Tầm quan trọng của các cử chỉ

153

Tầm quan trọng của các cử chỉ

Osservatoreromano.va/it, Gaetano Vallini, 2024-09-05

Đại giáo sĩ Nasaruddin Umar cúi xuống hôn trán Giáo hoàng, ngài đáp lại bằng cách hôn tay giáo sĩ. Chắc chắn hai cử chỉ này không có trong nghi thức nhưng đã nói lên tất cả ý nghĩa sâu sắc của cuộc gặp sáng thứ năm 5 tháng 9 tại nhà thờ Hồi giáo Istiqlal ở Jakarta. Một cuộc gặp liên tôn trong tình bạn, tình huynh đệ, trong tinh thần hòa hợp đã được cảm nhận trước khi Đức Phanxicô đến, qua cung cách, qua nụ cười, qua y phục truyền thống, qua cách chào nhau, cùng nhau chụp hình của những người đại diện các tôn giáo khác nhau.

Nhưng ở đây tất cả những điều này là chuyện bình thường. Nhà thờ công giáo Đức Mẹ Lên Trời và Nhà thờ hồi giáo Istiqlal đối diện nhau ở góc đông bắc Quảng trường Merdeka chính của thủ đô Indonesia. Ngăn cách hai tòa nhà là đường xe huyết mạch lớn và sầm uất, nhưng trong ba năm qua đã có một đường hầm đặc biệt, “Đường hầm Hữu nghị silaturahmi (tiếng Indonesia)” không chỉ là đường hầm đơn giản nhưng là con đường huyết mạch trong quan hệ nhân bản giữa các thành viên của hai tôn giáo. Và bây giờ còn hơn thế, được thể hiện qua các tác phẩm nghệ thuật, biểu tượng của sự chung sống hòa bình vốn là đặc điểm của người dân Indonesia, với đa số là người hồi giáo, nhưng họ có quan hệ thân thiết với thiểu số người công giáo.

Và hình ảnh Đường hầm mang tính biểu tượng đã gợi ý một số suy nghĩ cho Đức Phanxicô trong các cuộc gặp quan trọng của chuyến đi Châu Á và Châu Đại Dương. Nhà thờ Istiqlal là nhà thờ hồi giáo lớn nhất Châu Á, lớn thứ ba thế giới sau nhà thờ Mecca và Medina. Khi Đức Phanxicô đến đây, hai em bé trong y phục truyền thống tặng hoa và Đại giáo sĩ Nasaruddin Umar ôm chào ngài, trong tiếng hát của ca đoàn trẻ hát chào mừng ngài đến nhà thờ hồi giáo, nơi tràn đầy hòa bình, lòng nhân ái và tình yêu.

Sau đó, Đại giáo sĩ sẽ cùng đi với Đức Phanxicô vào đường hầm. Tại đây ngài ký trên sổ lưu niệm, ngài có bài phát biểu ngắn chào quan khách, nhắc lại hình ảnh ánh sáng chiếu sáng lối đi ngầm: “Trước những dấu hiệu đe dọa của thời kỳ đen tối, chúng ta có dấu hiệu của tình huynh đệ, chào đón người anh em và tôn trọng căn tính của họ, khuyến khích họ đi theo con đường chung của tình bạn để dẫn tới ánh sáng.”

Đức Phanxicô và Đại giáo sĩ sẽ đi vào căn lều màu đỏ và trắng, mở đầu với bài hát đầy cảm xúc của một số câu trong kinh Koran, được bà Kayla Nur Syahwa khiếm thị, người chiến thắng trong cuộc thi đọc kinh Koran dành cho người khuyết tật hát. Tiếp theo một linh mục đọc  một đoạn dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu của Phúc âm Thánh Luca.

Trong bài phát biểu, Đại giáo sĩ tóm tắt các mục tiêu của Giáo hội thúc đẩy tinh thần khoan dung và ôn hòa tôn giáo ở Indonesia. Sau đó là phần đọc và ký kết Tuyên bố chung Istiqlal 2024 có tựa đề “Thúc đẩy hòa hợp tôn giáo vì lợi ích nhân loại”. Một cam kết chung bao gồm bốn điểm: hỗ trợ các giá trị chung để đánh bại văn hóa bạo lực và thờ ơ, phát huy văn hóa tôn trọng nhân phẩm, trắc ẩn, hòa giải và tình đoàn kết huynh đệ để vượt lên tình trạng mất nhân tính và hủy hoại môi trường, hai cuộc khủng hoảng lớn hiện nay thế giới phải đối diện; hợp tác để thực hiện vấn đề này; công nhận đối thoại liên tôn là công cụ hiệu quả để giải quyết xung đột; mời những người thiện tâm dứt khoát hành động để bảo vệ sự toàn vẹn của hệ sinh thái”.

Giám mục Christophorus Tri Harsono, đại diện Hội đồng Giám mục địa phương, và Giáo sĩ Ismail Cawidu, chủ tịch Hội đồng Hồi giáo đã đọc văn bản bằng tiếng Indonesia trước khi đưa Đức Phanxicô, Đại giáo sĩ Nasaruddin Umar của Hiệp hội Nahdlatul Ulama, giáo sĩ Abdul Mu’ti, thuộc hiệp hội Muhammadiyah đại diện cho người hồi giáo, mục sư Jacky Manuputty đại diện Giáo hội tin lành và các đại diện của Phật giáo, Nho giáo và các tín ngưỡng khác ký.

Trong bài phát biểu, Đức Phanxicô nhắc lại: “Nhà thờ hồi giáo Istiqlal được kiến trúc sư công giáo Friedrich Silaban thiết kế, bắt đầu với lời kêu gọi hãy luôn nhìn sâu sắc, vì chỉ ở đó chúng ta mới có thể tìm thấy những gì đoàn kết vượt lên trên những khác biệt, quan tâm đến những mối ràng buộc, vì đoàn kết được sinh ra từ những mối quan hệ cá nhân, từ tôn trọng và bảo vệ lẫn nhau”. Vì thế ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Tuyên bố: “Chúng ta chịu trách nhiệm về những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mang tính đe dọa cho tương lai nhân loại, đặc biệt là các cuộc chiến tranh và xung đột, không may bị thúc đẩy bởi sự trấn áp tôn giáo, cũng như cuộc khủng hoảng môi trường, đã là trở ngại cho sự phát triển và cùng tồn tại của các dân tộc”.

Thứ trưởng Bộ Tôn giáo đã tặng Đức Phanxicô mô hình nhà thờ Hồi giáo và bức phù điêu tròn bằng vàng kỷ niệm chuyến viếng thăm. Đức Phanxicô tặng Đại giáo sĩ một huy chương bạc của chuyến tông du. Nhưng nhất là bức ảnh tập thể tình huynh đệ vẫn sẽ là hình ảnh biểu tượng của cuộc gặp quan trọng này.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Đầy những bất ngờ, Đức Phanxicô bắt đầu hành trình Châu Á và Châu Đại Dương

Đức Phanxicô gặp “những ngôi sao sáng” của Giáo hội Jakarta

Người dân Papua ở Indonesia gởi lời kêu cứu đến Đức Phanxicô