Giám mục Jean-Paul Vesco: “Là anh em trước khi là linh mục”

128

Giám mục Jean-Paul Vesco: “Là anh em trước khi là linh mục”

Làm thế nào để kết nối tình phụ tử thiêng liêng và tình anh em? Tổng Giám mục, Jean-Paul Vesco, Dòng Đa Minh, giáo phận Alger cho chúng ta biết linh đạo dòng đã định hình tầm nhìn của ngài về mọi thứ như thế nào.

lavie.fr, John Paul Vesco, 2022-02-17

 

Tổng giám mục Jean-Paul Vesco, năm 2018. GUILLAUME POLI / CIRIC

“Linh đạo đời sống nhà dòng dạy chúng tôi phải là anh em trước khi là linh mục. Về phần tôi, linh đạo này đã cấu trúc tôi theo chiều sâu, dù tôi hiểu linh đạo của các chủng viện giáo phận nhấn mạnh nhiều hơn đến khái niệm “quan hệ cha con”. Điều này có lẽ một phần do chức vụ linh mục được đồng hóa trực tiếp với chức vụ quản nhiệm: vì xem giáo dân được giao cho mình nên linh mục quản xứ tự xem mình là cha của họ.

Cùng phát sinh hỗ tương

Trong quan hệ cha con thiêng liêng, tôi đo lường nguy cơ lệch lạc đối với một mối quan hệ biểu tượng bị bóp méo, do nó quá xa với thực tế của mối quan hệ cha con. Đóng vai một người cha có thể nuôi dưỡng ảo tưởng rằng, chúng ta là những linh mục không cần ai, rằng chúng ta là nguồn gốc của sự nảy sinh mong đợi cho một quan hệ của tình phụ tử thiêng liêng.

Ngược lại, khái niệm về tình huynh đệ thiêng liêng nhường chỗ để đón nhận một thực tế hỗ tương, một phát sinh hỗ tương để làm cho chúng ta sống!

Điều quan trọng là không được đánh mất nhịp điệu sinh học tự nhiên của quan hệ cha con (mẫu tử). Thật vậy, mối quan hệ cha con phát triển trong suốt cuộc đời: trong những tháng đầu tiên, khi cha mẹ bị mất ổn định do sự đột nhập của đứa trẻ mới sinh làm thay đổi mọi điểm chuẩn của họ; sau đó đến giai đoạn giáo dục mà cha mẹ trở nên hình ảnh để đứa trẻ đối đầu và với hình ảnh này đứa bé được xây dựng; rồi đến lúc một khác biệt được tạo ra, vì đứa bé đã thành người lớn; cuối cùng đến lúc chính người con chăm sóc cha mẹ.

Quá trình này của con người có thể dễ dàng bị che khuất trong tình phụ tử thiêng liêng, thường bị khiếp sợ trong thời quan hệ giáo dục cha mẹ-con cái. Chỉ có tộc trưởng mới giữ trọn uy quyền cho đến trên giường chết, chứ không phải người cha. Rủi ro luôn ở đó, dù tình phụ tử thiêng liêng tự nó là đẹp, nhưng lại biến thành một loại tình phụ tử gia trưởng gò bó hơn nhiều. Khi đó mối quan hệ bị đe dọa với tình trạng vô sinh suốt đời.

Một hình thức khác biệt

Theo tôi, mô hình tình huynh đệ thiêng liêng có vẻ “thực” hơn, một chừng mực nào, nó gắn bó chặt chẽ hơn với thực tế hiện sinh của tình huynh đệ nhân loại. Trong gia tộc, có nhiều vị trí khác nhau được tôn vinh. Người anh lớn và người em nhỏ có vai trò người này cho người kia, có thể phát triển theo thời gian và theo hoàn cảnh. Trong tình huynh đệ, chúng ta sống một hình thức khác biệt mà chúng ta ít thấy hơn trong tình phụ tử, vì chúng ta là anh chị em của cùng một Cha.

Uy quyền của người anh thường không cùng thứ trật với uy quyền người cha. Chúng tôi không nợ gì anh, gì chị của mình, ngoại trừ công nhận họ có thể là gì với chúng ta, bởi vì họ là anh, bởi vì họ là chị. Chúng tôi không nợ gì họ cho cuộc sống chúng tôi, và đó là một khác biệt lớn.

Là giám mục, tôi muốn là người anh em, dù với các linh mục hay các nữ tu lớn tuổi hơn tôi, hay với các sinh viên. Với các linh mục và các nữ tu, thật khó để tôi có thể xem mình như người cha, nhưng với sinh viên thì dễ hơn. Tuy nhiên, ngay cả với họ, tôi nhận ra, đôi khi tôi cũng muốn xem mình như anh của họ trong đời sống thực tế, điều này tạo các mối quan hệ bền chặt về mặt con người và thiêng liêng, nó cũng bền chặt và có thể còn hơn thế, so với khi họ thường máy móc xem tôi như người cha, đơn giản chỉ vì vai trò thể chế của tôi.

Được gọi là anh

Nói như vậy, tất nhiên tôi nhận thức thực tế và sức mạnh của tình phụ tử thiêng liêng. Đơn giản, nó không tự ban hành và vì thế không được thể chế hóa. Đây là sự hiểu biết của tôi về lời răn của Chúa Giêsu, không được gọi bất cứ ai là “cha”. Một người không trở thành cha của tất cả mọi người ở tuổi 25, đơn giản vì họ được thụ phong linh mục. Đó là lý do vì sao, trong nối kết cần thiết giữa tình huynh đệ và tình phụ tử, tình huynh đệ được đặt lên hàng đầu.

Tôi cảm thấy trước hết được gọi một cách sâu đậm là người anh, đôi khi ở địa vị một người anh lớn. Có khi, trong dịp này dịp kia, có cơ hội nảy sinh, dấu hiệu của một tình phụ tử thiêng liêng đích thực. Về mặt cá nhân, tôi không có cha thiêng liêng, nhưng tôi có những anh chị em mà tôi cùng tiến bước trong quan hệ khác biệt và hỗ tương. Trong số này, có một số anh chị em đã cho tôi hình ảnh của tình phụ tử hay tình mẫu tử thiêng liêng vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời tôi. Tôi có thể nêu tên họ.

Tất nhiên, mối liên hệ giữa tình anh em và tình phụ tử thiêng liêng này rất tinh tế. Trong tư cách là giám mục, tôi có cảm tưởng quan hệ với các linh mục trong giáo phận của tôi là quan hệ anh em, nhưng có một “chút gì đó” khác khi tôi là linh mục trong số họ, hoặc cả khi tôi là linh mục tổng đại diện.

Cách đây một năm, tôi lo cho một linh mục lớn tuổi, người rất được yêu quý đã chết vì Covid-19. Cùng với các thành viên khác trong giáo phận, tôi đồng hành cùng cha cho đến hơi thở cuối cùng. Khi tôi đến thăm cha ở bệnh viện, lo cho cơ thể và cho cha ăn, tôi cảm thấy tôi đang làm những gì mà tôi sợ một ngày nào đó tôi làm cho cha tôi, tôi không hình dung tôi có thể làm được. Cách trở thành anh em của tôi với linh mục này là đối xử với ngài như người con đối xử với cha mình, chứ không phải như người cha với người con, với tất cả quyền hành mà người con có thể có với cha mình vào cuối đời.

Nguyên tắc của hiệp nhất

Dù tôi là giám mục của ngài, tôi là anh em trong dòng với ngài, có nghĩa là có thêm “điều gì đó nhỏ” mà cả hai chúng tôi đều nhận thức, không cần phải dùng từ ngữ để diễn tả. Đó là cái gì? Tôi không biết phải nói như thế nào. Sự tế nhị của mối quan hệ này không thể hiện đầy đủ bởi quan hệ cha con thiêng liêng, khi giám mục là cha của các linh mục “của mình” hay là linh mục, là người cha mà giáo dân được giao phó cho ngài.

Vai trò giám mục của tôi, như tôi khao khát được sống, là trở thành người anh em đảm nhận nguyên tắc hiệp nhất, người biết cách khuyến khích mọi người theo cách mà Thánh Linh thể hiện qua mình. Mô hình Giáo hội của tôi là, theo thượng hội đồng như trong thư đầu tiên Thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô, nơi mọi người đều nhận ơn và nói lên ơn của mình, như hình ảnh một cơ thể gồm nhiều cơ quan, tất cả đều cần thiết, tất cả đều liên đới phụ thuộc vào nhau.

Dù khi rõ ràng nguyên tắc đồng nghị cần phải thực hiện hành trình “với Phêrô” và “dưới quyền Phêrô”, vì Giáo hội không phải là nền dân chủ theo nghĩa chúng ta thường hiểu. Nhưng chúng ta phải có thể nghe tất cả tiếng nói. Tính đồng nghị nằm ở sự căng thẳng này giữa mặt ngang của tình huynh đệ và bề cao của nguyên tắc hiệp nhất. Không có cái này mà không có cái kia.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Bài đọc thêm: Một hội nghị chuyên đề tại Vatican để suy nghĩ lại về chức linh mục

Những điểm nổi bật trong bài phát biểu của Đức Phanxicô về chức linh mục

Tổng giám mục Jean-Paul Vesco: “Giáo hội công giáo Algeria sống trong hiệp thông tình huynh đệ với tất cả mọi người”