“Đan sĩ Dòng Chartreux không bao giờ đơn độc”

2697

la-croix.com, Frédéric Mounier, 2015-06-26

Gặp linh mục Dysmas de Lassus, bề trên tổng quyền Dòng Chartreux nhân dịp Năm Tận Hiến. Rực sáng cũng như sáng suốt, linh mục đã làm cho chúng ta hiểu hơn các khía cạnh của một đời sống ngoài tầm hiểu biết bình thường.

Linh mục Dysmas de lassus, người kế vị thứ 74 của Thánh Brunô. Dòng Chartreux còn đưọc gọi là Dòng Thánh Brunô, tên vị sáng lập Dòng.
Linh mục Dysmas de lassus, người kế vị thứ 74 của Thánh Brunô. Dòng Chartreux còn đưọc gọi là Dòng Thánh Brunô, tên vị sáng lập Dòng.

Trong nhiều lựa chọn đa dạng của đời sống tận hiến, xin cha cho biết nét đặc biệt của Dòng Chartreux?

Linh mục Dysmas de Lassus: Đường lối của Dòng Chartreux có gốc rễ đường hướng tu trì của các Tổ phụ trong sa mạc. Chúng tôi là các tu sĩ có điểm chung rất lớn với các tu sĩ Dòng Biển Đức và Dòng Xitô. Đặc nét của chúng tôi nhấn mạnh ở đời sống cô tịch. Tuy nhiên chúng tôi không phải là ẩn sĩ vì đời sống cộng đồng của chúng tôi không phải là không đáng kể.

Nhưng sự tách biệt với đời sống bên ngoài của Dòng là dứt khoát…

Đúng, Cuộc sống tu kín của chúng tôi thì nghiêm nhặt, không phải lúc nào cũng dễ chấp nhận được. Bởi vì chúng tôi không đi ra ngoài sa mạc, ngay cả khi cha mẹ chết cũng không, chúng tôi chỉ ra ngoài trong những trường hợp rất đặc biệt. Thay vì giải thích, tôi muốn mọi người nhớ lại Chúa Kitô đã vào sa mạc bốn mươi đêm ngày để cầu nguyện. Khi chúng tôi nói đến sa mạc là chúng tôi nói đến điều này. Nhưng mỗi năm hai lần, chúng tôi tiếp gia đình ở nhà khách.

Với những điều kiện nào thì đời sống cô tịnh không còn cảm thấy đau khổ?

Không được nhấn mạnh đến đời sống cô tịch là một ảo tưởng vì đối với chúng tôi, đó không phải là một điều kiện bên ngoài và một phương tiện. Mục đích không phải là sống khép mình nhưng là hiệp thông. Mọi cuộc sống của chúng ta đều được xây dựng trên quan hệ. Mọi sự phải được suy nghĩ làm sao để làm thuận lợi cho sự phát triển quan hệ với Chúa, hiệp thông trong tình yêu với Ngài. Nếu tu sĩ Chartreux sống trọn ơn gọi của mình thì họ không bao giờ cảm thấy một mình. Chỉ là, sống trong cô tịch, dù hiệp thông với Chúa thì cũng đòi hỏi một vài khả năng nào đó, một tinh thần nào đó có thể chịu đựng được tình trạng cô tịch. Và điều này không phải tất cả mọi người đều có thể làm được.

Đời sống khắc khổ của Dòng không phải là ăn chay, thức dậy ban đêm, chịu lạnh dù những chuyện này là có thật. Đời sống khắc khổ đích thực là sống cô tịch. Những năm đầu tiên, tình mật thiết với Chúa còn mong manh và sa mạc, bên trong cũng như bên ngoài, nên đôi khi cảm thấy rất gay go. Nhưng thường thường tôi nghe các tu sĩ than phiền họ không đủ thì giờ cô tịch hơn là ngược lại.

Trong thinh lặng, làm sao để mình không bị đinh tai nhức óc bởi chính mình?

