Chân phước Carlo: Thánh lễ hàng ngày, một cách cụ thể để sống đức tin của chúng ta
Trích sách “Trao truyền đức tin theo cách Carlo Acutis, con chúng tôi”, Antonia Salzano và Andrea Acutis (Transmettre la foi à l’école de notre fils Carlo Acutis, Antonia Salzano et Andrea Acutis, nxb. Salvator). Linh mục Giorgio Maria Carbone phỏng vấn ông bà Andrea Acutis và Antonia Salzano.
Với Chân phước Carlo, việc đi lễ và chầu Thánh Thể là cách Carlo biến những điều mình tin thành hiện thực phải không?
Chắc chắn rồi. Carlo đi lễ và chầu Thánh Thể mỗi ngày, cả trong thời gian nghỉ hè. Khi chúng tôi đi nghỉ hè ở Assisi, Carlo dành rất nhiều thì giờ để ngồi trước nhà tạm và tìm các nhà thờ có chầu Thánh Thể để đến chầu. Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Thiên thần luôn có chầu Thánh Thể mỗi buổi chiều, nên chiều nào Carlo cũng đến chầu. Carlo thinh lặng cầu nguyện, tập trung nói chuyện riêng tư thân mật với Chúa. Một cách ngây thơ, Carlo nói với chúng tôi: “Chúa nhìn con, con nhìn Chúa. Cái nhìn này thêm sức cho con. Con để Chúa quan sát con, đào sâu vào con, uốn nắn tâm hồn con. Chúa thực sự hiện diện, Chúa không phải là một phát minh. Chúa ở đây. Nếu mọi người ý thức điều này, họ sẽ đến với Chúa. Nếu mọi người tin vào sự thật này thì cuộc sống của họ sẽ được cải thiện rất nhiều!”
Carlo chép lại câu này của Thánh Augustinô: “Không ai ăn thịt này mà không kính thờ trước; không kính thờ sẽ là phạm tội”, đó là cách chúng ta chuẩn bị tốt nhất để đón nhận Bí tích Thánh Thể.
Carlo nói, Bí Tích Cực Thánh hiện diện trong nhà tạm tỏa tình yêu chữa lành này và chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm và chúng ta hiệp nhất với Giáo hội khải hoàn, Giáo hội ở trên thiên đàng và giờ này Giáo hội quy phục trước Chiên Thiên Chúa, để xin Chúa ban ơn cho mọi người. Trong Nhà tạm, Chúa Giêsu hiện diện, Ngài kính thờ Chúa Cha, Ngài muốn kết hợp với mọi người với Chúa Cha. Chúa Giêsu dạy chúng ta cách thờ phượng Chúa Cha. Trước Thánh Thể, chúng ta phải có thái độ tôn kính này.
Carlo cũng khuyến khích các bạn của Carlo kính thờ Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Carlo nói: “Các bạn làm như tôi, các bạn sẽ thấy có một cuộc cách mạng đang diễn ra trong bạn.” Chúng tôi tin chắc chính sự kết hợp với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể đã làm cho Carlo có lòng bác ái với những người thấp bé, người nghèo.
Carlo luôn nói Nhà Tạm là chiếc nôi ân sủng. Trong Nhà Tạm có Ba Ngôi Chí Thánh. Tôi thấy Nhà Tạm trong tính năng động của Carlo. Thực tại Thánh Thể là bằng chứng, bằng chứng chúng ta được tiền định để nên thánh. Sự thánh thiện chúng ta có được là nhờ chúng ta trung thành với Bí tích Thánh Thể qua việc thực hành bảy nhân đức: ba nhân đức đối thần (đức tin, đức cậy, đức ái) và bốn nhân đức chính (khôn ngoan, công bằng, sức mạnh, tiết độ). Gương mẫu là Chúa Giêsu. Công cụ là lý trí và ân sủng. Điều này được ban hoặc được ban lại qua các bí tích. Nhà tạm ở gần Đấng Thánh. Nhà tạm mật thiết với Ba ngôi Chí Thánh từ hai mươi thế kỷ nay. Như thế Nhà Tạm có thể làm chúng ta trở nên thánh thiện, nhưng cũng có thể có sự không đáp lại, không trung thành, đạo đức giả, ích kỷ, không thấy giải pháp, một hành trình nguy hiểm khó quay đầu lại.
Carlo khiêm tốn và đơn sơ. Một lòng khiêm tốn chân chất, một đơn sơ làm đơn giản mọi chuyện. Trong tinh thần này, Carlo nói chuyện với Chúa. Một đối thoại vui vẻ và tin tưởng để đến với Thánh Thể, để nhận mình đang đứng trước một Thiên Chúa duy nhất. Khoảng cách là vô tận, dù Nhà tạm chỉ cách đó vài mét.
Thờ phượng là tỏ lòng tôn kính dành riêng cho Thiên Chúa.
Chúng ta cần suy nghĩ để có thể dùng từ ngữ loài người nói chuyện với Đấng Tuyệt đang thực sự ở trong Bí tích Thánh Thể, tôn kính, hy vọng và tin vào một Thiên Chúa duy nhất của tình yêu. Hơn nữa, chúng ta tuyên xưng khi chúng ta leo lên đỉnh của các điều răn trên núi Sinai, theo giới luật của Giáo hội và theo con đường bổn phận của quốc gia mình. Chúng ta bắt đầu giờ chầu với Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh, Kinh Truyền Tin, xin Chúa cho chúng ta được bình an. Chúng ta có thể đọc thêm lời cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin cho con yêu Chúa nhiều hơn; xin Chúa nhận lấy con người thật của con và biến đổi con theo ý Chúa, con sẽ cố gắng ít xúc phạm Chúa, Lạy Chúa, con xin phó thác con cho Chúa.”
Chúng ta phải bước vào tinh thần Nhà Tạm, một tinh thần đặc biệt, là phép rửa tội được tái sinh, là sự phát triển thiêng liêng. Bí tích Thánh Thể là lương thực thiêng liêng, tuy đa dạng về chất liệu, nhưng vẫn là một hình thức, một hoàn hảo. Theo nghĩa tuyệt đối, Bí tích Thánh Thể là bí tích duy nhất, bí tích của hiệp nhất. Dù Bí tích Thánh Thể có hai yếu tố bánh và rượu nhưng theo giáo huấn của Giáo hội, chúng ta tuyên xưng Bí tích này là duy nhất. Phép rửa cần thiết để bắt đầu cuộc sống siêu nhiên. Bí tích Thánh Thể cần thiết để hoàn thành sự sống siêu nhiên.
Bí tích Thánh Thể có ba ý nghĩa: ý nghĩa đầu tiên liên quan đến quá khứ, tưởng nhớ cuộc khổ nạn, nghi thức hóa cuộc khổ nạn, làm cho cuộc khổ nạn hiện diện không đổ máu trong mỗi Thánh lễ, và làm cho chúng ta hiện diện trước tác dụng của sự hy sinh. Đó là lý do vì sao Thánh Thể được gọi là hy tế. Điều thứ hai liên quan đến sự hiệp nhất của Giáo hội, lý do vì sao Thánh Thể được gọi là hiệp thông, là tham dự. Điều thứ ba liên quan đến tương lai: Thánh Thể báo trước hạnh phúc vĩnh cửu và vì thế được gọi là của ăn đàng. Trong bí tích Thánh Thể, chúng ta có ba yếu tố: Sacramentum tantum, bánh và rượu; res et Sacramentum, nhiệm thể đích thực của Chúa Kitô; res tantum, là tác dụng của bí tích. Chiên Vượt Qua là hình ảnh chính của Bí tích Thánh Thể. Chúa Kitô đã thiết lập bí tích này dưới hình bánh và rượu, đến từ Tin Mừng. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta dùng bánh và rượu, thức ăn thông thường của loài người. Chúng ta lãnh nhận bánh là bí tích Mình Thánh, rượu là bí tích Máu Thánh. Bí tích này tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa, máu tách ra khỏi thân xác Chúa Kitô để cứu độ, để cứu rỗi linh hồn. Chúng ta đừng để Máu Thánh thành vô nghĩa với chúng ta. Chúng ta phải làm chứng Bí tích Thánh Thể hiện hữu. Chỉ cần đẩy cửa vào bất cứ nhà thờ nào. Có người quỳ gối. Có buổi lễ đang diễn ra. Có cái gì đó. Có ai đó.
