Lòng thương xót là gì?

3063

lacroix.com, Nicolas Senèze, 04-10-2015

 Lòng thương xót là gì

Đức Phanxicô sẽ công bố Tông chiếu loan báo Năm Thánh của Lòng Thương Xót sẽ mở ra vào tháng 12 này. Lòng thương xót là một trong các chủ đề trọng tâm triều giáo hoàng của ngài.

Thứ bảy 17 tháng 3-2013, đối diện với Quảng trường Thánh Phêrô đông nghịt, lần đầu tiên Đức Phanxicô xuất hiện ở cửa sổ trên Dinh giáo hoàng. Đó là Kinh Truyền Tin đầu tiên của ngài bốn ngày sau khi ngài được bầu chọn, tân giáo hoàng nói về bài Phúc Âm trong ngày, bài kể câu chuyện người phụ nữ ngoại tình và ngài đã đặt lòng thương xót vào trọng tâm suy niệm của mình. Ngài nói với đám đông, “những ngày vừa qua, tôi đọc quyển sách của một hồng y nói về lòng thương xót. Quyển sách này đã mang lại cho tôi nhiều điều bổ ích.”

Quyển sách của hồng y người Đức, Walter Kasper đã đi theo ngài trong suốt thời gian mật nghị. Đức giáo hoàng nói tiếp, “một chút lòng thương xót sẽ làm cho thế giới ít lạnh lùng hơn và công chính hơn. Chúng ta cần hiểu đúng lòng thương xót của Chúa, người Cha nhân hậu và giàu lòng kiên nhẫn…”

Thiên Chúa là tình yêu

Nhưng thế nào là lòng thương xót? “Chủ đề này là chủ đề trọng tâm của Thánh Kinh và thật sự cần thiết cho thế giới ngày nay, nhưng lại vừa mới nêu lên trong các từ điển và sách vở của thần học giáo điều”, hồng y Kasper lấy làm tiếc. Vậy mà theo cựu giáo sư giáo luật ở Tübingen, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng cho Hợp nhất tín hữu Kitô dưới triều Đức Gioan-Phaolô II thì lòng thương xót là “thuộc tính thần thánh chiếm chỗ đầu tiên”, “thành ngữ diễn tả Thiên Chúa là tình thương”, Đấng “biểu lộ Chúa đói thương đến con người và đến thế giới qua lòng thương xót.”

Albert-Marie de Monléon, cựu giám mục địa phận Meaux giải thích, “Thánh Âu Tinh đã định nghĩa lòng thương xót như quả tim trắc ẩn trước sự đau khổ của người khác và cố gắng làm thoa dịu các đau khổ”. Từ năm 2008, giám mục Monléon đã tổ chức các buổi hội thảo ở Pháp về lòng thương xót để giúp cho tín hữu biết thêm về lòng thương xót.

Ngài nói tiếp, “khi dùng lại lời nói của nữ tu Faustine và của Đức Gioan-Phaolô II, tôi thấy lòng thương xót là tình yêu qua hành động để chấm dứt sự dữ. Không phải là lời nói an ủi để xoa dịu nhưng là một cái gì buộc chúng ta phải dấn thân”. Giám mục Monléon lấy làm tiếc lâu nay lòng thương xót bị cho như một cách biểu lộ lòng mộ đạo sốt sắng mà thôi. “Là những điều rất đẹp, nhưng như thế thì chưa đủ,” ngài nhận xét.

Nuôi ăn, đón tiếp, loan báo

“Chữ misericordia trong tiếng La Tinh có nghĩa đen là có tâm hồn gần người nghèo (miseri); có quả tim cùng đập một nhịp với người nghèo,” hồng y Kasper nhắc lại.

Từ lâu Giáo hội đã nói nhiều đến “việc làm của lòng thương xót”: chữ nghĩa có thể mòn nhưng lòng thương xót nói lên một cái gì rất cụ thể: cho người đói ăn, cho người khát uống, cho người trần truồng có áo mặc, đón nhận người khách lạ, người hành hương, người đang thiếu thốn, đi thăm người bệnh, loan báo Tin Mừng cho người bị tù tội, chôn kẻ chết…

“Người Samaritanô nhân hậu này đã động lòng giúp người hoạn nạn”, giám mục Monléon nhấn mạnh đến khía cạnh loan báo Lời Chúa: “Động lòng thương đám đông, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng lâu dài cho họ trước khi cho họ ăn”.

Gần gũi

Để nói đến lòng thương xót, tiếng hêbrơ dùng chữ rahanim là lòng dạ. Thiên Chúa động lòng thương, hồng y kasper giải thích, “Thiên Chúa là một Thiên Chúa thấy con cái mình khốn cùng, Ngài nghe tiếng kêu của chúng. Thiên Chúa không làm lơ, Ngài là Thiên Chúa quan tâm đến sự tuyệt vọng của loài người, Thiên Chúa hành động, can thiệp, nói với, cứu giúp và giải thoát.”

Khổ thay, hình ảnh của lòng thương xót là một hình ảnh xa lạ. Hồng y Kasper nhấn mạnh, “ngày nay các chữ trắc ẩn và thương xót gần như lỗi thời, thực tế và thái độ ứng xử của người bây giờ không còn nói lên tinh thần này. Bây giờ người ta gọi trắc ẩn là có thiện cảm, đây là danh từ dùng trong tâm lý học, trong ngành tâm lý trị liệu hiện đại, trong giáo dục, trong xã hội học và trong mục vụ theo kiểu biến hóa quan trọng này.”

Đức Phanxicô không ngừng nhắc đi nhắc lại, “Giáo hội là một bệnh viện sau trận chiến”, đó là trọn ý nghĩa của Năm Lòng Thương Xót. Hồng y Kasper nhấn mạnh, “nhìn bề ngoài, sự chỉ trích nặng nhất mà Giáo hội thường nghe, là Giáo hội có ít hành động đi theo lời nói, Giáo hội nói đến lòng thương xót của Chúa trong khi nhiều người thấy Giáo hội nghiêm nhặt, khắt khe và không có lòng thương xót”.

Lòng tốt và sự thật

Không phải là ngẫu nhiên khi Năm Thánh trùng với năm kỷ niệm bế mạc Công đồng Vatican II do Đức Gioan XXIII khai mở và nhấn mạnh “Giáo hội cầu viện đến phương thuốc của lòng thương xót hơn là hù dọa với vũ khí là sự nghiêm khắc”.

“Thực thi hạnh thương xót mà không có sự thật là thiếu ngay thẳng; nó chỉ mang đến lời an ủi bâng quơ và cuối cùng chỉ là câu nói tầm phào”, hồng y Kasper cảnh báo, ngài tiếc cho chữ lòng thương xót ngày nay được dùng “để nói lên một loại mục vụ và một linh đạo “nhẹ-soft” hay thái độ theo chủ nghĩa khoan hòa, không hiệu quả cũng không vững chắc”.

Dựa trên chủ trương của Thánh Tôma Đacanh “công chính mà không có lòng thương xót chỉ là hung ác, thương xót mà không công chính là mẹ của bê tha trụy lạc”, hồng y nhắc lại Giáo hội “không được nói quanh co ý nghĩa khách quan của lề luật viện cớ đó là lòng tốt không được hiểu cho đúng”, nhưng phải có một sự “đánh giá công minh, không hành xử như máy chém nhưng chừa một cánh cửa cho lòng thương xót, có nghĩa là để cho người kia có được một bước khởi đầu mới nếu họ có thiện tâm”.

Đó là một cách thoát ra, từ trên cao, các thảo luận hiện nay của Giáo hội về các vấn đề gia đình.

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch