Alexandre Havard: “Người lãnh đạo là người phục vụ cao thượng”

417
Alexandre Havard: “Người lãnh đạo là người phục vụ cao thượng”
famillechretienne.fr, Aymeric Pourbaix, 2016-04-29

Với một xã hội thiếu lý tưởng, Alexandre Dianine-Havard đề nghị đào tạo các người lãnh đạo có đạo đức, có tâm hồn cao thượng và triển nở cá nhân trọn vẹn.

Alexandre Havard 

Ông nói cơn khủng hoảng của thế giới hiện đại là cơn khủng hoảng của giáo dục. Có nghĩa là?

Vấn đề là thế giới của chúng ta chìm sâu trong chủ thuyết tương đối. Thế giới này sợ giáo dục vì họ nghĩ họ không có quyền hướng dẫn người dân, vì mỗi người có thể và phải có ý nghĩ riêng của mình. Như văn hào Camus đã nói trong tác phẩm Sa Đọa (La Chute): “Khi viết lịch sử của thế kỷ XX, người ta sẽ viết câu chuyện của những ông, những bà đọc nhật báo và làm tình…” Đó chính là chủ thuyết tương đối: người ta đưa ra thông tin, sau đó mỗi người xử lý tin tức như họ muốn. Nhưng một cách căn bản, họ không có quyết tâm mang lại một ý nghĩa cho các thông tin này. Dù vậy, nhu cầu rất là lớn lao, nhất là nơi những người trẻ. Bởi vì thế giới hiện đại này cần đào tạo nhiều hơn là cần thông tin.

Đâu là ý nghĩa của chữ “giáo dục” theo ông?

Educare từ tiếng la tinh educere có nghĩa là đưa cái gì tốt nhất của người nhận được giáo dục ra. Và để giáo dục thì phải yêu thương. Vậy, cũng như có một cơn khủng hoảng về sự thật của chủ thuyết tương đối hóa thì cũng có một cơn khủng hoảng về tình thương.

Mang hiểu biết đến không đủ?

Kinh nghiệm của tôi là người trẻ muốn nhiều hơn là những gì trường đại học mang đến cho họ. Họ muốn được giáo dục, họ muốn có một khung đạo đức để quản lý khối lượng thông tin, họ muốn lớn lên chứ không phải chỉ muốn hiểu biết không mà thôi.

Ở Phần Lan, khi tôi bắt đầu dạy các lớp Lịch sử Hội nhập Âu Châu, các sinh viên đặt nhiều câu hỏi đi xa hơn là các sự kiện thô nguyên. Các câu hỏi về giáo dục kiểu: “Làm sao để được như các Tổ phụ sáng lập Âu Châu như các ông Schuman, Gasperi, Adenauer, vv.?” Các sinh viên của tôi không phải là người công giáo, đó là lớp trẻ Phần Lan của những năm 1990: đó là những người rất xa tôn giáo, xa văn hóa tin lành và rất thế tục, chính lúc đó tôi bỏ công việc ở ngành luật để đi giảng dạy nghệ thuật lãnh đạo. 

Ông dựa vào các nguồn nào?

Tôi phải bắt đầu bằng một tiếp cận dựa trên lý tính. Vì thế tôi phải quay về với các Cổ nhân: những người Hy Lạp, vì tôi nhớ khoa nhân loại học Hy Lạp với các tác giả như triết gia Aristote đã có những chỉ dẫn phi thường về cách suy nghĩ. Rồi tôi dùng các tác phẩm của Thánh  Tôma Aquinô để thanh tẩy các sai lầm của triết lý Hy Lạp và để bảo đảm sự đào tạo của tôi phù với khoa nhân loại học kitô. Vì hồi đó, người Hy Lạp sợ thế giới này. Đối với họ, sự cao cả là phải khẳng định sự độc lập của mình đứng trước thế giới và đứng trước số mệnh khắc nghiệt. Tầm cao cả theo kitô giáo thì ngược lại, muốn chinh phục thế giới này, tự bản chất thế giới này là một thế giới tốt, vì được Chúa tạo ra, để làm cho thế giới này tốt hơn.

Và sau hết là tôi không muốn đây là một hệ thống lý thuyết, hơi có tính cách dễ sợ. Như thế tôi phải dựa trên các tấm gương cụ thể trong cuộc sống của những người hành động. Vì hành động và giáo điều đều quan trọng như nhau, ngược với nhiều tác phẩm về chủ đề này xuất bản ở Mỹ, họ toàn đưa ra những ví dụ hành động mà không có giáo điều.

Ông trích các nhân vật Soljenitsyne, Lech Walesa và François Michelin… Những người này có điểm nào chung?

Trước hết là đức tính cao thượng, đó là tính cá biệt đầu tiên của một  người lãnh đạo. Tính cao thượng, là giấc mơ biến thành hành động, ý nghĩa của sứ mệnh, của lòng biết ơn và của nhân gấp bội nén bạc của mình. Và sau đó là tinh thần khiêm tốn, tinh thần phục vụ người khác. Đối với tôi, lãnh đạo là một công việc cao thượng: người lãnh đạo làm cho người khác được lớn lên hơn là điều khiển họ.