Chúng ta đặt câu hỏi. Chúng ta tự hỏi. Nhưng đó là bằng chứng gần như sờ thấy được về ảnh hưởng của Bí tích Thánh Thể. Thánh Thể là quyền công dân bất khả xâm phạm. Chúng ta cần nói, cần cảm nhận thực tế. Chúng ta phải làm! Chúng ta có năm châu lục: châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ và châu Đại Dương. Thánh Thể trải qua và hỗ trợ tất cả những thăng trầm của hành tinh. Chúng ta không nghĩ tới, không để ý đến, không mong đợi, nhưng khi có động đất, núi lửa phun trào, lũ lụt hay tai ương khác, Nhà Tạm sẽ bị cuốn trôi như mọi thứ khác. Khi công bố một sự kiện thảm khốc, chúng ta không bao giờ nói đến hàm ý và sự sụp đổ của Nhà Tạm. Một hiện diện, một chia sẻ, một tham gia… Một hiện diện là một hiện diện. Trong Nhà Tạm và từ Nhà Tạm, sự hiện diện thiêng liêng, thực chất, phong phú nuôi dưỡng đang hành động. Chúng ta không thể không tính đến Thánh thể. Thánh Thể đã ở đây trong hai mươi thế kỷ. Rất gần. Trong Nhà Tạm có Sự sống, có Bản thể, có Vĩnh cửu, có Vô Lượng. Bản thân Thánh Thể là một thế giới, một hành tinh mới, một ngôi sao mới. Thánh Thể có trong lịch sử, có trong địa lý. Nhà Tạm phải trở thành nhà của mọi người, nơi ở của mỗi người, nơi gặp gỡ, điểm quy chiếu, thông số, đơn vị đo lường. Thánh Thể phải được kính thờ sốt sắng. Chúng ta cần làm cho Thánh Thể mang tính cá nhân hơn. Chúng ta tạ ơn về ân sủng này. Tạ ơn là nhận ra lợi ích chúng ta nhận từ Thánh Thể. Nhận biết và cảm nhận mình là người nhận ơn. Tạ ơn và đánh giá cao ơn của Chúa. Nhà Tạm là một trong những ơn lớn nhất của Chúa. Nhà Tạm là nơi tạ ơn. Ở đó, Chúa Giêsu tạ ơn. Ngài tạ ơn Chúa Cha. Ngài tạ ơn Chúa Thánh Thần, tạ ơn Giáo Hội. Ngài tạ ơn đến mọi người. Ngài tạ ơn tôi, tạ ơn các bạn. Lời tạ ơn tuôn trào từ Nhà Tạm. Ngoài ra còn có tha thứ. Cuộc Khổ Nạn vẫn tiếp tục. Phải có được tha thứ. Chúng ta dâng Nhà Tạm lên Chúa.
Để mô tả những gì xảy ra trong chúng ta khi chúng ta tôn thờ Bí tích Thánh Thể, Carlo dùng các ẩn dụ khác nhau: “Hướng về phía mặt trời, chúng ta rám nắng. Đối diện với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta trở nên thánh thiện.”
Hoặc “Khi một tia sáng nhỏ lọt vào phòng tối, với mắt thường chúng ta có thể thấy bụi bay lơ lửng trong phòng vì các các hạt bụi nằm trong đường đi của ánh sáng sẽ truyền ánh sáng đến mọi hướng, như chúng ta thấy mặt trăng trên bầu trời ban đêm. Điều tương tự cũng xảy ra với tâm hồn chúng ta. Khi kính thờ Thánh Thể, chúng ta được ánh sáng tỏa ra từ Bí tích Thánh Thể tác động, vì thế chúng ta sẽ thấy tất cả “bụi” làm ô nhiễm tâm hồn, ngăn chúng ta tiến bước trên con đường thánh thiện, mà bình thường với mắt thường chúng ta không thấy các bụi này.
Việc thờ phượng đáp lại khát vọng “im lặng” để “lắng nghe tiếng Chúa”, đơn giản hóa lời cầu nguyện cá nhân và tách mình ra khỏi những thứ thừa mứa. Carlo nói: “Lời cầu nguyện càng đơn giản thì càng sâu sắc. Để đến gần Chúa hơn, điều quan trọng là phải thực sự giải thoát mình khỏi chính mình và khỏi mọi thứ dư thừa.”
Lịch sử các Nhà Tạm là lịch sử cứu độ, lịch sử suốt hai thiên niên kỷ không đổ máu, hiện diện từng giây phút trên khắp địa cầu. Mọi người theo Thánh Thể, được Thánh Thể khẳng định mình. Mỗi Nhà Tạm đều có một lịch sử. Và đó không phải là chuyện đơn giản. Bất cứ ở đâu có một Nhà Tạm thì ở đó có một nhà nguyện, một nhà thờ đã được xây. Trong 20 thế kỷ, từ năm này sang năm khác, đã có không biết bao nhiêu Nhà Tạm đã được xây. Trên tất cả các lục địa, nếu chúng ta làm bản đồ với những bóng đèn nhỏ, chúng ta sẽ thấy hàng triệu bóng đèn sáng lên. Bí tích Thánh Thể đi vào thế giới và hòa nhập với tất cả những ai sống trên thế giới. Con người cần được giải phóng, thanh lọc, nhân bản hóa bằng Bí tích Thánh Thể. Đây không phải là một suy nghĩ xa lạ và khó hiểu, Đây là việc tái nhân đạo để tái hòa nhập. Sự hiện diện sống động của Bí tích Thánh Thể phục vụ mục đích này. Chúng ta phải tìm cách truyền bá ý tưởng văn hóa. Ý tưởng phụng vụ nếu không chúng ta có nguy cơ bị nuốt chửng với loại văn hóa tắc nghẽn. Chúng ta phải làm tất cả những điều này “nên thánh thể”, đây không phải là hành động không tưởng. Đây là một việc làm to lớn, đúng, nhưng không phải là không thể. Nếu Thánh Thể có thể đi vào thế giới này, mở đường, tiến về phía trước, đầu tư vào thế giới này, thì Thánh Thể sẽ chiến thắng. Chắc chắn chiến thắng vì một làn gió mới đang thổi! Tất cả chỉ cần bấm nút, làm một hành động, một ngón tay là chúng ta có thể tiếp xúc với thế giới công nghiệp lớn và nhỏ. Điện thoại, truyền thanh, truyền hình, máy tính, Internet ở trong nhà chúng ta 24 giờ một ngày. Nếu chúng ta được nên như Thánh Thể, chúng ta bay cao. Một chuyến bay nhanh như Internet, xuyên lục địa, vũ trụ. Và mọi thứ đi qua trước mắt chúng ta. Nếu chúng ta có thể “làm tất cả những chuyện này nên thánh thể”, thì đó là một chiến thắng.
