Triều Giáo hoàng Lêô là cơ hội mới cho quan hệ Việt Nam – Vatican

176

Triều Giáo hoàng Lêô là cơ hội mới cho quan hệ Việt Nam – Vatican

Với người công giáo tại Việt Nam, đã đến lúc họ có thể tin tưởng con đường dài từ Rôma đến Hà Nội cuối cùng có thể được trải bằng thảm niềm tin.

Giáo hoàng Lêô XIV mang nhẫn ngư ông chào giáo dân cuối Thánh lễ nhậm chức tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày 18 tháng 5. (Ảnh: AFP)

ucanews.com, Alex Hoàng, 22 tháng 5 năm 2025

Khi làn khói trắng bốc lên trên Nhà nguyện Sistine và tên Đức Lêô XIV vang lên lần đầu, một cảm giác hy vọng lặng lẽ xuất hiện trong tâm hồn người công giáo Việt Nam.

Việc bầu Tân Giáo hoàng – sau triều mục vụ sâu sắc của Đức Phanxicô – không chỉ đánh dấu sự chuyển giao lãnh đạo trong Giáo hội toàn cầu mà còn là bước ngoặt có thể có trong hành trình kéo dài hàng thập kỷ của quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và Việt Nam.

Với khoảng sáu triệu tín hữu, công giáo là tôn giáo có tổ chức nhất ở Việt Nam. Trong khi nhiều người Việt vẫn giữ các tín ngưỡng dân gian truyền thống hoặc không có tôn giáo chính thức, thì ít cộng đồng nào trong nước thể hiện mức độ thống nhất, tổ chức và ảnh hưởng đến xã hội mạnh như đạo công giáo.

Trong nhiều thập kỷ, người công giáo tại Việt Nam đã duy trì sự cân bằng tinh tế: một mặt, duy trì đời sống đức tin sốt sắng, một mặt họ hoạt động dưới sự hạn chế chặt chẽ của một nhà nước độc đảng giám sát sít sao các hoạt động tôn giáo.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cả chính phủ Việt Nam và Tòa thánh đều có những bước đi thận trọng nhưng không nhầm lẫn để hướng đến quan hệ với nhau.

Một chặng đường dài đối thoại

Sau năm 1975, quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh xấu đi, đặc biệt là vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, khi căng thẳng bùng phát về tranh chấp đất đai của Giáo hội – tranh chấp liên quan đến Giáo xứ Thái Hà và khu đất của Phái đoàn Tòa thánh trước đây ở bên cạnh Nhà thờ chính tòa Hà Nội.

Các cuộc biểu tình ôn hòa của người công giáo bị đàn áp, làm gia tăng thêm sự ngờ vực giữa Giáo hội và Nhà nước.

Tuy nhiên, từ đầu những năm 2010, một quá trình ngoại giao lặng lẽ nhưng ổn định đã diễn ra. Năm 2011, Vatican bổ nhiệm đại diện không thường trú tại Việt Nam, tiếp theo là bổ nhiệm Tổng giám mục Marek Zalewski làm đại diện thường trú đầu tiên của Giáo hoàng tại Hà Nội năm 2023 – một mốc quan trọng trong mối quan hệ song phương.

Tại sao lập trường của Hà Nội thay đổi?

Về mặt đối ngoại, Việt Nam đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc cải thiện hồ sơ nhân quyền, đặc biệt với các quốc gia phương Tây. Việc hợp tác với Vatican – tiếng nói đạo đức toàn cầu – sẽ cải thiện hình ảnh ngoại giao của đất nước.

Trong nước, người công giáo Việt Nam ngày càng có vai trò càng lớn trong việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Dù họ bị hạn chế về giáo dục và truyền thông, nhưng họ đã nổi bật vươn lên trong kinh doanh, trong các hoạt động từ thiện và xã hội dân sự. Một số doanh nhân công giáo đang lãnh đạo các tập đoàn lớn, một số đã là tỷ phú.

Hơn nữa, nhiều nhà lãnh đạo thế hệ mới của Việt Nam đã học tập hoặc làm việc tại các quốc gia có văn hóa kitô giáo như Pháp, Mỹ,  Ý. Sự tiếp xúc này đã thúc đẩy thái độ đồng cảm hơn với Giáo hội.

Chính quyền cũng công nhận tính kỷ luật và sự gắn kết mạnh mẽ của cộng đồng công giáo. Ở nhiều giáo xứ, khi các linh mục địa phương lên tiếng, toàn thể cộng đồng lắng nghe. Người công giáo cũng đã hiến đất cho các dự án cơ sở hạ tầng công cộng mà không yêu cầu đền bù – một hành động được nhà chức trách đánh giá cao.

Tóm lại, việc cải thiện quan hệ với Giáo hội không những chỉ có lợi cho ngoại giao quốc tế mà còn là một chiến lược thực dụng trong nước.

Yếu tố Lêô XIV

Dù vẫn còn ở giai đoạn đầu của triều Tân Giáo hoàng, Đức Lêô XIV đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của ngài trong việc tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng của Giáo hội với các quốc gia cộng sản và hậu cộng sản. Là Hồng y, ngài hiểu mối quan tâm của ngài với Châu Á và việc xây dựng hòa bình và đối thoại liên văn hóa.

