Đức Phanxicô có phải là giáo hoàng bài-giáo sĩ không?
Thời sự của Vatican dưới cái nhìn của phóng viên báo La Vie tại Rôma. “Chủ nghĩa chống giáo quyền” của Đức Phanxicô là một khái niệm thường xuyên được nhắc đến, nhưng trên hết đó là nguyên nhân dẫn đến nhiều hiểu lầm.
Đức Phanxicô và hồng y Marc Ouellet trong buổi khai mạc Hội nghị Chuyên đề về Chức linh mục ngày thứ năm 17 tháng 2-2022 tại Hội trường Phaolô VI | © KEYSTONE / MAXPPP / Riccardo De Luca
lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, 2022-02-17
Khi phác thảo chân dung linh mục ngày nay trong buổi khai mạc Hội nghị Chuyên đề về Chức linh mục được tổ chức tại Vatican từ ngày 17 đến ngày 19 tháng 2 năm 2022, Đức Phanxicô bắt đầu bằng một chứng từ cá nhân, gợi ý đây có thể là “điểm son” trong chức tư tế của ngài, một loại di chúc để lại cho các linh mục anh em của ngài.
Thông điệp ngầm của cách tiếp cận này là: “Tôi cũng như anh em, ở giữa anh em.” Như để tránh làm cho mình nổi bật. Và đưa ra lời khuyên trong thân tình nhiều hơn là cho bài học theo kiểu chuyên ngành. Để làm chứng cho điều phải cố gắng làm, trước khi khi tố cáo điều “không được” làm. Có lẽ ngài đã nghe nhiều lời chỉ trích, do một số bài phát biểu của ngài có phần “nắn bắp”, ngài không ngần ngại lay động người nghe khi ngài tố cáo chủ nghĩa giáo quyền.
Thế nào là một linh mục theo Đức Phanxicô? Đó là người của quan hệ, gần với Chúa và gần với giáo dân. Đó là người mục tử giữa đàn chiên của mình, người mang mùi chiên. Theo ngài, ngược với sự gần gũi này là chủ nghĩa giáo quyền. Ngài nhấn mạnh trong bài diễn văn: “Chủ nghĩa giáo quyền đồi bại, vì nó hình thành trên ‘những khoảng cách’. Theo cùng một lô-gích, ngài nói thêm, dân Chúa muốn tìm ‘người mục tử mang phong cách Chúa Giêsu, chứ không phải ‘giáo sĩ công chức nhà nước’ hay ‘chuyên gia chuyên về thiêng liêng.’”
Hoài niệm của một số linh mục với Đức Bênêđíctô XVI
Rõ ràng trong nhiều năm qua, chủ nghĩa giáo quyền là khái niệm cơ bản giáo hoàng mong muốn trong việc cải cách Giáo hội công giáo, nhưng nó thường là nguồn gốc của hiểu lầm. Cách Đức Phanxicô biến nó thành một trong những con ngựa chiến của mình đã làm phiền lòng một số linh mục nào đó ở Pháp và các nơi khác, những người thường có cảm giác mình bị đặt vấn đề trong thời điểm họ cần được nâng đỡ.
Sự bứt rứt này không phải là không đáng kể trong nỗi nhớ mà một số người dành cho Đức Bênêđíctô XVI, năm 2009 ngài tổ chức năm thánh linh mục nhân kỷ niệm 150 năm ngày linh mục Jean-Marie Vianney qua đời. Những người này nhận thấy, giáo hoàng danh dự nhấn mạnh những khía cạnh tích cực của chức tư tế, mang cảm giác khích lệ cho đội ngũ của mình, còn Đức Phanxicô thì nhấn mạnh đến những “căn bệnh thiêng liêng” có thể có của họ: chủ nghĩa giáo quyền, tính thế tục, tính tự quy chiếu, cứng nhắc, chủ nghĩa trí thức và thiếu ý thức mục vụ…
Nói tóm lại, đó là danh sách những cảnh báo và khiển trách những gì không nên, hơn là đánh giá những gì có thể tốt hơn trong những gì đang có hiện nay.
Chủ nghĩa giáo quyền không phải là đặc nét riêng của giáo sĩ
Như thế, từ “Phanxicô, người bài giáo sĩ” (tiêu đề trang bìa của báo La Vie số 3554 ngày 10 tháng 10 năm 2013, chữ ‘bài giáo sĩ’ bị cắt làm hai, không viết có gạch nối bài-giáo sĩ) cho đến Phanxicô, “giáo hoàng không thích các linh mục” (tiêu đề của một bài báo đăng năm 2014 trên một blog thù nghịch với giáo hoàng), có một bước mà một số người đã không do dự bước qua.
Tuy nhiên, nó bỏ qua hai yếu tố. Đầu tiên là danh sách cảnh báo, một nét hay lặp lại trong phong cách của Đức Phanxicô, cũng có thể thấy trong các thư ngài gởi giáo dân, gởi nhân viên Giáo triều (và không chỉ có các hồng y!), các phong trào hoặc các nữ tu. Chẳng hạn, năm 2013, ngài nói với một nhóm 800 phụ nữ thánh hiến, họ phải là “mẹ” chứ không phải là “các cô gái già”… Thứ nhì, mỗi lần ngài lên án “chủ nghĩa giáo quyền” ngài thường nói chính xác đây không phải là đặc nét riêng của giáo sĩ.
Năm 2013, khi ngài phát biểu trước các giám mục của Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh (Celam), ngài đã nói đến “sự đồng lõa tội lỗi” giữa linh mục và giáo dân, mỗi bên tự ràng buộc nhau vào một vai trò nào đó cho dễ dàng công việc. Trong bài phát biểu khai mạc tại Hội nghị Chuyên đề về Chức linh mục, một lần nữa ngài nhấn mạnh đến chiều kích này: “Khi tôi nghĩ đến chủ nghĩa giáo quyền, tôi cũng nghĩ đến việc giáo sĩ hóa giáo dân: cổ động cho một tầng lớp nhỏ xung quanh linh mục, rồi cuối cùng làm sai lệch sứ mệnh cơ bản của mình.”
Sự mất cân bằng giữa hai hình thức giáo quyền
Do đó, khi đối diện với những vấn đề đương thời (khủng hoảng lạm dụng và ơn gọi), khái niệm cần được xem trọng, hơn là rút tắt thành ý thức hệ. Hồng y Marc Ouellet, Bộ trưởng Bộ Giám mục, người tổ chức hội nghị chuyên đề, nếu có một người theo Ratzinger, người đó sẽ hiểu rõ vấn đề này, ngài đưa ra trong lời giới thiệu buộc tội gay gắt nhất để chống lại chủ nghĩa giáo quyền, ủng hộ cho Đức Phanxicô.
Ngồi bên cạnh giáo hoàng, trước mặt cử tọa gồm các hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ, nữ tu, thần học gia và giáo dân, hồng y gằn mạnh: “Một từ vừa chung chung, vừa cụ thể: mô tả tổng thể của những hiện tượng: lạm dụng quyền lực, lạm dụng thiêng liêng, lạm dụng lương tâm, người lạm dụng tình dục chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, hữu hình và đồi bại, nổi lên qua những lệch lạc sâu thẳm hơn”.
Ngài nhấn mạnh: “Căn nguyên của những hiện tượng này, trên thực tế là do mất cân bằng, do đánh giá quá cao hình thức chức tư tế, làm tổn hại đến hình thức khác, như phép rửa tội, than ôi!”, gần như bị lãng quên trong thế giới công giáo.” Một căn bệnh mà hồng y lấy làm tiếc, có nguồn gốc lịch sử, vì sự bảo vệ của Huấn quyền cho chức tư tế để chống lại cuộc Cải cách Tin lành, đã để lại trong bóng tối một chiều kích khác thiết yếu hơn, chứng thực một cách nào đó não trạng quyền lực giáo sĩ và một thái độ kiểm soát quá mức của hàng giáo phẩm đối với toàn thể cộng đồng giáo hội”.
Khi kết thúc bài phát biểu, hồng y Marc Ouellet đã ca ngợi “nghiên cứu liên tục của Thượng hội đồng, đánh thức hy vọng của một cân bằng mới”. Một ủng hộ quan trọng dành cho Đức Phanxicô của hồng y, người có tiếng nói có thể tác động trên tiến trình đồng nghị và cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa giáo quyền. Và đề nghị vừa tính mở rộng vừa khuôn khổ.
Trên thực tế, một người bạn thân của giáo hoàng người Argentina nhận xét, “đôi khi có sự hiểu lầm về Đức Phanxicô khi người ta nói ngài là người ‘bài-giáo sĩ. Trên thực tế, ngài ‘chống giáo quyền’ thì đúng hơn!”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Chủ nghĩa giáo quyền là gì?