Nếu chúng ta thành công? Một dòng chảy mạnh được hình thành trong đó mọi thứ được thu giữ, tập hợp, hợp nhất, khối lượng hóa. Vì Bí tích Thánh Thể tồn tại một cách thực chất và sống động nên Bí tích Thánh Thể phải đi qua dòng điện này. Đây là xu hướng được gọi là đa phương tiện, là dòng chảy khổng lồ, là đại dương tin tức, ý tưởng, lời nói, lời khuyên, đề xuất, nỗ lực, can thiệp với những gì chúng ta có trong đầu. Chúng ta sẽ bị choáng ngợp trước Thánh Thể vì đó là cơn lốc có thể nuốt chửng mọi thứ. Đây là cơ hội, tôi không dám nói là cơ hội cuối cùng để đặt Bí tích Thánh Thể vào cơn lốc. Gần như bằng vũ lực. Gần như bạo lực. Chúng ta cần nói về, cần thảo luận về Thánh Thể trong Nhà Tạm vì Thánh Thể có nguy cơ bị tù chung thân. Bị nhốt, bị giam chặt… Đấng toàn năng ở đây trong bí mật. Hiện hữu ở đó, duy nhất. Đó là điểm chính. Ở đó là Một, là Ba ngôi. Ở đó, thiên đàng. Ở đó 24/24 không ngơi nghỉ. Không ngừng. Không gì cả. Vô cực ở điểm cuối. Vô cực trong hữu hạn của bình chứa. Vô cực trong hữu hạn của nội tâm
Khi dạy giáo lý, Carlo so sánh sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Nhà Tạm với cục nam châm có sức hút cực mạnh: khi chúng ta đến gần, chúng ta sẽ bị cục nam châm thu hút, thu hút những ai chân thành yêu mến Chúa.
Carlo xem giây phút dâng Mình Thánh Chúa là giây phút quan trọng của thánh lễ: “Khi dâng Mình Thánh Chúa, chúng ta phải xin Chúa ban ơn qua công nghiệp của Chúa Giêsu, qua những vết thương thánh của Ngài, qua Máu Thánh, qua nước mắt, qua đau khổ của Đức Mẹ, Mẹ cầu bàu chúng ta hơn bất cứ ai.” Và khi kết thúc truyền phép, Carlo cầu nguyện trong lòng: “Nhờ Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Maria, con xin dâng lời cầu nguyện của con và xin Chúa ban cho con…” Khi rước Mình Thánh Chúa, Carlo nói: “Lạy Chúa Giêsu, xin ở đây với con, nhà của con là nhà của Chúa!” Carlo thường nói: “Chúng ta sẽ lên thẳng thiên đàng nếu chúng ta đến với Bí tích Thánh Thể mỗi ngày!”
Carlo hết lòng tạ ơn sau khi tham dự thánh lễ. Để sống một cách tận tình, Carlo dùng những từ la-tinh của những chữ cái của tôn thờ, tạ ơn, xin ơn, dâng hiến, đền tạ. Carlo tận dụng lời dạy của Thánh Têrêxa Avila: khi rước lễ là khi Chúa Giêsu hướng dẫn chúng ta, và chúng ta phải cố gắng nghe Ngài. Và lời tạ ơn của Thánh Maria Mađalêna Pazzi: tạ ơn sau khi rước lễ là giây phút quý giá nhất mà chúng ta có được trong cuộc đời này, là cơ hội tốt nhất để đối diện với Thiên Chúa, đốt cháy chúng ta bằng tình yêu thiêng liêng của Ngài.
Marta An Nguyễn dịch