Đức Phanxicô tiếp người di cư Camơrun bị mất vợ con ở Libya

67

Đức Phanxicô tiếp người di cư Camơrun bị mất vợ con ở Libya

Anh Mbengue Nyimbillo Crepin được biết đến với cái tên “Pato” ở Ý | © Truyền thông Vatican

cath.ch, I.Media, 2023-11-19

Chiều thứ sáu 17 tháng 11 – 2023, Đức Phanxicô đã tiếp anh Mbengue Nyimbillo Crepin, người Camơrun 30 tuổi di cư đến Ý và đã làm cho nước Ý xúc động vì hoàn cảnh của anh, vợ anh và con gái 6 tuổi đã chết trong sa mạc Libya. Kể từ khi Đức Phanxicô đến thăm đảo Lampedusa trong chuyến đi đầu tiên của ngài cách đây 10 năm, hơn 28.000 người di cư hoặc tị nạn đã chết hoặc mất tích ở Địa Trung Hải.

Anh Mbengue Nyimbillo Crepin được biết đến với tên “Pato” ở Ý. Năm 2019, anh cùng gia đình có chuyến hành trình dài để trốn bạo lực ở quê hương, người em gái ruột của anh đã bị giết chết. Bị giam giữ trong các trại ở Libya, bị tách khỏi vợ con, cuối cùng anh biết hai mẹ con đã chết trong sa mạc.

Đức Phanxicô tiếp anh Mbengue, hồng y Michael Czerny, bộ trưởng bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện và linh mục Mattia Ferrari ở Nhà Thánh Marta, linh mục Ferrari là cha tuyên úy đã tham gia nhiều vụ giải cứu của tổ chức Mediterranea Saving Humans, cũng như đại diện của các tổ chức phi chính phủ liên quan đến việc cứu trợ người di cư.

Trong cuộc gặp gỡ này, ngài bày tỏ tình liên đới với anh Pato, ngài cho biết đã cầu nguyện rất nhiều cho anh, cho vợ của anh là Matyla và con gái của anh là Marie. Sau đó, ngài đề cập đến các hiệp hội, nhấn mạnh được sinh ra ở châu Âu là một đặc quyền, nơi mọi người có thể học tập và làm việc, nhưng “đặc quyền là một món nợ” và hành động của chúng ta không phải là một “chuyện thặng dư nhưng là một nghĩa vụ”.

Theo Đức Phanxicô, được sinh ra ở Châu Âu là một đặc ân | © Truyền thông Vatican

Sau khi lắng nghe các người di cư, trong đó có David, một người Nam Sudan, liên quan đến những người di cư trong các trại giam ở Bắc Phi, Đức Phanxicô cầu nguyện cho những người có mặt và cho “tất cả những người đau khổ” trên các hành trình di cư.

Trong giờ Kinh Truyền Tin ngày 23 tháng 7, Đức Phanxicô đã bày tỏ quan tâm của ngài về số phận của những di cư bị mắc kẹt ở sa mạc Sahara, ngài xin các nhà lãnh đạo châu Âu và châu Phi cung cấp viện trợ “khẩn cấp” cho họ. Ngài lên án nhiều quốc gia như Algeria và Tunisia đã trục xuất người di cư khỏi châu Phi cận Sahara: “Hàng ngàn người trong số họ, trong nỗi đau khổ khôn tả, đã bị mắc kẹt và bị bỏ rơi trong nhiều tuần tại các vùng sa mạc.” 

28.000 người di cư thiệt mạng ở Địa Trung Hải

Đức Phanxicô rất quan tâm đến vấn đề người di cư và người tị nạn, ngài đã gây ấn tượng khi chuyến đi chính thức đầu tiên của ngài là tới đảo Lampedusa, miền nam nước Ý ngày 8 tháng 7 năm 2013. Ngài đề cập đến “dửng dưng toàn cầu hóa” và ném vòng hoa xuống biển để tưởng niệm nạn nhân của vụ đắm tàu đầu tiên làm cho 368 người di cư thiệt mạng ngoài khơi.

Tháng 10 vừa qua, Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết kể từ thảm kịch Lampedusa, có hơn 28.000 người di cư hoặc người tị nạn đã chết hoặc mất tích ở Địa Trung Hải, trong đó có hơn 22.300 người ở trung tâm Địa Trung Hải.

Quý đầu tiên của năm 2023 có nhiều người chết nhất kể từ năm 2017. Tính đến ngày 2 tháng 10, có 2.517 người đã chết hoặc mất tích ở trung tâm Địa Trung Hải. Vào giữa tháng 9, đảo Lampedusa chứng kiến 6.000 người di cư đến trong vài giờ, buộc chính quyền phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Lampedusa một lần nữa phải đối diện với làn sóng người di cư: từ ngày 14 đến ngày 15 tháng 11, hơn 1.600 người đã đến đảo. Phần lớn những người nhập cư bất hợp pháp này đến từ châu Phi, nhưng cũng có nhiều người đến từ Bangladesh, Ai Cập, Pakistan và Syria.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch