Đức Phanxicô trên thảo nguyên trước cửa Trung Quốc: bước dừng tiếp theo là Bắc Kinh?

53

Đức Phanxicô trên thảo nguyên trước cửa Trung Quốc: bước dừng tiếp theo là Bắc Kinh?

 pillarcatholic.com, Ed. Condon, 2023-09-05

Tuần trước Đức Phanxicô đã làm nên lịch sử khi là giáo hoàng đầu tiên đến thăm Mông Cổ, nhưng đối với nhiều người theo dõi Giáo hội – ý nghĩa chuyến đi này là việc Đức Phanxicô đứng trước một quốc gia gắn bó chặt chẽ với di sản của ngài – Trung Quốc, nước láng giềng của Mông Cổ.

Trong chuyến tông du thăm cộng đồng công giáo nhỏ bé ở đây, ngài ít nhất cũng để mắt tới Trung Quốc, thậm chí ngài còn nhân chuyến đi này để công khai kêu gọi người công giáo ở Trung quốc.

Đức Phanxicô tại Oulan-Bator với hồng y John tong Hon và hồng y Stephen Chow. Hình của phương tiện truyền thông Vatican.

Nhưng với việc chính phủ Trung quốc đại lục đã quốc hữu hóa một cách hiệu quả việc bổ nhiệm các giám mục và loại bỏ Vatican khỏi thỏa thuận lịch sử với Trung quốc, Đức Phanxicô hy vọng đạt được điều gì – và nó có thực tế không?

Trong những năm gần đây, dưới sự dẫn dắt của Đức Phanxicô và với sự ủng hộ rõ ràng của ngài, Tòa Thánh đã xem việc giao tiếp với Trung quốc là nền tảng cho các nỗ lực ngoại giao quốc tế của mình.

Với những người ủng hộ của ngài, muốn thấy một Trung quốc thân thiện hơn với Giáo hội, tập trung vào thỏa thuận gây tranh cãi năm 2018 về việc bổ nhiệm các giám mục, Đức Phanxicô đã tăng cường mối quan hệ với chính phủ Trung quốc đại lục, đưa Giáo hội địa phương ra ngoài và đảng cộng sản Trung quốc vào bàn ngoại giao.

Tuy nhiên, những người chỉ trích cố gắng này của Tòa Thánh đưa ra ác ý của chính phủ Trung quốc và sự xem thường ngày càng tăng với thỏa thuận Vatican-Trung Quốc, bằng chứng cho thấy Giáo hoàng đang chống lại cối xay gió ở Trung quốc và vì thế ngài đã hy sinh uy tín ngoại giao của Giáo hội.

Trong cuộc họp báo trên chuyến bay từ Oulan-Bator về Rôma, Đức Phanxicô đưa ra quan điểm tích cực về quan hệ với Trung quốc, ngài nhấn mạnh đến “mối quan hệ rất tôn trọng và các con đường rất cởi mở”.

Nhưng với việc Trung quốc ngày càng muốn hành động đơn phương trong các vấn đề của Giáo hội, ngay cả các người trong bộ ngoại giao Tòa thánh cũng thất vọng trước sự cam chịu với toàn bộ quá trình, thì chính xác Đức Phanxicô đang hy vọng có được điều gì?

Trong chuyến đi Mông Cổ, có lẽ ngài đã có một ý niệm mơ hồ.

Bỏ qua việc bổ nhiệm các giám mục do chính phủ Trung Quốc thực hiện mà không có ý kiến của Vatican, Đức Phanxicô nói: “Tôi nghĩ chúng ta cần tiến lên trong lĩnh vực tôn giáo để hiểu nhau hơn và để người dân Trung quốc không nghĩ Giáo hội không chấp nhận văn hóa và giá trị của họ và Giáo hội phụ thuộc vào một thế lực nước ngoài khác.”

Chính phủ Bắc Kinh coi Giáo hội là một “thế lực bên ngoài”, lật đổ văn hóa Trung quốc và sự cai trị của đảng cộng sản, đưa đến một số biện pháp pháp lý và hành động thực thi an ninh quốc gia nhằm chống lại các nhà lãnh đạo Giáo hội cả ở đại lục và Hồng Kông.

Ngày chúa nhật 3 tháng 9, khi cử hành thánh lễ ở Oulan-Bator, ngài đã nói chuyện trực tiếp với người công giáo ở biên giới phía nam, nói rộng ra là với chính phủ Trung quốc.

Hồng y tiền nhiệm John Tong Hon và hồng y đương nhiệm Hồng Kông cùng đồng tế với ngài, ngài nói, ngài nhân sự hiện diện của họ để gởi lời chào nồng nhiệt đến người dân Trung quốc cao quý.

“Tôi chúc mọi người những điều tốt đẹp nhất. Hãy tiến lên, luôn tiến lên. Và tôi xin người công giáo Trung quốc hãy là người tín hữu kitô và người công dân tốt.”

Lời Đức Phanxicô xin người công giáo Trung quốc hãy là “người công dân tốt” đã tạo phản ứng mạnh mẽ trên mạng, nhiều nhà quan sát Trung quốc nhấn mạnh đến chính sách áp bức của chế độ này, đó là chưa nói đến chiến lược diệt chủng trong nước đối với người Duy Ngô Nhĩ.

Nếu xét riêng lẻ, phản ứng này có thể làm cho một số người phải nhíu mày. Nhưng những ai đang ở trong ván cờ giữa Vatican và Trung quốc đều biết, cuộc thảo luận về “công dân tốt” đã là một câu thần chú trong chính sách ngoại giao của Vatican trong nhiều năm – và nó có bối cảnh riêng.

Đức Phanxicô đã dùng cách diễn tả này khi nắm tay hồng y Chow, người đã đưa ra lời kêu gọi tương tự trong chuyến đi Bắc Kinh đầu năm nay. Nhưng hồng y giải thích với người công giáo Trung quốc, trở thành người công dân tốt không có nghĩa là cúi đầu trước chính quyền của đất nước.

Tất nhiên, dù Đức Phanxicô kiên quyết mở các con đường với Trung quốc, nhưng thực tế không khớp với những lời hoa mỹ.

Dù ở bên cạnh hai hồng y đến từ Hồng Kông, nhưng không có giám mục hay giáo dân nào từ Trung quốc đại lục có mặt trong phái đoàn của giáo hoàng đến Mông Cổ, do Trung quốc cấm họ đến đây.

Nhưng dường như Đức Phanxicô tin việc thuyết phục đảng cộng sản Trung quốc rằng người công giáo Trung quốc không phải là mối đe dọa đối với trật tự xã hội là điều có thể và cần thiết để cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, và dường như chuyến tông du của ngài là mục tiêu cuối cùng – và được mong muốn từ lâu.

Trên chuyến bay từ Oulan-Bator về Rôma, ngài đã chuyển thảo luận về Trung quốc sang ca ngợi tiến bộ ngoại giao gần đây của Vatican với Việt Nam, một chế độ cộng sản khác, thường được xem là khuôn mẫu cho các cuộc đàm phán với Trung quốc.

Ngài nói: “Với Việt Nam, đối thoại là cởi mở, có những thuận lợi và khó khăn nhưng cởi mở và tiến triển chậm. Có một số vấn đề nhưng chúng đã được giải quyết.”

Ngài còn đi xa hơn khi nói rằng chuyến đi đến Việt Nam, nơi Giáo hội đã bị cấm đoán trong phần lớn thế kỷ qua, là điều có thể: “Về chuyến đi Việt Nam, nếu tôi không đi thì Đức Gioan XXIV chắc chắn sẽ đi. Chắc chắn sẽ có một chuyến đi, vì đó là vùng đất xứng đáng để phát triển và tôi có thiện cảm với đất nước này.”

Một chuyến đi Việt Nam bây giờ có thể xảy ra, điều mà trước đây gần như không thể. Và dù hiện nay chuyến đi Trung quốc gần như không thể, nhưng từ lâu bộ Ngoại giao đã công nhận đó là mục tiêu cuối cùng của chính sách ngoại giao của Vatican với Trung quốc.

Giấc mơ này có lẽ có thể trở thành hiện thực nhờ sự lạc quan không ngừng của Đức Phanxicô, được sự hỗ trợ của Vatican với việc đảng cộng sản Trung quốc muốn quốc gia-hóa Giáo hội địa phương, ca ngợi học thuyết nhà nước về việc hán hóa tôn giáo, nhắm mắt trước cuộc đàn áp giáo hội địa phương, trước việc bắt giữ các giám mục trung thành.

Nhưng ngay cả khi giấc mơ trở thành hiện thực, liệu nó có xứng đáng không?

Trong suy nghĩ của ít nhất của một số nhân vật công giáo uy tín ở Trung quốc, câu trả lời là không.

Không có mặt trong thánh lễ ở Mông Cổ là hồng y danh dự Joseph Zen của Hồng Kông, gần đây ngài bị bắt vì “thông đồng” với các thế lực nước ngoài và bị truyền thông của đảnh cộng sản Trung quốc xem là mối đe dọa an ninh quốc gia.

Hồng y Zen đã thẳng thắn bày tỏ mối lo của ngài về sự tham gia của Vatican với chính quyền của đảng cộng sản sẽ đẩy Giáo hội về phía tiêu cực của lịch sử Trung Quốc, rằng khi chế độ cộng sản sụp đổ, Giáo hội công giáo sẽ bị xem là tác nhân cộng tác và bị loại trừ khỏi một Trung quốc tự do hơn trong tương lai.

Nhưng thật khó để dự đoán hoặc đánh giá ảnh hưởng của chuyến đi Trung quốc mà giáo hoàng có thể tạo ra với Giáo hội địa phương hay nói rộng hơn là với xã hội Trung quốc.

Dù tích cực và tôn trọng, Bắc Kinh biết rất rõ nguy cơ sẽ xảy ra nếu để giáo hoàng lọt vào đằng sau bức tường lửa vĩ đại này. Ngay cả hành trình được bố trí cẩn thận nhất, với những bài diễn văn được kiểm tra nghiêm ngặt nhất giáo hoàng sẽ phát biểu, cũng không thể hoàn toàn loại trừ khả năng Đức Phanxicô đi sai kịch bản.

Và, bất kể cái giá mà Vatican bỏ ra để đưa giáo hoàng đến đó là bao nhiêu, thì nguy cơ ngài trở thành xúc tác cho điều gì đó nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ là rất thực tế.

Những người ủng hộ nhiệt tình nhất ý tưởng và tiềm năng của chuyến tông du đến Trung Quốc thường đề cập đến chuyến trở về Ba Lan của Thánh Gioan Phaolô II năm 1979. Trước chuyến đi này, các nhà ngoại giao hai bên đã cố gắng trình bày chuyến đi này như chuyến đi tôn giáo, không có chiều kích chính trị.

Thật vậy, Thánh Gioan Phaolô đã bảo đảm với chính phủ Ba Lan, chuyến đi của ngài mang lại lợi ích cho trật tự xã hội hiện tại, ngài nói với nhà lãnh đạo cộng sản Ba Lan Edward Gierek: “Bằng cách thiết lập mối quan hệ tôn giáo với người dân, Giáo hội củng cố họ trong mối quan hệ xã hội tự nhiên của họ.”

Và mặc dù cảnh sát tuần tra đám đông và đưa ra cảnh cáo chính thức họ sẽ không chấp nhận những bài hát hay màn trình diễn quốc gia nào, mà chỉ hát những bài hát tôn giáo, chuyến thăm của giáo hoàng được nhiều người xem là bước ngoặt lịch sử, đưa đến việc kết thúc chế độ cộng sản.

Và tất cả mọi người, từ những nhà ngoại giao khó tiếp xúc nhất của Vatican cho đến những người chỉ trích gay gắt nhất chính sách Trung quốc của Đức Phanxicô, đều phải thừa nhận, dù chỉ ở nơi riêng tư, rằng không thể đoán trước được, chứ đừng nói đến việc đảm bảo, những gì ngài nói hoặc làm một ngày nào đó trước đám đông người Trung quốc.

Tuy nhiên, nhiều người – kể cả một số người ủng hộ trung thành nhất của Đức Phanxicô – sẽ nhấn mạnh, ngài khá chân thành ngưỡng mộ một số khía cạnh nào đó của xã hội Trung quốc và ngài không có ý định bắt chước Thánh Gioan Phaolô II như một tác nhân của một thay đổi tận căn. Nhưng sự việc không thể chắc chắn đảm bảo được.

Ngày thứ hai 4 tháng 9, trên chuyến bay từ Oulan-Bator về Rôma, chính ngài đã nói, ngài mong đến Việt Nam, nhưng có thể người kế vị ngài sẽ đi. Và dù các cuộc thương thuyết của Vatican và Trung quốc diễn ra trong những điều kiện tốt nhất có thể, thì ngài cũng khó tại chức đủ lâu để thấy được kết quả cuối cùng.

Khi cuộc tranh luận tiếp tục về cái giá Vatican phải trả, về mặt đạo đức và ngoại giao, để xây dựng uy tín hiện tại với Trung quốc, câu hỏi cuối cùng có thể sẽ là người kế nhiệm của ngài chọn cách chi tiêu cái giá này như thế nào.

Tùy thuộc vào việc giả định “Gioan XXIV” của Đức Phanxicô là ai, di sản của ngài ở Trung Quốc có thể cho thấy đây là một khoản đầu tư không tốt, hoặc có thể nó cho thấy cái giá phải trả cho việc đi vào lịch sử.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Những gì cần nhớ sau chuyến tông du Mông Cổ của Đức Phanxicô?