Đọc các chuyện thực tế theo thuyết âm mưu
Với đại dịch Covid-19, các thuyết âm mưu đang ngày càng lan rộng, bằng chứng là sự thành công của bộ phim tài liệu Hold-up, phổ biến cách đọc những chuyện thực tế theo thuyết âm mưu. Một tiếp cận đặc biệt rút từ lịch sử kitô giáo như giáo sư Paul Airiau giáo sư tiến sĩ sử học, chuyên gia về khải huyền và chủ nghĩa bài Do Thái của công giáo giải thích.
lavie.fr, Sixtine Chartier, 2020-11-18
Kitô giáo dường như cung cấp dữ liệu cho các thuyết âm mưu, bằng chứng là các thư gần đây của cựu sứ thần Carlo Viganò gửi tổng thống Donald Trump tố cáo một “cuộc tái thiết lớn” của giới tinh hoa toàn cầu để nô lệ hóa dân chúng. Các lá thư được trích trong bộ phim tài liệu Hold-up… Giáo sư giải thích điều này như thế nào?
Giáo sư Paul Airiau: Không có gì mới mẻ ở đây, ngoại trừ sự hồi sinh được các mạng xã hội cho phép của một hiện tượng đã ở bên lề Giáo hội công giáo phương Tây kể từ giữa những năm 1960. Thật vậy, kể từ cuối thế kỷ 18, một phần lớn truyền thống khải huyền của công giáo về một âm mưu chống công giáo đặc biệt dựa vào các tiết lộ riêng tư.
Ý tưởng về âm mưu chống công giáo này dựa trên điều gì?
Nó bắt đầu rất chính xác với cuộc Cách mạng Pháp 1789, và rất nhanh chóng liên quan đến toàn bộ công giáo Âu châu. Giữa những năm 1797 và 1803, trong Hồi ký của mình, để phục vụ cho lịch sử của chủ nghĩa Jacobin (một nhóm cách mạng Pháp), linh mục Augustin Barruel, cựu tu sĩ Dòng Tên đã triển khai ý tưởng cho rằng các triết gia Khai sáng và tam điểm đã âm mưu để tiêu diệt tôn giáo và chế độ quân chủ. Ý tưởng nhanh chóng nảy nở cho rằng các nhóm, bí mật hoặc công khai, đang làm việc để tiêu diệt toàn bộ đạo công giáo, kể cả xâm nhập trong nội bộ. Đó là một hình thức phản ứng lại tình trạng công giáo trong thế giới hiện đại, mà chỗ đứng được xem là chính trong tổ chức xã hội ngày càng bị đặt vấn đề. Nhưng khuynh hướng âm mưu này không bao giờ hoàn toàn là tưởng tượng. Nó luôn tính đến các yếu tố của thực tế: đã từng tồn tại các hiệp hội tam điểm được đánh dấu bởi chủ nghĩa chống kitô giáo hoặc chống chủ nghĩa giáo quyền và các phong trào cải cách nhằm mục đích thế tục hóa xã hội.
Khuynh hướng âm mưu này không bao giờ hoàn toàn là tưởng tượng. Nó luôn tính đến các yếu tố của thực tế.
Điều gì đã biến những lời tố cáo này thành âm mưu?
Điều chiếm ưu thế trong các nội dung này không phải là ý tưởng về âm mưu, mà là cách đọc hiện thực của ngày cánh chung. Trong lịch sử chính trị của thế kỷ 19, các âm mưu chính trị và các hiệp hội bí mật tranh cãi về địa vị của Giáo hội đã từng tồn tại, nhưng chúng được một số người công giáo đọc qua khung cánh chung, có nghĩa là một tư thế giải mã dấu hiệu của thời đại mà mọi yếu tố đều được khai thác để hiểu được tình trạng tâm linh trong đó chúng ta sống. Sự giải thích về thực tại này bắt nguồn từ việc đọc quyển Đô thị của Chúa mà Thánh Âugutinô dựa trên sách thánh để viết. Thánh Âugutinô chống Đô thị của Chúa “được thành lập trên tình yêu của Chúa đến mức coi thường chính mình”, so với đô thị trần thế, được thành lập trên “tình yêu của chính mình đến mức coi thường Chúa”. Ngoại trừ ngài không nói ai ở trong các nhóm đó. Từ thế kỷ 18, người công giáo sẽ nhận diện các thành viên trong mỗi đô thị: người công giáo trong đô thị của Chúa chống lại những người tự do, những người thuộc hội tam điểm, những người cộng hòa, những người theo chủ nghĩa xã hội quốc tế khác nhau, người Do Thái, v.v., ai là các công cụ mục tiêu của một Phản-Giáo hội.
Nhưng các nhóm này hoạt động trong bóng tối…
Đó là toàn bộ nghịch lý của các thuyết âm mưu: những điều bí mật xảy ra nhưng cuối cùng chúng luôn được biết đến.
Cách đọc thiên lệch về thực tế này có còn tính cách thời sự trong đạo công giáo không?
Không còn, nhưng nó vẫn tiềm ẩn nơi các môi trường truyền thống hoặc chủ nghĩa chính thống. Nó có thể ở các khía cạnh lớn hơn khi một bộ phận người công giáo xem Giáo hội công giáo là đối tượng của các cuộc tấn công cùng phối hợp. Chúng ta thấy rõ chuyện này nơi các bài phát biểu của cựu sứ thần Viganò: ngoài việc đọc một cách cứng nhắc sách Thánh Âugutinô, ông nhấn mạnh đến việc chống phá thai, an tử, hợp pháp hóa sau khi hoạt động quân sự, dù có sự chống đối của Giáo hội… Các yếu tố của “văn hóa sống” phù với quan tâm của Tòa Thánh từ bốn mươi năm nay, nhưng Tòa Thánh không cùng quan điểm với cựu sứ thần. Ngược lại, có thể nói Đức Lêô XIII gần như có thể nói những điều tương tự như Viganò!
Diễn văn của Giáo hội đã tiến triển kể từ Công đồng Vatican II, nhưng trong một bức thư, Viganò tố cáo Công đồng Vatican II là “căn bệnh ung thư” gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay – kể cả Covid-19…
Theo cách đọc của những người theo chủ nghĩa truyền thống hay bảo thủ quá khích, với Công đồng Vatican II, một bộ phận của cơ quan giáo hội đã theo thời hiện đại và bị ảnh hưởng của ma quỷ. Đặc biệt ý tưởng này thừa kế của việc tố cáo những người theo chủ nghĩa hiện đại xâm nhập vào Giáo hội, bị Đức Piô X lên án từ năm 1907. Nó phù hợp với nỗi thống khổ của những người công giáo làm việc trong Giáo hội nhưng chống Giáo hội. Công đồng Vatican II là thời điểm những người này nắm quyền.
Theo cách đọc của những người theo chủ nghĩa truyền thống hay bảo thủ quá khích, với Công đồng Vatican II, một bộ phận của cơ quan giáo hội đã theo thời hiện đại và bị ảnh hưởng của ma quỷ.
Việc đọc này có giới hạn trong các môi trường truyền thống không?
Đây là chưa kể tác động mà các mạng xã hội có thể tạo ra cho các bình luận như bình luận của cựu sứ thần Viganò. Trong 20 năm, Internet đã cung cấp một loạt các tài liệu tham khảo đa dạng và phong phú để từ đó rút ra, mà không có một sự nhất quán cần thiết của hệ thống đã được xây dựng. Vì các đảng phái và các thể chế giữ nguyên trạng (đảng phái chính trị, công đoàn, các Giáo hội, v.v.) ít quyền lực hơn nhiều, điều này có lợi cho tình huống mà lời nói của họ không còn nhiều uy tín. Các cá nhân lọc kiểm những gì họ muốn tin hay không tin, và họ công khai phát biểu nhất là trên mạng xã hội.
Theo một số nghiên cứu của Conspiracy Watch (Cảnh giác thuyết âm mưu) với Quỹ Jean-Jaurès, những người công giáo giữ đạo không bị ảnh hưởng nhiều với thuyết âm mưu so với các nhóm xã hội khác.
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Tư tưởng của họ vẫn được “định hướng” bởi một thể chế nhất quán. Mặt khác, một bộ phận người công giáo cắt đứt hoặc có mối quan hệ phê phán với thể chế Giáo hội, giống như những người theo chủ nghĩa truyền thống, họ đã sẵn sàng có các tư tưởng “thay thế.” Nhưng các mối quan hệ ngày càng phức tạp của Giáo hội với Nhà nước vì các lý do văn hóa, đạo đức sinh học, ngay cả vấn đề hạn chế quyền tự do thờ cúng, có thể thúc đẩy xu hướng phục hưng tư duy khải huyền nơi những người công giáo quá khích nhất của Giáo hội.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Thuyết âm mưu: “Đức tin của chúng ta không bao gồm các điều ẩn giấu”