Mới đầu chắc chắn «cái tôi» sẽ choán nhiều chỗ và sẽ làm ồn ào. Cần nhiều thì giờ để thuần với sức mạnh nội tâm. Nhưng ngay từ lúc đầu, chúng tôi đã nếm được một thinh lặng đích thực và mở lòng ra với sự hiện diện của người mình yêu mến. Và điều này sẽ dẫn đến sự thinh lặng đích thực bởi vì sự hiệp thông này quá đẹp và tiếng động ồn ào của các tư tưởng sẽ làm quấy rầy nó.

Thuần hóa là một nghệ thuật, dù thuần hóa một con vật hay thuần hóa sở thú nội tâm của mình. Đây không phải là phá hủy hay vứt bỏ nhưng là định hướng, ngắm lại đích, giúp cho các lực trong lòng chúng ta kết hợp về một hướng.

Các tu sĩ Dòng của cha sống tách rời thế gian nhưng lại không trốn thế gian. Bằng cách nào?

Những người canh giữ hải đăng, họ cũng sống tách biệt thế giới nhưng chính họ là những người phục vụ cho những ai đi gần họ mà không thấy họ. Chúng tôi làm những gì người khác đáng lý phải làm mà họ không làm: lắng nghe lòng mình để nghe tiếng nói của người đã trao ban cho mình cuộc sống. Như câu châm ngôn của Dòng chúng tôi: «Sống xa tất cả mọi người, nhưng chúng tôi lại kết hợp với tất cả mọi người, bởi vì thay mặt tất cả mọi người, chúng tôi có mặt với Chúa hằng sống.»

Chúng tôi như những người canh gác của một trạm chuyển ở trên núi cao. Bề ngoài tưởng là cô lập nhưng trạm chuyển này thấy cả hàng triệu tín hiệu ráp nối giữa con người với nhau hoặc với các vệ tinh ở trên đầu nó. Chỉ còn thiếu một cái gì đó ở dưới đất, nếu không có những con người (tất cả những người có cuộc sống chiêm nghiệm chứ không riêng gì chúng tôi) dành trọn cuộc sống của họ vào sự hiệp thông này với Chúa, nhân danh cho toàn nhân loại.

Cha cảm nhận thế giới này như thế nào?

Nếu cho phép tôi nói đùa, tôi sẽ trả lời: trước hết là chính chúng ta. Qua đây tôi muốn nói, con người luôn là con người cho dù nó ở bất cứ đâu trong thế giới này, kể cả ở trong Dòng kín như Dòng Chartreux. Như thế chúng tôi là một mẫu hoàn toàn tiêu biểu và tuyệt đối bình thường của thế giới này, xa các hình ảnh của vùng Épinal thường nói về chúng tôi. Như thế nhân bản, điều thiết yếu của thế giới này, có nơi chúng tôi 100 %.

Còn về các vấn đề thời sự, chúng tôi đọc báo La Croix và vài tạp chí khác. Cha bề trên tổng quyền nói với các tu sĩ những chuyện quan trọng. Về mặt vật chất, chúng tôi có đủ tạp chí và tin tức loan tải, các bài của Đức Giáo hoàng, của giám mục chúng tôi, của địa phận… Không nhất thiết phải cần có tin tức mỗi ngày để giữ mối giây liên lạc. Ngược lại, chính sự giới hạn làm cho chúng tôi lưu ý đến những chuyện quan trọng nhất thay vì phải lo ra về những chuyện thứ yếu.

Chẳng hạn chúng tôi theo sát thảm kịch của các Kitô hữu Trung Đông, Thượng Hội đồng Gia đình, Năm Thánh hiến, Năm Lòng thương xót và các tin tức về đời sống của Giáo hội và của thế giới.

Cha sẽ nói gì với một người trẻ muốn vào Dòng? Theo cha, đâu là yếu tố quyết định?

