Người tị nạn Kitô ở Trung Đông

375

lefigaro.fr, Vincent Trémolet de Villers, 04-07-2015

Người tị nạn Kitô ở Trung Đông

Bị bách hại, bị Nhà nước Hồi giáo tự xưng đuổi ra khỏi quê hương mình, các tín hữu Kitô xưa nhất thế giới bị buộc phải rời quê hương họ hay sao? Từ Erbil (Kurdistan thuộc Irak) về, nơi ông tham dự buổi khánh thành đài al-Salam và gặp các người tị nạn đi trốn khỏi nạn man rợ, khảo luận gia Pascal Bruckner tự hỏi vì sao nước Pháp ít thiện cảm với tín hữu Kitô ở Trung Đông. Vụ “thanh trừng sắc tộc” tàn phá miền Trung Đông sẽ gây hậu quả nặng cho Âu Châu, sử gia Pierre Vermeren cảnh báo.

Le Figaro – Ông vừa đi một cuối tuần Phục Sinh ở Erbil với các người tị nạn về…

Pascal Bruckner – Tôi ở trong một phái đoàn nhỏ của ông Sylvain Tesson, chúng tôi đến Kurdistan để khánh thành một đài phát thanh liên cộng đồng, al-Salam, có nghĩa là hòa bình. Được Tổ chức Raid và Radio không biên giới hỗ trợ, chính yếu được tài trợ bởi Công trình của Trung Đông, đài là tiếng nói của những người không có tiếng nói. Đa số là tín hữu Kitô, đài phát thanh cho những người tị nạn yazidi, sunnit, chiite, syria, Assyria, vv.

Bây giờ Erbil như thế nào? Đó là một thành phố đang phát triển mạnh, cách biên giới ba mươi cây số. Có hàng chục ngàn người tị nạn ở nhiều trại khác nhau: tín hữu Kitô, người Kurde, Ả Rập sunnit và chiit. Sự mệt mỏi của những người đến trước thấy rõ: tổ chức nhà nước Hồi giáo tự phong (Daech) nắm quyền, mùa hè năm ngoái binh lính người Irak vứt vũ khí, xé quân phục bỏ trốn đã làm cho họ bàng hoàng. Các người tị nạn sẽ kể cho các bạn nghe tất cả những cơ khổ của họ, láng giềng bạn bè của họ đến hôi của nhà họ, đến nhà họ ở ngay khi quân Daech đến chiếm đóng. Những người này vẽ trên nhà họ chữ N, có nghĩa là Nazarêen. Sự ra đi của họ đã làm mất sự quân bằng liên cộng đoàn đa sắc dân. Còn về những người yazidis, họ không thuộc về tôn giáo của Sách Thánh nên họ bị cho là người thấp kém. Với những người này thì họ bị thanh trừng, đàn bà bị làm nô lệ. Chúng tôi đã gặp một gia đình Kitô hữu có đứa con gái mới 3 tuổi rưỡi mà đã bị một thủ lĩnh Hồi giáo bắt cóc, em có thể sẽ được bán lại để làm cô dâu!

Người tị nạn có thể nào về nhà được không? Rất khó. Thành phố Mossoul phải bị hạ nhanh chóng, điều này thì không chắc. Có hai bối cảnh: hoặc là có một cuộc chiến tranh lâu dài và đẩm máu kiểu Stalingrad, hoặc là có sự nỗi loạn bên trong giống như thời thành phố Paris được giải phóng. Cần phải nhấn mạnh vai trò đặc biệt của Kurdistan ở đây, một quốc gia đang thức tỉnh: quốc gia chủ trương nhiều thể chế, có tinh thần chiến đấu đặc biệt, chính họ đã đủ để hiện thân cho sự chống lại nạn man rợ. Ở Erbil, lòng yêu nước, ý chí muốn xây dựng một Quốc gia độc lập sau nhiều thế kỷ lang thang và giết nhau của dân tộc Kurde thì mạnh hơn là đức tin và các tranh luận thần học.

Như thế đối với người Kitô sẽ không có giải pháp nào? Họ ở giữa hai thảm cảnh: ra đi là chấm dứt sự cùng tồn tại sống chung có từ hàng thế kỷ, các tín hữu Kitô cấu tạo liên kết giữa các cộng đồng. Đi về là có cơ nguy bị bách hại trở lại. Chúng ta nhớ là họ đã ở đây từ hai ngàn năm, họ ở đây trước Hồi giáo sáu thế kỷ, trong các cuộc chiến, họ không theo đạo Hồi. Sự biến mất của họ sẽ kéo theo cả một vạt lịch sử thế giới và cũng làm cho chính thế giới Hồi giáo bị nguy hại. Vì thế một phần giới trẻ Kitô chọn con đường cầm súng và chiến đấu bên cạnh những người pechmergas.

Ông có nói gì với những người tị nạn này? Trong thánh lễ Phục Sinh, Linh mục Gollnisch, chủ tịch Công trình Trung Đông, đã xin những người bị sỉ nhục, bị nhạo báng đừng nuôi hận thù trong lòng và tha thứ cho kẻ thù của mình. Tôi không phải là tín hữu nhưng khi nghe những chữ này, tôi nhớ lại tôi đã được rửa tội. Tha thứ cho kẻ thù trước khi mình bị đánh bại, có phải đó là tuyệt đỉnh của lòng cao thượng không?