Các quan sát viên và người công giáo Việt Nam đều tin Đức Lêô XIV sẽ tiếp tục di sản của Đức Phanxicô, người đã đưa quan hệ Việt Nam-Vatican đến ngưỡng cửa bình thường hóa. Có rất ít lý do để nghĩ rằng Đức Lêô XIV sẽ làm chậm tiến trình này.

Ngược lại, quan hệ ngoại giao chính thức có thể trở thành một trong những thành tựu đầu tiên sứ mệnh toàn cầu của ngài.

Theo các quan sát viên Vatican, Việt Nam có thể là một trong những quốc gia châu Á đầu tiên ngài cân nhắc để đi thăm. Với người công giáo Việt Nam, một chuyến đi như vậy sẽ không chỉ mang tính biểu tượng, nhưng còn xác nhận sự hiệp thông trọn vẹn của họ với Giáo hội hoàn vũ và thừa nhận hành trình đức tin của họ dưới áp lực.

Nếu thành hiện thực, đây sẽ là lần đầu tiên một Giáo hoàng đến thăm Việt Nam, một khoảnh khắc có tầm quan trọng sâu sắc về mục vụ và ngoại giao.

Bối cảnh khu vực và những thách thức dai dẳng

Việt Nam không đơn độc trong tiến trình quan hệ với Tòa thánh. Tại Trung Quốc, Vatican đã phải đối diện với những  trở ngại trong việc thực hiện thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm giám mục.

 

Trong khi đó, Hàn Quốc, đất nước có số giáo dân đông đảo năm 2014 đã nồng nhiệt đón Đức Phanxicô. Việt Nam đang đứng giữa ngã ba đường của hai mô hình: thận trọng như Trung Quốc, cởi mở như Hàn Quốc.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức. Quá trình bổ nhiệm giám mục vẫn cần hỏi ý kiến của chính phủ, hạn chế quyền tự chủ của Giáo hội. Các tranh chấp về tài sản vẫn chưa được giải quyết. Phương tiện truyền thông và trường học công giáo hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ.

Một vấn đề khác nằm ở không gian kỹ thuật số. Trong khi lời lẽ ngoại giao đã được cải thiện, nhiều nền tảng trực tuyến – gồm một số nền tảng được cho là có liên quan đến các cơ quan chính phủ – vẫn tiếp tục lan truyền những câu chuyện chống công giáo. Điều này tạo mối lo ngại về việc liệu sự tham gia của Hà Nội với Vatican có xuất phát từ thiện chí thực sự hay tính toán chiến lược.

Một tiếng nói từ thực địa

Cha Giuse Long, một linh mục giáo xứ ở miền trung Việt Nam đã bày tỏ sự lạc quan thận trọng: “Chúng tôi không lo lắng về việc giáo hoàng là ai. Điều quan trọng là Tòa thánh có nhớ đến chúng tôi là người công giáo đang sống ở những nơi khó khăn. Nếu Đức Lêô đi theo con đường của Đức Phanxicô đã mở ra, từ xa chúng tôi sẽ cảm nhận được điều này.”

Thế hệ trẻ xem kỷ nguyên mới này là cơ hội để họ sống đức tin một cách cởi mở hơn. Cô Thủy, một sinh viên ở Huế cho biết: “Nếu ngài đến Việt Nam, tôi sẽ đi tàu để gặp ngài, dù phải đi 20 giờ! Chúng tôi chưa bao giờ thấy sự công nhận Giáo hoàng như vậy trước đây. Điều này mang một ý nghĩa rất lớn với chúng tôi.”

Một khoảnh khắc ân sủng

Khi Đức Lêô XIV đảm nhận chức vụ Thánh Phêrô, Việt Nam thấy mình đang ở thời điểm then chốt – không chỉ về mặt ngoại giao mà  còn về mặt tinh thần. Ngoài nghệ thuật chính trị, người công giáo Việt Nam khao khát được Giáo hội hoàn vũ đón nhận hoàn toàn không chỉ về mặt giáo lý mà còn về mặt hiện diện.

Qua chuyến thăm của Giáo hoàng, việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức hay sự hợp tác mở rộng trong giáo dục và từ thiện, triều Đức Lêô sẽ mở ra một chương hiếm hoi và đầy hy vọng. Với hàng triệu người công giáo Việt Nam đã đến lúc họ tin tưởng thêm một lần nữa – Giáo hội có thể phát triển mạnh mẽ trong tự do và con đường dài từ Rôma đến Hà Nội cuối cùng có thể được trải đầy niềm tin.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Đức Lêô XIV, Người chăn chiên nhân lành

Từ Đức Phanxicô đến Đức Lêô XIV: Một giai đoạn lịch sử của Giáo hội Công giáo

Từ Avignon nước Pháp đến Rôma nước Ý:  đạp xe 1.000 cây số để mừng ngày Đức Lêô XIV nhậm chức

Một nạn nhân nạn buôn người kể lại câu chuyện bà làm việc với Đức Lêô XIV để cứu các phụ nữ ở Chiclayo