Nếu ai muốn vào Dòng, xin mời họ đến và xem. Dòng Chartreux không đòi hỏi phải có tài năng phi thường, tuy Dòng chúng tôi có những người ở các trường Cao Đẳng kỹ nghệ hay Sư Phạm Cao Cấp (Normale Supérieure), nhưng cũng có những người chỉ có bằng Trung học. Cũng có những người vững vàng và những người yếu đuối. Như thế sẽ sai lầm khi nghĩ rằng Dòng Chartreux dành riêng cho những người đặc biệt. Tuy nhiên cũng đúng là chỉ có một số ít người có thể chịu được đời sống đơn độc, không phải vì cần phẩm chất phi thường nhưng cần phẩm chất rất đặc biệt. Trên thực tế, chỉ qua kinh nghiệm mới có thể nói mình hợp với đời sống tịnh cốc hay không. Nếu chúng tôi không có những đòi hỏi đặc biệt về mặt tri thức, nhân bản nhưng chúng tôi không phải là nơi trú ẩn cho các khó khăn của cuộc đời.

Nhiều người nhanh chóng nhận ra ngay đời sống này không hợp với họ. Nhưng với những ai có được ơn thì đây đúng là một ơn ngoại hạng. Đồng ý, cái gì cũng có một cái giá phải trả. Nhưng thật sự chúng tôi không tiếc gì: chúng tôi quá được ưu tiên.

Làm sao để được bền đổ trong đời sống tận hiến?

Đó là điểm khó khăn cho ngày nay vì trung tín không còn là một giá trị trong đời sống văn hóa hiện nay. Ngày nào có gánh nặng đủ cho ngày đó vì chúng tôi chỉ nhận ơn cho ngày hôm nay. Niềm xác quyết không lay chuyển vào tình yêu của Chúa, lòng tin tưởng vào Cha trên trời, tâm hồn bám dính vào Chúa Giêsu, một tình dịu dàng thầm kín của Thần Khí, sự che chở của Mẹ trên trời nhưng cũng là hiểu chính mình, được một người cha thiêng liêng hướng dẫn, khả năng lắng nghe và hoán cải, ý thức cao độ của ơn ban vô biên đã được trao ban cho chúng tôi: tình phụ tử thiêng liêng. Tất cả những điều đó giúp cho chúng tôi được bền đổ.

Đến một lúc nào đó, điều nguy hiểm nhất đó là ước muốn bị xóa mờ, người tu sĩ không còn muốn đi lên. Họ yên vị, họ trở thành người già nua trong tịnh cốc. Tình Yêu là một đời sống cần duy trì. Cũng như trong một hôn nhân, có những ngày khó khăn nhưng cũng có những ngày tuyệt vời. Nhưng những ai hiểu, dù chỉ là một phần, thế nào là con của Chúa, thì người đó không còn sợ khó khăn trên đường đi.

Tu sĩ Dòng Chartreux sống các ước muốn của mình như thế nào?

Chúng tôi từ bỏ tất cả mọi ước muốn để chỉ còn một ước muốn, đó là ước muốn Chúa. Hiểm nguy đưa đến thảm họa là đi tìm sự từ bỏ đầu tiên hết.

Chỉ lo triệt hạ mọi ước muốn của mình không phải là dọn chỗ cho tình yêu của Chúa. Tu sĩ Dòng Chartreux nào muốn mình thành nhà vô địch tu kham khổ thì họ ở bên bờ vực. Ở Dòng chúng tôi, chạy tốc độ chẳng dùng được vào việc gì. Chúng tôi là những lực sĩ chạy đường dài. Ngạn ngữ của chúng tôi nói (§ 32, 2): «Rằng không ai tự tin vào chính phán đoán của mình: bởi vì ai xem thường không chịu mở lòng ra với sự hướng dẫn, vì thiếu thận trọng, người đó sẽ không tiến bộ như mình phải tiến bộ, hoặc vì chạy nhanh quá mà mau mệt sức hoặc vì ham trau dồi quá mà ngủ quên.»

Chúng tôi biết rằng cần phải mất nhiều năm mới xử lý được tính nhạy cảm của mình. Trong cô tịch, chúng tôi có thể làm toáng lên chuyện chẳng đáng gì. Một ngạn ngữ cổ điển nơi các tu sĩ Dòng Chartreux là: «Các tập sinh là thánh. Các đan sĩ trẻ không phải là thánh nhưng họ không biết điều này. Các tu sĩ chín chắn không phải là thánh và họ biết điều này. Các tu sĩ già là thánh nhưng họ không biết điều này.»

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch