la-croix.com, Arnaud Bevilacqua và Clémence Houdaille, 2024-10-28
Linh mục Laurent Stalla-Bourdillon, Thần học gia, Giám đốc Cơ quan thông tin của các chuyên gia giáo phận Paris
Jean-Louis de La Vaissière, cựu nhà báo AFP, được Vatican công nhận từ năm 2011 đến năm 2016, tác giả của một số tác phẩm về giáo hoàng.
Ngày 24 tháng 10, Đức Phanxicô công bố Thông điệp Người đã yêu thương chúng ta, Dilexit nos dành riêng cho Thánh Tâm. Một thông điệp ít được ngoài phạm vi công giáo chú ý, ngược với sự quan tâm chính trị-truyền thông của Thông điệp Laudato si’ năm 2015 và Thông điệp Fratelli Tutti năm 2020.
Thông điệp Người đã yêu thương chúng ta
“Tuy Thông điệp này ít được chú ý nhưng vẫn có một tương lai” – Linh mục Laurent Stalla-Bourdillon, Thần học gia, Giám đốc Cơ quan thông tin của các chuyên gia của giáo phận Paris
Việc tiếp nhận một thông điệp cần có thời gian. Năm 2015, Thông điệp Laudato si’ ở trong khuôn khổ của Hội nghị COP21 Paris nên đã được đón nhận mạnh mẽ. Nhưng với Thông điệp Người đã yêu thương chúng ta thì không có một hy vọng nào. Cũng không giống Thông điệp Fratelli Tutti là thông điệp nói đến vấn đề di cư và sự hiệp nhất của gia đình nhân loại, nhưng Thông điệp về Thánh Tâm không có một đối tượng xác định và gần như giới truyền thông không nắm được nội dung. Thông điệp không được chú ý, cho thấy giới truyền thông không quan tâm đến đời sống Giáo hội. Giáo hội cần xem lại vấn đề này. Thêm nữa, Thông điệp công bố khi Thượng Hội đồng kết thúc làm mờ đi sự chú ý.
Đức Phanxicô: “Xã hội toàn cầu đang mất trái tim”
Ngoài ra, Thông điệp Người đã yêu thương chúng ta có thể làm chúng ta bối rối. Hai thông điệp cuối cùng của Đức Phanxicô mang tính xã hội, ngài gần như được cho là nhà lãnh đạo chính trị hơn là nhà lãnh đạo tôn giáo. Dư luận quần chúng quan tâm nhiều đến quan điểm chính trị và xã hội của ngài nhiều hơn là quan điểm thiêng liêng để họ có thể dựa vào. Với Dilexit nos, một số người ngạc nhiên, thậm chí thất vọng. Nhưng khi suy gẫm về tình yêu con người, ngài đã nối kết được các liên kết xã hội quan trọng nhất, kết thúc bằng trái tim của trái tim: nơi của tình yêu. Thông điệp rất sâu sắc, phù hợp với logic của những gì ngài đã nói từ đầu triều.
Thông điệp về Trái Tim Chúa Giêsu: Đức Phanxicô mong “làm cho thế giới yêu thương”
Tôi không nghĩ chúng ta có thể nói Thông điệp này chỉ dành cho người công giáo. Nếu chúng ta đọc kỹ, chúng ta sẽ thấy ngài đưa ra các giải pháp để đương đầu với các cuộc khủng hoảng của thời đại này. Theo tôi, Thông điệp này đi sau Thông điệp Laudato si’ và Thông điệp Fratelli tutti là một bộ ba hoàn hảo các Thông điệp của ngài. Trước hết ngài nói về môi trường sống của nhân loại, bị suy thoái về sinh thái; sau đó là nói về cơ thể bị chiến tranh và chia rẽ tàn phá và bây giờ là quả tim con người. Nếu con người không giữ lại được tình yêu là sức mạnh của trái tim, họ sẽ không tìm ra giải pháp cho nỗi đau khổ của họ trong hai thông điệp đầu tiên.