Nhìn bề ngoài thì đó là hai đức tính ngược nhau. Vì thế tôi dạy cả hai cùng với nhau: không thể tách cái này ra cái kia! Tính cao thượng là cái tháp mà bạn xây dựng lên. Khiêm tốn, là nền tảng trụ đỡ nó. Càng ý thức các nén bạc mình nhận được thì nhất thiết càng phải khiêm tốn. Vì nếu không, họ cứ xây, cứ xây thì có một ngày tất cả sẽ sụp đổ, vì họ đã không có nền tảng là đức khiêm tốn.

Ngược lại, tiếc thay có nhiều nhà quản trị công giáo có tinh thần phục vụ nhưng không có đức tính cao thượng, không cao cả. Đơn giản vì họ không ý thức nén bạc riêng của mình. Và từ đó, họ không không phát triển một tầm nhìn cho chính mình cũng như cho người khác.

Ông có thể giải thích về việc không có tầm nhìn này?

Nhiều người công giáo có một tầm nhìn về đức khiêm tốn nhưng nhìn sai, và tôi xem đó là khiêm tốn giả tạo. Trong một vài môi trường, để khỏi trở thành kiêu ngạo, người ta hoàn toàn im lặng về dụ ngôn các nén bạc. Trong khi ý thức về nén bạc của mình là bằng chứng của đức khiêm tốn, vì khiêm tốn là thói quen sống trong sự thật. Tôi đã rất xúc động khi thấy trong bản tuyên bố chung của Giáo phụ chính thống Cyrille và của Đức Phanxicô đã có một đoạn nói về tuổi trẻ. Hai nhà lãnh đạo tôn giáo đã kêu gọi người trẻ kitô giáo không được coi thường các nén bạc mình đã nhận.

Các nhân vật ông nêu gương, họ đã phối hợp tính cao thượng và khiêm tốn như thế nào?

Chúng ta lấy ví dụ của ông Édouard Michelin, ông nội của ông François Michelin và là người đồng sáng lập nhóm. Ông tin một cách mãnh liệt, sự phát triển của hãng xưởng nhất thiết tùy thuộc vào sự sáng tạo của các thành viên. Khi thanh niên Marius Mignol vào công ty, anh không học cao, ông Édouard Michelin đưa anh vào nhà máy in, làm cho người trưởng phòng nhân viên nghĩ ông Édouard bị điên. Ông chỉ trả lời bằng một câu nói khó hiểu: “Đôi khi phải đập cục đá để thấy viên kim cương ở trong.” Có nghĩa là khi đứng trước một tình trạng chưa từng có thì con người có thể cho thấy phần tốt nhất của mình.

Nhưng để nói được như vậy thì phải có một cái nhìn về con người thật sự rất cao – lòng cao thượng -, có nghĩa là ý nghĩa của tầm cao cả và của nén bạc cần làm tăng trưởng. Và đúng vậy, sau đó Mignol đã phát minh ra bánh xe xuyên tâm, ông đã làm một cuộc cách mạng kỹ nghệ. Đó là các trực giác trong chiều hướng này đã làm cho Michelin trở thành số một thế giới!

Tại sao ngày nay không còn những Michelin?

Vì không còn nhiều người được đào tạo trong tinh thần này. Đương nhiên anh hùng của câu chuyện này không phải là Mignol mà là Michelin, chính ông đã khám phá ra Mignol. Vấn đề là phải tạo ra các Michelin. Bằng cách nào? Bằng cách đưa ra khái niệm lòng cao thượng và đức khiêm tốn cùng đi với nhau. Có thể vào cuối thế kỷ 19, Édouard Michelin có được điều này tốt hơn tôi. 

Với tất cả những gì thể hiện trong xã hội bây giờ, làm sao một người chủ lớn có thể vun trồng đức tính khiêm tốn?

Khiêm tốn không phải là một đức tính siêu nhiên như đức tin, đức cậy, đức mến. Đó là một đức tính tự nhiên. Tất cả mọi người đều có thể trau dồi đức tính này chứ không chỉ có tín hữu kitô giáo. Nhưng nghịch lý thay, đây lại là đức tính mang tính cách tôn giáo nhất trong tất cả các đức tính tự nhiên. Vì nó đòi hỏi ý thức ở một chiều dọc gắn liền với con người: cái người ta gọi là tôn giáo tự nhiên.

Đức tính khiêm tốn nói với chúng ta, rằng chúng ta là những tạo vật được dựng lên và vì thế phụ thuộc vào một Đấng Khác. Trong nghĩa này, bản chất mà chúng ta nhận là một ơn. Vấn đề của chúng ta bây giờ là chúng ta ở trong một nền văn minh không còn nhận ra ngay cả thiên nhiên. Rất nhiều người đánh mất ý thức chiều dọc này, họ nghĩ họ là những vị thần của chính họ, họ có thể tự tái sinh ra, tự tái sáng tạo ra như người Mỹ hay nói: đó là kiêu ngạo điên cuồng của chủ thuyết chuyển đổi nhân văn.

Người ta có thể là một nhà lãnh đạo tốt nhưng không có Chúa không?

Trên thực tế, rất khó để phục vụ con người nếu họ không nhận định được sự hiện diện của Chúa nơi mỗi con người. Đó là trọn thảm kịch của học thuyết nhân loại của người vô thần. Dostoievski đã nói: “Không thể thay thế sự vắng mặt của Thiên Chúa bằng tình yêu nhân loại, bởi vì những người thông minh sẽ hỏi: Tại sao tôi phải yêu nhân loại?” Đúng, tại sao tôi phải yêu người khác nếu không có Chúa và sau khi chết, tôi sẽ thành cây cỏ sao? Đó là một câu hỏi có ý nghĩa.

Đa số những người tôi quen, và họ thật sự là những người phục vụ đích thực, nhưng không bắt buộc phải là kitô hữu, tất cả đều có một cái nhìn rằng, nơi mỗi người đều có Chúa trong lòng, hay có một cái gì vô cùng xứng đáng đã vượt quá sức của họ. Và chính vì điều này mà họ phục vụ. 

Đâu là những người lãnh đạo ngày nay? Người ta đi tìm họ và trong tất cả mọi lãnh vực…

Có nhiều hơn là chúng ta nghĩ nhưng họ ở trong bóng tối. Rất nhiều người mẹ gia đình là các nhà hướng dẫn con cái mình, vì họ làm giống như ông Michelin làm cho các nhân viên của mình: làm họ lớn lên. Nhưng người ta không nói về các bà mẹ…

Và, thường thường đứng sau các nhà lãnh đạo lớn là những người đàn bà phi thường, người ta không bao giờ biết đến tên của họ. Và thường, đó là những người có tấm lòng cao thượng đích thực. Và họ có một đức tính khiêm tốn đáng ngạc nhiên: họ không ở trang nhất của báo chí vì họ không khám phá ra bánh xe, cũng không ở trong trại tập trung, cũng không viết sách.

Đức tính mà ông đặt trọng tâm vào việc giảng dạy của ông thì không có tiếng tăm tốt cho mấy.

Đúng, ngày nay nói về lãnh đạo “đức hạnh” thì thật là khiêu khích. Nhưng tôi chọn chữ này vì nó lột hết ý nghĩa của tinh thần này. Như một thương hiệu: mời đầu nó gây ngạc nhiên, thậm chí còn làm nổi bật. Sau hai, ba năm, nó sẽ trở thành phong tục tập quán. Phải chấp nhận chữ này gây sốc một chút, gây phản ứng và ngay cả gây loại bỏ, nhưng rồi nó đi vào phong tục.

Lãnh đạo đức hạnh không phải duy nhất là một khái niệm của thị trường nhưng cũng có nhiều cách quản trị khác?

Chắc chắn chủ đề phải lôi cuốn, phải hữu ích. Nếu không thì để làm gì? Sợ rằng chữ “đức hạnh” không được hiểu rõ, tôi đã thử tìm các chữ thay thế khác nhưng không được. Tôi phải ghi nhận điều làm cho mọi người quan tâm, trong nhiều nước khác nhau mà tôi đến thì chính là chữ đức hạnh. Có nghĩa là trên cái bệ nhân văn nền tảng này mà một người phải trụ, nếu họ muốn làm lãnh đạo.

Cũng đừng coi thường: lãnh đạo không phải là một kỹ thuật hay một công thức nhưng là cá tính. Và một cá tính được phát triển là nhờ ở việc trau dồi các đức hạnh.

Làm thế nào để thực hiện một cách cụ thể khi mà xã hội một cách nào đó đã loại cá thể, thay vào đó là những con người có thể chuyển đổi qua về với nhau?

Thảm kịch đúng là bây giờ người ta không còn tin vào việc đào tạo cá tính. Người ta tin vào cảm xúc, người ta tạo ra giải trí, dẫn đến việc người ta tạo ra những con người không có chiều kích thiêng liêng.

May thay người trẻ còn được lôi cuốn qua việc trải rộng ra cá tính của mình, nhất là khi chứng tỏ cho các em biết, cá tính cũng bao gồm khả năng; tiếng la tinh chữ đức hạnh có nghĩa “khả năng”. Ví dụ chữ cẩn thận là có khả năng lấy các quyết định đúng. Can đảm là dám, là mạo hiểm, là biết đương đầu. Người trẻ sẽ hiểu ngay, khi đi biển là phải đương đầu, dù gặp bão tố. 

Và cũng là một cách để được tự do?

Khả năng là tự chủ, là không trở nên nô lệ cho các đam mê của mình nhưng dùng nó tốt nhất có thể. Bởi vì nó cũng là nguồn năng lực cho phép làm những chuyện phi thường! Người ta có thể mơ những chuyện to lớn hay phục vụ người khác. Nhưng cẩn thận, có ước muốn phục vụ chưa phải là phục vụ đích thực. Còn nữa.

Marta An Nguyễn dịch