Paul Bablot, đạp xe đạp ở Á châu để gặp các cộng đoàn kitô hữu
Nhờ Stalin, kitô giáo mới có mặt ở Trung Á
fr.zenit.org, Ban biên tập, 2017-11-25
Anh Paul Bablot vừa xong chuyến phiêu lưu một năm, anh đạp xe đạp giữa Thái Lan và Paris để gặp các cộng đoàn kitô hữu ở Á châu: ký giả Cyprien Viet của Radio Vatican tiếng Pháp đã gặp anh ngày thứ ba 21 tháng 11-2017.
Sau một năm làm thiện nguyện với tổ chức Truyền giáo Nước ngoài Paris ở Thái Lan bên cạnh sắc dân thiểu số Karen, cuối năm 2016, anh Paul Bablot đạp một chuyến đi dài 15 000 cây số để gặp các cộng đoàn tín hữu kitô ở 23 nước Á châu, để nói lên lòng sốt sắng của các cộng đoàn kitô hữu địa phương, mà thế giới Phương Tây ít được biết đến.
Đến Rôma ngày 18 tháng 11 vừa qua, anh đã tham dự thánh lễ buổi sáng ở Nhà nguyện Thánh Marta với Đức Phanxicô, ngài khuyến khích anh nói lên chứng từ sốt sắng của các cộng đoàn này: đó là điều chính ngài sẽ làm tuần sau ở Miến Điện và Băng-la-đét mà ý chỉ cầu nguyện tháng 11 của ngài là dành cho tín hữu kitô Á châu.
Câu chuyện của anh Paul Bablot
Từ giáo phận của sứ vụ đến giáo phận gốc
Trong năm tôi làm thiện nguyện với cộng đoàn Karen, tôi hợp tác với các nhà truyền giáo và các linh mục địa phương, họ giúp các kitô hữu bị bỏ quên hoàn toàn. Không một ai biết họ, vì thế vẫn hoàn toàn ẩn giấu. Ngay cả các bạn rất dấn thân làm việc cho Giáo hội của tôi, họ cũng ngạc nhiên, thậm chí bàng hoàng trước lòng sốt sắng của các cộng đoàn này, có khi các tín hữu ở các vùng miền núi rất xa, đôi khi phải đi bộ ba, bốn, năm giờ liền mới đến được các làng kitô giáo này. Dần dần với thời gian và phải mất vài tháng tôi mới hiểu các cộng đoàn này hơn và tôi tự nhủ, cũng là hay nếu mình kết nối giáo phận sứ vụ với giáo phận gốc của mình là Paris. Vì thế tôi tìm một phương cách nào để làm và phải khá đủ độc lập. Phương tiện xe đạp ít nhiều nhanh hơn đối với tôi, một phương tiện mà tôi chưa bao giờ dùng ở Pháp.
Hành trình
Tôi đi từ Thái Lan, Lào, Việt Nam, Trung quốc (mừng lễ Giáng Sinh với Giáo hội chui năm ngoái ở đây), rồi Kazakhstan, Kyrgyzstan, Ouzbékistan, Turkménistan, Iran, Arménia, Georgiea. Thổ Nhĩ Kỳ, rồi Chypre, Liban, Giócđani, Đất Thánh, rồi lại về Chypre và Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó đi tàu đến Athena để về Âu châu, Macédoina, Serbia, Croatia và từ đó là Ý và Vatican.
Tín hữu kitô ở Trung quốc
Tôi cực kỳ ngạc nhiên thấy họ không che giấu như người ta nói. Lễ Giáng Sinh năm ngoái tôi ở thung lũng Vân Nam, ở đây có năm đến sáu làng dọc thung lũng với các nhà thờ rất lộ, một vài nhà thờ vừa mới xây trong những năm gần đây, giữa làng là nhà của cán bộ chủ chốt địa phương của đảng cộng sản. Ông biết rõ các tín hữu kitô trong vùng. Thực tế có sự khoan dung vì tín hữu kitô không ẩn giấu trong nghĩa họ phải sống “chui”. Giáo hội ở đây không liên kết với Bắc Kinh, đây là Giáo hội liên kết với Rôma, hiệp thông với Rôma. Chính vì vậy mà tôi thấy khái niệm Giáo hội chui du di nhiều hơn, vấn đề phức tạp hơn khi người ta không muốn mình hiểu như ở Âu châu.
Kitô hữu ở các nước cựu liên bang xô viết
Chính yếu là chính thống giáo. Nhưng phải lùi về thế kỷ thứ 3 vì ngay từ thế kỷ thứ 3 đã có sự hiện diện của tín hữu kitô, có nhiều người “lạc giáo nestôriô”- trước khi họ bị dứt phép thông công. Người nestôriô đến vùng này, họ xây đan viện, nhà thờ. Rồi đến thế kỷ thứ 7, thứ 8 có nhiều cuộc bách hại. Rồi đến thế kỷ thứ 12, nhất là dưới thời Thánh Lui, các nhà truyền giáo Dòng Phanxicô trở về. Rồi từ những năm 1200 cho đến năm 1900, không còn một sự có mặt nào của kitô hữu. Các kitô hữu hoàn toàn bị trừ tiệt. Và đầu thế kỷ 20, Stalin đưa đi đày hàng chục ngàn, thậm chí cả trăm ngàn người từ Ba Lan, từ Đức, tín hữu kitô, chính yếu là công giáo nhưng cũng có cả tín hữu chính thống giáo, như thế, Stalin là người mang đạo kitô đến Trung Á trong thời hiện đại này. Chính Đức Giám mục José Luís Mumbiela Sierra, giám mục giáo phận Almaty, Kazakhstan đã nói: “Stalin là nhà truyền giáo lớn nhất của vùng!” Nhờ Stalin mà kitô giáo có mặt ở đây ngày hôm nay. Và điều này đã đánh động tôi, vì ở Almaty, cựu thủ đô của Kazakhstan có nhà thờ chính tòa, Nhà thờ Thánh Tâm được xây trong những năm 1960. Trong vòng 50 năm, năm nào cộng đồng công giáo cũng xin xây nhà thờ. Năm nào họ cũng bị từ chối, rồi không biết vì sao, đơn xin được chấp nhận: mỗi năm họ đều làm đơn xin lại! Và lần đó đơn được chấp nhận, họ xây được nhà thờ!
Ở Armenia
Tại đây người dân thực sự có một tấm lòng sốt sắng mộ đạo bình dân. Khi đến Iran và tất cả các nước Trung Á, điều đập vào mắt tôi là tôi thấy rất nhiều thập giá, nhiều ảnh thánh giá khắp nơi và một lòng sốt sắng mộ đạo rất lạ lùng. Và các đan viện trải dọc khắp nước. Tôi cực kỳ xúc động khi ở Tatev, sau đó là ở Khor Virap và các đan viện ở vùng Haut-Karakakh.
Gặp người hồi giáo
Tôi không giấu tôi là kitô hữu. Ở những nước Đông phương, mọi người đều có một tôn giáo: đó là một khái niệm mà tuyệt đối khó coi nếu mình nói mình là người vô thần hay không có tôn giáo. Vậy thì: “Nếu bạn là người Pháp thì bạn là kitô hữu”. Mặt khác lại cũng rất lý thú: đối với tất cả những người này, là người Pháp là kitô hữu. Và thường mình được tiếp đón nồng hậu, ở đây có cả một truyền thống đón tiếp người khách lạ, dù người đó như thế nào, vì thế tôi có những buổi thảo luận về đức tin, về thần học với một vài người, ở Iran nhiều hơn là ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chung chung tôi thật sự thấy rõ là họ muốn hiểu biết.
Còn ở Iran thì ngược lại, vì hồi giáo là quốc giáo nên có những bức bách thật sự đối với tín hữu kitô, một bức bách không trực tiếp nhưng âm ỉ: chẳng hạn họ không được làm các nghề liên hệ đến tiệm ăn, không được làm việc trong ngành quản trị, ngân hàng và dần dần họ đi ra khỏi xứ. Họ gặp rất nhiều khó khăn. Tôi gặp một nhà truyền giáo đã ở đây hơn năm mươi năm, ông cho biết, ông thấy tín hữu kitô ngày càng giảm, càng giảm.