Nếu thông điệp chưa đánh thức được tâm hồn con người thì tôi tin chắc, thông điệp này có tương lai. Đức Phanxicô nhấn mạnh thế giới chỉ có thể thay đổi từ trái tim. Tình yêu là liều thuốc giải độc cho một thế giới đang ngày càng lạnh lẽo và tê liệt. Vì thế tùy thuộc ở chúng ta để hiểu và giải thích ý của ngài.
Thông điệp Người đã yêu thương chúng ta là phương thuốc chữa mọi đau khổ, mọi thiếu thốn tình yêu
Không có gì ngạc nhiên khi Thông điệp này ít được giới truyền thông chú ý, họ còn bận chú ý đến các vấn đề gây tranh cãi như vụ Abbé Pierre, chúc phúc cho các cặp đồng tính, chức phó tế nữ, các vấn đề liên quan đến sức khỏe của ngài, ngài sắp từ nhiệm hay chưa, ngoài ra họ chẳng quan tâm gì khác.
Sau 11 năm làm giáo hoàng, sự chú ý dành cho ngài đã giảm sút, chúng ta đã thấy qua thời điểm quan trọng ở Marseille tháng 9 năm 2023, khi ngài nói về vấn đề nhập cư, xã hội đã không đón nhận. Cũng vậy với chuyến đi Châu Á của ngài tháng 9, chuyến đi cảm động này cũng bị giới truyền thông không để ý đến nhiều, chuyến đi Bỉ cũng vậy, giới truyền thông chỉ nói về việc phá thai.
Các phương tiện truyền thông và xã hội Pháp phần lớn thờ ơ với các chủ đề mang tính tôn giáo như Thánh Tâm. Thông điệp Laudato si’ về môi trường, Thông điệp Fratelli Tutti về tình liên đới được quan tâm nhiều vì chạm đến các chủ đề nhạy cảm của xã hội. Trước đây các thông điệp của Đức Gioan-Phaolô II được đón nhận nhờ sức thu hút và nhờ các lời nói mạnh mẽ của ngài. Cũng vậy với Đức Bênêđíctô XVI, dù chiều cao thần học của ngài vượt quá sự hiểu biết với quần chúng.
“Dilexit nos”: vì sao Đức Phanxicô quan tâm đến Thánh Tâm Chúa Giêsu
Thông điệp Người đã yêu thương chúng ta có nội dung của một lòng đạo đức cổ kính, bình dân nên giới truyền thông có phần xem thường. Đây cũng là một trong những nghịch lý của ngài, ngài yêu thế giới ngày nay nhưng ngài cũng dựa vào truyền thống. Người ngày nay không đi tìm chiều sâu của mầu nhiệm ở đây, thế giới đương đại đã mất trọng tâm của mình. Nói về trái tim, Đức Phanxicô kêu gọi quay về với điều thiết yếu, với tình cảm, với kết nối… Đây là thông điệp đi ngược với các giá trị giả của ngày nay – tốc độ, hiệu quả, lợi nhuận.
Đức Phanxicô là giáo hoàng có văn hóa, quan tâm đến các thần học gia Pháp, được văn hóa thần bí phong phú Châu Âu nuôi dưỡng. Nhưng những tài liệu tham khảo này không còn được chia sẻ. Tôi cũng thấy có một điều gì đó sâu xa hơn trong sự thờ ơ này: ngài đã làm thất vọng vì ngài không đi theo các tiêu chuẩn của chủ nghĩa tiến bộ mà người dân có về ngài. Đúng là thông điệp của ngài mang tính nghịch lý, đôi khi rất táo bạo, nhưng đôi khi lại bảo thủ. Những tuyên bố rất mạnh của ngài chống việc phá thai ở Bỉ và trên chuyến bay từ Bỉ về Rôma đã làm người Pháp bị sốc vì họ muốn đưa việc phá thai vào Hiến pháp, vì thế có thể đã góp phần tạo phản ứng của giới truyền thông: ngài như ở một hành tinh khác, như các giáo hoàng tiền nhiệm của ngài, chúng ta đặt nhiều hy vọng ở ngài, nhưng ngài chỉ là người của quá khứ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch