Hội nghị ở Vatican – Đào tạo ơn gọi thế nào trong thời hiện đại?

509

Đào tạo ơn gọi thế nào trong thời hiện đại?

catholicnewsagency.com, Elise Harris, 2015-04-09

Tan hien 9

Các nhà đào tạo chủng sinh đã về Rôma từ ngày 8 đến 11 tháng 4 năm 2014 để tham dự hội nghị chuyên đề về xây dựng hình ảnh các ơn gọi mới trong xã hội đương đại – một nhiệm vụ không dễ dàng nhưng đầy hy vọng.

Hội nghị chuyên đề lần này được Thánh bộ các Dòng tu Đời sống Thánh hiến và các Hiệp hội Đời sống Tông đồ tổ chức từ ngày 08 đến 11 tháng 4 trong Năm Đời sống Thánh hiến.

Ngày 8 tháng 4, hồng y trưởng Thánh bộ Joao Braz de Aviz lên tiếng: “Đời sống thánh hiến bắt rễ nơi hành động của Chúa, trong Thần Khí, Đấng kêu gọi một số người theo Chúa Kitô mật thiết hơn, truyền đạt Tin mừng theo lối sống đặc biệt, đọc các dấu chỉ thời đại với đôi mắt đức tin và đáp lại một cách sáng tạo các nhu cầu của Giáo hội.”

Mở đầu sự kiện này là đêm canh thức cầu nguyện ngày 7 tháng 4 và hội nghị kết thúc vào ngày 11 với thánh lễ do hồng y Joao Braz de Aviz chủ tế tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Gần 1200 tu sĩ từ khắp nơi trên thế giới về Rôma để thảo luận đặc tính căn bản của đời sống thánh hiến cũng như các nhu cầu đào tạo đồng nhất với thời đương đại.

Ngoài các buổi trình bày được lên lịch, sẽ có hơn 50 buổi hội thảo nhóm về các chủ đề hiện thời. Hội nghị chuyên đề sẽ kết thúc với diễn đàn đào tạo liên thánh bộ.

Trong buổi khai mạc hội nghị chuyên đề, hồng y Braz de Aviz nói với các nhà đào tạo rằng, Năm Đời sống Thánh hiến là dịp để thiết lập các điểm chung cho hành trình của các tu sĩ, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo, một lãnh vực quá sức quan trọng.

Ngài giải thích: “Với tất cả chúng ta, lời kêu gọi là làm sao để sinh hoa trái cho con đường của các môn đệ đích thực của Chúa Giêsu”, sinh hoa trái theo nghĩa là nhìn vào thời điểm hiện tại, vốn mới mẻ, phức tạp và đầy thách thức.

Nhưng bất chấp mọi thách thức hiện thời, Chúa vẫn cho chúng ta hy vọng và thúc đẩy các nhà đào tạo tìm kiếm đường lối mới để thực hiện công việc đã được các đấng sáng lập dòng khởi đầu.

Hồng y Braz de Aviz tuyên bố: “Các chỉ dẫn nằm ở mục tiêu mà Đức Phanxicô đã vạch ra cho Năm Đời sống Thánh hiến, đó cũng là phản chiếu đường lối của thánh Gioan Phaolô II trong tông huấn hậu công đồng về đời sống thánh hiến vào năm 1996. Đức Phanxicô trong tư cách là người kế vị Thánh Phêrô, người Chúa giao trọng trách nâng đỡ, nhưng cũng trong tư cách một người anh trong đời sống thánh hiến, người có đời sống tận hiến như chúng ta đã củng cố đức tin cho anh em mình.”

Hồng y nhấn mạnh đến sự cần thiết phải nhìn vào quá khứ với lòng biết ơn, thấy được mỗi cộng đoàn và dòng tu có một lịch sử đoàn sủng rất phong phú.

Với các thách thức dữ dội trong thế giới đang tạo ra các bối cảnh văn hóa và địa lý mới, những người sống đời thánh hiến ‘bị lạc hướng’ khỏi đặc tính riêng của mình, họ cần có ‘một sự dấn thân mới nhằm đào sâu’ đặc tính mà các tu sĩ cần phải có.

Ghi nhớ và giữ cho lịch sử dòng tu hay tu hội của mình được sống động, không phải là chuyện ‘khảo cổ hay vun xén các hoài niệm vô dụng,’ nhưng đúng ra phải là nắm bắt được ‘tia lửa’ từng khởi hứng cho các đấng sáng lập để họ có các tư tưởng và viễn tượng mới.

Hồng y Braz de Aviz cho biết, Đức Phanxicô xem 50 năm sau Công đồng Vatican II là ‘hơi thở của Thần Khí cho toàn Giáo hội,’ và lời mời gọi của ngài muốn chúng ta nhìn về quá khứ là dịp để sống Năm Đời sống Thánh hiến trong khiêm nhượng, biết nhìn nhận các yếu đuối của mình, cũng như nhận ra lòng thương xót của Chúa.

Đây là một dịp để ‘hô vang với thế giới, bằng sức mạnh và niềm vui, làm chứng cho sự thánh thiện và sinh động nơi hầu hết những người đã được kêu gọi theo Chúa Kitô trong đời sống thánh hiến.’

Hồng y cũng nhắc đến tầm quan trọng của việc sống trong hiện tại với nhiệt tâm, nêu ra tất cả các đấng sáng lập đã tìm cách sống Tin mừng cùng một nhiệt tâm như Chúa Kitô.

Ngài hỏi các người tham dự: “Tin mừng có phải là sách bỏ túi cho đời sống hằng ngày hay không? Đọc Tin Mừng mà không đưa vào thực hành thì không đủ. Hồng y hỏi xem liệu Chúa Giêsu có còn là tình yêu ban đầu và tình yêu độc nhất như khi chúng ta tuyên xưng trong ngày tuyên khấn không. Đức Phanxicô, trong Năm Đời sống Thánh hiến chất vấn chúng ta về sứ mạng được giao phó cho chúng ta.”

Liệu việc mục vụ, công việc, sự hiện diện của chúng ta có đáp lại những gì mà Thần Khí đã muốn nơi các đấng sáng lập của chúng ta hay không? Có điều gì chúng ta cần phải thay đổi không? Chúng ta có cùng nhiệt tâm cho dân mình hay không, chúng ta có gần gũi đủ để chia sẻ niềm vui nỗi buồn của họ hay không?

Sống thời điểm hiện tại với nhiệt tâm nghĩa là trở thành ‘chuyên gia thông hiệp’, hồng y de Aviz giải thích, giữa một nền văn hóa đối đầu và đàn áp kẻ yếu, thì những người thánh hiến được được gọi để trở nên gương mẫu cụ thể cho cộng đồng, thúc đẩy mối tương quan thân ái giữa anh em.

Những con người thánh hiến cũng được kêu gọi nắm bắt tương lai với hy vọng, dù đang phải đối diện với đủ mọi thách thức từ việc suy giảm ơn gọi, tiến trình lão hóa, các vấn đề kinh tế, chủ nghĩa tương đối, sự loại trừ, các khó khăn do chủ nghĩa quốc tế và toàn cầu hóa gây ra.

Tuy nhiên, chính trong hoàn cảnh bất định này, chúng ta nhận ra hy vọng của mình, vốn là hoa trái của đức tin vào Thiên Chúa trong lịch sử, Đấng không ngừng lặp lại rằng: ‘Đừng sợ, … bởi Ta ở cùng con,’

Hồng y Braz de Aviz kết luận, hy vọng không nằm ở con số hay việc chúng ta làm, nhưng ở nơi Thiên Chúa, Đấng ‘không có gì là không thể.’

Đây là hy vọng sẽ không làm cho chúng ta thất vọng, và sẽ làm cho đời sống thánh hiến tiếp tục viết nên lịch sử vĩ đại trong tương lai mà chúng ta phải tìm kiếm, với ý thức đây là những gì Thần Khí thúc đẩy chúng ta tiến tới để tiếp tục làm nên những việc lớn lao.

J.B. Thái Hòa dịch