Thuyết âm mưu: “Đức tin của chúng ta không bao gồm các điều ẩn giấu”
Một số tín hữu kitô giáo khai thác lý thuyết về một “trật tự thế giới mới” đã tạo hỗn loạn chúng ta đang trải qua. Các cuộc khủng hoảng sức khỏe và an ninh, cũng như cuộc khủng hoảng làm rung chuyển Vatican, làm nổi bật làn sóng âm mưu này. Như thế kitô giáo không phải tường thành chống lại sự phấn khích này, linh mục Marie-Augustin Laurent-Huyghues-Beaufond Dòng Đa Minh, Studium Catholicum ở Helsinki, Phần Lan giải thích.
Linh mục Marie-Augustin Laurent-Huyghues-Beaufond
lavie.fr, Sixtine Chartier, 2020-11-22
“Phán xét cuối cùng”, tranh của Stephan Lochner người Đức (khoảng 1410-1451), Viện bảo tàng Wallraf Richartz ở Cologne. JOSSE / LEEMAGE
Các bức thư của cựu sứ thần Carlo Maria Viganò gởi cho tổng thống Donald Trump đưa ra ánh sáng các thuyết âm mưu có thể được nuôi dưỡng bằng các tham chiếu của kitô giáo. Kitô giáo có mang mầm mống của thuyết âm mưu không?
Linh mục Marie-Augustin Laurent-Huyghues-Beaufond: Kitô giáo có thể tạo điều kiện thuận lợi cho thuyết âm mưu. Trong các bức thư của mình, cựu sứ thần Viganò gợi ý cho biết cuộc chiến tận thế sắp bắt đầu và Donald Trump sẽ giúp chúng ta chiến thắng chống Phản Kitô (Antéchrist). Việc này không được xác định rõ lắm, nó có dạng của một chính phủ thế giới muốn cai trị lương tâm, thể xác và linh hồn. Đức tin kitô giáo cung cấp cửa đi vào điều này vì nó cung cấp một thuyết cánh chung hướng chúng ta về phía bên kia và tận cùng của thời gian. Tuy nhiên, không giống như các lĩnh vực thần học khác, như các nghiên cứu Kinh Thánh, Kitô học hoặc các bí tích, trong đó chúng ta có thể dựa vào cái cụ thể, nghiên cứu về loại “cùng đích cuối cùng” này là rất suy đoán, bởi vì đây là một lãnh vực mà theo định nghĩa, chúng ta không có kinh nghiệm! Làm thế nào nó sẽ xảy ra? Các dấu hiệu cảnh báo là gì? Giáo hội trả lời, chúng ta không biết và chúng ta không có phương tiện để biết.
Chúng ta biết rằng thời gian và thế giới sẽ kết thúc, rằng Chúa Kitô sẽ trở lại để phán xét và Thiên Chúa sẽ mạc khải trong trọn vinh quang của Ngài. Nhưng, phần còn lại, chúng ta gắn bó với lời Chúa Kitô: “Ngay cả Chúa Con cũng không biết ngày phán xét”. Vậy mà trong một vài môi trường công giáo, tôi thấy nổi lên một loại mê hoặc với sách Khải Huyền, với khuynh hướng của thuyết hòa hợp bao gồm việc đọc trong các sự kiện hiện tại những gì Thánh Gioan mô tả kể từ thời Patmos (thời viết sách Khải Huyền). Thật dễ dàng để đọc các sự kiện chính trị theo thuyết cánh chung của kitô giáo, nhưng đây là một trò chơi rất nguy hiểm.
Tất cả các chuyện này nuôi dưỡng thuyết âm mưu của thực tế, được thấm nhuần bởi dòng điện dị giáo mà chúng ta gọi là thuyết trực tri.
Tại sao điều này lại nguy hiểm?
Đáng kể vì nó phản ánh sự bác bỏ vai trò trung gian của Giáo hội như một thể chế mà trong đạo công giáo, là cách giải thích đích thực duy nhất của Mặc khải, và từ đó là Thánh Kinh. Chúng ta không thể ngồi trong góc để đọc sách Khải Huyền. Đó là lý do tại sao chúng ta thường thấy các bài đọc này ở một số môi trường công giáo cắt đứt với thể chế, đặc biệt ở các giới bảo thủ quá khích, các nơi đôi khi mê hoặc với các hiện tượng không phải là trọng tâm của đức tin kitô giáo: các mặc khải riêng tư, các bài viết huyền bí ít được biết đến, các suy đoán về nội dung Đức Mẹ hiện ra… Tất cả các chuyện này nuôi dưỡng một cách đọc có âm mưu về thực tại, được in đậm bởi trào lưu dị giáo mà chúng ta gọi là trực tri kiểu: “Tôi, tôi biết, tôi được mạc khải, nó ẩn giấu nhưng sẽ được đưa ra ánh sáng”. Không có gì phản kitô giáo hơn thế. Đức tin chúng ta không bao gồm các điều ẩn giấu; mầu nhiệm kitô giáo chính xác là mầu nhiệm tự mạc khải, đến gần chúng ta, đến mức Chúa xuống thế làm người.
Hầu hết các thuyết âm mưu đều giới thiệu các người tinh hoa độc ác hành động chống dân chúng ngây thơ. Cựu sứ thần Viganò thấy đây là cuộc chiến giữa con cái bóng tối và con cái ánh sáng. Có phải đây là một lệch lạc với quan niệm về cuộc chiến thiêng liêng không?
Đúng, đây đúng là một lệch lạc. Phải công nhận thế lực của cái ác đang hoạt động trên thế giới, Chúa Giêsu cũng đã nói như vậy, nhưng sẽ là lừa lọc nếu tự cho mình ở vị trí để vạch ra một biên giới chính xác giữa các người thuộc về bóng tối và các người từ phía ánh sáng. Nó sẽ là một dạng của thuyết xảo quyệt makiaven. Tội lỗi không chia nhân loại thành hai phe, nhưng nó làm tan nát trái tim của mỗi chúng ta. Vì thế trước hết cuộc chiến thiêng liêng diễn ra trong nội bộ. Thánh Âugutinô kinh nghiệm điều này khi ngài viết tác phẩm Đô thị của Chúa. Vào thời điểm đó, ngài vô cùng đau buồn vì sự sụp đổ của Rôma, vì theo ngài, Rôma đại diện cho nhân loại
Ngài thấy mình ở trong ngõ bí, không hiểu được bước ngoặt lịch sử của nhân loại, và cuối cùng ngài công nhận, trên trái đất này chúng ta không có phương tiện để tìm các biên giới chính xác của Giáo hội. Tóm lại, chúng ta không thể nói ai được cứu và ai không, ai thuộc về đô thị của Chúa, ai thuộc về loài người. Ở trái đất này, tất cả đều hỗn hợp, và chính Chúa Kitô sẽ phán xét, không phải chúng ta. Điều này kết nối với dụ ngôn lúa tốt và cỏ lùng, dạy cho chúng ta chính ơn Chúa hoạt động trong chúng ta để tách lúa tốt và cỏ lùng.
Chúng ta không thể nói ai được cứu và ai không, ai thuộc về Đô thị của Chúa, ai thuộc về loài người. Ở trái đất này, tất cả đều hỗn hợp, và chính Chúa Kitô sẽ phán xét, không phải chúng ta.
Tính hợp pháp của diễn từ khải huyền công giáo là gì? Đọc sách Khải huyền có lý do chính đáng gì?
Vũ trụ Thánh Gioan sống và các người ngài muốn nói đến là một biểu tượng đặc sắc. Điều này làm cho quyển sách ngày nay đối với chúng ta là rất bí truyền, và vì thế rất khó đọc và khó chú giải. Có rất nhiều con số, màu sắc, chất liệu và biểu tượng, tất cả các dữ liệu tham khảo mà chúng ta không còn có thể truy cập ngay được nữa. Chìa khóa để đọc là đọc đoạn cuối trước, nơi chúng ta tìm thấy một hình thức cầu khẩn: “Maranatha, lạy Chúa Giêsu xin ngự đến, xin ơn Chúa xuống trên tất cả chúng con!” Chúng ta có thể hiểu như sau: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến trong cuộc đời con, nơi con đang ở bây giờ.” Quyển sách Khải huyền nhắc chúng ta nhớ, Chúa là chủ của thời gian và lịch sử, rằng đức tin chúng ta có chiều kích cánh chung, nghĩa là đức tin chúng ta “nhìn” vào cuối thời gian và hướng đến vĩnh cửu. Thật vậy, nếu chúng ta tin vào ơn cứu độ và loan báo ơn cứu độ trong tư cách người được rửa tội, thì đó cũng vì chúng ta tin Tạo dựng đã thuộc về Thiên Chúa, nhưng nó sẽ được mạc khải vào cuối thời gian. Nhưng đó không phải là mối đe dọa mà chúng ta gán cho các người không tin, nhưng cho người mang hy vọng: Chúa đã ở với chúng ta trong những gì chúng ta đang xây dựng ở trần thế, Ngài đảm trách lịch sử nhân loại, Ngài mang lấy lịch sử này và mang nó vào trong vinh quang của Ngài.
Tôi lưu ý, đây là lịch sử nhân loại như Kinh thánh đã kể cho chúng ta, bắt đầu từ một ngôi vườn, Vườn Địa đàng, và kết thúc ở một thành phố, thành Giêrusalem thiên quốc của Khải huyền, có nghĩa là một thể hiện của nhân loại. Khi chúng ta biết ý nghĩa xấu về thành phố trong Kinh thánh và trong ý thức phương Tây, thì đó là một hình ảnh mạnh mẽ. Điều này có nghĩa là lịch sử của con người sẽ không bị giảm thành hư không vào cuối thời gian: sự kết thúc của thời gian sẽ không phải là trở lại nguồn gốc, nhưng sẽ đảm nhận những gì con người đã xây dựng trong thời gian đó. Thay vì nói về một bài diễn thuyết về ngày tận thế, đồng nghĩa với sự hủy diệt và bất hạnh, theo đức tin, sẽ tốt hơn cho chúng ta nếu chúng ta nói về cánh chung, mang một hy vọng lớn lao, mời gọi chúng ta đến một chủ nghĩa hiện thực nhất định: trái tim và tâm hồn trên trời, nhưng đôi chân vững chắc trên mặt đất, để, tuy tất cả những gì chúng ta làm trên trái đất này nhưng mắt vẫn chăm chú hướng về Chúa Kitô.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch