Với các Kitô hữu chúng ta, trên tất cả, mong chúng ta có một thời gian cầu nguyện sâu sắc. Qua quyền năng cứu chuộc của lễ hi sinh trên thập giá của Chúa Kitô, nguyện xin máu đã đổ ra đem lại phép lạ hiệp nhất trọn vẹn cho các môn đệ Chúa. Cách riêng, nguyện xin Chúa Kitô cho mối dây huynh đệ vốn có giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Tông tòa Armenia thêm bền chặt. Chứng tá của nhiều anh chị em không có khả năng tự vệ đã hi sinh tính mạng mình vì đức tin, đang hiệp nhất các tuyên tín khác nhau: chính đây là sự đại kết trong máu, vốn đã thúc đẩy thánh Gioan Phaolô II mừng kính các vị tử trong năm thánh 2000.’

Bi kịch của người dân Armenia mở đầu khi Đế chế Ottoman vào khoảng đêm 23 và 24 tháng 4, năm 1915, bắt giữ các gia tộc quyền thế nhất Armenia ở Constantinople. Trong chỉ một tháng sau, hơn 1000 trí thức Armenia, bao gồm các nhà báo, nhà văn, nhà thơ, và các nghị viên, bị đày đi nhà ngục Anatolia, nhưng đều bị giết trên đường đến đó. Các việc bắt giữ và lưu đày được chủ mưu bởi đảng ‘Thanh niên Thổ.’ Các gia đình Armenia bị buộc phải rời bỏ nhà cửa và của cải, mà đi vào vùng hoang mạc, hàng trăm ngàn người đã bỏ mạng vì đói, bệnh tật hay kiệt sức. Những chuyện thuật lại qua lời những người sống sót, thực sự quá đỗi đau lòng. Hành trình chết chóc này được được quân đội Thổ kết hợp với các quân quan chức quân đội Đức. Hàng trăm ngàn người Armenia khác bị dân quân người Kurd và quân đội Thổ tàn sát.

Các tấm ảnh mà Armin T. Wegner bí mật ghi lại là lời chứng hùng hồn cho các tội ác này. Những hành động lưu đày, giết chóc có tính toán này, khẳng định gần như chắc chắn sự thật rằng người dân Armenia là những nạn nhân của cuộc diệt chủng đầu tiên trong thời hiện đại, dù cho Thổ Nhĩ Kỳ có phản đối, không chỉ là không chấp nhận cụm từ ‘diệt chủng’ mà còn chính thức chống lại bất kỳ quốc gia nào dùng từ này, và khăng khăng rằng những người bị giết chỉ khoảng dưới 500 ngàn, và do bởi chiến tranh hay nạn đói mà thôi. Nhưng nghị viện của 22 quốc gia đã chính thức nhìn nhận thảm họa Diệt chủng Armenia, trong đó bao gồm Nga, Pháp, Ý, Đức, Canada và Argentina.

 

 

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Phỏng vấn – Hồng y Sarah về Chiến tranh Phụng vụ, về Chỉ trích nhắm vào Giáo hoàng, và về Hồi giáo

Trong bài phỏng vấn này, hồng y Robert Sarah, tân trưởng Thánh Bộ Phụng vụ Thánh và Kỷ luật Bí tích, đã thảo luận thẳng thắn về các tranh chấp về phụng vụ, các chỉ trích về Giáo hoàng, hôn nhân đồng tính, đạo Hồi và người Hồi giáo, cũng như về việc châu Phi có thể cứu phương Tây như thế nào.

Aleteia – Elisabeth De Baudoüin – 09/3/15

Cardinal-Robert-SarahĐến Paris trong vài ngày để giới thiệu quyển sách ‘Thiên Chúa hoặc Không gì cả,’ mà ngài chắp bút cùng với Nicolas Dias, hồng y Sarah đã có buổi phỏng vấn với Élisabeth de Baudoüin của tờ Aleteia như sau:

Thưa Đức cha, trong quyển sách ‘Thiên Chúa hoặc Không gì cả,’ cha đã vài lần nhắc đến ‘chiến tranh phụng vụ’ đã chia rẽ người Công giáo trong nhiều thập niên. Cha nói rằng cuộc chiến này quá sức đáng buồn bởi người Công giáo đáng ra phải hiệp nhất về vấn đề này. Làm sao chúng ta thắng được những chia rẽ này và hiệp nhất tất cả mọi người Công giáo trong việc thờ phượng Thiên Chúa?

Hồng y Robert Sarah: Công đồng Vatican II không bao giờ muốn chúng ta loại trừ quá khứ và loại bỏ thánh lễ theo nghi thức của thánh giáo hoàng Piô X, vốn đã sinh cho chúng ta rất nhiều vị thánh, và về tiếng La Tinh cũng vậy. Nhưng, cùng lúc đó, chúng ta phải thăng tiến cải cách phụng vụ mà chính Công đồng đã nỗ lực tìm kiếm. Phụng vụ là một điểm đặc biệt nơi chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa mặt đối mặt, trao cho Ngài trọn cuộc sống, công việc của chúng ta, và biến tất cả thành lễ dâng cho vinh quang Chúa. Chúng ta không thể cử hành phụng vụ khi tay đang dấy chiến chinh, mang trên vai vũ khí của thù hận, xung đột và oán giận. Chính Chúa Giêsu đã nói, ‘Trước khi dâng lễ tế, trước hết hãy giải hòa với anh em mình.’ Trong cuộc ‘mặt đối mặt’ này với Thiên Chúa, lòng chúng ta phải trong sạch, thoát khỏi mọi thù ghét, mọi hiềm thù ác ý. Mỗi một người phải loại khỏi lòng mình bất kỳ điều gì phủ bóng đen lên cuộc gặp gỡ này. Điều này cũng bao gồm việc tôn trọng cảm thức của người khác.

Không phải đây chính xác là những mong muốn của Đức Bênêđictô XVI hay sao?

Hồng y Robert Sarah: Vâng, đây là ý nghĩa của tự sắc Summorum Pontificum [Nghi lễ Phụng tự, ban hành tháng 7, 2007] mà Đức Bênêđictô XVI đã dành rất nhiều sức lực và đặt nhiều hi vọng. Nhưng ngài đã không hoàn toàn thành công, bởi người ta ‘bám chặt’ vào nghi lễ riêng của mình và cứ loại trừ nhau. Trong Giáo hội, tất cả mọi người phải có thể được cử hành phụng vụ theo cảm thức của chính họ. Đây là một trong những điều kiện để hòa giải. Cũng cần phải chú tâm đến vẻ đẹp của phụng vụ đến sự linh thánh của phụng vụ. Bí tích Thánh Thể không phải là ‘bữa ăn tối với bạn bè,’ nhưng là một mầu nhiệm linh thánh. Nếu cử hành bí tích với lòng tha thiết và vẻ đẹp, thì chắc chắn sẽ hiểu được bí tích. Tuy nhiên, chúng ta không được quên rằng chính Thiên Chúa là Đấng hòa giải, và hòa giải cần có thời gian.

Trong một chương viết về các Giáo hoàng, cha có nhắc đến các chỉ trích nhắm vào các ngài, ngay cả trong lòng Giáo hội. Đức Phanxicô không phải là ngoại lệ, một vài người Công giáo chỉ trích phong cách của ngài, chỉ trích những lời ngài nói, việc ngài làm, các biểu hiện của ngài … Có cảm giác một cánh trong Giáo hội không tin tưởng ngài giữ gìn di sản đức tin. Thái độ của các tín hữu đối với giáo hoàng nên như thế nào? Một người Công giáo có thể chỉ trích đấng kế vị thánh Phêrô hay không?

Hồng y Robert Sarah: Câu trả lời rất đơn giản, ngay ở đây này: người ta sẽ nghĩ gì về một người con công khai lớn tiếng chỉ trích cha mẹ mình? Làm sao người ta tôn trọng một người như thế được? Giáo hoàng là cha chúng ta. Chúng ta tôn trọng, cảm mến, và tin tưởng ngài (cho dù các chỉ trích có vẻ chẳng ảnh hưởng gì đến ngài.) Đọc qua một vài bài viết hay tuyên bố, có người sẽ có ấn tượng rằng ngài không tôn trọng giáo lý. Nhưng riêng bản thân tôi, hoàn toàn tin tưởng nơi ngài và tôi khuyến khích tất cả mọi Kitô hữu cũng hãy làm như thế. Bạn phải thanh bình và điềm tĩnh khi ngài chèo lái con thuyền. Chúa Giêsu ở cùng ngài, như khi xưa Chúa đã nói với thánh Phêrô vậy. ‘Ta cầu nguyện cho con, cho đức tin của con … làm vững mạnh cho các anh em con.’ Một mật nghị hồng y là hành động của Thiên Chúa, chính Thiên Chúa ban Giáo hoàng cho Giáo hội. Chúa cho chúng ta Đức Phanxicô để dẫn dắt Giáo hội ngày nay.

Vậy chúng ta phải nói gì với những người tuyên bố rằng ngài không phải là ‘chọn lựa của Chúa Thánh Thần’?

Hồng y Robert Sarah: Tôi sẽ hỏi họ câu này: họ có liên lạc trực tiếp với Chúa Thánh Thần ư?

Về việc ‘các cường quyền ở châu Âu tìm cách ngăn chặn người Công giáo thực hành tự do của mình,’ cha đã viết rằng ‘Manif pour tous là một hình mẫu khởi xướng cần thiết. Đây là một biểu lộ trong thiên tư của Kitô giáo.’ Thưa Đức cha, cha có ủng hộ cho hàng ngàn Kitô hữu xuống đường biểu tình để xác nhận sự tận tâm của mình với gia đình và khẳng định sự thật rằng tất cả mọi đứa trẻ đều cần một người cha và một người mẹ, hay không?

*Manif pour tous, là một phong trào ở Pháp chủ đạo các cuộc biểu tình hòa bình chống lại dự luật ‘hôn nhân cho tất cả mọi người,’ nghĩa là xác nhận tình trạng hôn nhân cho hai người đồng giới tính.*

Hồng y Robert Sarah: Sứ mạng của các Kitô hữu chúng ta là làm chứng cho đức tin của mình. Chúng ta biết rằng gia đình là một thực thể theo ý Chúa. Chúng ta biết gia đình có ý nghĩa thế nào đối với Giáo hội và xã hội, không có gia đình, thì không có tương lai cho cả Giáo hội và xã hội. Vậy nên Manif pour tous là cách để các Kitô hữu đang bảo vệ thực thể này làm chứng cho đức tin của mình. Tôi không ngần ngại xác nhận rằng: Tôi hoàn toàn ủng hộ các hình thức của Manif pour tous. Họ là một biểu lộ lòng trung thành với Giáo hội và với đức tin.

Tuy nhiên, nhìn qua, thì họ đã thất bại!

Hồng y Robert Sarah: Chúa Kitô cũng có vẻ như đã thất bại: sau 3 năm rao giảng công khai, Ngài bị giết chết, bị chôn trong mồ, và mồ lại bị khóa chặt! Nhưng Ngài đã trỗi dậy và chiến thắng sự dữ. Phong trào Manif pour tous, với các thể hiện khác nhau của mình, có thể không ngăn chặn được các quyết định chính trị. Nhưng nó thành tựu một chiến thắng cao cả, đó là tái sinh truyền thêm sức sống cho các gia đình. Đây là chiến thắng lớn. Bởi thế, phong trào này phải được tiếp tục. Đây không phải là việc làm trong một lúc mà thôi. Chúng ta phải tiếp tục viết, tiếp tục đi ra và biểu lộ mình! Và chúng ta cũng phải khuyến khích các gia đình bền vững, vốn là lời xác nhận rằng tình yêu tồn tại qua gian nan và không chết.

Ý của cha là gì?

Hồng y Robert Sarah: Tình yêu như một bông hoa trong sa mạc, chúng ta phải tưới nước và canh chừng bảo vệ không cho thú hoang đến ăn mất. Làm sao để chúng ta bảo vệ được tình yêu? Với sự chú tâm từng ngày. Làm sao để chúng ta tưới nước cho tình yêu? Với sự tha thứ. Chúng ta cũng phải chăm sóc cho cây này, bằng cầu nguyện, tận tâm và đối thoại. Không có những điều này, thì cây tình yêu sẽ chết. Một cái cây không thể sống được nếu không được thêm dưỡng chất. Nhưng, người thợ vườn vĩ đại chính là Thiên Chúa. Nếu một gia đình loại trừ Ngài, thì gia đình đó không tồn tại lâu. Biểu tình, là chuyện tốt. Nhưng điều chúng ta cần phải làm chính là chăm sóc cho gia đình mình. Chúng ta phải bảo đảm rằng tình yêu, ơn quý báu này, phải được gìn giữ sống động trong lòng của người bạn đời và trong gia đình.

Ở châu Âu, Hồi giáo đang lan rộng và chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo đang gây nhiều quan ngại. Cha đến từ một đất nước đa số là Hồi giáo, nơi các Kitô hữu và người Hồi giáo sống trong hòa bình, và cha nói rằng Hồi giáo là ‘một tôn giáo hòa bình và thân ái’ vậy cha cảm nghĩ gì về Hồi giáo?

Hồng y Robert Sarah: Nỗi sợ của chúng ta từ đâu mà đến? Hồi giáo đã hiện diện ở châu Âu một thời gian dài, và chẳng có ai thấy phải lo sợ cả. Sự thật rằng, thời trước có ít người Hồi giáo hơn. Nhưng, thời đó, đức tin mạnh hơn. Cũng vậy, thời đó, chúng ta không có cảm thức sợ hãi, hay nếu có cũng rất hạn chế. Ở Guinea, dân số là 7% Công giáo và 73% Hồi giáo. Nhưng chúng tôi không e ngại nhau. Chúng tôi nâng đỡ nhau qua lòng thành tín với đức tin của mình. Nhìn vào những người Hồi giáo, những người coi trọng hết sức việc cầu nguyện và thông hiệp trực tiếp với Thiên Chúa, thì các Kitô hữu chúng ta phải tự hỏi lại mình? Tôi tin vào Thiên Chúa thật, được bày tỏ qua Chúa Kitô, vậy tôi có nhiệt tâm được như người Hồi giáo hay không? Tôi có ăn chay không? Thiên Chúa không phải là một người thỉnh thoảng bạn nói đôi ba câu vu vơ lúc bạn rảnh rỗi. Nhưng Ngài phải là điều trên hết, trong gia đình, trong xã hội … Tất cả mọi Kitô hữu được kêu gọi tăng cường liên hệ với Ngài. Cầu nguyện cũng là điều cần thiết, để cả hai sống trong hòa bình.

Về điểm này, cha thường kể một truyền thuyết Hồi giáo …

Hồng y Robert Sarah: Đúng, đó là câu chuyện về một nữ mục đồng, bị xem là hơi điên, khi cô cho đàn chiên chung sống hòa thuận với đàn sói. Khi người ta hỏi, cô giải thích rằng: ‘Tôi cải thiện liên hệ của tôi với Chúa, và Chúa cải thiện quan hệ giữa sói với chiên.’ Chúa đem hòa bình đến cho con người, qua lời cầu nguyện.

Đây là một tuyên xưng khác hẳn với hành động bạo lực của những người Hồi giáo cực đoan! Cha giải thích thế nào về chuyện này?

Hồng y Robert Sarah: Những tranh biếm họa nhắm vào người Hồi giáo không thăng tiến sự chung sống thân ái huynh đệ. Như giáo hoàng đã nói, chúng ta không nên xúc phạm đức tin của người khác. Chúng ta không có quyền làm việc đó, không phải chỉ vì không cùng chia sẻ đức tin với họ mà chúng ta có quyền xúc phạm và châm biếm đức tin của người khác. Phải dừng ngay việc này! Nhưng những người Hồi giáo chân chính không bao giờ giết hại người khác. Những người đi chặt đầu, đóng đinh và tàn sát người khác nhân danh Chúa là đang thực hiện tất cả hành vi bạo lực của họ vì một tưởng tượng họ nghĩ về Đức Chúa. Ở quê hương tôi, người Hồi giáo kinh hoàng tước những tội ác và những con người này.

Về cách giải quyết với Hồi giáo, cha có nghĩ là phương Tây đang đùa với lửa hay không?

Hồng y Robert Sarah: Như Đức Bênêđictô XVI, người đã rất lo lắng về việc này, từng chỉ ra rằng chưa bao giờ Thiên Chúa bị bác bỏ dữ dội như thời nay. Nếu phương Tây không trở về với văn hóa và các giá trị Kitô giáo của mình, thì tình hình sẽ trở nên nguy kịch. Nhưng tôi nghĩ là sẽ đến lúc những người phương Tây nhận ra rằng họ không thể tiếp tục sống mà không có Thiên Chúa. Và về việc này, châu Phi có thể giúp đỡ cho họ.

Trong quyển sách của mình, cha nói nhiều về châu Phi, về chủ nghĩa thực dân tư tưởng đang nhắm vào châu Phi, và về các giá trị của châu lục này. Theo cha, châu Phi có thể đem lại gì cho thế giới và Giáo hội ngày nay?

Hồng y Robert Sarah: Thiên Chúa luôn luôn đưa châu Phi vào dự định cứu rỗi của Ngài. Châu Phi đã cứu Chúa Giêsu, khi thánh gia phải trốn sang Ai Cập. Chính một người Phi châu, Simon thành Cyrene, đã giúp Chúa Giêsu mang thập giá. Châu Phi đã chịu nhiều đau khổ. Các giá trị Phi châu đã bị người ta chối bỏ (và vẫn đang là thế, do bởi cái mà Đức Phanxicô gọi là chủ nghĩa thực dân tư tưởng, và đặc biệt là do thuyết giống nòi.) Châu Phi đã phải chịu khốn cảnh nô lệ. Những đau khổ của người dân Phi châu đã khiến Đức Gioan Phaolô II phải lên tiếng rằng tên của họ được viết trên ‘lòng bàn tay của Chúa Kitô bị đinh nhọn đâm xuyên trên thập giá.’  Nhưng một vài thập niên gần đây, Giáo hội Phi châu đã phát triển mạnh mẽ, với nhiều ơn gọi linh mục và tu sỹ, nên chân phước Phaolô VI đã gọi đây là ‘quê hương mới của Chúa Kitô.’ Và khi những người châu Phi với lòng đạo sâu sắc và không thể tách rời khỏi Thiên Chúa, họ chính là những người sẽ đem Thiên Chúa đến lại với thế giới.

Có thể giáo hoàng kế tiếp của Giáo hoàng sẽ đến từ châu Phi?

Hồng y Robert Sarah: [cười] Câu hỏi hay! [rồi sau một hồi trầm tư] Chính Thiên Chúa ban cho chúng ta Giáo hoàng …

Và Nicolas Diat, đồng tác giả quyển ‘Thiên Chúa hay Không gì cả’ cũng đang hiện diện với chúng tôi thêm rằng: ‘Hãy hỏi Chúa! Và nếu có câu trả lời, cho tôi biết với!

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Bằng bất cứ giá nào cũng phải gặp Đức Phanxicô!

Aleteia, Arthur Herlin, 04-11-2015

Gia đình Walker sẵn sàng đi đến tận cùng thế giới để gặp Đức Phanxicô. Khởi hành từ Argentina, họ bỏ ra sáu tháng để đi từ Argentina đến Philadelphia trong dịp Ngày Thế giới Gia đình tổ chức tại đây.

Bằng bất cứ giá nào cũng phải gặp Đức Phanxicô

Tháng chín này, sẽ có ít nhất 2 triệu người đến Philadelpia, Mỹ, để gặp Đức Phanxicô trong Ngày Thế giới Gia đình tổ chức tại đây. Trong số hai triệu người này, sẽ có gia đình Walker, không vì lý do gì mà họ không đến đây, họ đã thu xếp hành lý và đã lên đường!

“Chúng tôi là ‘fan ái mộ’ Đức Phanxicô, không phải chỉ vì ngài là người Argentina nhưng chúng tôi ái mộ ngài vì cách sống của ngài,” bà Noël, người mẹ gia đình giải thích. “Đó là một Giáo hoàng giàu tình cảm, ngài bảo vệ và săn sóc gia đình. Chúng tôi cảm thấy ngài nâng đỡ đời sống gia đình,” bà cho biết. Tháng 3 vừa qua, Bà Noël và ông Alfredo Walker quyết định bỏ mọi việc qua một bên để cùng ba cô con gái và người con trai của họ thực hiện chuyến đi để đời này.

Chuyến phiêu lưu của gia đình

Để chuẩn bị cho chuyến đi, ông Alfredo đã tự tân trang, sửa chữa chiếc xe thùng  Wolkswagen của thời 80. Cả gia đình trên chiếc xe cùng đi đến Chí Lợi, nơi chuyến đi biến thành cuộc phiêu lưu: “Chiếc xe của chúng tôi ăn vạ nhiều lần”, bà mẹ cho biết. “Chúng tôi rơi vào cơn bão ở Bắc Chí Lợi. Cách đây mười ngày, nước trào xuống và bùn lầy phủ các thành phố nhỏ. Có rất nhiều nạn nhân và có rất nhiều chuyện buồn”, bà buồn rầu nói. Nhưng không vì vậy mà gia đình Walker nản lòng, họ ngạc nhiên thấy tình tương trợ khắp nơi trên đường đi của họ: “Chúng tôi gặp những con người tuyệt vời tương trợ nhau”.

Cùng giúp nhau

Ngay từ khi ra đi, ông Alfred và bà Noël quyết định để đàng sau lưng họ tất cả, họ ra đi chỉ với một ít phương tiện. Họ muốn kêu gọi lòng quảng đại của người dân và muốn có những cuộc gặp gỡ. Cho đến bây giờ, họ không thất vọng: “Mới đầu khi còn ở Argentina, chúng tôi ở nhà bạn hay nhà bạn của bạn. Nhưng khi đến Chí Lợi thì chúng tôi nới rộng vòng ‘đai’: người thân thuộc của bạn bè giúp chúng tôi và rồi cả những người chúng tôi không hề quen biết cũng giúp chúng tôi!”, bà mẹ gia đình vui mừng nói. “Khi đến gần Santiago, chúng tôi đến một giáo xứ và có một bà mời chúng tôi về nhà bà.” Bây giờ gia đình Walker còn nhận các lời khuyến khích gởi đến trang Facebook của họ: “Những người mời mời chúng tôi khi đến đất nước họ thì đến gặp họ!”, bà Noël vui mừng cho biết.

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

Lòng thương xót là gì?

lacroix.com, Nicolas Senèze, 04-10-2015

 Lòng thương xót là gì

Đức Phanxicô sẽ công bố Tông chiếu loan báo Năm Thánh của Lòng Thương Xót sẽ mở ra vào tháng 12 này. Lòng thương xót là một trong các chủ đề trọng tâm triều giáo hoàng của ngài.

Thứ bảy 17 tháng 3-2013, đối diện với Quảng trường Thánh Phêrô đông nghịt, lần đầu tiên Đức Phanxicô xuất hiện ở cửa sổ trên Dinh giáo hoàng. Đó là Kinh Truyền Tin đầu tiên của ngài bốn ngày sau khi ngài được bầu chọn, tân giáo hoàng nói về bài Phúc Âm trong ngày, bài kể câu chuyện người phụ nữ ngoại tình và ngài đã đặt lòng thương xót vào trọng tâm suy niệm của mình. Ngài nói với đám đông, “những ngày vừa qua, tôi đọc quyển sách của một hồng y nói về lòng thương xót. Quyển sách này đã mang lại cho tôi nhiều điều bổ ích.”

Quyển sách của hồng y người Đức, Walter Kasper đã đi theo ngài trong suốt thời gian mật nghị. Đức giáo hoàng nói tiếp, “một chút lòng thương xót sẽ làm cho thế giới ít lạnh lùng hơn và công chính hơn. Chúng ta cần hiểu đúng lòng thương xót của Chúa, người Cha nhân hậu và giàu lòng kiên nhẫn…”

Thiên Chúa là tình yêu

Nhưng thế nào là lòng thương xót? “Chủ đề này là chủ đề trọng tâm của Thánh Kinh và thật sự cần thiết cho thế giới ngày nay, nhưng lại vừa mới nêu lên trong các từ điển và sách vở của thần học giáo điều”, hồng y Kasper lấy làm tiếc. Vậy mà theo cựu giáo sư giáo luật ở Tübingen, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng cho Hợp nhất tín hữu Kitô dưới triều Đức Gioan-Phaolô II thì lòng thương xót là “thuộc tính thần thánh chiếm chỗ đầu tiên”, “thành ngữ diễn tả Thiên Chúa là tình thương”, Đấng “biểu lộ Chúa đói thương đến con người và đến thế giới qua lòng thương xót.”

Albert-Marie de Monléon, cựu giám mục địa phận Meaux giải thích, “Thánh Âu Tinh đã định nghĩa lòng thương xót như quả tim trắc ẩn trước sự đau khổ của người khác và cố gắng làm thoa dịu các đau khổ”. Từ năm 2008, giám mục Monléon đã tổ chức các buổi hội thảo ở Pháp về lòng thương xót để giúp cho tín hữu biết thêm về lòng thương xót.

Ngài nói tiếp, “khi dùng lại lời nói của nữ tu Faustine và của Đức Gioan-Phaolô II, tôi thấy lòng thương xót là tình yêu qua hành động để chấm dứt sự dữ. Không phải là lời nói an ủi để xoa dịu nhưng là một cái gì buộc chúng ta phải dấn thân”. Giám mục Monléon lấy làm tiếc lâu nay lòng thương xót bị cho như một cách biểu lộ lòng mộ đạo sốt sắng mà thôi. “Là những điều rất đẹp, nhưng như thế thì chưa đủ,” ngài nhận xét.

Nuôi ăn, đón tiếp, loan báo

“Chữ misericordia trong tiếng La Tinh có nghĩa đen là có tâm hồn gần người nghèo (miseri); có quả tim cùng đập một nhịp với người nghèo,” hồng y Kasper nhắc lại.

Từ lâu Giáo hội đã nói nhiều đến “việc làm của lòng thương xót”: chữ nghĩa có thể mòn nhưng lòng thương xót nói lên một cái gì rất cụ thể: cho người đói ăn, cho người khát uống, cho người trần truồng có áo mặc, đón nhận người khách lạ, người hành hương, người đang thiếu thốn, đi thăm người bệnh, loan báo Tin Mừng cho người bị tù tội, chôn kẻ chết…

“Người Samaritanô nhân hậu này đã động lòng giúp người hoạn nạn”, giám mục Monléon nhấn mạnh đến khía cạnh loan báo Lời Chúa: “Động lòng thương đám đông, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng lâu dài cho họ trước khi cho họ ăn”.

Gần gũi

Để nói đến lòng thương xót, tiếng hêbrơ dùng chữ rahanim là lòng dạ. Thiên Chúa động lòng thương, hồng y kasper giải thích, “Thiên Chúa là một Thiên Chúa thấy con cái mình khốn cùng, Ngài nghe tiếng kêu của chúng. Thiên Chúa không làm lơ, Ngài là Thiên Chúa quan tâm đến sự tuyệt vọng của loài người, Thiên Chúa hành động, can thiệp, nói với, cứu giúp và giải thoát.”

Khổ thay, hình ảnh của lòng thương xót là một hình ảnh xa lạ. Hồng y Kasper nhấn mạnh, “ngày nay các chữ trắc ẩn và thương xót gần như lỗi thời, thực tế và thái độ ứng xử của người bây giờ không còn nói lên tinh thần này. Bây giờ người ta gọi trắc ẩn là có thiện cảm, đây là danh từ dùng trong tâm lý học, trong ngành tâm lý trị liệu hiện đại, trong giáo dục, trong xã hội học và trong mục vụ theo kiểu biến hóa quan trọng này.”

Đức Phanxicô không ngừng nhắc đi nhắc lại, “Giáo hội là một bệnh viện sau trận chiến”, đó là trọn ý nghĩa của Năm Lòng Thương Xót. Hồng y Kasper nhấn mạnh, “nhìn bề ngoài, sự chỉ trích nặng nhất mà Giáo hội thường nghe, là Giáo hội có ít hành động đi theo lời nói, Giáo hội nói đến lòng thương xót của Chúa trong khi nhiều người thấy Giáo hội nghiêm nhặt, khắt khe và không có lòng thương xót”.

Lòng tốt và sự thật

Không phải là ngẫu nhiên khi Năm Thánh trùng với năm kỷ niệm bế mạc Công đồng Vatican II do Đức Gioan XXIII khai mở và nhấn mạnh “Giáo hội cầu viện đến phương thuốc của lòng thương xót hơn là hù dọa với vũ khí là sự nghiêm khắc”.

“Thực thi hạnh thương xót mà không có sự thật là thiếu ngay thẳng; nó chỉ mang đến lời an ủi bâng quơ và cuối cùng chỉ là câu nói tầm phào”, hồng y Kasper cảnh báo, ngài tiếc cho chữ lòng thương xót ngày nay được dùng “để nói lên một loại mục vụ và một linh đạo “nhẹ-soft” hay thái độ theo chủ nghĩa khoan hòa, không hiệu quả cũng không vững chắc”.

Dựa trên chủ trương của Thánh Tôma Đacanh “công chính mà không có lòng thương xót chỉ là hung ác, thương xót mà không công chính là mẹ của bê tha trụy lạc”, hồng y nhắc lại Giáo hội “không được nói quanh co ý nghĩa khách quan của lề luật viện cớ đó là lòng tốt không được hiểu cho đúng”, nhưng phải có một sự “đánh giá công minh, không hành xử như máy chém nhưng chừa một cánh cửa cho lòng thương xót, có nghĩa là để cho người kia có được một bước khởi đầu mới nếu họ có thiện tâm”.

Đó là một cách thoát ra, từ trên cao, các thảo luận hiện nay của Giáo hội về các vấn đề gia đình.

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

Lòng Thương xót là Thông điệp Cao cả của Đức Mẹ cho Đối thoại Chân thực giữa Kitô giáo và Hồi giáo

Phỏng vấn hồng y Philippe Barbarin, tổng giám mục Lyon và giám chủ nước Pháp

Vatican Insider – Được thực hiện bởi François Vayne, Giám đốc Truyền thông của Dòng Mộ Thánh

barbarinIslam

Thưa Đức cha, cha là khách danh dự tại Lễ kính Đức Mẹ, liên Hồi giáo-Kitô giáo, hôm 25 tháng 3 tại Li Băng, nhân dịp lễ Truyền tin Cha thấy gì từ sự kiện phong phú và đầy hứa hẹn này, cũng như vì sao Đức Mẹ là cầu nối cho tình thân ái với các anh em Hồi giáo của chúng ta?

‘Đây thực sự là một cuộc gặp gỡ đặc biệt! Trong nhiều năm, tôi đã nghe về sự kiện này, nhưng đến năm nay, tôi được vinh dự mời tham dự, nhờ bởi quan hệ được thiết lập hồi năm ngoái ở Irắc, khi hai giáo phận Lyon và Mosul kết tình anh em. Trước hết, chúng ta phải thấy được bối cảnh hiện nay. Li Băng, vốn bị giằng xé bởi chiến tranh quá lâu, vẫn đang nằm ngay trung tâm một vùng mất ổn định nghiêm trọng. Bây giờ, sự kiện làm gương cho tình huynh đệ và tôn vinh Đức Trinh nữ Maria này, diễn ra mỗi năm trên chính vùng đất mà Chúa Giêsu đã đi qua. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy rằng chỉ sau vài năm, Li Băng đã quyết định đổi ngày 25 tháng 3 thành ngày lễ nghỉ toàn quốc vì sự kiện này! Tôi có thể thấy được người Hồi giáo gắn bó đến thế nào với Đức Mẹ, họ nhận thức được sự thánh thiện vô cùng của mẹ và vị trí độc nhất vô nhị của Mẹ trong lịch sử nhân loại. Tôi trân trọng việc sự kiện gặp gỡ này không rơi vào thuyết hổ lốn. Người ta có thể thấy được rằng tất cả mọi người đều lên tiếng một cách tự do, tự tin cầu nguyện, mà không cố gắng xóa đi các khác biệt không thể thay đổi giữa đức tin Kitô giáo và đức tin Hồi giáo. Các bài nói chuyện, bài hát, và kịch ngắn, luân phiên cho chúng tôi những diễn đạt khác nhau về cùng một chủ đề một lòng kính mến chung cho người nữ đã hạ sinh Chúa Giêsu. Ngày 26 tháng 3, chúng tôi làm khách của đại giáo sỹ Tripoli, và được đón tiến rất nồng hậu. Đến cuối bữa ăn, đại giáo sỹ nói rằng, ‘Tôi sẽ nói thật lòng mình. Tôi yêu mến các bạn, những anh em Kitô giáo của tôi, tôi yêu mến các bạn … như Đức Trinh nữ Maria yêu mến các bạn vậy.’ Và các bạn có tưởng tượng được chúng tôi đã vui mừng và xúc động đến thế nào trước lời thổ lộ này không!

Đức cha có nghĩ rằng việc cùng nhau mừng lễ Đức Mẹ có thể được quốc tế hóa và trở thành một ngày biểu tượng cho tình bạn thiêng liêng giữa Kitô hữu và người Hồi giáo, đặc biệt là ở Pháp và châu Âu? Theo đức cha, làm sao để Dòng Mộ thánh, cũng là dòng của cha, đóng góp nhiều hơn cho việc lan tỏa ngôn sứ về biến cố Truyền Tin?

Khởi xướng này là một hình mẫu rất tốt, nhưng không có nghĩa là nơi nào cũng học theo được. Bởi ngay từ đầu, việc kính nhớ này được tổ chức trong trường của dòng Tên ở Jamhour, nhưng các nhà tổ chức đang cố gắng tìm một nơi khác, để sự kiện này không phải lúc nào cũng diễn ra trong một nhà thờ hay được thực hiện bởi một dòng tu. Có vẻ năm sau, buổi gặp gỡ này sẽ diễn ra tại Đền thờ Hồi giáo ở Beirut. Do đó, chúng tôi đã cố gắng tìm một giải pháp thích hợp, để khởi xướng này có thể được thực hiện ở những nơi khác, và cùng đem lại ơn ích. Một điều quan trọng với tôi là, dù cuối sự kiện không phải tất cả mọi người đều đọc lời kinh chung, những người tham dự không cùng đọc chung lời kinh như nhau, nhưng quy tụ lại với nhau để mừng kính Đức Mẹ. Đây không phải là một chứng tá Kitô hữu chống lại người Hồi giáo, hay ngược lại, nhưng ở đây, chúng ta thấy các người Kitô giáo và người Hồi giáo tỏ lòng tôn kính người nữ này, người mà tất cả xem là ‘hoàn toàn thánh thiện.’ Những gì tôi thấy được ở Đền thánh Đức Mẹ Longpont, ở giáo phận Evry-Corbeil-Essonne, là rất tích cực, và đáng kỳ vọng.

Năm Toàn xá Lòng Thương xót đang đến, cha có ý định gì để người Hồi giáo cũng có thể dự phần vào Năm thánh này theo truyền thống đạo của họ, bởi với người Hồi giáo, trên tất cả, Thiên Chúa là Đấng Thương xót Vô cùng?

Đây chính xác là điểm chính của tôi, hôm 25 tháng 3, khi tôi trình bày về bài ca Magnificat, với câu tâm điểm là ‘Ngài đã xót thương những ai kính sợ Ngài suốt mọi thế hệ.’ Theo tôi, Đức Trinh nữ Maria đã tóm gọn toàn bộ thông điệp Thánh Kinh. Lòng thương xót của Thiên Chúa là lý do vì sao Ngài chọn lấy dân Do Thái, chọn làm chứng và gìn giữ nguồn ơn yêu thương cho mọi dân tộc . Các Kitô hữu chúng ta kế thừa sứ mạng này, bởi phép rửa cho chúng ta nhận lấy ‘phẩm tính của Israel.’ Về phần người Hồi giáo, ngay khi họ tuyên xưng danh Chúa, họ thêm vào danh ‘Đấng Thương xót Quá đỗi’ và “Đấng Thương xót Hết thảy.’ Thương xót vừa là nguồn cội vừa là cùng đích của lịch sử nhân loại chúng ta. Thông điệp cao cả này đã được Đức Mẹ thể hiện thêm trong bài ca Mẹ Magnificat, khi cho thấy từ thời Abraham, lòng thương xót Chúa đã đổ xuống dân Ngài đến thế nào. Với các sự kiện trong nước và quốc tế về Lòng Thương xót tổ chức từ sau khi Đức Gioan Phaolô II qua đời, chúng tôi muốn thể hiện xác tín rằng đối thoại thực sự, hòa bình đích thực, và cầu nối giữa các tôn giáo, có thể được xây dựng trên hiện thực này. Tôi vui mừng khi được biết Giáo hoàng Phanxicô đã công bố năm toàn xá của Lòng thương xót !

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Giáo hoàng tưởng niệm ‘cuộc thảm sát’ người Armenia

Hướng đến thánh lễ ngày chúa nhật tại vương cung thánh đường thánh Phêrô kỷ niệm 100 năm cuộc diệt chủng, Giáo hoàng đã gặp các thành viên của Giáo hội Công giáo Armenia. Sự hòa giải giữa các quốc gia vẫn chưa đi đến đồng thuận hợp lý về cách nhìn đối với sự việc này. 

Vatican Insider – Iacopo Scaramuzzi

11147068_974128535932084_3398970748888532896_o

Giáo hoàng Phanxicô đã tưởng niệm ‘những người Armenia bị thảm sát’ dưới tay chính quyền Ottoman cách đây 100 năm, trong buổi hội với Hội đồng Thượng phụ của Giáo hội Công giáo Armenia đến Roma tuần này để dự Thánh lễ Trọng thể do chính Giáo hoàng chủ tế hôm chúa nhật này tại vương cung thánh đường thánh Phêrô, nhân dịp 100 năm xảy ra cuộc diệt chủng này. Không dùng cụm từ thực sự ‘diệt chủng’ vốn gây bất hòa ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng giáo hoàng nói thẳng với Erevan và Ankara, kêu gọi họ có ‘các động thái hòa giải và hòa bình giữa các quốc gia, vốn vẫn chưa đạt được đồng thuận hợp lý về cách nhìn nhận đối với các sự kiện đau buồn này,’ đồng thời Đức Phanxicô cũng nói đến ‘những thế lực tối tăm’ có thể trỗi dậy trong lòng người và ‘có thể dẫn chúng ta đến việc tàn sát có hệ thống các anh chị em của mình.’

Giáo hoàng nói với các thượng phụ rằng, ‘Tôi chào đón các anh em, và cảm ơn vì đã đến buổi hội này trước thánh lễ ngày chúa nhật tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô. Chúng ta sẽ cầu nguyện cho những người con trai con gái của dân tộc yêu quý của các bạn, những nạn nhân cách đây 100 năm. Chúng ta sẽ cầu xin Đấng Giàu Lòng Thương xót giúp sức cho tất cả chúng ta, để trong tình yêu mến sự thật và công bằng, biết đi chữa lành cho tất cả mọi thương tích và thúc đẩy các hành động hòa giải và hòa bình cụ thể giữa các quốc gia vốn chưa đạt được đồng thuận về cách nhìn nhận những sự kiện đáng buồn này.’ Trong thánh lễ ngày chúa nhật này, dự kiến có 200 người Công giáo Armenia, các thượng phụ Karekine II và Aram I, cùng tổng thống Armenia, Serzh Sargsyan, người đã mời giáo hoàng đến thăm đất nước mình.

Đức Phanxicô ngỏ lời với các đại diện Armenia rằng, ‘Dân tộc các bạn, trở lại đạo Kitô vào năm 301, đã có lịch sử 2000 năm và giữ gìn di sản thiêng liêng và văn hóa đáng phục này, cả trong những thời gian bị bách hại và gian khó nhiều. Tôi mời gọi các bạn hãy luôn luôn giữ một tình cảm tri ân Thiên Chúa, vì đã giữ cho các bạn trung thành với Ngài ngay cả trong những thời điểm khó khăn. Và cũng hãy xin Chúa ơn khôn ngoan trong lòng: việc tưởng niệm các nạn nhân cách đây 100 năm, đưa chúng ta đối diện với sự tối tăm của một sự ác cùng cực không hiểu nổi. Chỉ như thế chúng ta mới hiểu được những sự khác. Như lời Tin mừng, từ sâu thẳm trong lòng, những thế lực tối tăm nhất có thể ngoi lên, có thể khiến chúng ta lập nên những tàn sát có hệ thống các anh em mình, xem họ như đối thủ, kẻ thù, hay thậm chí là những cá thể không có phẩm giá con người. Nhưng với các tín hữu Kitô, vấn đề tội lỗi của con người, cũng cho chúng ta thấy mầu nhiệm chung phần vào cuộc Thương khó Cứu chuộc:  nhiều người con của đất nước Armenia có thể tuyên xưng danh Chúa Kitô cho đến tận khi họ đổ máu hay chết vì đói trên đường bị lưu đày. Các cảnh đau thương trong lịch sử dân tộc các bạn vẫn đang viết tiếp cuộc thương khó của Chúa Giêsu, nhưng trên mỗi dòng này chính là hạt giống của phục sinh. Các bạn, những mục tử, phải dạy cho các tín hữu nhìn nhận thực tế với nhãn quan mới, để họ có thể tự nhủ mỗi ngày rằng: dân tộc của tôi không chỉ chịu đau khổ vì Chúa Kitô, nhưng đã trỗi dậy trong Ngài. Vì lý do này, điều quan trọng là phải nhớ được quá khứ, nhưng cũng phải rút ra từ đó dòng máu nóng tươi mới để nuôi dưỡng hiện tại với lời hân hoan của Tin mừng và chứng tá đức ái.

Suy nghĩ tri ân của chúng ta trong thời điểm này, cũng dành cho những người đã hành động để xoa dịu những nỗi đau của các bậc cha ông. Tôi đặc biệt nhớ đến giáo hoàng Benedicto XV, người đã lên tiếng yêu cầu Sultan Mehmed V ngưng ngay cuộc tàn sát người Armenia. Giáo hoàng Benedicto XV, là một người bạn lớn của Kitô giáo Đông Phương, ngài đã lập Thánh bộ các Giáo hội Đông phương, và Viện Giáo hoàng Đông phương, và vào năm 1920, ngài đã công bố thánh Ephrem của Syria là Tiến sỹ Hội thánh. Tôi vui mừng khi chúng ta có thể gặp nhau trước khi tôi có một hành động tương tự, là tôn vinh thánh Gregory thành Narek. Tôi đặc biệt cậy vào ngài cho đối thoại đại kết giữa Giáo hội Công giáo Armenia và Giáo hội Tông tòa Armenia, bởi cách đây 100 năm, sự bách hại và máu tử đạo đã thực sự tạo nên một ‘tinh thần đại kết bằng máu.’ Giáo hoàng cũng đau buồn trước những vùng như Aleppo, nơi ‘giám mục đã cho tôi biết, đây là thành phố tử đạo,’ một nơi cách đây 100 năm là chỗ trú ẩn cho số ít những người sống sót, vậy mà gần đây sự an toàn của tất cả mọi Kitô hữu ở đây đều đang trong tình trạng nguy ngập.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Các bà nội bà ngoại vẫn là cột trụ của gia đình

Các bà nội bà ngoại vẫn là cột trụ của gia đình

la-croix.com, 01-04-2015

world_04_temp-1374909371-51f373bb-620x348

Các bà nội bà ngoại thường được con cái nhờ hơn các ông nội ông ngoại. Họ tham dự vào sinh hoạt của các cháu, họ thích ứng với sự tiến triển của xã hội và sự đa dạng của gia đình, họ vẫn là cột mốc cho cháu chắt.

Họ là con đường của những thay đổi, các bà nội bà ngoại thường được các nhà xã hội học nghiên cứu nhiều hơn các ông nội ông ngoại. Họ vẫn là típ người giống nhau. Bây giờ thì không còn hình ảnh bà già tóc bạc, tóc búi, đôi mắt kiếng trệ xuống mũi, đung đưa cuộn len trên đầu gối, nhưng kể từ năm 1980 khi cuốn phim La Boum với tài tử Denise Grey xuất sắc đóng vai bà ngoại thì hình ảnh bà nội bà ngoại là hình ảnh một bà còn trẻ, gần với cháu, tương quan không dựa trên quyền và giúp cháu ‘lướt’ qua tuổi vị thành niên nhẹ nhàng.

Mẫu “tân bà nội bà ngoại” này trong vòng một thế hệ vẫn còn ăn sâu trong tâm trí mọi người. Nhưng cách gọi này tạo sự ngờ vực nơi nhà xã hội học Thụy Sĩ, bà Cornelia Hummel: “Tất cả các ông bà nội ngoại không theo hình ảnh mới của xã hội: trẻ, ở thành thị, có văn hóa, theo nữ quyền.”

Bà Hummel lưu ý về “áp lực cho phù với tiêu chuẩn để đạt được tầm mức lý tưởng của bà nội bà ngoại ‘tốt”. Và có thể bị vướng vào mặc cảm tội lỗi nếu mình không đạt được  lý tưởng đó. Có đủ kiểu hoàn cảnh: các bà nội trợ ở vùng ven biên, các bà nội bà ngoại có gốc gác nước ngoài với một văn hóa khác với văn hóa bản xứ, các bà nội bà ngoại có quan hệ căng thẳng với cháu chắt…

Vượt ra ngoài yếu tố thế hệ, việc một đứa cháu ra đời vẫn là một biến cố lớn làm đảo lộn cuộc sống của các bà nội bà ngoại. Nếu đa số các bà vui vẻ đón nhận thì cũng có nhiều bà chưa sẵn sàng, họ nghĩ “làm bà là bỗng chốc thành già”. Vì thế Trường Các ông bà nội ngoại Âu Châu (EGPE) là nơi suy tư, lắng nghe, trao đổi, họ tổ chức các nhóm nói chuyện để hiểu nhiều hơn về một giai đoạn mới của cuộc đời. “Sự thay đổi chức vị là cả một sự thay đổi tâm lý”, tâm lý gia Sylvie Houël nhấn mạnh. Bà “trẻ” nội-ngoại phải cố gắng tìm cho mình một chỗ đứng đúng, bà Houel cho biết, “trách nhiệm, vui thích, đồng tình nhưng vẫn giữ cho mình một giới hạn”, và để cho các cha mẹ trẻ có chỗ đứng của họ.

Là bà nội bà ngoại ở trong chức vị mới là suy nghĩ về chính tình bà cháu của mình, để vẫn giữ các nét văn hóa hay kỹ thuật của mình. Tất cả tùy thuộc vào cuộc sống, tuổi tác, sức khỏe … và khả năng tài chánh của mình. Bà Hummel cho biết, “nếu bà nội bà ngoại có nhà nghỉ mát thì họ có thể đón cháu dễ dàng, khác với một bà nội bà ngoại sống trong căn hộ chật hẹp ở thành phố.”

Trên thực tế, có ngàn lẽ một cách làm bà nội bà ngoại. “Các bà rất đa dạng, họ không có một mẫu số chung”, bà Annick Glorieux, nhân viên của hội đồng suy tư chiến thuật của Trường Các ông bà nội ngoại Âu Châu khẳng định.

“Ngày nay, các bà nội bà ngoại thích ứng với tính đa dạng của các gia đình. Ly dị, tái hôn, con bên chồng, con bên vợ, cháu chắt sinh ra từ những phối hợp khác nhau, con cái luân phiên ở khi bên cha, khi bên mẹ. Bà Annick Glorieux nhận xét, “từ nay các bà dám nêu lên những tình huống khác nhau mà không cảm thấy mình ở bên lề”. Một bài học của dung thứ? “Một hình thức thụ động nhưng không phải không có phê phán, chấp nhận cháu chắc hoàn toàn, không phân biệt đứa nào với đứa nào.”

Trong bối cảnh gia đình đôi khi lung tung này, các bà nội bà ngoại đóng một vai trò quân bình và cắm neo giữa các thế hệ, với điều kiện là họ nhân hậu, họ có thể là thành trì, là đèn soi sáng cuộc sống cho các cháu đang cần chỗ dựa, cần nơi an toàn”, bà Catherine Bergeret-Amselek nói thêm, bà là nhà phân tâm học, tháng 2 vừa qua, bà đã tổ chức buổi thảo luận thứ sáu về các lứa tuổi trong cuộc sống. Các bà nội bà ngoại lúc nào cũng sẵn sàng hơn, kiên nhẫn hơn, họ là sứ giả trao truyền lương tri và cả vô thức.

Họ cũng có thể can thiệp như người thứ ba với cha mẹ của các cháu. “Nhờ nhìn xa, nhìn cao, các người lớn tuổi có thể hóa giải được mâu thuẫn mà không dẫm chân lên quyền của cha mẹ”, bác sĩ tâm thần-tâm lý Hélène Oppenheim-Gluckman nêu lên một tầm mức trách vụ khác: “Là yếu tố quân bình giữa hai bên cha mẹ.” Một vai trò cũng quan trọng như vai trò làm cha làm mẹ nếu cha mẹ có nguồn gốc khác nhau. Khi tham dự vào chuyển biến gia đình ở tầm mức không phải là tầm mức của cha mẹ nhưng ở tầm mức bổ túc, các bà nội bà ngoại có thể giúp các cháu hội nhập và thích ứng theo các từ riêng của mình.”

Các bà nội bà ngoại cũng phải thích ứng với sự tiến triển của xã hội. Để nắm vững công việc, các bà không ngần ngại hỏi các cháu về các vấn đề thời sự; các cháu giải thích cho các bà biết các phát minh mới của đương thời. Đó là điều mà bà Catherine Bergeret-Amselek gọi là ‘trao truyền hai chiều”. “Thế hệ 1968 là thế hệ thách thức với uy quyền, thế hệ mà người trẻ chạm trán với khuôn khổ và các quy chiếu”, Annick Glorieux nhận xét.

Các bà nội bà ngoại có thể nói lên khôn ngoan của mình mà không bị cho là dạy đời, giúp các cháu có một độ lùi khi đứng trước các thông tin tức thời và giúp các cháu phát huy tính hiếu kỳ của mình. Cuối cùng, trong xã hội do kinh tế ngự trị, các bà nội bà ngoại có trách vụ đáp ứng cho cơn khát lý tưởng, cho nhu cầu tìm hiểu điều siêu việt của các cháu tuổi vị thành niên. Như Đức Phanxicô đã nhắc trong buổi tiếp kiến chung ngày 11 tháng 3 vừa qua: “Chức vụ của các bà nội bà ngoại là khuyến khích các cháu trên con đường đi tìm đức tin và ý nghĩa cho cuộc đời.”

Marta An Nguyễn chuyển dịch

“Yêu là cho tất cả”

letemps.ch, Lisbeth Kouychoumoff, 14-03-2015

“Yêu là cho tất cả”“Yêu là cho tất cả”, quyển sách được Đức giáo hoàng cổ động đã trở thành quyển sách bán chạy trên thế giới

“Yêu là cho tất cả” đã được dịch ra bảy thứ tiếng Nga, Trung quốc, Ả Rập, là tuyển tập ghi lại các lời chứng của các nam nữ tu sĩ Thụy Sĩ vùng nói tiếng Pháp.

Gặp hai nhà làm sách ở Fribourg

Ai có thể tưởng tượng tuyển tập ghi lại các lời chứng của các nam nữ tu sĩ lại thành quyển sách bán chạy trên toàn cầu? Được dịch ra trên mười thứ tiếng, được phát hành hàng triệu cuốn? “Yêu là cho tất cả” có định mệnh riêng của mình.

Ở nước Thụy Sĩ vùng nói tiếng Pháp, 15 000 ngàn bản đưa ra thị trường ngày 2 tháng 2 đã bán sạch trong vòng 2 tuần. 15 000 ngàn bản phát hành thêm ngày 14 tháng 3. 150 000 bản ở Pháp và Bỉ. Các bản dịch, các nhà xuất bản ở Canada, Mỹ, Châu Mỹ La Tinh, Nga, Ba Lan, Đức đang làm việc. Ấn bản tiếng Trung quốc đã xong. Tiếng Ả Rập cũng vậy. “Yêu là cho tất cả” sẽ được phân phát cho những người tham dự Ngày Giới Trẻ tại Cracovie.

Phải nói là quyển sách đã được khuyến thị mạnh nhờ Đức Phanxicô. Sự thúc đẩy của Đức giáo hoàng đã làm cho hai nhà làm sách ở Fribourg phải tiến hành công việc theo tầm mức quốc tế và đi theo cách làm của ‘kinh tế thị trường.” Cả ông Daniel Pittet, nhân viên thư viện của Thư viện Fribourg cũng như nữ tu Anne-Véronique Rossi, bề trên Dòng Ursuline chưa bao giờ có hợp đồng in ấn của họ trước khi quyển sách “Yêu là cho tất cả” xuất hiện.

Nếu Daniel Pittet và Anne-Véronique Rossi không phải là chuyên gia trong ngành in ấn thì họ cũng cho thấy tài năng ngoại hạng của mình trong lãnh vực này. Vì dù Đức giáo hoàng có cổ động cho quyển sách này ở tầm mức toàn cầu thì Vatican cũng không ủng hộ tài chánh cho cuộc phiêu lưu này. Vậy ông Daniel Pittet và xơ Anne-Véronique phải vận dụng tài năng hài hước và lòng tin không lay chuyển của mình để tìm tiền bạc mà bật lên thách thức này. Từ Fribour, cả hai đi tìm nguồn trợ cấp, từ Hongkong cho đến New York, chính yếu là ở các Dòng, các nhà hảo tâm trong ngành thiết kế, in ấn, dịch thuật, vv.

Theo ngày tháng, làm mà như không làm, “Yêu là cho tất cả” đã được hình thành, Jean-Claude Gadmer lo phần hình ảnh, Sophie Toscanelli lo phần thiết kế, in ở Fribourg và Saint-Maurice, quyển sách đang làm thay đổi cái nhìn của thế giới về các tu sĩ. Quyển sách gom lại những lời chứng đơn sơ, lấy đời sống hàng ngày làm gốc đã đem lại một cái nhìn mới cho các nam nữ tu sĩ.

Nhà in Thánh Phaolô ở Fribourg.

Ông Olivier Clément, cố vấn khâu dịch vụ khách hàng dao động một chút: “Tôi chưa hình dung được trọn vẹn”. Niềm xúc động thì thấy rõ. Ngồi trước mặt ông là ông Daniel Pittet và xơ Anne-Véronique Rossi, họ vừa đưa cho ông đơn đặt hàng: một triệu ấn bản cho thị trường Phi Châu. Tầm mức rộng lớn này đã làm cho họ phải quy định lại. “Vào cuối năm 2014, chúng tôi ngưng xuất bản báo chí và truyền thông tiên đoán một tương lai đen tối. Vậy mà bây giờ người ta cho chúng tôi một hợp đồng chúng tôi chưa bao giờ có. Nếu không do Chúa Quan Phòng thì do cái gì?”, ông Thomas Burri, giám đốc nhà in vui vẻ nói.

Trên bàn, một vài mẫu của quyển sách. Bìa ngoài là hình các nam nữ tu sĩ với nụ cười rạng rỡ của họ. Bìa sau quyển sách là hình Đức Phanxicô đang đọc “Yêu là cho tất cả” và rõ ràng là ngài đang rất thích. Ông Daniel Pittet nói, “đây là lần đầu tiên một quyển sách được Đức giáo hoàng cổ động.”

Vì sao Đức giáo hoàng thích quyển sách này đến mức ngài xin dịch ra nhanh nhất trong bảy thứ tiếng? Để hiểu chuyện này phải đi ngược về mùa thu năm 2013. Ông Daniel Pittet là người có óc châm biếm không cưỡng lại được và cũng là người có sức cự lại với va chạm cuộc đời rất mạnh. Con của hai cha mẹ nghiện rượu, ông cho biết mình lớn lên được là nhờ các nữ tu dạy dỗ. Ông có kinh nghiệm trong ngành in ấn về các tu viện của nước Thụy Sĩ vùng nói tiếng Pháp vào năm 1994, lần này ông muốn vinh danh các tu sĩ của vùng.

Nhưng mọi sự khởi đầu không được tốt. Vùng Thụy Sĩ nói tiếng Pháp chỉ có 1300 tu sĩ. Ông Daniel Pittet kêu gọi các vị có trách nhiệm nhà Dòng, vào khoảng 80 vị. Chỉ có một chục người hưởng ứng. Ông chưa biết sẽ in quyển sách dưới hình thức nào để giới thiệu với họ nhưng trong đầu ông đã phác họa một ý tưởng. Ông chỉ nhận sự e dè và thối lui: “Để làm gì? Chúng ta sắp biến mất trên hành tinh này! Người dân bây giờ không hiểu chúng ta nữa.” Nản chí, ông Daniel Pittet quyết định chôn dự án này.

Và rồi nữ tu Anne-Véronique Rossi xuất hiện. Bà đứng đầu Dòng Ursuline năm 2011. Năm 2013, để kỷ niệm 380 năm các nữ tu có mặt ở Fribourg, các tài liệu của nhà dòng được đem ra triển lãm cho công chúng xem. Nhưng cũng phải nói một cái gì: một tập in lại các hình ảnh và lời chứng của từng nữ tu chúng tôi: “Chúng tôi không thích nói nhiều, nhà sáng lập Dòng chúng tôi đã nói ‘Thay vì nói thì làm’. Tôi thuyết phục các nữ tu nhà mình, nói về đời sống tận hiến của mình không phải là khoe nhưng là góp phần vào công việc truyền giáo”, xơ Anne-Véronique Rossi giải thích.

Nhưng làm sao nói với công chúng, những người không còn biết ngôn ngữ cũng như sứ vụ truyền giáo của các tu sĩ? Xơ Anne-Véronique Rossi nói: “Chúng tôi phải tìm cách nào đúng để truyền đạt di sản mà chúng ta đã nhận và nhờ đó mà chúng tôi sống. Chúng tôi phải nói lên lời sứ mạng của mình để mọi người hiểu, những người ở lứa tuổi từ 15 đến 45, những người không có một quá trình tôn giáo nào.” Khi tiến hành công việc này, các lời chứng nói lên một cách trực tiếp, đơn giản và có thể chia sẻ được.

Khi thấy ông Daniel Pittet muốn bỏ dự định làm quyển sách này, xơ đề nghị ông thu gom các lời chứng theo cách xơ đã làm trong nhà Dòng. Với phương thức mô phạm, xơ gom được 250 bài viết của các tu sĩ ở vùng Thụy Sĩ nói tiếng Pháp. Các nam nữ tu sĩ lớn tuổi là chính. Các người trẻ hơn thảo lại. Công việc thật khổng lồ. 80 lời chứng, từ từng câu nhỏ đến các bài viết ngắn được giữ lại.

Một buổi sáng đẹp trời nọ, sau khi đã gom lại các lời chứng, ông Daniel Pittet nghĩ, nếu tu sĩ Dòng Tên Giáo hoàng Phanxicô viết lời nói đầu thì sẽ có hiệu quả. Ông liên hệ với cựu Cận vệ Thụy sĩ, ông Jean-Daniel Pitteloud người Valais. Không nhiều lời, họ liên lạc với ông Guillermo Karcher, thư ký của Đức giáo hoàng. Khi nghe có một quyển sách ghi lại lời chứng của các tu sĩ, Đức Phanxicô lắng tai liền: năm 2015 sẽ là năm Vatican tuyên bố Năm Đời sống Tận hiến và Tòa Thánh chưa dự trù in tài liệu nào về chủ đề này.

Vậy là hẹn với Đức giáo hoàng. Đức giáo hoàng thân mật nói ngay: “Tựa đề quyển sách ‘Đời sống Tận hiến’ của các con không hay.” “Nhưng các lời chứng thì rất hay. Đơn giản, bám sâu vào cuộc sống, nhắm đến được với mọi người. Các con đã có trong đầu một tên sách nào khác không?”, ngài hỏi ông Daniel Pittet? Rồi ngài trả lời ngay: “Yêu là cho tất cả!” Câu này của Thánh Têrêxa Lisiơ. Hăng say với nội dung quyển sách, Đức giáo hoàng lên kế hoạch quảng bá. Vào mùa thu năm 2015, vào giờ Kinh Truyền Tin, ngài sẽ giới thiệu quyển sách ở Quảng trường Thánh Phêrô. Và quyển sách sẽ chinh phục “cả thế giới, cả thế giới”, ngài nhấn mạnh. Nhưng tiền đâu, ông Daniel Pittet lo lắng. “Con cầu nguyện với Thánh Giuse. Mọi chuyện sẽ được. Dịch thuật: đó là việc làm của các con, mạng lưới nhà Dòng và các ân nhân trên thế giới của các con.”

Đó là cách đây sáu tháng. Từ đó, kẻ chủ bại không còn lùi bước. Còn về phần xơ Anne-Véronique Rossi thì khi xơ gặp bất cứ một tu sĩ nào, xơ cũng đề cập đến chuyện dịch và bán quyển sách “Yêu là cho tất cả”. “Còn các giáo dân thì họ cho tôi biết, họ tìm ở đó năng lực khi họ phải đương đầu với lỗ hổng của cuộc sống.”

Trang web của quyển sách: http://consecratedlife.world/

Marta An Nguyễn chuyển dịch

Hội nghị ở Vatican – Đào tạo ơn gọi thế nào trong thời hiện đại?

Đào tạo ơn gọi thế nào trong thời hiện đại?

catholicnewsagency.com, Elise Harris, 2015-04-09

Tan hien 9

Các nhà đào tạo chủng sinh đã về Rôma từ ngày 8 đến 11 tháng 4 năm 2014 để tham dự hội nghị chuyên đề về xây dựng hình ảnh các ơn gọi mới trong xã hội đương đại – một nhiệm vụ không dễ dàng nhưng đầy hy vọng.

Hội nghị chuyên đề lần này được Thánh bộ các Dòng tu Đời sống Thánh hiến và các Hiệp hội Đời sống Tông đồ tổ chức từ ngày 08 đến 11 tháng 4 trong Năm Đời sống Thánh hiến.

Ngày 8 tháng 4, hồng y trưởng Thánh bộ Joao Braz de Aviz lên tiếng: “Đời sống thánh hiến bắt rễ nơi hành động của Chúa, trong Thần Khí, Đấng kêu gọi một số người theo Chúa Kitô mật thiết hơn, truyền đạt Tin mừng theo lối sống đặc biệt, đọc các dấu chỉ thời đại với đôi mắt đức tin và đáp lại một cách sáng tạo các nhu cầu của Giáo hội.”

Mở đầu sự kiện này là đêm canh thức cầu nguyện ngày 7 tháng 4 và hội nghị kết thúc vào ngày 11 với thánh lễ do hồng y Joao Braz de Aviz chủ tế tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Gần 1200 tu sĩ từ khắp nơi trên thế giới về Rôma để thảo luận đặc tính căn bản của đời sống thánh hiến cũng như các nhu cầu đào tạo đồng nhất với thời đương đại.

Ngoài các buổi trình bày được lên lịch, sẽ có hơn 50 buổi hội thảo nhóm về các chủ đề hiện thời. Hội nghị chuyên đề sẽ kết thúc với diễn đàn đào tạo liên thánh bộ.

Trong buổi khai mạc hội nghị chuyên đề, hồng y Braz de Aviz nói với các nhà đào tạo rằng, Năm Đời sống Thánh hiến là dịp để thiết lập các điểm chung cho hành trình của các tu sĩ, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo, một lãnh vực quá sức quan trọng.

Ngài giải thích: “Với tất cả chúng ta, lời kêu gọi là làm sao để sinh hoa trái cho con đường của các môn đệ đích thực của Chúa Giêsu”, sinh hoa trái theo nghĩa là nhìn vào thời điểm hiện tại, vốn mới mẻ, phức tạp và đầy thách thức.

Nhưng bất chấp mọi thách thức hiện thời, Chúa vẫn cho chúng ta hy vọng và thúc đẩy các nhà đào tạo tìm kiếm đường lối mới để thực hiện công việc đã được các đấng sáng lập dòng khởi đầu.

Hồng y Braz de Aviz tuyên bố: “Các chỉ dẫn nằm ở mục tiêu mà Đức Phanxicô đã vạch ra cho Năm Đời sống Thánh hiến, đó cũng là phản chiếu đường lối của thánh Gioan Phaolô II trong tông huấn hậu công đồng về đời sống thánh hiến vào năm 1996. Đức Phanxicô trong tư cách là người kế vị Thánh Phêrô, người Chúa giao trọng trách nâng đỡ, nhưng cũng trong tư cách một người anh trong đời sống thánh hiến, người có đời sống tận hiến như chúng ta đã củng cố đức tin cho anh em mình.”

Hồng y nhấn mạnh đến sự cần thiết phải nhìn vào quá khứ với lòng biết ơn, thấy được mỗi cộng đoàn và dòng tu có một lịch sử đoàn sủng rất phong phú.

Với các thách thức dữ dội trong thế giới đang tạo ra các bối cảnh văn hóa và địa lý mới, những người sống đời thánh hiến ‘bị lạc hướng’ khỏi đặc tính riêng của mình, họ cần có ‘một sự dấn thân mới nhằm đào sâu’ đặc tính mà các tu sĩ cần phải có.

Ghi nhớ và giữ cho lịch sử dòng tu hay tu hội của mình được sống động, không phải là chuyện ‘khảo cổ hay vun xén các hoài niệm vô dụng,’ nhưng đúng ra phải là nắm bắt được ‘tia lửa’ từng khởi hứng cho các đấng sáng lập để họ có các tư tưởng và viễn tượng mới.

Hồng y Braz de Aviz cho biết, Đức Phanxicô xem 50 năm sau Công đồng Vatican II là ‘hơi thở của Thần Khí cho toàn Giáo hội,’ và lời mời gọi của ngài muốn chúng ta nhìn về quá khứ là dịp để sống Năm Đời sống Thánh hiến trong khiêm nhượng, biết nhìn nhận các yếu đuối của mình, cũng như nhận ra lòng thương xót của Chúa.

Đây là một dịp để ‘hô vang với thế giới, bằng sức mạnh và niềm vui, làm chứng cho sự thánh thiện và sinh động nơi hầu hết những người đã được kêu gọi theo Chúa Kitô trong đời sống thánh hiến.’

Hồng y cũng nhắc đến tầm quan trọng của việc sống trong hiện tại với nhiệt tâm, nêu ra tất cả các đấng sáng lập đã tìm cách sống Tin mừng cùng một nhiệt tâm như Chúa Kitô.

Ngài hỏi các người tham dự: “Tin mừng có phải là sách bỏ túi cho đời sống hằng ngày hay không? Đọc Tin Mừng mà không đưa vào thực hành thì không đủ. Hồng y hỏi xem liệu Chúa Giêsu có còn là tình yêu ban đầu và tình yêu độc nhất như khi chúng ta tuyên xưng trong ngày tuyên khấn không. Đức Phanxicô, trong Năm Đời sống Thánh hiến chất vấn chúng ta về sứ mạng được giao phó cho chúng ta.”

Liệu việc mục vụ, công việc, sự hiện diện của chúng ta có đáp lại những gì mà Thần Khí đã muốn nơi các đấng sáng lập của chúng ta hay không? Có điều gì chúng ta cần phải thay đổi không? Chúng ta có cùng nhiệt tâm cho dân mình hay không, chúng ta có gần gũi đủ để chia sẻ niềm vui nỗi buồn của họ hay không?

Sống thời điểm hiện tại với nhiệt tâm nghĩa là trở thành ‘chuyên gia thông hiệp’, hồng y de Aviz giải thích, giữa một nền văn hóa đối đầu và đàn áp kẻ yếu, thì những người thánh hiến được được gọi để trở nên gương mẫu cụ thể cho cộng đồng, thúc đẩy mối tương quan thân ái giữa anh em.

Những con người thánh hiến cũng được kêu gọi nắm bắt tương lai với hy vọng, dù đang phải đối diện với đủ mọi thách thức từ việc suy giảm ơn gọi, tiến trình lão hóa, các vấn đề kinh tế, chủ nghĩa tương đối, sự loại trừ, các khó khăn do chủ nghĩa quốc tế và toàn cầu hóa gây ra.

Tuy nhiên, chính trong hoàn cảnh bất định này, chúng ta nhận ra hy vọng của mình, vốn là hoa trái của đức tin vào Thiên Chúa trong lịch sử, Đấng không ngừng lặp lại rằng: ‘Đừng sợ, … bởi Ta ở cùng con,’

Hồng y Braz de Aviz kết luận, hy vọng không nằm ở con số hay việc chúng ta làm, nhưng ở nơi Thiên Chúa, Đấng ‘không có gì là không thể.’

Đây là hy vọng sẽ không làm cho chúng ta thất vọng, và sẽ làm cho đời sống thánh hiến tiếp tục viết nên lịch sử vĩ đại trong tương lai mà chúng ta phải tìm kiếm, với ý thức đây là những gì Thần Khí thúc đẩy chúng ta tiến tới để tiếp tục làm nên những việc lớn lao.

J.B. Thái Hòa dịch

 

Bài mới nhất