Bên cạnh đó thì chúng tôi thấy có đại học tôn giáo ở Qom, một vùng ở phía nam Téhéran, họ cùng với Tòa Thánh dịch xong bản Giáo lý công giáo bằng tiếng Ba Tư. Và họ cũng đã dịch xong một phần Ngũ thư và sắp bắt tay vào dịch Phúc Âm, không phải họ dịch về phía họ nhưng họ cùng cọng tác với Tòa Thánh, một công trình dịch thuật đích thực. Iran là một nước với những nghịch lý và tôi không phải là một nghịch lý thêm nữa. Tôi ngạc nhiên khi sứ thần loan báo cho tôi chuyện này. Ngài nói với tôi: “Và đó là những gì chúng tôi vừa làm xong với Đại học các tôn giáo ở Qom!” Điều này chứng tỏ đối thoại là chuyện có thể được: có những câu hỏi về thần học, có việc tìm tòi để hiểu kitô giáo trong các đại học này, để hiểu đó là cái gì. Còn các buổi nói chuyện thì chính Thần Khí làm việc! Ít nhất trên quan điểm của trường đại học, biết cái đó là cái gì.
Trở về Âu châu
Một cách chung chung, ở đây không có khía cạnh nồng hậu của Đông phương, nhưng lại rất dễ dàng để gặp các tín hữu kitô! Và ý tưởng của chuyến đi này là để làm chứng cho các cộng đoàn kitô trên đường đi này, và vì thế có các cộng đoàn ở Pháp, Ý và các cộng đoàn trên đường đi. Và đúng là mình đụng phải sự lạnh lùng, hơi lúng túng này. Đối với tôi, không có gì là khác thường trong nghĩa, mình gặp tín hữu kitô mỗi ngày và gần như mỗi trăm mét. Đương nhiên ở Iran, mình không gặp mỗi ngày. Tôi không thất vọng khi về Âu châu, tôi hạnh phúc khi về lại Âu châu. Trên một khía cạnh rất thực tế, dễ dàng hơn rất nhiều: mình tìm được điểm quy chiếu mà mình biết. Có một khía cạnh dễ dàng hơn để phó thác vào Chúa Quan Phòng khi mình không có vấn đề vật chất! Và càng dễ dàng hơn: ít lạnh hơn là ở Trung quốc!
Gặp Đức Giáo hoàng
Tôi được may mắn là dự thánh lễ buổi sáng của ngài, và sau lễ nói chuyện với ngài chốc lát. Tôi xin ngài ký vào sổ vàng của tôi và giải thích cho ngài về chuyến đi của tôi. Ngài nói với tôi: “Cha cám ơn con với tất cả những gì con đã làm, vì con sẽ làm chứng và con chứng tỏ cho người Âu châu, người Pháp, với tất cả các cộng đoàn kitô này, chúng ta cần những người như con làm các chuyện này”. Tôi được khen và hơi bối rối một chút vì chuyến đi đạp xe của tôi quá nhỏ, làm sao nó có thể vang dội như vậy! Tôi phải xem kỹ lại lời của Đức Phanxicô.
Chuyến đi từ Miến Điện qua Băng-la-đét
Tôi xúc động khi đi một năm ở biên giới Miến Điện, ở bên kia bờ sông cho đến tận cuối vưòn và tôi có thể đến Miến Điện để gặp các tín hữu kitô. Và thật sự đó là các cộng đoàn kitô tuyệt đẹp, có một đức tin trung tín, và điều ấn tượng đối với tôi, là họ càng gặp khó khăn, đức tin của họ càng vững chắc. Và đó là sứ điệp tốt đẹp mà Đức Giáo hoàng muốn nói với người Âu châu khi ngài đi thăm các vùng ngoại vi này, các tín hữu kitô kitô rất hiếm khi được nhắc đến.
Marta An Nguyễn dịch
Các bài liên hệ:
Paul Bablot, đạp xe đi gặp các cộng đoàn thiểu số kitô hữu
Sapa, Lào Cai, chúng ta cùng đặt nhà thờ ở giữa làng
Giáo xứ Thánh Giuse ở Điện Biên Phủ
Paul Bablot, 24 tuổi, phiêu lưu với Chúa Kitô!
Giáo xứ Điện Biên lễ Giáng Sinh năm 2016