Ông Yann: “Tôi hiểu, con chiên lạc là tôi”

258

Ông Yann: “Tôi hiểu, con chiên lạc là tôi”

Sống đời sống công giáo trong 10 bài học. Kỳ thứ 8

aleteia.org, Sabine de Rozières, 2016-05-25

Yann làm việc trong ban điều hành của một nhóm kỹ nghệ mỹ phẩm lớn của Pháp. Lập gia đình và cha của bảy người con, ông thổ lộ những gì thân thiết nhất của ông với Chúa Kitô.

 sống đạo 8

Aleteia: Vì sao Chúa có một chỗ đứng trong đời sống của ông?

Ông Yann: Năm 17 tuổi, khi tôi chuẩn bị vào đại học, tôi được đóng khuôn vào triết lý mácxít mà tôi học ở trường công giáo một cách thật khéo léo, tôi quyết định không đi lễ nữa. Nhưng tôi có một cô em họ, cô đưa tôi đi dự đêm lễ Phục Sinh ở các nữ tu Tiểu Muội Bêlem, bài đọc của tiên tri Êdêkiel rơi trước mặt tôi: “Ta sẽ đi tìm con chiên lạc”. Tôi khóc và khóc sướt mướt. Đó là những giọt nước mắt giải thoát, vì tôi hiểu con chiên lạc là tôi. Từ giây phút đó, đời sống đức tin của tôi rồ máy lại! Với bảy đứa con, đó là dấu chỉ ghi trên đầu chúng tôi, rằng chúng tôi là người công giáo và phải cáng đáng chuyện này đến cùng.

Thiên Chúa trở thành cột sống đời tôi, nhưng tôi chỉ ý thức điều này khi tôi đi theo Tiến trình Giakêu. Một trong những bài tập là viết trong quyển sổ nhỏ điều gì mình làm cho Chúa mỗi ngày. Và tôi nhận ra, tôi yếu kém ở khía cạnh này. Vì thế dần dần tôi bớt thì giờ làm việc để dành chỗ cho Chúa. Hoặc làm những hành động cụ thể, hoặc những lời cầu nguyện ngắn. Để giúp mình, suốt ngày, tôi đọc lời cầu nguyện của các đan sĩ: “Xin Chúa đến giúp con, lạy Chúa là Chúa cứu giúp”. 

Đối với ông, “có đức tin” có nghĩa là gì?

Tôi không nghĩ “có đức tin” là cách nói đúng, vì một khi mình có một cái gì, thì chỉ còn là mất nó. Nhưng vượt lên trên những chuyện này, là có thích thú đi tìm Chân lý. Đường đi đến đức tin còn rất xa, tôi đang đi trên đường. Đây là một ơn sủng lớn lao và tôi nghĩ, tôi được may nhận ra nó. Khi tôi mười mấy tuổi, tôi có một kinh nghiệm không thể tưởng tượng được. Chúng tôi đang ở nhà thờ Đức Mẹ Auteuil trong một buổi lễ, tôi nghe một giọng rất rõ nói với tôi: “Một ngày nào đó, con sẽ làm chuyện này cho Ta”. Ngay lúc đó, cùng với ba người bạn, chúng tôi đến gặp cha tuyên úy của mình, ngài tiếp chúng tôi trong văn phòng của ngài. Ngài chăm chú nghe chúng tôi và nói rồi thì tuổi dậy thì sẽ qua đi… nhưng nếu, “sau này chuyện này còn xảy đến với các con, thì các con sẽ nhớ đến giây phút này”. Bốn chúng tôi sau này, hai là linh mục, hai là người cha gia đình. 

Ông có dành một hành động nào hàng ngày cho Chúa không?

Tôi làm việc. Trong Tiến trình Giakêu, chúng tôi biết Chúa đã làm cho chúng tôi là người đồng-tạo dựng, vì thế mỗi buổi sáng tôi cầu nguyện: “Và đây thưa Chúa, hôm nay Chúa giao một phần công trình Tạo dựng của Chúa cho con, vậy con sẽ cố gắng làm sao để mọi hành động của con sẽ là hành động trong tinh thần đồng-tạo dựng”. 

Ông muốn nói gì với người công giáo?

Là họ có một bộ mặt vui vẻ! Khi tôi chuẩn bị vào đại học, tôi rất thích triết gia Nietzsche và trong một câu ngà ngọc của ông, ông nói: “Tôi mong có một ngày các tín hữu kitô giáo sẽ có miệng lưỡi của những người sống lại”. Giống như Đức Phanxicô nói: “Chúng ta phải tránh bộ mặt đưa đám ma”.

Theo ông, cái gì có thể cứu được nhân loại?

Nhưng nhân loại đã được cứu! Nó đã được Chúa Kitô cứu từ hai ngàn năm nay và đúng là cứu! Nhưng dù vậy chúng ta cũng phải đi đến đó vì Chúa đã nói: “Các con hãy là nhân chứng của Ta…”

Đâu là nỗi sợ lớn nhất của ông?

Nếu nói ngay thì tôi sẽ nói tôi sợ chết. Nhưng đúng ra tôi sợ đau trước khi chết, tất cả chỉ vì tôi quá hãi sợ thánh giá. Và nỗi sợ thứ nhì là không biết cuối cùng tôi đã yêu thương đủ chưa. Gần đây, nó đúng là một vấn đề, nhưng mặt trái của nỗi sợ này thì chính lại là một động lực.

Cái gì làm cho ông hạnh phúc?

Cuộc sống tôi đang có với gia đình và các ơn sủng tôi nhận dư đầy mỗi ngày. Tất cả là những cái nháy mắt của Chúa Quan phòng đến mỗi ngày khi mình chú tâm. Tôi có một cuộc sống tốt hơn tôi nghĩ, tuy không phải là không có thử thách.

Đức tính nào ông thích nhất và tại sao?

Can đảm. Vì tôi rất ngưỡng mộ những người can đảm trong nghịch cảnh. Đã mười bốn năm nay tôi làm việc trong gia đình của một nhóm lớn thuộc ngành mỹ phẩm, nhà sáng lập của chúng tôi đã chiến đấu suốt đời mình cho công ăn việc làm, cho quê hương Breton của ông, cho sự phát triển của hãng; ông cũng bị bệnh, đó là một tấm gương cho tôi. Gần đây một người em họ của tôi qua đời vì ung thư. Anh bị bệnh bảy năm và không hề than thở. Tất cả đối với tôi là tấm gương can đảm. 

Thánh nào ông kính mến nhất và tại sao?

Thánh của tôi! Thánh Gioan, thánh sử. Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi cho tôi lựa giữa hai thánh: “Gioan Baotixita và Gioan, “người Tông đồ Chúa yêu”. Tôi luôn tự nhủ: “Thánh Gioan là nhất! Ông luôn ở trong trái tim của Chúa Giêsu”. Và cũng chính phúc âm Thánh Gioan đã thật sự hướng dẫn tôi khi tôi xong tuổi vị thành niên. Tôi có cảm tưởng như đọc bản gốc. Ở chương 17, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, đúng thật là chúng ta đang ở trong bản gốc! 

Kinh nào ông thích nhất và tại sao?

Một kinh mà tôi cùng đọc với vợ tôi khi chúng tôi chờ đứa con thứ năm. Tháng đầu tiên mang thai, vợ tôi bị bệnh trùng bạch cầu. Bác sĩ sản khoa thật sự không giúp được chúng tôi gì khi ông nói: “Ông bà sẽ có một đứa con bị chứng Lang-đon-đao, cháu sẽ sống như thực vật. Ông bà phải suy nghĩ”. Khi ra khỏi phòng khám, chúng tôi nhìn nhau và nói: “Vậy mình phải biết mình tin ở gì”. Chúng tôi đặt tên cho con là Maria và cháu mạnh khỏe! Kinh cầu nguyện này là kinh gom lại nhiều kinh cầu nguyện với Thánh Giuse. Chúng tôi đọc mỗi ngày trong thời gian vợ tôi mang thai, khi đó chúng tôi chưa có thói quen cầu nguyện.

Marta An Nguyễn dịch