Linh mục Dòng Tên Greg Boyle, người thì thầm vào tai các tay anh chị băng đảng ở Los Angeles
Chứng kiến bạo lực băng đảng trong những năm 1990 ở Los Angeles, Linh mục Greg Boyle đã thành lập Homeboy Industries, một chương trình tái hòa nhập chưa từng có và đã trở thành mô hình quốc gia. Linh mục đã phải đấu tranh để áp dụng phương pháp phục hồi này, cha đã bị cảnh sát chỉ trích từ lâu.
la-croix.com, Noémie Taylor-Rosner, 2024-10-08
Linh mục Dòng Tên Greg Boyle, người sáng lập Homeboy Industries ngày 13 tháng 3 năm 2022 tại Los Angeles, California. Amanda Edwards/Getty
Mùi bắp nướng thơm phức tỏa ra từ quán cà phê Homeboy Industries ở Los Angeles, nơi các cựu tù nhân đang bận rộn bên lò bếp. Cách đó vài mét, trong một căn phòng khác của trung tâm chuyên giúp tái hòa nhập, khoảng hai mươi các cựu băng đảng cũ với đầu lâu và cánh tay đầy hình xăm đang trò chuyện trong khi chờ giờ hẹn: họ đến để xóa hình xâm của một quá khứ tội phạm.
Linh mục tại quán cà phê Homeboy Industries
Đằng sau cửa sổ văn phòng, với cặp kính tròn nhỏ và bộ râu trắng dày, người sáng lập nơi này mỉm cười quan sát tổ ong vo ve, cha ghi nhận: “Có một nguồn năng lượng đặc biệt với Homeboy. Mọi người đều chú ý khi họ bước vào.” Trên tường văn phòng là bức tranh đầy màu sắc Đức Mẹ Guadalupe bên cạnh chân dung của nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Mexico César Chávez và hàng trăm bức ảnh của những tay anh chị ăn năn từng làm việc cho Homeboy Industries.
Được thành lập cách đây hơn ba mươi năm, tổ chức này đã góp phần tái hòa nhập hơn 120.000 “Angelenos”. Mỗi năm các doanh nghiệp của linh mục – tiệm bánh, nhà cung cấp thực phẩm, xưởng in lụa và tái chế thiết bị điện tử – tuyển dụng hàng trăm cựu thành viên băng đảng. Homeboy cũng cung cấp nhiều dịch vụ miễn phí: xóa hình xăm, đào tạo, dịch vụ pháp lý hoặc các buổi trị liệu với bác sĩ tâm lý.
Hơn 200 ngôi mộ
Linh mục Boyle cho biết: “Khi chúng tôi triển khai dự án vào năm 88, chưa có chương trình tái hòa nhập nào. Phản ứng với các băng đảng chủ yếu là đàn áp. Hiện nay chúng tôi đã thành một mô hình mẫu: chúng tôi có 300 chương trình ở Hoa Kỳ và khoảng 50 chương trình khác ở nước ngoài.”
Linh mục Boyle là người gốc Ai-len, hành trình phiêu lưu của cha bắt đầu năm 1986: năm đó, vị linh mục 32 tuổi được bổ nhiệm đến Nhà thờ Truyền giáo Dolores ở Boyle Heights, giáo xứ nghèo nhất ở Los Angeles. Khu phố Latino đang qua cơn đại dịch bạo lực liên quan đến sự gia tăng của các băng đảng. Linh mục nhớ lại: “Có những vụ nổ súng vào buổi sáng, buổi trưa và buổi tối. Có lần tôi đã chôn tám đứa trẻ trong ba tuần. Thật đau đớn,” cha đã làm tang lễ cho 200 đám tang do bạo lực băng đảng gây ra.
Khi đó linh mục Boyle cố gắng nói chuyện với các người trẻ trong khu vực. Nhưng địa vị linh mục không giúp cha có được tự do trong các băng nhóm, cha phải chiếm được lòng tin của họ. Sau đó cha đi xe đạp trên các đường phố của Boyle Heights: “Tôi cố gắng học tên từng người. Tôi phải kiên trì rất nhiều để thuộc tên.”
Hai năm sau, các cố gắng của cha được đền đáp: cha phát động chương trình hỗ trợ việc làm trong nhà thờ, chương trình này rất thành công với những người trẻ của các băng đảng. Sau đó, năm 1992 cha chuyển một nhà kho bỏ hoang thành tiệm bánh, khai sinh Homeboy Bakery. Khẩu hiệu của cha: “Không có gì giống như việc ngăn chặn một viên đạn.”
Bị đe dọa giết chết
Một chương trình chưa từng có vào thời điểm đó, phương pháp phục hồi chức năng của cha đã làm dấy lên nghi ngờ. Sự hiện diện của các tay anh chị chung quanh nhà thờ làm một số giáo dân lo lắng. Cảnh sát Los Angeles xem thái độ của cha là ngây thơ, thậm chí nguy hiểm. Họ buộc tội cha không thực hiện nghĩa vụ công dân khi từ chối cung cấp thông tin cho họ. Cha làm chứng: “Trong mười năm, chúng tôi đã nhận được những lời đe dọa bỏ bom, dọa giết và thư thù hận nặc danh.”
Bất chấp áp lực, cha trung thành với các nguyên tắc của mình dựa trên linh đạo Thánh I-Nhã: “Tìm Chúa trong mọi sự và đặc biệt là bên lề xã hội”. Sự giảm sút các băng đảng ở Los Angeles và Homeboy tạo công ăn việc làm cuối cùng đã thuyết phục được những người bất đắc dĩ nhất. Cha còn duy trì tình bạn với một cựu cảnh sát trưởng quận.
Tháng 5 năm 2024, cha nhận được Huân chương Tự do, huân chương dân sự cao quý nhất ở Mỹ của Tổng thống Joe Biden. Khi nhắc tới giải thưởng danh giá này, cha khiêm tốn né tránh: “Điều làm tôi hài lòng nhất là phản ứng của các nhân viên Homeboy. Họ đến để xem buổi phát sóng sự kiện tại cơ sở chúng tôi. Sau buổi lễ, họ đều nói với tôi một điều giống nhau: ‘Nhìn cha, chúng tôi có cảm giác tấm huy chương này cũng có chút gì đó của chúng tôi’ .”
Kim chỉ nam của cha: Suy niệm, phương thuốc cho các xin giúp đỡ quá mức
Linh mục cho biết: “Suốt ngày, có rất nhiều người đến và đi qua văn phòng của tôi. Đôi khi tôi nói chuyện riêng với hơn trăm người mỗi ngày, họ muốn nói chuyện với tôi về vấn đề cá nhân, về những lo lắng cho sức khỏe… Để thực sự có thể tiếp tục hiện diện trong những gì tôi làm và nơi người khác, tôi suy niệm liên tục trong cuộc sống hàng ngày của tôi. Đó không chỉ là việc tôi làm một lần vào buổi sáng, trong vài phút, nhưng là thói quen của tôi suốt ngày, một hơi thở giúp tôi tập trung vì ở đây, ai cũng muốn có một chút gì đó của tôi.”
Marta An Nguyễn dịch