Ông nghĩ gì về vụ Công ty Giao thông Vận tải Paris (RATP)? Chúng ta đang chứng kiến nạn hãi sợ Hồi giáo ở Pháp. Việc Công ty Giao thông Vận tải Paris không ghi hàng chữ “Vì Tín hữu Kitô Trung Đông” trên bích chương quảng cáo cho buổi ca nhạc của ban nhạc “Các Linh Mục” cho thấy họ đã sỉ nhục các nạn nhân khi muốn kiểm suyệt để phòng ngừa. Những người khác như ông Edwy Plenel và các bạn của ông là những người hãi sợ ác liệt, họ chỉ muốn còng lưng xuống ngay lập tức. Ở Pháp, ngay khi đề cập đến các tín hữu Kitô thì liền có tiếng xì xầm khinh bỉ. Trước khi tôi đi Erbil, một vài người bạn đã cười khuẩy, hỏi xem đây có phải bênh vực cho phái hữu khuynh không?

Tiếng nức nở của người da trắng vẫn tiếp tục? Đạo Thiên Chúa giáo bị cho một cách sai lầm là của người Phương Tây thống trị, có quyền tối thượng còn đạo Hồi giáo là sự nổi dậy của những người bị áp bức. Như thế người đầu tiên là người đồng lõa với cái ác tuyệt đối, còn người thứ nhì là người muôn thuở vô tội. Các tín hữu Kitô không được là những nạn nhân tốt lành, họ không được coi trọng. Mùa hè 2014, khi chiến tranh ở dãi Gaza bùng nổ thì có rất nhiều cuộc biểu tình ủng hộ người Palestinin và đó là điều hợp pháp. Nhưng không ai đi biểu tình cho tín hữu Kitô. Như thế theo chỉ số tình cảm, điều này có nghĩa đời sống của một tín hữu Kitô ở Trung Đông, cũng là người Ả Rập, thì một ngàn lần kém hơn đời sống của một người Palestin. Cách nhìn kiểu liệt một nửa này thật kinh hoàng.

Chắc là cơ quan truyền thông của chính phủ Pháp coi bộ không dùng được chữ “tín hữu Kitô”… Chính quyền Obama cũng vậy khi nói đến việc giết người ở siêu thị Kasher. Sự cẩn thận về ngôn ngữ này giết nạn nhân thêm một lần nữa. Nêu đích danh sự việc, là làm sáng tỏ và vén ra cho thấy một dự án chính xác: loại bỏ dần dần mọi sự hiện diện của tín hữu Kitô ở đất Hồi giáo đang diễn ra dưới mắt chúng ta ở Kenya, Irak và Syria. Thách thức về ngữ nghĩa là nền tảng: người ta ra lệnh cho chúng ta không được nhường bước trước chứng “sợ Hồi giáo”, trong khi từ Mauritania đến Pakistan, tín hữu Kitô bị bách hại, bị giết, bị lên án, chữ “chứng sợ Kitô giáo” không có trong ngôn ngữ. Dùng mẹo thật hay: nạn nhân bị xem là đồ tể và ngược lại.

Có thể nào nói đây là nạn diệt chủng? Chúng ta nhìn lại lịch sử 60 năm gần đây: người Do Thái bị đuổi ra khỏi thế giới Ả Rập-Hồi giáo sau khi Quốc gia Israel được thành lập. Ngày nay, đến lượt tín hữu Kitô từ từ bị đẩy ra ngoài. Một luồng đi về mặt địa lý thật ấn tượng. Trước đây tín hữu Kitô có 1 200 000 người ở Irak, bây giờ họ còn không đến 300 000 người, 1 300 000 ở Syria, bây giờ chỉ còn không quá 700 000. Chúng ta hình dung ngày mai, tất cả người Do Thái ở Pháp vì sợ các vụ ám sát nên lên đường đi Israel hết!

Đến giờ đã điểm cho tín hữu Kitô? Có thể lắm. Những gì đã bắt đầu xảy ra cho người Do Thái bây giờ xảy ra cho tất cả những người khác: công giáo, tin lành, trí thức, vô thần, người không tín ngưỡng, người hồi giáo tự do. Đó là một tiến trình tuần tự đau đớn. Tất cả xảy ra như thử Hồi giáo quá khích muốn xóa đi mọi dấu vết của hai tôn giáo đơn thần lớn, những tôn giáo có trước họ và đã làm cho họ phải chịu đi sau. Họ không cho mình là một tôn giáo như các tôn giáo khác nhưng muốn mình thâu tóm tất cả và làm cho các tôn giáo khác thành vô ích. Để làm điều này, tất cả mọi phương tiện điều tốt: uy hiếp, giết, kiểm duyệt… và ở nước Pháp là những người ngu dốt cực tả hữu dụng cho họ.

Chúng ta có quá nhát gan? Chúng ta không chấp nhận mình đang ở trong cảnh chiến tranh. Ít nhất chúng ta cũng có thể đòi hỏi có một luật của sự hỗ tương và tội ác bội giáo phải được bỏ ở đất Hồi giáo: có nguyện đường Hồi giáo ở Rôma, vậy có nhà thờ ở La Mecque, Riyad, Doha không? Một cuốn phim như cuống Tông Đồ, kể câu chuyện trở lại đạo Thiên Chúa giáo của một thanh niên Hồi giáo đã không tìm được nhà phát hành. Ngược lại, Qu’Allah chúc lành cho nước Pháp, tìm lại quá trình ngược lại thì lại không gặp các khó khăn như vậy. Người Pháp nào muốn trở lại đạo Hồi giáo thì cứ tự do. Nhưng cũng phải làm lại như thế với người khác. Chúng ta hợp tác vào chính sự thất bại của mình. Houellebecq đã nói như vậy.

Pascal Bruckner, là văn sĩ, triết gia Pháp.

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch