Khi các cuộc chiến không mời mà đến Thượng hội đồng
Các cuộc thảo luận bên trong Hội trường Phaolô VI đã bị chấn động vì các cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7 tháng 10. Từ Rôma, các phóng viên đặc biệt của báo La Croix theo dõi và tường trình cho quý độc giả sinh hoạt hàng ngày của Thượng hội đồng trong chuyên mục Trong con mắt của thượng hội đồng.
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2023-10-12
Các nghị phụ nghị mẫu của Thượng hội đồng có thể chỉ muốn ở trong cánh cửa đóng kín, một số lớn các vị muốn cách ly với thế giới bên ngoài để bình tâm suy nghĩ, nhưng không vì thế mà ngăn được tin tức quốc tế giờ chót ùa vào Hội trường Phaolô VI rộng lớn. Cuộc tấn công lớn vào Israel của Hamas ngày 7 tháng 10 đã nắm giữ 365 thành viên của Thượng hội đồng, cả người đầu tiên trong số họ, giáo hoàng Phanxicô, chỉ trong vài ngày, từ Quảng trường Thánh Phêrô, ngài đã đưa ra hai lời kêu gọi hòa bình.
Ngày thứ năm 12 tháng 10, mối lo âu này được hiện thực hóa qua lời cầu nguyện của Đức Thượng phụ Chalđê của Iraq, hồng y Louis Raphael Sako xin chúng ta “cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới, đặc biệt không những ở Đất Thánh mà còn ở cả Iraq, Iran và Lebanon. Ngài đọc lời cầu nguyện trước ba tu sĩ Biển Đức Camaldolese, mặc áo trắng, phụ trách phụng vụ trong Thượng hội đồng và cả hội trường hát theo tiếng đàn tam thập lục.
Hồng y Louis Raphael Sako
“Chúng con cầu xin Chúa cho người dân Israel và Palestine”
Vài phút sau, bà Margaret Karram, người Palestine sinh ở Haifa và là chủ tịch phong trào Focolare, phát biểu: “Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa cho người dân Israel và Palestine đang chìm trong bạo lực chưa từng có, cho các nạn nhân, đặc biệt là trẻ em, cho những người bị thương, cho các con tin.” Ngày hôm trước, các thành viên Thượng hội đồng đã cầu nguyện cho Đất Thánh, nhưng chưa được nhắc đến khi cuộc chiến vừa bùng nổ.
Bà Margaret Karram, người Palestine sinh ở Haifa và là chủ tịch phong trào Focolare
Nếu tình hình cụ thể của Israel không được nói đến trong Phiên họp toàn thể, nhưng những thành viên đến từ các quốc gia có chiến tranh, trong các cuộc thảo luận, họ tiếp tục nhấn mạnh về sự cần thiết của hòa bình. Cuộc chiến nổ ra ngày 7 tháng 10 là đề tài thảo luận của họ trong giờ nghỉ giải lao.
Các giáo hội bị đàn áp
Cũng vậy, những ngày trước đó, tin tức cũng đã được đưa ra trong Thượng hội đồng, khi một giám mục công giáo Hy lạp người Ukraine đã làm chứng về tình hình ở đất nước của ngài. Tiếng vỗ tay vang lên trong Hội trường Phaolô VI. Họ cũng đã nghe tổng giám mục Khajag Barsamian, đại diện cho Giáo hội Tông đồ Armenia phát biểu, ngài trong số “các đại biểu huynh đệ” (không phải công giáo).
Tại Thượng Hội đồng, có “làm gia tăng căng thẳng” không”?
Nhưng ngoài chiến tranh, trong những ngày gần đây, các thành viên, hồng y, giám mục và giáo dân cũng đã lên tiếng về tình trạng đàn áp tôn giáo trong chính Giáo hội của họ. Không thể nêu tên họ ở đây, vì ngay cả việc nhắc đến tên của họ cũng có thể gây nguy hiểm cho sự an toàn của họ. Hai lần trong những giờ gần đây, các thành viên có mặt trong phòng đã được nhắc nhở các lời chứng này không được tiết lộ ra bên ngoài, nếu không các diễn giả sẽ không về lại được quê hương, và tình trạng có thể xấu hơn, tạo đe dọa trực tiếp và rất cụ thể cho cộng đồng địa phương của họ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch