Radio Renascença – Aura Miguel – 14/9/15
Trích bài phỏng vấn Đức Giáo hoàng Phanxicô, thực hiện bởi Aura Miguel, Radio Renascença, ngày 08-9
Nhóm truyền thông của chúng con đã dự một diễn đàn với các tổ chức Kitô giáo, cũng như từ các tôn giáo khác, với mục tiêu là giúp chào đón những người tị nạn. Cha có lời nào để động viên những người ra tay giúp đỡ, và động viên cả các thính giả và nhân viên của đài chúng con không?
Tôi chúc mừng anh chị em, và tôi cảm ơn vì những gì các bạn đang làm, và cho tôi có một lời khuyên: Trong ngày phán xét, chúng ta đã biết là mình sẽ được phán xử thế nào. Điều này đã được ghi trong chương 25 Tin mừng theo thánh Matthêu. Khi Chúa Giêsu hỏi bạn: ‘Ta đói, con có cho Ta ăn không?’ bạn sẽ trả lời ‘Có’ .. và rồi là ‘Khi Ta là người tị nạn, con có giúp Ta không?’ ‘Có!’ ‘Vậy thì chúc mừng con, con đã qua bài kiểm tra rồi!’ Và tôi cũng muốn nói đôi điều về những người trẻ không có công ăn việc làm. Tôi nghĩ đây là một chuyện khẩn cấp, đặc biệt là với các dòng tu có sứ mạng giáo dục, nhưng còn là với các giáo dân, các nhà giáo dục ở đời, cần sáng tạo ra những khóa học, các trường dạy ngắn hạn cấp thời. Nếu một người trẻ không có công ăn việc làm, đi học nấu ăn hay hàn chì, trong vòng 6 tháng, thì người đó có thể làm được những công việc nhỏ, luôn luôn có những mái nhà cần sửa chữa mà, hay họ làm thợ sơn, với những gì đã học được, người đó sẽ dễ dàng hơn để tìm việc, dù là một việc thời vụ hay bán thời gian. Người đó có thể làm những việc mà chúng ta xem là lặt vặt, nhưng như thế thì sẽ không bị ăn không ngồi rỗi. Bây giờ chúng ta đang sống trong một thời đại của giáo dục khẩn cấp. Đây là những gì thánh Don Bosco đã làm. Khi thấy có nhiều trẻ em lang thang trên đường phố, ngài nói rằng, ‘phải có giáo dục’ nhưng ngài không đưa các trẻ đến trường sơ cấp hay trung cấp, thay vào đó ngài dạy nghề cho các em. Vậy nên, ngài tìm một vài thợ mộc, thợ hàn, dạy cho các em biết việc, và như thế, các em luôn luôn có cách để kiếm sống.
Bây giờ tôi muốn kể một câu chuyện về thánh Don Bosco, ở ngay Roma này, gần Trastevere, một nơi …
… Một nơi nghèo …
Đúng, một khu vực rất nghèo, nhưng bây giờ đây là hình mẫu cho các người trẻ theo. Thánh Don Bosco đi chiếc xe ngựa, hay trong xe hơi, tôi cũng không biết nữa, và có ai đó ném đá làm vỡ cửa kính. Nên ngài bảo bạn đồng hành dừng lại, và nói: ‘Đây là nơi chúng ta nên ở lại!’ Hãy xem, khi đối diện với một hành động gây hấn, ngài xem đó là một cơ hội để giúp những người này, giúp các trẻ em, các thanh niên chỉ biết lêu lổng. Và ngày nay, ở đây có một giáo xứ nhỏ của dòng Don Bosco, chuyên giáo dục thanh niên và trẻ em, trong trường học và bằng nhiều cách khác. Và như thế, chúng ta trở về lại với người trẻ, điều quan trọng là chúng ta cho giới trẻ ngày nay, đặc biệt là những người không thể tìm được việc làm, một sự giáo dục khẩn cấp trong một số lĩnh vực có thể tạo điều kiện cho họ kiếm sống.
Cha rất phê phán châu Âu và phương Tây, vốn được xem là thế giới thứ nhất, với lối sống quá tập trung vào tiện nghi. Điều gì khiến cha phiền lòng nhất?
Vâng, tôi nghĩ là chuyện này cũng có trong một số thành phố ở châu Mỹ, Bắc hay Nam Mỹ, họ đều có cùng chung vấn đề này, chứ không chỉ riêng châu Âu …
… Đây là cái gọi là thế giới thứ nhất …
Đúng, trong các thành phố lớn … Ở Buenos Aires, có một khu vực lớn cho văn hóa tiện nghi, và bao quanh thành phố lại là các khu ổ chuột và đủ mọi thứ khác. Còn về châu Âu thời nay, tôi không nói chuyện là như thế. Người ta phải nhận ra rằng châu Âu có một nền văn hóa ngoại hạng. Sự thật là, châu Âu có hàng thế kỷ văn hóa và cũng là nơi của sự tiện nghi về tri thức. Dù gì đi nữa, những gì tôi muốn nói là châu Âu phải dùng hết năng lực của mình để tái nắm giữ vai trò lãnh đạo trong dàn phối hợp các quốc gia. Nghĩa là một lần nữa châu Âu phải xác định được con đường để đi, bởi châu Âu có nền văn hóa đủ để làm việc đó.
Nhưng châu Âu vẫn giữ được căn tính của mình? Châu Âu đang khẳng định căn tính của mình?
Tôi đã suy nghĩ rất lâu và rất day dứt về những gì tôi đã nói ở Strasbourg. Tôi muốn nhắc lại điều này: Châu Âu không chết. Hiện nay đang hơi có tính bà già (cười) nhưng châu Âu vẫn có thể trở lại thành một bà mẹ. Và tôi có niềm tin nơi các chính trị gia trẻ tuổi. Các chính trị gia trẻ đang có môt tông giọng khác. Có một vấn đề thế giới, không chỉ tác động lên châu Âu mà thôi nhưng là cả thế giới, đó là nạn tham nhũng. Tham nhũng đủ mọi mức độ … Điều này cũng cho thấy một đạo đức hời hợt, phải không?
Trong tông thư mới nhất, cha có nói về điều này, cha muốn mọi người ý thức hơn nữa, nhưng chúng con thấy nhiều người vẫn làm ngơ. Nếu cha nhìn vào chi tiết các kết quả bầu cử, cha sẽ thấy số người không đi bầu còn chiếm tỷ lệ cao hơn tỷ lệ ủng hộ một đảng …
Bởi người ta thất vọng. Một phần là bởi tham nhũng, một phần là bởi thiếu hiệu quả, và phần nào là bởi các chuyện trước đó. Dù gì đi nữa, tôi muốn lặp lại những lời đã nói ở Strasbourg, châu Âu có thể, và phải, chu toàn vai trò của mình, và phục hồi căn tính của mình. Thật vậy, châu Âu đã sai lầm, mà chuyện này tôi không chỉ trích chỉ là nhớ lại thôi, châu Âu đã sai lầm khi muốn nói về căn tính của mình mà không nhìn nhận một mức độ thâm sâu nhất, chính là gốc rễ Kitô giáo. Đây là một sai lầm. Nhưng, chúng ta tất cả đều có sai lầm trong đời … Bây giờ là lúc để phục hồi đức tin của châu Âu.
Thưa Đức Thánh Cha, con xin đưa ra một câu hỏi thay mặt các thính giả, về làn sóng của chủ nghĩa cá nhân. Điều gì có thể chạm đến tự do của một người cứ làm những gì mình muốn, và từ thưở nhỏ đã được dạy khái niệm hạnh phúc rằng ‘hạnh phúc nghĩa là không có chuyện phiền phức’? Nhìn chung, trẻ em đang được dạy để mong muốn ‘không phải rước chuyện phiền phức và làm những gì mình muốn’ …
Sống mà không có chuyện gì thì thật tẻ ngắt. Thật chán chường. Một người, bên trong bản thân, có nhu cầu phải đối diện và giải quyết các xung đột và vấn đề. Rõ ràng, một nền giáo dục dạy các em đừng có vấn đề gì, là một nền giáo dục vô trùng. Thử xem nào: Hãy uống một ly nước khoáng, nước lấy từ vòi, rồi lại uống một ly nước cất. Thật dở tệ phải không nào, nhưng nước cất không có vấn đề gì cả … (cười) kiểu này cũng giống như nuôi trẻ em trong phòng thí nghiệm, phải không? Xin đừng thế …!
Điều quan trọng là phải mạo hiểm?
Mạo hiểm và luôn luôn đặt mục tiêu! Bạn cần phải giáo dục trên đôi chân. Để giáo dục tốt, bạn phải có một bàn chân vững vàng trên mặt đất, và một bàn chân khác nâng lên bước tới, tìm xem nơi nào để đặt xuống. Và khi bàn chân đó đặt xuống sàn, thì đưa bàn chân kia lên (ĐTC dỡ bàn chân lên) và … chính đó, đó là giáo dục: Cho mình ổn định với những điều an toàn, nhưng cố gắng và thực hiện một bước tiến cho tới khi nó vững chắc, rồi tiếp thêm một bước khác …
Cần phải cố gắng lắm để giáo dục như thế …
Cần có mạo hiểm? Tại sao lại thế? Bởi bạn có thể bước nhầm và ngã .. Nếu vậy, thì hãy đứng dậy và tiếp tục bước tới!
Thưa Đức Thánh Cha, trong thời đại chủ nghĩa cá nhân mà chúng ta đang sống, và cha cũng đã nhắc đến ở Strasbourg, dường như con người luôn luôn tìm kiếm quyền lợi, luôn luôn tách khỏi việc tìm kiếm chân lý. Cha có tin đây cũng là một vấn đề ảnh hưởng đến cách sống đức tin hay không?
Có thể … Luôn luôn đòi hỏi, mà không có lòng quảng đại để trao đi. Chúng ta đòi quyền lợi của mình, nhưng lại không đòi nghĩa vụ của mình đối với xã hội. Tôi tin rằng quyền lợi và nghĩa vụ phải song hành. Nếu không, chúng ta đang tạo ra một nền giáo dục gương soi: bởi giáo dục trước một tấm gương chính là thói ái kỷ và ngày nay, chúng ta đang sống trong một nền văn minh ái kỷ.
Và làm sao để thắng trận chiến này?
Nhờ giáo dục, ví dụ như, về quyền lợi và nghĩa vụ, một nền giáo dục về các việc mạo hiểm có lý, tìm kiếm mục đích sống, tiến tới chứ không đứng ì nhìn mãi vào gương … Để chúng ta không bị chung số phận như Narcisus, cứ nhìn mãi vào dòng nước, thấy mình quá đẹp, rồi chìm nghỉm luôn trong đó. [Blup!]
J,B, Thái Hòa chuyển dịch