Vai trò của phụ nữ trong Giáo hội hồi giáo ở Indonesia rất quan trọng

31

Vai trò của phụ nữ trong Giáo hội hồi giáo ở Indonesia rất quan trọng

la-croix.com, Dorian Malovic, đặc phái viên tại Jakarta, 2024-09-04

Phỏng vấn giáo sĩ Ulil Abshar Abdalla, một trong những nhà lãnh đạo cao nhất của Hiệp hội Nahdlatul Ulama, tổ chức hồi giáo lớn nhất Indonesia với gần 100 triệu giáo dân. Ông trả lời phỏng vấn của báo La Croix về bản chất độc đáo của hồi giáo Indonesia và vai trò quan trọng của phụ nữ trong giới trí thức hồi giáo.

Giáo sĩ Ulil Abshar Abdallalà một trong những lãnh đạo cấp cao nhất của tổ chức Hồi giáo lớn nhất ở Indonesia, thảo luận về bản chất độc đáo của Hồi giáo Indonesia. MELALIN MAHAVONGTRAKUL / AFP

Xin giáo sĩ cho biết tình trạng đạo hồi ở Indonesia.

Giáo sĩ Ulil Abshar Abdalla: Hồi giáo Indonesia là một trong những Giáo hội đáng nghiên cứu nhất trong thế giới hồi giáo ngày nay, vì ở nhiều khía cạnh, chúng ta thấy một động lực xã hội, chính trị và trí tuệ ở đây rất độc đáo. Kể từ khi kết thúc cải cách chính trị vào đầu những năm 2000, trong lãnh vực trí tuệ, người dân được quyền suy nghĩ làm phong phú thêm các cách giải thích khác nhau về hồi giáo, khác biệt với Pakistan, người dân ở đó sợ lên tiếng vì sợ khép vào tội báng bổ.

Cách đây không lâu, bầu khí độc hại này cũng đã có ở Indonesia?

Đúng vậy, trong những năm 2010, nỗi sợ hãi này vẫn còn khi một số nhóm hồi giáo cho rằng việc giải thích khác nhau về hồi giáo nguyên thủy là báng bổ. Ngày nay xu hướng này không còn. Hai tháng trước, Jemaah Islamiyah, một trong những nhóm hồi giáo cực đoan nhất được thành lập năm 1993 đã giải tán tổ chức của họ. Chủ nghĩa chính thống hầu như đã biến mất ở Indonesia.

Hiện nay hồi giáo ở Indonesia sống trong yên bình?

Chúng tôi sống khoan dung nhưng không có nghĩa là không có vấn đề. Tôi lo ngại khi tranh luận công khai không còn phẩm chất, không còn sôi động như 25 năm trước vì sự xuất hiện của công nghệ số và mạng xã hội. Chất lượng các tranh luận trên các diễn đàn này rất kém và hời hợt. Chúng tôi cần những suy tư vững vàng về tôn giáo, về đối thoại liên tôn, đặc biệt nhờ sự đóng góp không thể thiếu của phụ nữ.

Chính xác thì vai trò của phụ nữ trong lãnh vực trí tuệ của hồi giáo là gì?

Vai trò của họ trong đạo hồi ở Indonesia rất quan trọng. Ngoài các hoạt động xã hội tích cực, họ có nhiều sáng kiến khi giải thích về kinh Coran và đạo hồi. Ở các quốc gia hồi giáo khác, phụ nữ thụ động, họ không có những ý tưởng mới. Ở Indonesia chúng tôi may mắn có nhiều nữ ulema (thần học gia) rất tích cực trong giới tôn giáo và trí thức, họ chú giải sâu đậm kinh Koran.

Tôi đã ở Pakistan cách đây vài ngày và đến thăm một số trường học, một số trường của tổ chức Taliban Afghanistan điều hành. Tôi nói chuyện với các ulema về việc chúng tôi tổ chức Đại hội Phụ nữ Ulema Toàn quốc (Kupi) ở Indonesia, họ rất ngạc nhiên. Một thực tế không thể có được với họ lúc này. 

Ảnh hưởng mạnh mẽ này có được chấp nhận dễ dàng không?

Trên thực tế, không dễ quản lý những nơi chốn dành cho phụ nữ trí thức. Vẫn còn phản kháng của một số xu hướng truyền thống, nhưng phong trào ouléma đã tồn tại được 5 năm, ngày nay họ có hơn 500 thành viên. Họ được giáo dục ở các trường trường kinh Coran madrasas, họ có trình độ và được đào tạo rất vững chắc. Tuy nhiên, khả năng họ hướng dẫn cầu nguyện vẫn còn bị tranh cãi.

Giáo sĩ đã ủng hộ họ nhưng bây giờ giáo sĩ thay đổi ý định?

Đúng, trước đây tôi ủng hộ việc phụ nữ được phép hướng dẫn cầu nguyện, nhưng cuối cùng tôi thấy việc họ là giáo sĩ và chủ trì buổi cầu nguyện không quá quan trọng. Trước đây tôi nghĩ rất quan trọng, nhưng tôi không có ý kiến. Tôi nghĩ ưu tiên lúc này là họ được đào tạo và có một địa vị quan trọng trong không gian trí tuệ hồi giáo. Họ đã quản lý hàng chục trường học, đào tạo các cô gái sẽ thành ouléma tương lai. Đây là ưu tiên của tôi bây giờ. Họ có cách tiếp cận và quan điểm khác về việc đọc Kinh thánh. Họ có đời sống nội tâm riêng, trải nghiệm sống này rất đặc biệt và đây là điều quan trọng để đóng góp cho tương lai. Tương lai sẽ cho chúng ta biết họ có thành iman hay không.

Giáo sĩ thấy thách thức lớn với hồi giáo Indonesia là gì?

Quyền tự do tôn giáo phải được đặt lên hàng đầu, quyền tự do giữ đạo phải được áp dụng cho tất cả các tôn giáo. Đa số người dân theo đạo hồi, chúng tôi có trách nhiệm lớn hơn trong việc bảo đảm quyền tự do này, vì quyền này vẫn còn nhiều vấn đề, đặc biệt với những người theo đạo tin lành sống ở các khu dân cư hồi giáo. Khi họ tổ chức các cuộc họp tại nhà, họ cầu nguyện, họ ca hát và láng giềng hồi giáo xem đó là khiêu khích. Nhưng chúng ta phải chấp nhận họ qua đối thoại.

Với tôi, thách thức còn lại liên quan đến tình trạng của nền dân chủ Indonesia. Tinh thần cải cách, tuần trăng mật của những năm 2000 đang dần phai nhạt. Nền dân chủ vẫn còn ở Indonesia với các cuộc bầu cử tự do, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do cho ø các đảng phái chính trị, nhưng sự suy giảm mức độ dân chủ có thể tạo nguy hiểm cho sự an bình tôn giáo. Các chính trị gia của chúng tôi phải duy trì tinh thần dân chủ tốt đẹp và tôn giáo tốt lành ở Indonesia.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

“Đơn thuần Đức Phanxicô là người Papua như chúng tôi”

Với tinh thần kiên trì và không mệt mỏi, Đức Phanxicô đi tông du

Tại Indonesia Đức Phanxicô được chào đón như ngôi sao nhạc rock: thánh lễ với 80.000 giáo dân!