“Những người di cư của giáo hoàng”, bên trong hành lang của một quy trình hành chính lâu dài

52

“Những người di cư của giáo hoàng”, bên trong hành lang của một quy trình hành chính lâu dài

Chuyến tông du thứ 35 của Đức Phanxicô đi Sýp và Hy Lạp từ ngày ngày 2 đến ngày 6 tháng 12 năm 2021, chủ yếu dành cho việc di cư và tiếp nhận. Hai ngày trước khi lên đường, theo lời yêu cầu của Đức Phanxicô, cộng đồng Sant’Egidio đã đưa 46 người di cư từ đảo Lesbos (Hy Lạp) về Ý. Dù Vatican không có lãnh sự quán hay chính sách di cư, nhưng đâu là hậu trường của một tiến trình như vậy?

cath.ch, Ban biên tập, 2021-12-07

Trong chuyến tông du đến Sýp và Hy Lạp, Đức Phanxicô đã gặp người di cư | © EPA / VATICAN MEDIA / Keystone

Năm 2016, khi đến thăm đảo Lesbos, Đức Phanxicô đã đem 12 người tị nạn theo ngài về Rôma. Một cử chỉ ngài có thể lặp lại khi ngài từ Sýp về. Những thỏa thuận nào đã giúp Đức Phanxicô, thông qua cộng đồng Sant’Egidio, hoặc với tư cách cá nhân, đưa những người di cư này về Ý?

Trên thực tế, Đức Phanxicô là nguyên thủ quốc gia Vatican, Hiệp định Lateran ký năm 1929 với Vương quốc Ý đã tạo điều kiện dễ dàng hơn cho ngài.

Đàm phán tay ba phức tạp

Với khoảng một ngàn dân, nhưng một nửa số dân này lại sống bên ngoài Vatican, quốc gia nhỏ nhất thế giới không có chính sách nhập cư và không có an sinh xã hội. Vatican chỉ có thể đón nhận người nước ngoài trong khuôn khổ các Hiệp định Lateran. Trước hết, công việc sơ bộ là giữa Sứ thần Tòa thánh, nước Ý và Bộ Nội vụ của các nước liên quan, trong trường hợp này là Hy Lạp và có khả năng là Cộng hòa Sýp.

Cộng đồng Sant’Egidio cho biết, “những người hợp lệ” đã được chọn vào danh sách chọn lọc. Vì họ đã có đơn xin tị nạn hợp lệ hoặc giấy phép cư trú tạm thời. Đó là lý do vì sao năm 2016 khi công chúng chỉ trích ngài “ưu tiên cho người hồi giáo”, ngài trả lời “không có lựa chọn nào khác, có hai gia đình kitô giáo nhưng họ không hợp lệ.”

Sau đó các cơ quan mật vụ địa phương xác nhận những người này “không gây nguy hiểm cho an ninh”. Theo nhiều nguồn tin mật, danh sách được giữ bí mật cho đến phút cuối mới được giám mục Savio Hon Tai-Fai, người Hong Kong, sứ thần Tòa thánh tại A-ten đưa ra vào giữa tháng 11. Sau đó giám mục chuyển đến phủ Quốc vụ khanh rồi danh sách được chuyển đến Ý. Cuối cùng Rôma đưa ra thỏa thuận của mình trước khi giao hồ sơ cho cộng đồng Sant’Egidio xử lý, “đúng hơn là về mặt kỹ thuật”, .

Giấy thông hành, thủ tục và các lựa chọn khi đến

46 người di cư rời Lesbos ngày 30 tháng 11 chỉ cần giấy thông hành nhân đạo, vì Ý là thành viên của khối Schengen. Sýp không thuộc thành phần của khu vực di chuyển tự do này, nếu Đức Phanxicô đưa những người di cư về, họ phải cần “giấy phép vãng lai” từ khu vực Schengen thông qua Frontex – lực lượng biên phòng của nó có trụ sở tại Warsaw, Ba Lan – thêm nữa phải có hộ chiếu của tòa lãnh sự Ý ở  Nicosia, Sýp, cấp. Giấy tờ quý giá này giúp họ đến khối Schengen, và Ý là thành viên sáng lập.

Bài đọc thêm: Cộng đoàn Sant’Egidio đưa 46 người di cư từ Lesbos đến Ý

“Cố gắng của chúng tôi là làm cho những người di cư được tự lập trong một thời gian hợp lý”

Cộng đồng Sant’Egidio

Theo các Hiệp định Lateran – ngoại trừ các nhân viên ngoại giao nước ngoài chỉ cần giấy phép của sứ thần Tòa thánh gần nước của họ cấp, họ có thể vào lãnh thổ Ý để đến Vatican – còn tất cả các vị khách khác của giáo hoàng không phải là người Âu châu thì đều phải có thông hành do nước Ý cấp.

Khi đến Rôma, những người tị nạn này sẽ phải nộp một đơn xin tị nạn ngoại lệ khác cho Questura, cảnh sát lãnh thổ Ý, và thường được trả lời “trong một thời gian ngắn”. Đạo luật này sau đó sẽ thay đổi họ từ tình trạng của những người xin tị nạn, mà họ đã có ở Lesbos hoặc Nicosia, sang tình trạng những người tị nạn. Điều này giúp họ có được bổ trợ quốc tế phụ để, đổi lại họ cam kết không quay về nước gốc của họ “cho đến khi có thông báo mới.” Và vì thế họ sẽ có giấy phép cư trú 10 năm. Một công ước buộc Ý phải chấp nhận trên lãnh thổ của mình “bất kỳ vị khách nào của Tòa thánh” và đảm bảo cho nước này những lợi thế mà nước này dành cho mỗi công dân của họ.

Hội nhập và triển vọng cho những người di cư này

Giáo hoàng là nguyên thủ quốc gia. Như thế ngài có thể đưa bất cứ ai ngài chọn đến Vatican. Vì mảnh đất này không có đủ nhà ở cũng như không có các cơ quan phù hợp, nên nước Ý tự động tiếp quản theo các Hiệp định Lateran. Ý giúp cho người tị nạn mới đến, từng người, việc lưu trú và ăn ở, khoảng 450 âu kim. Một trong số những người tị nạn vui vẻ nói: “Đó là gấp đôi những gì chúng tôi nhận được ở Hy Lạp.”

Cộng đồng Sant’Egidio lo nhà ở và ăn uống cho các gia đình, nhưng các gia đình cũng được  phân phối trên khắp nước Ý. Các thiện nguyện viên giúp người tị nạn hội nhập, nhất là học ngôn ngữ và văn hóa Ý.

Cố gắng của cộng đồng Sant’Egidio là làm cho người di cư được tự lập trong một thời gian hợp lý. Đó là dạy nghề và tìm việc. Theo cộng đồng Sant ’Egidio, “sau vài tháng, những người từ Lesbos đến năm 2016 đã sống tự lập và hoàn toàn hội nhập”. Những người di cư cho thấy họ hội nhập sâu rộng nhất có thể, sau một vài năm, họ xin và có quốc tịch Ý, vì quyền công dân của Vatican chỉ có tính cách tạm thời gắn liền với chức vụ hoặc nhiệm vụ của họ ở Vatican. Điều này đặc biệt thấy rõ nơi Cận vệ Thụy Sĩ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch