acrossintheworld.com, Paul Bablot, 2016-12-15
Từ Lào Cai
Lúc nào cũng có hai con đường để đi đến một nơi nào đó. Nhưng đến nơi muốn đến có phải là mục đích thật sự của chuyến đi không? Không, con đường để mình hình thành Con Người của mình, làm cho mình khám phá một vùng, một đất nước, một châu lục dưới một cái nhìn khác, tùy theo phương tiện di chuyển và tùy theo con đường mình chọn để đi.
Từ rất nhỏ tôi đã mê các nghệ thuật làm bản đồ của người xưa, họ đã làm từ mấy ngàn năm, cũng như tôi mê các tác phẩm nghệ thuật kỳ lạ. Nghiên cứu một hành trình, nghĩ đến các nhà đo vẽ địa hình đã có những khám phá để mình có những chuyện làm không biết chán, là một chuyện kỳ thú. Thực tập các đường cong duyên dáng được vẽ trên các tác phẩm này, rồi nhắm mắt lại hình dung cảnh thật ngoài đời. Và đó là những gì người ta gọi là nghệ thuật đo vẽ địa hình.
Tại Việt Nam, tôi cố gắng thực tập môn này và tôi rất thích, nhưng vì không có các dữ kiện chính xác, tôi phải thêm các chú giải vào các chỗ rẽ ngoặt trên bản đồ. Không có chi tiết về độ cao nhưng con đường ngoằn nghèo chữ chi này cũng thú vị như con đường ở Sologne. Dù sao tôi cũng phó thác vào Chúa quan phòng! Nước thì có từ triền núi, một vài thức ăn dự trữ, chỗ ngủ thì đâu cũng có miễn là tôi có chỗ, như thế tôi không sợ phải leo lên những ngọn núi cao chót vót này.
Và rồi tôi chọn mặt phía bắc, con đường khó nhưng cho tôi niềm vui lớn một khi lên tới đỉnh núi cao để ngắm thung lũng và hàng trăm mét chân trời ngút ngàn đàng trước.
Chọn con đường khó là từ bỏ sự dễ dàng của việc hài lòng mình đã đến đích, là dựa vào chính ý chí của mình để tiếp tục. Một hành động mà khi đã chọn thì không lấy lui lại.
Chọn con đường khó là theo lời Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II nói với giới trẻ Pháp ở Công viên Các Hoàng tử, trong Ngày Thế Giới Trẻ vào một buổi chiều tháng 6 năm 1980: «Chiến thắng các đỉnh cao».
Chọn con đường khó là nâng tâm hồn lên, vứt bỏ mọi chuyện phù phiếm để đi thẳng đến điều thiết yếu.
Chọn con đường khó là lớn lên.
Ở Trung quốc, các đỉnh đèo cao 4000 mét, các con đường dọc ngang núi Himalaya, trên đồng bằng Tibêt đang chờ tôi. Nhưng vì sao tôi phải lăn bánh xe đến đó? Với mục đích gì?
Là đến gặp các cộng đoàn công giáo được các Linh mục trong tổ chức Sứ vụ Truyền giáo Nước ngoài Paris thành lập ở đó từ lâu.
Và để tôi không ngồi êm ấm trong tiện nghi của mình. Con đường sẽ trở nên chán nếu tôi đi đến đó dễ dàng, không gặp một trở ngại nào.
«Chiến thắng các đỉnh cao», đó là hiểu câu này theo nghĩa đen cũng như nghĩa bóng. Nâng tâm hồn lên, phó thác cho Chúa quan phòng và cho điều chưa biết, để phục vụ người khác được tốt hơn.
Đi để đặt ánh sáng ra cho tất cả mọi người, chứ không để ánh sáng trong bụi, để ánh sáng này soi sáng thế giới.
Như thế, con đường cũng quan trọng như nơi đến, lăn bánh trong những điều kiện khó khăn này – nơi những con người đã sống ở đây từ thế hệ này qua thế hệ khác – buộc tôi phải trau dồi cá tính của mình hơn.
Đi, mới cho tôi tự gặp các anh em kitô hữu, đích thân đi, tôi mới thấy tốt hơn các cuộc gặp gỡ. Khó khăn phải vượt làm cho mong chờ có một hương vị khác hơn.
Đúng, mình có thể đi trực thăng đến đỉnh Everest, nhưng người leo núi khi kiên nhẫn leo lên, họ biết đỉnh núi này không có cùng hương vị đối với họ nếu họ không cố gắng leo lên.
«Chiến thắng các đỉnh cao», mang phương tiện đến cho các tham vọng của chúng ta và các tham vọng này phải cao. Không có gì là không thể được, quyết tâm và chuẩn bị là hai hòn đá tảng của thành công. Chúng ta hãy đòi hỏi chính mình, và với người khác để làm cho mình lớn lên. Chúng ta lớn lên trong Thần Khí và chúng ta phải phát triển khả năng nghe và chọn của mình.
Và chọn cái đúng, cái đẹp
Khó khăn không phải là cái phanh kềm lại nhưng là dấu chỉ của một sự khuyến khích. Ai chưa bao giờ nếm cay đắng một lần thì chưa phải là người tham vọng lúc khởi đầu.
Thôi đủ rồi cho cái xoàng xỉnh, chúng ta sẽ đi tới đàng trước, mặc cho các khó khăn đang chờ trước mặt, và đặt hết lòng tin tưởng vào Chúa Kitô, Đấng sẽ giúp chúng ta. Ngài sẽ không bao giờ làm thất vọng cho ai đặt hết tin tưởng vào Ngài.
Và chúng ta cũng đừng bao giờ quên chính trong những chuyện nhỏ hàng ngày mà chúng ta mới chiến thắng các đỉnh cao. Nhà phiêu lưu huyền thoại Guy de Larigaudie, người đầu tiên đi từ Paris đến Saigon đã nói, «Gọt khoai vì tình yêu cho Chúa Nhân Lành thì cũng đẹp như xây đền thờ cho Chúa».Một đức khiêm tốn phi thường áp dụng trong đời sống hàng ngày của chúng ta, trong những công việc đơn sơ nhất.
Đi tới đàng trước, Nhân Danh Chúa!
Marta An Nguyễn chuyển dịch