Đức Phanxicô và đại giáo sĩ Nasaruddin Umar sẽ đi “Đường hầm tình bạn” tại Jakarta
Trước chuyến đi của Đức Phanxicô đến Jakarta, nhà báo Dorian Malovic của báo La Croix đã đi “đường hầm tình bạn” ở Jakarta, nối liền nhà thờ hồi giáo Istiqlal với nhà thờ Đức Mẹ Lên Trời. Đức Phanxicô và Giáo sĩ Imam sẽ đi đường hầm này ngày thứ năm 5 tháng 9 trước khi đường hầm được mở ra cho công chúng.
la-croix.com, Dorian Malovic, đặc phái viên tại Jakarta (Indonesia)
Nhìn từ trên không Nhà thờ Jakarta và Nhà thờ hồi giáo Istiqlal. Hai tòa nhà được kết nối bằng một “đường hầm tình bạn” Đức Phanxicô và đại giáo sĩ Jakarta sẽ đi ngày thứ năm 5 tháng 9. syahrir/stock.adobe.com
Biểu tượng mạnh mẽ. Đức Phanxicô và Đại Giáo sĩ Imam của Jakarta sẽ đi “đường hầm tình bạn” Silaturahmi nối liền nhà thờ hồi giáo Istiqlal và nhà thờ Đức Mẹ Lên Trời. Đây là đường đi ngắn khoảng ba mươi mét giữa hai vũ trụ tôn giáo, nhà báo La Croix đã có vinh dự đi đường hầm này khi chưa mở cửa cho công chúng.
Trong thinh lặng của đoạn đường này, hai tôn giáo gặp nhau, đối thoại với nhau một cách tự do. Các bức phù điêu bằng gỗ, đá cẩm thạch và đồng của các nhà điêu khắc Indonesia Sunaryo (Tây Java) và Aditya Novali (Trung Java) nói lên tình huynh đệ giữa hai tôn giáo mang đến cho nơi này một chiều kích huyền bí hiếm có, nơi suy gẫm, nơi phản ánh và cầu nguyện.
Một ý tưởng mới vào năm 2021
Linh mục Thomas Ulun, phó thư ký giáo phận Jakarta giải thích: “Một số người xây tường để chia rẽ, nhưng ở Jakarta, người công giáo và người hồi giáo đào đường hầm tình bạn để đến gần nhau, đối thoại với nhau và tôn trọng nhau. Linh mục cho biết, công trình được đại giáo sĩ hồi giáo Nasaruddin Umar, và Hồng y Ignatius Suharyo, tổng giám mục Jakarta thực hiện.”
Khi công trình tu sửa nhà thờ hồi giáo thực hiện năm 2021, Tổng thống Joko Widodo đã gặp đại giáo sĩ Umar và hồng y Suharyo. Ông Susyana Suwadie, người công giáo gốc Hoa phụ trách truyền thông của giáo phận cho biết: “Chính Tổng thống có ý tưởng nối kết hai nhà thờ. Chúng tôi nghĩ đến một lối đi bên ngoài, nhưng Tổng thống thích lối đi ngầm hơn. Tổng thống thành lập một ủy ban chung công giáo-hồi giáo và bộ Công chính tiến hành công trình.”
Ông Susyana nói tiếp: “Một năm sau khi thực hiện công trình, Ủy ban xây dựng mời các nghệ sĩ đóng góp các tác phẩm nói lên lòng khoan dung, sự tôn trọng và tình bạn để tô điểm cho địa điểm linh thiêng này”. Nhiều nhà tài trợ hồi giáo và công giáo đã tài trợ để các tác phẩm này được thiết kế dọc theo các bức tường của đường hầm. Cả hai cộng đồng đều có những nhà hảo tâm rộng lượng.
“Một hành động mang tính biểu tượng mạnh mẽ”
Theo Hồng y Suharyo, đây là hành động mang tính biểu tượng rất mạnh nhằm tăng cường hơn nữa đối thoại đã hiệu quả của hai cộng đồng. Vẫn còn đóng cửa với công chúng, đường hầm sẽ được chính thức khánh thành một ngày sau chuyến thăm của Đức Phanxicô đến Jakarta.
Hồng y chưa biết liệu ngày thứ năm 5 tháng 9, Đức Phanxicô có đi đường hầm này hay không, nhưng giáo sĩ Nasaruddin Umar, 65 tuổi cho biết ngài sẽ đi bên cạnh Đức Phanxicô: “Đây là dấu hiệu cho thấy Indonesia hòa đồng với các tôn giáo khác, nhưng cũng còn tùy thời gian và an ninh.” Hồng y Suharyo nhấn mạnh: “Dù sao đây là con đường mang tính lịch sử, một liên minh mạnh mẽ với anh em hồi giáo, một đảm bảo cho sự hòa hợp vững chắc.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch